thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôi sao săn mồi [II]
(Diễm Châu dịch)
 

TRAO ĐỔI

 
Như hai tấm gương lớn
Nơi anh tưởng nhìn thấy
Nhưng thực ra chỉ tìm lại được chính bản thân
Hoàn toàn được phản chiếu.
Bên nhau
Chúng ta lướt qua, cho nhau tất cả
Và tiếp nhận lại và mãi mãi
Những gì đã cho nhau chỉ một khoảnh khắc.
 
 

TRÊN NGUYÊN TẮC

 
Bất hạnh thay khi biết
Rằng người chỉ hiện hữu nơi tôi
Khi không hề cảm thấy người
Và dẫu vậy vẫn không nghi ngờ
Rằng người có đó!
Và ngay như người đã lìa bỏ tôi
Tôi vẫn tiếp tục duy trì trong phục tùng
Và một niềm tận tụy kỳ quặc
Những vách ngăn của pho tượng ấy
Pho tượng xinh đẹp và trống rỗng ở bên trong
Không một vết nứt
Mà một điều gì đó có thể lọt ra
Nhẻ nhẹ hỏi, trong kinh hoàng, đôi lúc
“Người có đó thật chăng?”
Dẫu tôi biết người không còn trả lời nữa
Trên nguyên tắc...
 
 

THẦN CHÚ

 
Mi hãy biến thành lá, tôi bảo con mắt tôi
Con mắt dù sao cũng nheo lại
Và hắn nghe tôi nhưng hắn quên
Không được đoạt ánh mắt
Và từ khu rừng sâu thẳm nhất
Tôi nghe thấy hắn kêu, để trả thù:
Ta thấy, ta thấy, ta thấy, ta thấy.
Ồ, bởi đã như thế, mi chỉ còn có việc lại đổi thành
Con mắt, tôi choáng váng bảo hắn
Và hắn nghe tôi
 
Nhưng hắn quên từ bỏ màu xanh lá.
Mi hãy biến thành con cá, tôi bảo con mắt tôi
Là vì mi ẩm ướt và trơn trượt
Và hắn nghe tôi nhưng hắn quên
Không được đoạt ánh mắt
Và từ vùng biển sâu thẳm nhất
Tôi nghe thấy hắn kêu, để trả thù:
Ta thấy, ta thấy, ta thấy, ta thấy.
Ồ, bởi đã như thế, mi chỉ còn có việc lại đổi thành
Con mắt, tôi mỏi mệt bảo hắn
Và hắn nghe tôi nhưng hắn quên
Không được đoạt thêm vùng biển.
 
Mi hãy biến thành sao, tôi bảo con mắt tôi
Dù sao, mi cũng lóng lánh,
Và hắn nghe tôi nhưng hắn quên
Không được đoạt ánh mắt
Và từ tầng trời xa sâu nhất
Tôi nghe thấy hắn kêu, để trả thù:
Ta thấy, ta thấy, ta thấy, ta thấy
Ồ, bởi đã như thế, mi chỉ còn có việc, một lần nữa,
Lại trở thành con mắt, tôi kinh hoàng bảo hắn.
Và hắn nghe tôi nhưng hắn quên
Không được đoạt lấy vị thần của hắn.
 
 

TIẾNG KÊU

 
Một dấu phết, những viên sỏi
Một chút tuyết
Một mẩu nắng nhẹ
Nhiều ngôi nhà và rồi những cành cây
Những phụ tùng quá khiêm tốn
Để phát động tiếng kêu!
Tiếng kêu
Ra sức bấu víu bằng mọi chiếc móng
Vẫn trườn xuống thấp hơn
Giữa những bức vách thủy tinh
Ra sức lội ngược lên
Vỡ tan thành muôn mảnh
Gắn liền lại với nhau,
Cân bằng vô định
Vũ trang tận chân răng
Hàm răng siết lại thật hung tợn
Trên im lặng không cùng.
 
 

MẶT HƯỚNG VỀ PHÍA NÚI

 
Nếu như tôi thôi không còn nghe thấy
Liệu Thế giới có đột nhiên trở thành kỳ cục
Như một chương trình truyền hình bị cắt bỏ
Âm thanh?
Như thể có một ông Trời điếc
Trên mình ông những dòng nước biến thành len và rơi xuống,
Và những đám mây va chạm nhau mà không gây sấm sét,
Như những mẩu giấy vệ sinh vo tròn nho nhỏ
Trong thùng rác nhà trời,
Ông Trời ấy ra hiệu đình chỉ ý nghĩa
Của vũ trụ này, vũ trụ chỉ hiện hữu
Qua tiếng nghiến rít phát ra.
Trong lúc hai bàn tay to lớn
Mà Trời vẫn dùng làm loa bên tai
Để khuếch đại âm thanh,
Đặt lên vai tôi
Chầm chậm xoay tôi lại
Mặt hướng về phía núi.
 
 

KHÔNG HÀI LÒNG

 
Một chiếc lá với năm cánh
Một ngôi sao với năm cánh
Và bàn tay tôi
Bàn tay không hài lòng
Với gió táp
Và chế ngự đêm.
 
 

NGƯỜI CHA

 
Không phải tôi là kẻ định đoạt.
Các nguyên tử biến thành cát,
Cát tạo thành đá sỏi
Đá sỏi trở thành chữ.
Chữ nẩy mầm rồi đâm chồi
Chồi tạo ra những mùa từ ngữ
Và các từ biến thành động vật, ghép đôi
Sinh con đẻ cái.
Không, không phải tôi là kẻ định đoạt
Khi tôi thấy một từ mang thai
Tôi không bao giờ biết ai là cha nó.
 
