thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ Thuật

 

Chị Nhã, tên chị gần như vậy, cùng tên với nhân vật nữ luôn xuất hiện trong những gì gọi là truyện ngắn của tôi trước đây, cũng cần nói rõ, những truyện ngắn thời tiền I-novel. Chị Nhã hỏi: “Thế ở vùng núi Kỳ Vân anh làm gì?”. Tôi chẳng làm gì hết. Tôi trả lời chị: “Tôi ngồi ngó núi Kỳ Vân”. Tôi ngồi ngó núi Kỳ Vân suốt buổi. Vừa ngó núi vừa uống cà phê, uống trà, hút thuốc lá liên hồi. Tôi ngồi ngó núi cả lúc ăn nữa. Cái bàn là cục đá to tướng, có một khoảng mặt phẳng trên đầu cục đá. Ghế ngồi là cục đá nhỏ hơn nhiều, cũng có mặt phẳng trên đầu cục đá, mặt phẳng hơi dốc xuống. Cứ thế tôi ngồi cả buổi ở bàn ghế đá mà ngó núi.

Tôi ngồi cả buổi ngó núi Kỳ Vân, ngó sắc màu của núi. Có từ 5 tới 7 màu, chuyển giao nhau từ tốn, dịu dàng, tế nhị, như thực như hư, để vào buổi trưa hòa tan trong nắng, buổi chiều nhoà lẫn trong bóng tối. Tôi tưởng tượng tôi đã nói với H, vì tôi chưa hề nói với H. về chuyện ngó núi của tôi: “Anh sống có thể chỉ vì những sắc màu của núi Kỳ Vân”. Không ai biết H. là ai, H. chỉ có thật với tôi. Chị Nhã hay bất cứ ai cũng có thể không tin sự chuyển dịch những sắc màu của núi Kỳ Vân. Nhưng hình như chị Nhã tin những gì tôi nói, chị là nhà thơ, một trong số hiếm hoi những nhà thơ có óc não, đặc biệt là một nhà thơ nữ không chịu tuân theo tuyệt đối mệnh lệnh của cảm xúc trái tim, cho tới khi…

“Thế nhưng anh phải làm cái gì để có tiền mà sống chứ, chả lẽ anh cứ suốt ngày chỉ ngồi ngắm nhìn sắc màu của núi?”. Cực chẳng đã tôi phải trả lời về những gì thuộc phạm trù cơm-áo-gạo-tiền, vì chị Nhã hỏi han thành khẩn: “Có chứ, tôi trồng được tới mấy trăm cây mãng cầu. Chị nên biết, mãng cầu ở vùng núi Kỳ Vân ngon nhất miền Nam, có thể ngon nhất của cả nước Việt Nam, và có thể ngon nhất cả khu vực Đông Nam Á. Mãng cầu thịt vừa dai vị lại ngọt thanh, và gần như không có hột, trái lại lớn nữa”.

Vẻ thích thú hiện rõ trên gương mặt khả ái, chân thành của chị Nhã: “Trong các thứ trái cây, tôi thích ăn nhất trái na, trái mãng cầu ấy… Ở miền Nam còn có trái mãng cầu Xiêm nhỉ?”. Tôi nói ngay: “Vùng núi Kỳ Vân là vùng biển, là vùng đất cát thích hợp nhất với thứ mãng cầu tôi trồng, tức là quả na theo tiếng Bắc đó. Lần tới về Sài Gòn, tôi sẽ biếu chị ít trái, chị ăn xem tôi nói có đúng không”. Ở vùng núi Kỳ Vân về Sài Gòn, những buổi không nhậu nhẹt, tôi ngồi suốt tại chỗ chị Nhã làm việc. Hình như chị Nhã cũng chẳng làm gì hết ở cơ quan ngoài việc tiếp khách, và xem chừng chị say sưa tiếp những khách bụi đời như tôi.

Cho tới khi tôi mua mãng cầu ở ngay một cái chợ sát một bên hè phố Sài Gòn, biếu chị Nhã, dĩ nhiên tôi nói đây là mãng cầu vùng núi Kỳ Vân, chị dám đã không còn tin những gì tôi nói. Mãng cầu mua ở chợ này cũng ngon, nhưng chẳng phải thứ “gần như không có hột”, và đặc biệt, người cùng làm việc với chị Nhã, về cơ quan nói chuyện với chị Nhã, trước khi tôi tới: “Có gặp anh Đăng về Sài Gòn, đang đứng mua mãng cầu ở chợ X…”.

Cũng đành với vườn mãng cầu hư tưởng, tôi còn có thể làm chị Nhã không tin rằng chính tôi có thật. Chị Nhã có thể đã nghĩ rằng sự bịa đặt, tưởng tượng, hư cấu, những thứ ấy tạo thành tôi mà thôi.

Sự thật tôi đã có nghe một người bạn nói lại, chị Nhã bảo: “Chuyện ông Đăng nói mà, tin làm gì cho mệt, ông ấy còn bịa chuyện với cả bản thân ông ấy nữa”.

Tôi chỉ còn H. để tin tôi. Tôi nhờ H. giữ bức thư của K. Bức thư duy nhất và cuối cùng K. gửi tôi, vì tôi đã nhờ H. giữ, nên chỉ nhớ đại để vài dòng như sau:

Gửi ông,

Sự khinh bỉ khiến tôi không muốn nhắc đến cái tên của ông………… Faust bán linh hồn cho quỷ, còn ông không phải là Faust thông thái, ông cũng không bị ai bán cả, vì ông chính là quỷ………… Ông là kẻ vu khống, ông là gã lường gạt đê tiện nhất tôi từng biết…………

H buồn giùm tôi về bức thư của K. “Em không thể tưởng tượng cô K. viết bức thư ấy. Làm sao tưởng tượng được, cuối cùng của một mối tình gần hai mươi năm, là những lời lẽ như vậy?”. H buồn lắm về bức thư của K, H nói: “Thật kinh khủng!”.

Không lâu sau đó, tôi báo tin cho H: “Đấy là một bức thư mạo danh cô K. mà thôi. Hôm qua cô K. gọi điện thoại cho anh, nhắn anh tới nhà. Cô K. vừa đi du lịch 6 tháng ở Mỹ mới về, có mua quà cho anh. Vậy thì làm sao cô K. là tác giả bức thư ấy cho được”.

Tôi gặp H đã hơn một năm, chưa một lần tôi nói điều gì không thật. H đã nói tôi thật như đếm. Thật tới mức không giấu đi bức thư sỉ nhục mình thậm tệ, tôi còn đưa H giữ giùm. H nói: “Em thích anh nhất ở chỗ anh rất thật”. Nhưng dù sao tôi không muốn H buồn giùm tôi về bức thư của người bạn lòng một thời của tôi đó, tôi bịa câu chuyện cuộc điện thoại và món quà của người đi du lịch ở Mỹ trở về.

Tôi tự an ủi, dù sao tôi viết văn, làm thơ, thế giới mà tôi sống mang tên Nghệ Thuật. Người thì cho rằng nghệ thuật là một trò ngu xuẩn, như ông Arthur Rimbaud chẳng hạn. Người thì cho rằng nghệ thuật là một trò bịa đặt. Tôi hay bịa đặt chuyện này chuyện nọ, nhưng tôi xin thề, tôi không bịa đặt câu nói của người nói rằng nghệ thuật là một trò bịa đặt.

 

Sài Gòn, 10-9-2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021