thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]
(Diễm Châu dịch)

 

Tảng sáng ngày lễ Giáng sinh năm 1451, trong lúc ông còn chìm đắm trong giấc ngủ chót, François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi, nằm mộng. Ông mộng thấy đó là một đêm trăng tròn và ông đang băng qua một cái truông hoang vắng. Ông dừng lại để ăn một mẩu bánh mà ông đã lôi ra từ trong bị và ngồi trên một tảng đá. Ông nhìn trời và cảm thấy một nỗi buồn phiền lớn. Rồi ông tiếp tục con đường của ông và tới một cái quán. Căn nhà âm u và lặng lẽ, có lẽ mọi người đang ngủ cả. François Villon gõ mãi vào cánh cửa, và bà vợ người chủ quán ra mở cửa cho ông.

Mi tìm gì vào giờ này hở, du đãng?, bà vợ người chủ quán soi đèn lên mặt Villon nói.

Tôi đi tìm thằng em tôi, François Villon đáp, lần cuối cùng người ta thấy nó là ở trong vùng này, và tôi muốn tìm lại nó.

Ông bước vào cái quán âm u, chỉ có một ngọn lửa yếu ớt soi rọi, và ông ngồi vào một bàn.

Bà cho tôi thịt cừu và rượu nho, ông gọi thức ăn, rồi ông ngồi chờ. Bà vợ người chủ quán đem lại cho ông một bát súp cải bắp và một bình rượu tần. Tối nay chỉ còn có thế, bà nói, chú mày khuây khỏa đỡ buồn, là vì bọn lính gác vơ vét trong vùng, chúng ăn hết thức ăn rồi.

Trong lúc Villon ăn uống, có một ông già bước vào, mặt phủ đầy những mảnh giẻ rách. Đó là một người cùi, và ông ta chống gậy. Villon nhìn ông ta không nói gì. Người cùi ngồi ở phía bên kia gian buồng, bên ngọn lửa, và bảo; ta nghe nói chú đi tìm em.

Bàn tay của Villon lẹ làng đưa về phía lưỡi dao găm, nhưng người cùi đã chặn ông lại bằng một điệu bộ. Ta không phải là về phe quân canh, ông ta nói, ta về phe gian đảng và ta có thể dẫn chú tới tận chỗ thằng em của chú. Ông ta chống gậy tiến lại gần cửa và Villon bước theo. Hai người bước ra ngoài trời đông lạnh lẽo. Đó là một đêm trong trẻo và tuyết ngoài đồng đã đông lại. Chung quanh họ trải rộng một vùng truông cằn cỗi, viền bóng đen của những ngọn đồi bao phủ rừng cây. Người cùi đi theo một lối mòn và tiến về phía những ngọn đồi một cách cực nhọc. Villon bước theo sau ông ta, trong lúc, để đề phòng, tay vẫn hờm sẵn trên lưỡi dao.

Khi con đường bắt đầu lên dốc, người cùi dừng lại và ngồi trên một tảng đá. Ông ta rút trong bị ra một cây ocarina,* và bắt đầu thổi một điệu thương nhớ. Thỉnh thoảng, ông ta ngưng lại và hát vài đoạn của một bài ballade đạo tặc nói tới những vụ hãm hiếp và tới bọn gian phi, tới những cuộc trộm cắp và tới lính xen-đầm. Villon lắng nghe ông ta và rùng mình, là vì ông biết rằng bài ballade kia có liên hệ tới ông. Lúc đó, ông cảm thấy một nỗi sợ cấu xé ruột gan ông. Nhưng ông sợ nỗi gì? Ông không rõ, là vì ông, xen-đầm ông cũng chẳng sợ gì hơn là bóng tối và người cùi. Ông cảm thấy nỗi sợ này tựa như một thứ hối tiếc và một nỗi đau buốt.

Thế rồi người cùi đứng dậy, và Villon bước theo ông ta đi về phía rừng. Khi họ tới cái cây đầu tiên, Villon để ý thấy một người bị xử giảo đeo trên cành. Kẻ kia lưỡi lè ra, và trăng hắt một làn ánh sáng xanh mét lên thây ma. Đó là một người lạ mặt, Villon tiếp tục đi. Trên cái cây bên cạnh nữa, cũng có một kẻ bị xử giảo đeo trên cành, nhưng cũng lại là một kẻ lạ mặt. Villon nhìn chung quanh mình và thấy rằng khu rừng đầy những thây người đeo trên cây. Bình thản, ông nhìn họ, từng người một, trong lúc xê dịch giữa những bàn chân mà cơn gió nhẹ khiến đung đưa, cho đến khi ông tìm được người em ông. Ông tháo nó xuống bằng cách lấy dao găm cắt đứt sợi dây và ông đặt nó nằm dài trên cỏ. Cái thây ma đã cứng ngắc, vì chết và vì đông giá. Villon hôn lên trán nó. Và đúng lúc đó, cái thây ma của em ông lên tiếng. Cuộc đời ở đây đầy những con bướm trắng đang chờ anh, anh ạ, cái thây ma nói, và tất cả đều là những bóng ma.

Villon ngẩng đầu lên, ngơ ngác. Người bạn đường của ông đã biến mất, và từ khu rừng, như một bản hợp xướng lớn của tang lễ ca âm thầm, cất lên bài ballade mà người cùi đã hát.

 

(trích Mộng của mộng)

 

* ocarina: thứ kèn bầu nho nhỏ, có mười lỗ (một thứ sáo)... (ND.)

-------------------------

François Villon. Ông sinh năm 1431 và ngày mất của ông không được chắc chắn. Ông tên là François de Montcorbier, và lấy tên người giám hộ đã thay thế cha ông. Ông là một người có cuộc sống phóng đãng và hiếu động, đã giết một vị cố đạo trong một cuộc ẩu đả, tham dự những vụ trộm cướp, từng bị kết án tử hình, án này kế đó đổi thành lưu đày. Trong những bài ballades của ông, ông tán dương đặc ngữ của những kẻ gian phi mà ông giao du; và với tác phẩm Le Grand Testament (Chúc thư lớn), ông ca ngợi tình yêu và nói tới cái chết, sự căm thù, sự nghèo khó, đói khát, hoang đàng lỗi phạm và hối tiếc. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

 

 

 

Ghi chú của dịch giả:

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021