 

HÃY NHỚ

 
Hết thảy mọi người – ở thành phố, trong xứ, trên hành tinh –
Đều ngủ.
Rốt cuộc
Họ làm gì khác hơn được?
Tôi tự hỏi
Và xúc động vì họ, tôi nhìn họ ngủ:
Có những người với dáng vẻ thật thanh cao và duyên dáng
Có những kẻ thật thô lậu, rũ mềm trên những người khác,
Lại có những người khác nữa trăn trở, bị dày vò với ác mộng
Hay với nỗi ân hận vì ngủ.
Nhưng cũng có những người trái lại tỏ ra hoàn toàn hạnh phúc
Vì kết cục
Nhờ thuốc an thần, nhờ luyện tập yoga
Họ đã thiếp đi được.
Một biển những thân xác im lìm –
Phủ trùm mãi tới chân trời
Những đường phố, những lòng thung, những ngọn núi –
Trên những lớp sóng của vùng biển ấy, bất kỳ ai
(Với điều kiện tỉnh thức
Hay ít nhất cũng nửa tỉnh nửa mê)
Có lẽ đều có thể để cho mình bị cuốn đi
(Thực ra là về đâu?).
Một vùng biển không bến bờ, bất động,
Gần như chết.
Gần như chết?
Và thế là đột nhiên tôi hoảng sợ,
Sợ họ không còn có thể tỉnh dậy được nữa
Vào lúc hừng đông chớm nở,
Sợ họ đã quên cả đến những cử động thức dậy
Và cả đến giấc ngủ,
Cái bằng chứng cuối cùng của hiện hữu.
Và tôi bắt đầu thét lên với họ –
Tôi khẩn cầu các người, phải, tôi van xin các người đó
Xin đừng quên là các người đang ngủ,
Xin hãy nhớ:
Các người còn sống...
 
--------------------------------------------------
* Bài này mang tựa đề bằng Anh văn: “Remember”. (người dịch)
 
 

THÂN XÁC

 
Chỉ là cái hào quang
Bao quanh từ ngữ ấy
Một cái hào quang sờ nắn được
Và đem lại khoái cảm nữa
Thế tuy nhiên thật bất nhất
Thế tuy nhiên thật phù du;
Thứ hào quang mà người ta có thể quất bằng roi
Có thể bỏ đói, cưỡng bức, giết
Hay chỉ chết đơn độc
Bằng cách tự lụn tắt
Khi hoàn tất nghĩa vụ
Khi không còn lấp lánh như một ký hiệu
Hay như một ánh lửa bên trên những kho tàng.
 
 

NGÔI SAO GIÓ MANG TỚI

 
Ban đầu, mi được gió mang tới
Như một hạt mầm
Khiến ta đã muốn đùa: “Có ai từng thấy
Một ngôi sao được gió mang tới?”
Nhưng sau này
Khi mi tới ở luôn trên trán ta
Để nẩy mầm ở đó
Ta đã hiểu ra rằng mi đúng là một hạt mầm
Phàm ăn, được cắm vào óc não ta thật man rợ
Với những tia sáng gắt gao hình tượng những chiếc rễ,
Mi quả là một mầm hạt.
Tiếc thay
Cái cây non
Mà mi đã khiến mọc lên, ánh sáng nẩy sinh từ ánh sáng,
Chỉ có cơ may được nhìn thấy
Vào ngày mà chính bản thân ta, ta chìm sâu vào bóng đen.
 
 

THỎA HIỆP

 
Thỏa thuận giữa đêm và ngày
Không phải là bóng tối.
Cũng như bùn
Không phải là kết quả của sự hợp nhất giữa đất và biển.
Hãy vươn bàn tay anh trong giấc ngủ
Và nín thở trước khi chạm tới
Những đầu ngón tay vươn tới anh –
Bên trên con đường phân cách thể xác chúng ta
Anh có thể xây dựng những cây cầu
Mà duy những cánh tay của chúng ta
Sẽ mơ ước.
 
 

TIẾP TỤC

 
Khi tôi tới một nơi nào đó, tôi thường bắt đầu bằng cách đặt tên
Cho các đồ vật, các sinh vật
Nhưng những thức đó chỉ bắt đầu hiện hữu
Theo con số những chữ
Mà tôi đã phân phối cho.
Dĩ nhiên, đây chỉ là một trò chơi,
Nhưng ai không thích thú
Bày ra chuyện gì đó
Để quên rằng mình đã chết?
Phần tôi, tôi đã bày ra một câu chuyện với những chữ
Mà tôi phân phát tùy theo công trạng, đẳng cấp:
27 là con số cao nhất,
Toàn bộ bản tự mẫu, đó là mức độ tối cao;
Nhưng với một số nào đó, tôi chỉ cần cấp phát
Một cái chấm trên chữ i,
Một thanh ngang của chữ t
Hay một nét chân của chữ m.
 
Bởi đó, cố nhiên là có những chuyện ghen tuông,
Những chuyện mưu mô, chợ đen chợ đỏ:
Có những em bé gái thắt bím rễ của những cây hoa
Đổi những chữ lấy những con trùn nho nhỏ, những viên sỏi con con,
Trong lúc các cô chị của chúng đem những dải băng vĩnh cửu
(Đây quả là thứ vật liệu duy nhất mà ta tìm được tùy thích)
Đổi lấy hai hay ba chữ cuộn tròn lấy nhau.
Đôi khi các cô ấy nổi dậy, phủ nhận của tôi cái quyền
Phân phát các chữ (nhưng dầu thế họ cũng không đi tới chỗ
Chối bỏ quyền của các chữ đại diện cho tất cả,
Trong cái trò huênh hoang cuối cùng này)
Và có lẽ họ sẽ tìm cách giết tôi
Nếu như chỉ nghi ngờ
Rằng người ta có thể chết hai lần.
 
