thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chùm cổ tích đương đại [1]

 

Thần Tăng Giá

 

Một ông Vua ở xứ sở nọ vì quá điên đầu với tình trạng lạm phát, lương một phu xe vất vả đầu tắt mặt tối chưa tới hai triệu đồng, mà những quán phở bảy tám trăm ngàn một tô xuất hiện. Ông Vua bèn ra lệnh tăng giá mọi thứ cho chúng dân chừa mà không dám chi tiêu. Thế là xăng dầu điện ga đài loa bánh bún thay nhau ào ạt tăng giá. Để tỏ lòng sùng kính, một vài đại quan còn tính toán tỷ lệ% (ý rằng việc này là tính toán nát óc và hợp lý). Chỉ đám đàn bà đi chợ là hò nhau kêu trời chứ không dám kêu tới tai Vua.

Một đêm, ông Vua đang ngủ, bỗng có một ông Thần hiện ra với cái nhìn lạnh lùng buốt giá. Nhưng khi hỏi kỹ thì đó không phải là ông Thần Buốt Giá mà là ông Thần Tăng Giá. Hoá ra ông Thần này quá phục ông Vua, thấy mình thua xa, không còn xứng đáng làm thần nữa, bèn xuất hiện để nhường danh vị thần thánh cho ông Vua. Nhưng vốn khiêm tốn, ông Vua không chịu.

Tuy nhiên, khi ông Vua chết, ông Vua vẫn được phong thần, gọi là Thần Tăng Giá. Điều đó còn phơ phất bay mãi trong mộng tưởng của đám thần dân xứ sở này, như một thứ hạnh phúc mà không có một xứ sở nào có được, vì xứ sở này có tới hai ông Thần phụ trách về tăng giá. Một ông tăng xong sẽ có một ông tăng tiếp. Cứ thế. Còn hơn luân hồi của nhà Trời. Nhân dân tha hồ mà khấn vái quanh năm. Có lẽ vậy mà xứ ấy gần đây cúng lễ quanh năm, quá hơn là cuồng tín.

 

 

Long lanh lấp lánh lung linh

 

Vì vật giá cao như vậy nên có khá nhiều người làm mệt mỏi mà không đủ ăn. Mặt mày họ nâu xỉn xám đen vàng xanh thâm tím bủng beo thôi thì tha hồ màu sắc. Đôi khi họ ho khan thành những âm vang tàn nhẫn.

Tuy vậy xứ sở đó có rất nhiều nghệ sĩ. Nghệ sĩ mà ốm đói quá thì trông không thẩm mỹ. Vì thế người ta tổ chức rất nhiều cuộc trình diễn sắp đặt, quần áo rất loè loẹt. Đại loại là quần âu màu xanh két thì đi với áo vét đỏ choét. Mắt môi mông má chân tay đều lung linh long lanh lấp lánh.

Nhưng chỉ có ông Vua mới có quyền cho phép những trò pha màu này.

 

 

Vĩnh hằng và tẩu tán

 

Còn những ông Quan? Họ rất bận bịu vì quá nhiều giấy tờ sổ sách. Suốt ngày họ phải đăm chiêu cân nhắc từng chữ để ký vào những đơn xin về đủ mọi thứ của đám dân chúng tham lam. Sau đó phải tính toán về tỷ lệ % của những chữ ký ấy, nên họ rất mau mệt mỏi.

Mỗi tối họ còn phải lo toan suy nghĩ về việc dang chân trái ra, giơ chân phải lên, chuyển qua xích lại vào ra rất khổ tâm rồi mới chìm được vào giấc ngủ.

Ôi những ông Quan... với trái tim đập nhịp nhàng như quả lắc đồng hồ. Các ông đang dịu dàng chìm vào giấc mộng, hồn vía lang thang trong đêm vắng lo nghĩ về mọi thứ. Cất chỗ này, giấu chỗ nọ, gửi chỗ kia, chia chỗ khác...

Cho nên về hưu rồi ông nào cũng làm thơ.

 

 

Nhân nói về làm thơ

 

Xứ ấy một thời tao đàn nhộn nhịp. Văn nhân dập dìu xe ngựa. Lúc an vui thì véo von ca hát, lúc lầm than thì lên tiếng gọi bầy, đánh động cả trời xanh. Nhiều câu thơ viết như nước mắt, “đã đi với nhân dân / thì thơ không thể khác / dân máu lệ khốn cùng / thơ chết áo đắp mặt...” (*) Vì thế nên các quan trong triều không vui, họp bàn cách xử lý.

Một ông nói: Ồn ào vậy, chi bằng ta dẹp quách các Tao đàn đi là xong. Một ông khác lên tiếng: Không nên. Dẹp vậy bọn chúng làm loạn, lại kêu gào đòi tự do cầm bút nữa, có mà ăn cám. Ta cứ tập họp bọn chúng trong các trại sáng tác, cho ăn uống no say. Lúc say rồi thì bọn chúng tất nói bậy, nhiều khi còn tranh nhau cả chỗ đi tiểu tiện. Ta lại còn cho tiền tài trợ. Đứa nhiều đứa ít. Đứa có đứa không. Đứa nông đứa sâu. Thế nào bọn chúng cũng cãi nhau, tranh giành chí choé, kiện tụng cả lên quan. Thế nào cũng xong. Không phải chỉ chúng ta mà người dân cũng ớn.

Khi thi hành quả nhiên đúng y như vậy.

 

-------------------------
(*): thơ Phùng Quán

 

Một chuyện ở trại sáng tác

 

Sau một trận ăn uống no say, các thành viên dự trại sáng tác ngồi lại nói chuyện gẫu với nhau.

Người đầu tiên là anh thợ mộc. Mọi người cùng oà lên không biết vì sao anh lại có mặt ở đây. Hoá ra ngày trước anh có bán mấy cái kệ tủ cho mấy ông thi sĩ, thấy họ cứ véo von vậy mà sướng nên anh thử chuyển nghề. Quả nhiên từ ngày chuyển nghề cơm no bò cưỡi, không vất vả như ngày xưa cưa cắt đục bào. Sau tới anh thợ giày. Lý do cũng như vậy nên mọi người không oà lên nữa. Tới chị bán gạo, cô hàng bán nước, cán bộ về hưu... thảy đều làm thơ, chẳng còn ai lơ ngơ nữa.

Cuối cùng có một anh có vẻ lơ ngơ. Hoá ra anh này xưa nay vẫn làm thơ. Nhưng từ khi thời thế thay đổi, bạn bè làm thơ của anh bỏ cuộc gần hết, anh vì ham vui mà ở lại. Có điều vì không phải thợ cày, thợ giày, thợ mộc... nên anh không còn bạn. Lâu ngày quẫn trí nên bây giờ ai nhìn anh cũng thấy hơi ngớ ngẩn lơ ngơ...

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021