Nhưng tôi, tôi vẫn chỉ là người duy nhất tin rằng
Những gì đã khởi sự một ngày nào đó
Thời phải được tiếp tục
Và tôi nhất quyết duy trì việc phân phối
Những ký hiệu, những từ, những chữ...
 
 

CON MẮT TÔI

 
Con mắt tôi
Là một con thú
Đã từ lâu thôi
Không còn ăn mọi thứ.
Ban đầu
Nó không đòi hỏi gì nhiều:
Một vài cành cây, một vài chiếc lá,
Một bông hoa, một thân cây non.
Kế đó, nó đi tới những điều cốt yếu
Và duy những mầm, những hột, những hạt giống
Mới gợi dậy sự thích thú
Cũng như cái thèm khát nghĩa lý của nó.
Nhưng thế đó lúc này nó hoàn toàn không chịu
Nuốt bất cứ thứ gì.
Nó siết chặt hàng mi như thể ấy là những chiếc răng
Ghê sợ chính bản thân chúng
Và nó thôi không còn hấp thụ gì nữa hết,
Thét lên rằng nó đã có tất cả những gì cần có ở bên trong.
Những khối lượng thực phẩm khổng lồ
Mà nó hăm hở nhai nuốt.
Bằng chứng là những giọt nước mắt rơi xuống
Dưới mí mắt hạ thấp
Như một thứ nước miếng khiếm nhã, già nua...
 
 

THIÊN THẦN ĐỂ HÁI

 
... Thỉnh thoảng
Một tiếng nổ bị bóp nghẹt
Như thể một trái cây
Rơi xuống đám cỏ
Ôi thời gian qua mau!
Các thiên thần
Đã chín, họ bắt đầu rơi rụng:
Ngay cả trời cao cũng tràn ngập mùa thu...
 
 

TIẾNG CHUÔNG TÔI NGHE THẤY

 
Tiếng chuông tôi nghe thấy
Vang lên từ quá xa
Khiến tôi không thể nói
Là từ dưới đất, trên trời hay qua làn nước
Người ta nghe vang vang
Tiếng nó, tiếng của con thú
Mỏi mệt gần chết,
Đang kéo lê – Thôi nào, chỉ còn một thước nữa là tới hang-mộ
Có thể cứu thoát nó
Ở chốn ẩn núp hãi hùng
Là chính bản thân tôi
Và cũng là nơi nó chết đi mỗi lần
Mà không kịp tiết lộ
Tiếng chuông ấy ở đâu
Tiếng chuông ấy của ai và vì những lẽ nào
Nó đã bắt đầu vang lên...
 
 

NHỮNG CHỮ

 
Nỗi ghê rợn phải trôi đi
Từ A,
Mà khộng bao giờ hướng tới A,
Nỗi ghê rợn
Phải đi qua
Mọi chữ
Ta đã biết từ trước
Nhờ những người khác
Những người đã đi qua chúng
Vì có dịp,
Tới mãi tận Q, tới mãi tận T,
Kẻ may mắn nhất tới mãi tận Z,   
Thế nhưng không một ai
Từng quay trở lại,
Không một ai từng có thể
Nhảy trở lại
Qua A,
Không một ai có thể tưởng tượng ngay đến
Những gì có trước đó
Hoặc sau khi bản tự mẫu chấm dứt:
Lại thêm những chữ?
Lại thêm những chữ?
Lại thêm những chữ?
 
 

ĐIỆU VŨ

 
Chữ nghĩa phản bội
Im lặng nói dối 
Ký hiệu hàm hồ
Tiếng hú lên giả trá
Tiếng thì thầm vô định,
Vòng ôm
Chỉ là một điệu vũ.
 
Những tín điệp què quặt
Những con số lạc lõng
Từ chiều dọc qua chiều ngang
Ở trên cao hay dưới thấp
Bầu trời xanh thực ra
Cũng chỉ là chiều sâu
Của một tầng thai nghén
Hư không.
 
 

CÁI CÂN CHỈ CÓ MỘT ĐĨA

 
Tôi chỉ có tội về những gì tôi không bao giờ làm.
Những khu rừng nhiệt đới đã lớn lên giữa những hàng cột
Của những đền thờ nơi tôi không cầu kinh,
Những biển lá
Nơi tôi không để cho mình bị chôn vùi,
Những địch thủ mà tôi không thù ghét,
Những thanh kiếm mà tôi đã khước từ việc sử dụng
Những từ ngữ mà tôi không khi nào học cách thét gào,
Những thân xác ma tôi không yêu mến,
Những dã thú mà tôi không sát hại,
Những dòng sông nơi tôi chưa từng tắm,
Những chân trờI mà tôi không chăm chú nhìn ngắm,
Những đỉnh cao mà tôi đã không leo trèo,
Những bảo tàng viện nằm gọn trong một vành hoa lys
Mà tôi chưa bao giờ hít thở!
Tất cả những sự vật ấy đều có quyền tố cáo tôi
Và những điều tốt tôi làm, dù có tốt đến đâu
Cũng sẽ không bao giờ làm cân bằng lại được!
Là vì cán cân không bao giờ xét xử
Giữa điều tốt và điều xấu
Mà là giữa những gì đã có và những gì không có.
 
 

LỊCH SỬ

 
Tôi bước tới thận trọng, chậm rãi,
Dọc theo suốt một con đường
Do chính bản thân tôi vạch ra
Khi tiến bước.
Để có thể trở lại
Tôi gieo ở sau tôi
Những vụn chữ và những vụn từ.
Kể từ thời ra đi
Tôi đã kết thúc
Số vần ít ỏi mình có,
Số dự trữ đi đường của tôi.
Nhưng may thay, tôi đã khám phá ra
Rằng mọi sự
Đều có thể biến đổi thành các từ,
Tôi đã tiếp tục tiến tới,
Đồng thời gieo
Những lời này ở nơi tôi bị xơ tưa
Như xơ tưa một chiếc áo len cũ,
Nơi những mắt đan len đã mòn vì mặc quá nhiều...
 
 

SỐ CHIM

 
Con đã quên gì?
Lạy Chúa, con đã quên gì?
Những hồn-chim vượt thoát khỏi con
Khi con ngủ
Sẽ không bao giờ còn giống như trước
Khi chúng trở về tổ là chính bản thân con.
Hay có lẽ ấy lỗi tại con,
Con, kẻ không bao giờ dám chắc
Mình mãi mãi vẫn là một
Bởi con bị một cảm giác lấn át
Cái cảm giác đã quên đi một điều gì
Mà con đã mất,
Trong chuỗi vô tận những kiếp sống
Mà con tin rằng mình đã từng trải
Khi đếm những cánh chim.
 
 

KHÚC CA TANG LỄ

 
Hãy khép mắt lại, phài, con mắt trống rỗng của mi đó,
Con mắt hãy còn mở
Ở bên trên tấm bình treo thánh tượng
Ấy ký hiệu của ánh mắt, thế thôi,
Nó, lúc này, đã mù lòa
Vì đã hóa đá trong thành kiến đầu tiên.
 
Hãy khép mắt mi lại, hãy phản ứng,
Hãy động đậy con ngươi mà khói đã phủ che,
Hãy nhè nhẹ hạ mí mắt,
Cạy bỏ màu sắc cũ
Với móng vuốt của hàng mi
Để tỏ ra là mình đã hiểu.
 
 

MỐI NGỜ

 
Có tự do không đóa hoa
Mà người ta đã thảo chương từ trước
Ngày nó phải nở,
Ngày nó phải tàn,
Mùi hương nó sẽ phải
Tỏa ra,
Và cả đến sắc màu nó sẽ phải khoác lấy?
Đóa hoa, đóa hoa thì nói nó tự do.
Và những cánh hoa, đặc biệt là từng cánh, đều nói có
Cũng như những nhị hoa, những mẩu phấn nhỏ,
Những chiếc lá và thân cây non mỏng manh ở cổ.
Có, tự do, đóa hoa nói nó tự do.
Nhưng tự do là gì? tôi đã hỏi
Đôi chút ngượng ngâp vì linh cảm câu trả lời.
Câu hỏi gì kỳ! ngạc nhiên
Vị thiên thần, phập phồng hết mọi cánh hoa.
 
(Trích Ngôi sao săn mồi, 1985.)
 
 

HY VỌNG BỊ QUÊN LÃNG *

 
Khi trời mưa đã lâu
Và sự bực bội của không khí
Bị nén lại khá đủ
Để trở thành một vật dẫn nổi dậy
Bén nhạy
Hay trái lại
Khi trời thật nhiều sao
Khiến toàn vũ trụ
Chỉ là một tạo vật đáng thương
Run run vì khoái lạc
Và tình ái
 
Người ta nghe thấy
Đến từ tương lai
Tiếng nói của các nhà thơ đã khuất
 
Và ngay như
Không một ai hy vọng
Hiểu được những gì họ nói
Chúng ta nghe thấy họ hết thảy
Và cảm thấy mưng lên nơi chúng ta
(Như nhựa cây trong những mình
Cây bị thương)
Niềm hy vọng bị quên lãng.
 
--------------------------------------
* Dịch theo bản Pháp văn của Alain Paruit đăng trên “Les Temps Modernes”, số đặc biệt về Ru-ma-ni, tháng Giêng 1990. (người dịch)
 
 

NHỮNG PHÂN TỬ CALCI

 
Tôi không được vội vã,
Phải để thời gian qua,
Mỗi một giây rơi xuống
Soi mòn thêm một chút
Khổ đau.
Tôi cần phải chờ đợi.
Mỗi một làn sóng vỡ
Đẽo thêm vào tảng đá
Nơi tôi bị cột xiềng,
Mỗi hạt nhỏ rỉ sét
Khoét dần sợi xích sắt.
Trong một ngàn năm, trong hai
Đá kia sẽ thành cát,
Sắt của những vòng xích sẽ thành bụi,
Xương tôi sẽ thành những phân tử Calci
Vung vãi trên mặt nước,
Khổ đau sẽ không còn là gì hết.
 
 

KHÚC CA TRUYỀN KỲ *

 
Tôi không còn Ana nào khác
Tôi xây chính bản thân tôi vào tường,
Tuy nhiên ai có thể cho tôi hay thế là đã đủ
Khi bức tường không tự mình
Sụp đổ,
Mà bị đẩy xô theo ý thích thất thường
Của một chiếc xe ủi mộng du
Tiến lên qua cơn ác mộng dồn đống.
Và tôi lại xây lại
Như thể xây một đợt sóng,
Ngày thứ nhì nữa,
Ngày thứ ba nữa,
Ngày thứ tư nữa,
Một tu viện đời đời bằng chất lỏng
Mà số mệnh buộc phải tan tành trên bờ biển;
Tôi lại xây, ôi, vôi
Và gạch
Và, không tì vết,
Một con người
Để tăng cường
Cho giấc mộng ô nhục kia:
Tôi không còn Ana nào khác
Và chính bản thân tôi
Tôi cũng chỉ còn
Ngày một ít đi.
 
-------------------------------------------------
* Câu truyện “truyền kỳ” ở đây là của Manole, một “công trình sư,” người được cho biết trong mộng là tu viện ông đang xây cất sẽ không bao giờ có thể hoàn thành trừ phi ông xây tường bít kín một sinh vật ở bên trong. Người xuất hiện sáng hôm sau lại chính là Ana, bà vợ ông, người mà ông sẽ phải hy sinh theo lời khấn hứa... Ana cũng là tên tác giả, người có lẽ đã cảm thấy mình tựa như bà vợ của Manole kia: bị vùi sâu trong các biến cố... (người dịch)
 
(Trích Kiến trúc của sóng, 1990.)
 
 

GHI KHẮC

 
Quá đẹp
Để không thể không bị chinh phục
Quá trẻ
Để có thể bị chế ngự
Quá giàu có để có thể thuộc về bản thân
 
Quá khôn ngoan
Để có thể chiến đấu
Quá can đảm
Để không thể không bị thương
Quá hoài nghi
Để không thể không bị thất bại
 
Quá bị thất bại
Để không thể không tự do
Quá tự do
Để không thể không bị hạ nhục
Quá bị hạ nhục
Để có thể chết.
 
(Trích tạp chí România Literară (5.1990).
 
 
Những bài thơ đăng trên tạp chí “Amfiteatru”:
(Theo Peter Jay và Anca Cristofovici trong
Ana Blandiana, The Hour of Sand, Anvil, London, 1990)
 
Bốn bài thơ tiếp theo đây được đăng trên tạp chí Amfiteatru vào tháng 12. 1984 và đã gây ra nhiều sóng gió cho tác giả. Đây là những bài đồng thời với tập Ngôi sao săn mồi, và theo Hélène Lenz, dịch giả bản Pháp văn, tác giả đã muốn ghép chung vào với tập thơ này. Hai trong những bài thơ này cần một vài giải thích:
 
“Thập tự chinh trẻ em” nhắm vào luật bài trừ việc ngừa sinh đẻ ban hành ở Ru-ma-ni từ năm 1966, nhưng chỉ được thi hành gắt gao vào khoảng năm 1983, nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi dân số Ru-ma-ni vào cuối thế kỷ XX. Theo đòi hỏi tăng dân số do Ceausescu đề ra ấy, mỗi gia đình phải có 4 người con trong lúc nhiều cặp vợ chồng Ru-ma-ni cho rằng hoàn cảnh thực sự không thuận lợi để có đông con như thế... Tuy nhiên các bác sĩ và bệnh nhân làm ngược lại chủ trương tăng dân số của nhà nước sẽ phải đương đầu với những án tù và các khoản phạt tiền rất nặng. Đặc biệt, tất cả các phụ nữ công nhân đều phải khám thai đều đặn. Việc này do các đoàn y sĩ được phái tới nhà máy hoặc cơ sở thực hiện để đảm bảo không một ai có thể dấu giếm hoặc dứt bỏ viêc có thai. Hệ thống thuế khóa cũng “thưởng” người mang thai và “phạt” người không có. Tất nhiên các phương thuốc hạn chế sinh đẻ không thể kiếm được...
 
● Bài “Tất cả” hay “Chúng ta có tất cả” (theo bản Pháp văn) là bản liệt kê một số những cái có và không có trong đời sống hằng ngày ở Ru-ma-ni dưới chế độ Ceausescu; những món mà đông đảo người dân quan tâm trong đòi hỏi và nhu cầu sống còn và những món mà bộ máy nhà nước cống hiến để khiến họ quên đi những đòi hỏi hoặc nhu cầu ấy; những biểu hiệu của bộ máy nhà nước, của sự sùng bái cá nhân, những món trang sức của chế độ, và những trò tuyên truyền,...
 
 

THẬP TỰ CHINH TRẺ EM

 
Trọn một dân tộc
Chưa sinh ra
Nhưng đã bị bắt buộc phải sinh ra
Bĩ xếp vào đội ngũ từ trước khi sinh
Thai nhi kế thai nhi
Trọn một dân tộc
Không nhìn thấy, không nghe thấy, không hiểu
Nhưng vẫn phải tiến lên
Trong thân xác quặn đau của phụ nữ
Trong máu các bà mẹ
Không được ai hỏi ý.
 
 

TẤT CẢ *

 
... Những lá cây, những từ, những giọt nước mắt
Đồ hộp, mèo
Đôi khi tàu điện, những đoàn người xếp hàng dài mua bột
Mối mọt, chai không, những bài diễn văn
Những hình ảnh kéo dài trên truyền hình
Bọ khoai, xăng dầu
Cờ đuôi nheo, cúp Âu châu
Xe chở thùng khí đốt, chân dung các nhân vật
Táo xuất khẩu trả về
Báo chí, bánh mì ổ
Dầu pha, hoa cẩm-chướng
Những cuộc tiếp đón ở trường bay
Nước ngọt Cico, bong bóng
Xúc xích Bucarest, yaourt tiết thực
Phụ nữ gi-tan bán thuốc điếu Kent, hột gà nông trại Crededia
Tin đồn
Phim truyện từng kỳ mỗi tối thứ bảy, những thứ giả cà-phê,
Đấu tranh của các dân tộc vì hòa bình, những ban hợp xướng
Sản xuất từng mẫu tây
Rượu thuốc Gerovital, thanh niên đường Thắng lợi
Đại hội ca vũ kịch ca ngợi Ru-ma-ni, giày thể thao Adidas,
Mứt Bun, những chuyện cười, cá đại dương
Tất cả.
 
------------------------------------------------------
* “Tất cả” (Mọi sự) hay “Chúng ta có tất cả” (tựa đề theo bản Pháp văn). Hai bản dịch Pháp và Anh của bài này còn có một số món liệt kê không giống nhau hoặc chỉ có trong bản này mà không có trong bản kia. Ở bài trên, tôi căn cứ vào bản Anh văn. Xin xem thêm “chi tiết” các món liệt kê.. trong “Chú thích về bài: Tất cả” dưới đây, sau hai bài nữa. (người dịch)
 
 

HẠN ĐỊNH

 
Chúng ta, cây cỏ
Không được che chở khỏi bệnh tật
Lẫn điên khùng
(Các người lại chưa từng thấy một cây cỏ
Mất trí
Tìm cách đâm chồi xuống lòng đất?)
Chúng ta không được bảo vệ chống lại đói khát
Hãi sợ
Hay tù ngục
(Các người lại chưa từng thấy một thân non
Vàng úa đeo lên những song sắt?)
Chỉ có một điều duy nhất mà người ta tránh giùm cho
(Hay có lẽ tước đoạt của chúng ta)
Ấy là đào thoát.
 
 

TÔI, TÔI TIN

 
Tôi, tôi tin rằng chúng ta là một dân tộc thực vật,
Nếu không lấy đâu ra cái bình thản này
Trong khi chờ mùa trụi lá?
Nếu không kiếm đâu ra cái can trường
Buông mình trên chiếc xe trượt của giấc ngủ
Tới mãi ngưỡng cửa của cái chết hay gần như thế
Với niềm xác tín
Rằng chúng ta lại có thể
Tái sinh?
Tôi, tôi tin rằng chúng ta là một dân tộc thực vật
Có ai đã từng thấy
Một cái cây nổi loạn?
 
 
Chú thích về bài “Tất cả”
(Theo ghi chú 1986 của Peter Jay và Andrei Brezianu trong Ana Blandiana,
The Hour of Sand, Selected Poems 1969-1989, Anvil, London, 1990.)
 
Tựa đề của bài này là nét hài hước đầu tiên: “Totul” (Tất cả) là cái “chấm câu” của Ceausescu thường dùng trong các diễn văn hoặc để nhấn mạnh rằng Tất cả còn cần phải thực hiện hoặc Đảng đã làm tất cả những gì quan niệm được cho nhân dân. “Tất cả” quả là một tượng trưng xứng với một chế độ phá sản mà bản chất là luôn luôn nhấn mạnh rằng mình nắm được câu trả lời cho tất cả mọi sự.
 
1. có thể thấy trên cây. Từ hay lời nói và nước mắt không thiếu.
 
2. Đồ hộp, không phải là đồ tươi khó kiếm hơn. Các cửa hàng tạp hóa ở góc đường bày những đồ hộp (cá, rau hầm...) thường là đã quá ngày tháng cho phép bán, nếu có.
    Mèo: Xí nghiệp nhà nước Ecarisajul đã phần nào thành công trong viêc “trấn áp” lũ chó hoang, nhưng kém may mắn với đám mèo. Theo lời truyền miệng ở Bucarest thì có một chú mèo nọ đã dám thách thức lũ chó của ông Tổng bí thư khi ông tới quan sát khu Trung tâm vĩ đại lúc đó đang xây cất. Khi tới gần bệnh viện Brâncoveanu, thiết lập vào thế kỷ 18, ông bị một chú mèo hoang chận đường; chú mèo còn gây thương tích cho hai chó canh trong cuộc tranh chấp kế đó. Ông Tổng bí thư ra lệnh bắt giữ ngay chú mèo nọ và đem tới cho ông. Dĩ nhiên việc này không có hiệu quả, và do đó đã xác nhận sự đúng đắn của câu tục ngữ Ru-ma-ni: “Con mèo nhìn Vua cũng được.” Tiếc thay, chú mèo anh hùng nọ cũng không cứu vãn nổi khu vực lịch sử bên kia chợ Piata Unirii khỏi bị triệt hạ. Bốn mươi ngàn người cư trú ở đây bị dời đi nơi khác, những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp, các giáo đường, viện tu, cũng như bệnh viện Brâncovean... đều bị phá hủy...
 
3. Đôi khi tàu điện nhưng quá đông khiến ta không thể chen chân lên được.
    Những đoàn người xếp hàng dài mua bột và tất cả những món khác: bánh mì, đường, trứng, những mẩu thịt không xuất khẩu, rượu vodka,... tất cả.
 
4. Chai không được giữ lại để đòi tiền cọc hoặc mang sẵn để có thể mua những món như dầu ăn. Vì thiếu năng lượng nhà máy làm chai phải đóng cửa hoặc giảm bớt số sản xuất, sinh ra nạn khan hiếm... “Chai không” còn là tiếng rao của phụ nữ gi-tan đi mua lại để phục chế. Người công dân thận trọng luôn luôn mang theo bên mình một hay hai cái “chai không” phòng khi có món gì đáng sắp hàng mua ở dọc đường.
    Diễn văn không bao giờ thiếu và không bao giờ ngắn.
 
5. Hình ảnh kéo dài...: Các hình ảnh trên truyền hình thường bị méo mó, lệch lạc vì phẩm chất của chương trình phát hoặc của máy thu nhận.
 
6. Xăng dầu: phân phối rất hạn chế và mắc. Việc sử dụng xe tư nhân vào những tháng lạnh nhất mùa đông như từ tháng Giêng tới tháng Ba bị cấm.
 
7. Cúp Âu châu: Đá banh như trò xiệc ngày xưa.. không thể thiếu, dẫu cho cơm bánh có hiếm hơn...
    Cờ đuôi nheo, xin xem số 12.
 
8. Xe chở thùng khí đốt được mọi nhà trông đợi vì cần những thùng khí butane để đốt lò. Mỗi nhà được 1 thùng cho hai tháng.
    Chân dung...: ảnh Bác C., bắt buộc trong các cơ sở, nhà máy,...
 
9. Táo xuất khẩu trả về: Tất cả những gì có chút phẩm chất đều dành để xuất khẩu, vì Ru-ma-ni thiếu ngoại tệ và cần trả nợ.
 
10. Báo chí: cố nhiên là báo nhà nước, thường dùng làm giấy gói đồ.
    Bánh mì ổ bán khá chạy.
 
11. Dầu pha: dầu (nấu ăn) pha, pha ở đây là pha… loãng.
    Hoa cẩm-chướng rất sẵn.
 
12. Những cuộc tiếp đón ở trường bay: rất thường vì Chủ tịch ưa chiêu đãi, hay bắt nhân dân quét dọn các đường phố chính để đón các đoàn xe chính thức đưa khách tới thủ đô, qua một Khải hoàn môn bằng cẩm thạch giả (bằng bìa) trên có đề THỜI ĐẠI N. CEAUSESCU: HOÀNG KIM THỜI ĐẠI và qua một đại lộ có học sinh các lớp nhỏ được lệnh đứng vẫy cờ phướn hay cờ đuôi nheo (dòng 7) chào mừng.
 
13. Cico: tên của một thứ nước uống Ru-ma-ni màu vàng đục và chua, sẵn có trong khi các thứ khác không thể tìm ra.
 
14. Xúc xích (hay dồi) Bucarest: còn gọi là xúc xích mùa hè không ngon mấy, nhưng hầu hết thứ hảo hạng là dồi mùa đông Sibiu được dành để xuất khẩu.
    Yaourt tiết thực chỉ là yaourt thường được coi như đặc biệt bổ dưỡng cho người phải ăn kiêng, muốn mua phải sắp hàng từ mờ sáng. Nay cũng không thể kiếm được.
 
15. Thuốc điếu Kent (một nhãn thuốc lá của Mỹ) là một thứ tiền tệ thứ nhì. Tại sao lại Kent mà không phải các loại thuốc lá khác, vẫn không ai hiểu được. Đây là nhãn thuốc điếu mà công an (lính kín) ưa thích hơn cả. Ở chợ đen 3 “tút” (mỗi “tút” 10 gói) bằng một tháng lương trung bình. Một gói chuyền tay với 100 đồng lei. Dân gi-tan được coi như những người nhập lậu thuốc Kent chủ yếu, vợ con họ liên hệ tới chuyện phân phối. Quan thuế tịch thu thuốc Kent của những người Ru-ma-ni trở về xứ. Ngày trước, trong những đám ma, dân Ru-ma-ni có tục lệ đặt một đồng tiền vào miệng người chết; tục lệ mới: 1 gói Kent trên ngực thây ma.
    Hột gà... Crevedia: hột gà của nông trại nhà nước Crevedia có tiếng là tốt nhất, luôn luôn thu hút những đoàn người xếp hàng thật dài mỗi khi có tin đồn trứng về...
 
16. Tin đồn: nguồn tin đáng tin cậy nhất về những gì đang xảy ra và nơi chốn có thể kiếm được những món hàng...
 
17. Phim truyện... tối thứ bảy: các chương trình phim nhập cảng hằng tuần như Dallas, The Avengers, Columbo, Kojak. Thỉnh thoảng chính quyền tìm cách thay thế bằng các loại tuồng “yêu nước” thực hiện trong xứ, nhưng cuối cùng cũng phải nhượng bộ vì sức ép của công luận.
 
18. Những thứ giả cà-phê: Cà-phê thật chỉ có được ở các “shops”, từ này người Ru-ma-ni dùng để chỉ các tiệm bán hàng trả bằng ngoại tệ trong hành lang các khách sạn. (Dầu ăn, đường và bột cũng có bán trong các “shops” nói trên). Người uống cà-phê phải uống các thứ pha trộn, giả cà-phê vì cà-phê thực quá mắc và là thứ đồ nhập xa xỉ. Du khách từ Hung-ga-ri nơi cà-phê mua được dễ dàng thường bị khám xét bắt cà-phê “chui”.
 
19. Đấu tranh... vì hòa bình: là tiếng kêu tập hợp của Lãnh tụ. Những cuộc biểu dương chính trị duy nhất được phép là những cuộc biểu dương do lãnh tụ tổ chức chống hiểm họa nguyên tử. Việc này đem lại cho lãnh tụ cảm tình của thế giới hay ít ra là ngày trước đã đem lại những cảm tình ấy.
    Những ban hợp xướng thường xuất hiện trong những dịp như thế. Cũng còn thấy trên truyền hình khi màn ảnh nhỏ không bận chiếu đá banh, phim truyện tối thứ bảy hoặc các bài diễn văn.
 
19. Sản xuất từng mẫu tây: Khẩu hiệu này nhắc tới nhiều được coi như khích động nghĩa vụ yêu nước của nông dân khiến họ gia tăng sản xuất.
 
20. Rượu thuốc...: thứ thuốc “trường sinh” của bác sĩ Ana Aslan được nhà nước tung ra thị trường nước ngoài nhằm kiếm ngoại tệ. Được coi như một biểu hiệu khôi hài tượng trưng cho việc nhà nước tin tưởng ở sự dễ bị lường gạt của giới tiêu thụ Tây phương. (Thế nhưng, dường như không ít người Ru-ma-ni cũng bị lừa bịp.)
    Thanh niên đường Thắng lợi: bọn lính kín mặc thường phục có phận sự gác đường cho Chủ tịch vào trung tâm... Được coi như một đội ưu tú được lựa chọn kỹ lưỡng trong đám trẻ mồ côi.. Dễ nhận ra nhờ y phục.
 
21. Đại hội… Ru-ma-ni: một thứ đại hội ca vũ kịch tài tử có quanh năm, được quảng cáo rầm rộ, nhằm mục đích thường xuyên ca ngợi Đảng và nhất là Lãnh tụ, đồng thời cung cấp những cuộc trình diễn tầm thường nhưng ra vẻ ái quốc, như một thứ “giải độc” đối với những cuộc trình diễn thực sự chuyên nghiệp nhưng “khả nghi” về phương diện ý thức hệ.
    Giày Adidas là thứ giày “mốt” trong xã hội Tây phương, xã hội chuộng nhãn hiệu. Ở Ru-ma-ni, giày này vẫn được coi trọng và được sản xuất theo quyền đặc nhượng và dĩ nhiên là số cung không đủ. Do đó mà có lối bẻ quẹo từ này trong cách nói dân gian cho rằng: “giò” heo – thỉnh thoảng có thay cho thịt heo lúc này đã hiếm hoi (vì dành để xuất khẩu) nhưng ngày trước tràn đầy trong các hàng ăn và không khan hiếm bằng các thứ thịt khác ở các cửa tiệm bán thịt – phải, “giò” heo chính là những thứ Adidas của heo hạ thịt.
 
22. Mứt Bun: thứ trái cây hầm của Bun-ga-ri có thường xuyên vào năm 1984 vì được đổ vào thị trường Ru-ma-ni từ nhiều năm trước. Bây giờ cũng không còn nữa.
    Những chuyện cười: Bạn không thể chuyện trò 5 phút, ngay cả với các viên chức nhà nước, mà không được nghe vài câu chuyện khôi hài mới nhất.
    Cá đại dương: hay cá biển, được quảng cáo nhiều vì tính chất dinh dưỡng, ở đây là một lối nói “khéo” để chỉ thứ cá ướp không còn tươi có màu xanh xám rất khả nghi và có mùi bốc lên rất đáng ngại.
 
23. Tất cả: và không còn con đường nào khác, chỉ có thêm tất cả mà thôi.
 
 
-----------------
Xem kỳ trước:
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
ANA BLANDIANA là bút hiệu của bà Otilia Valeria Coman Rusan. Là con của một thày cả Chính thống giáo, bà sinh ngày 25. 3. 1942 tại Timisoara, vùng Transylvania, Ru-ma-ni, nơi khởi động cuộc nổi dậy đưa tới sự sụp đổ của chế độ Ceausescu. Khởi sự đăng thơ trên tạp chí Tribuna ở Cluj năm 17 tuổi, bà đã cho xuất bản thi phẩm đầu tay Ngôi thứ nhất, số nhiều, viết năm 22 tuổi. Từ ấy đến nay, bà đã có hơn hai mươi tác phẩm được xuất bản, gồm thơ, truyện, tùy bút và du ký. Những bài báo hằng tuần của bà trên tờ Contemporanul rồi România Literară đã làm say mê nhiều thế hệ người đọc. Thường được coi như một nhà thơ “tân-lãng mạn”, bà cho thấy trong thơ ảnh hưởng của những nhà thơ lớn nhất của Ru-ma-ni. Bà lập gia đình với ông Romulus Rusan, một nhà văn kiêm kịch tác gia, nhưng vẫn viết văn thơ với bút hiệu Ana Blandiana. Cuộc đời văn nghệ của bà đầy “sóng gió” thời đại.
 
Tuyển tập thơ Ana Blandiana mà bạn đọc trên đây chủ yếu tập trung vào tác phẩm Ngôi sao săn mồi của bà, nhưng cũng bao gồm khá nhiều bài trích từ các thi phẩm từ hồi đầu đến khoảng 1990... Để thực hiện tuyển tập thơ này, tôi đã sử dụng nhiều bản Pháp, Anh của Claude Sernet, Alain Bosquet, Aurel George Boesteanu, Hélène Lenz (trong Ana Blandiana, Etoile de proie, Ateliers du Tayrac, 1991), Alain Paruit, Andrea Deletant và Brenda Walker, Peter Jay và Anca Cristofovici,... Xin mời bạn đọc xem thêm bài Ana Blandiana, thơ dưới sự đàn áp ở Ru-ma-ni, đăng song song trên Tiền Vệ.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021