thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
SÁU BÀI THƠ CỦA ANNA FRAJLICH
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ANNA FRAJLICH
(1942~)
 
Anna Frajlich-Zajac sinh ngày 10 tháng Ba 1942 tại làng Katta-Taldyk, trong vùng Osh [Kirghizia – thuộc Liên Xô cũ], là nơi mẹ bà trốn đến ở trong suốt thời gian Thế chiến II, và phải làm như đã ly dị chồng, sau khi Đức quốc xã tấn công vào Lvov. Chiến tranh chấm dứt, năm 1946, bố mẹ đoàn tụ, gia đình bà trở về Ba-lan và sinh sống tại Szczecin [Stettin – một thành phố cảng vùng bờ biển Baltic]. Trước khi vào đại học bà đã làm thơ đăng báo, tham gia nhóm họa sĩ và thi sĩ “Rak” [1958] và sau khi tốt nghiệp M.A. khoa Văn chương Ba-lan tại Đại học Warsaw năm 1965, bà làm việc trong tòa soạn một tờ báo dành cho người khiếm thị, cũng là năm bà lập gia đình. Năm 1969, cao điểm của chiến dịch chống Do thái của nhà cầm quyền cộng sản, bà cùng chồng và con trai chuyển đến sống ở Vienna rồi Roma trong thời gian ngắn trước khi di cư qua Hoa Kỳ, và từ 1970 bà sinh sống ở Brooklyn, New York bằng đủ thứ nghề: tham gia viết báo tiếng Ba-lan, cộng tác với Radio Free Europe, làm việc trong một phòng thí nghiệm dịch tễ, dạy ngôn ngữ và văn chương Ba-lan tại Columbia University [từ 1982]... và tham gia các hoạt động văn hóa ở New York. Anna Frajlich lấy bằng PhD về văn chương slave tại New York University năm 1991 và từ đó có quan hệ với nhiều giới văn chương Ba-lan trên khắp thế giới, thường xuyên đăng thơ trên các tạp chí văn chương và thường xuyên được mời giảng dạy và thuyết trình tại nhiều trường đại học và nhiều hội nghị quốc tế, với cả hai tư cách là nhà thơ và giáo sư.
 
Thơ Anna Frajlich khởi sự đăng trên phụ trương báo Folks Sztyme, một tờ báo tiếng Yiddish xuất bản ở Warsaw và trên tờ Glos Szczecinski, trên tạp chí Wiadomoncie xuất bản ở London (1971) và tạp chí Kultura xuất bản ở Paris. Hiện bà vẫn tiếp tục cộng tác với tạp chí tiếng Ba-lan Przeglid polski xuất bản ở New York, và nhiều tờ báo khác ở Hoa Kỳ, Anh quốc cũng như ở Ba-lan – như các tạp chí Odra, Rzeczpospolita, Akcent – và tờ Tygodnik Powszechny trải rộng khắp châu Âu. Các ấn phẩm của bà, theo thứ tự thời gian, có thể ghi nhận: Aby wiatr namalować [“Vẽ gió”, London, 1976], Tylko ziema [“Chỉ là đất”, London, 1979], Indian Summer [Albany, New York, 1982], Który las [“Rừng nào”, London, 1986], Between Dawn and the Wind [Host Publications, Texas, 1990/2006], và Drzewo za oknem [“Cái cây sau cửa sổ”, New York, 1990]... Như thế, ngoài những bài báo và bài nghiên cứu học thuật chuyên môn, Anna Frajlich là tác giả mười một tập thơ xuất hiện ở cả hai bờ Đại Tây dương, trong đó có bảy tập xuất bản ở Hoa Kỳ, Anh và Pháp – với ba tập bằng Anh và Pháp ngữ, cộng với bốn tập xuất bản ở Ba-lan sau khi chế độ cộng sản sụp đổ [sau hai mươi bốn năm gián đoạn, bà trở về Ba-lan (1993) và bốn tập thơ xuất bản thời gian này là Ogrodem I ogrodzeniem (“Khu vườn và hàng rào”, Czytelnik, Warsaw, 1983), Jeszcze w drodze: Wybór wierzy (“Vẫn trên đường: Thơ tuyển”, Warsaw, 1994), W sloncu listopada (“Nắng tháng Mười Một”, WL Kraków, 2000) và Znow szuka mnie wiatr (“Gió lại tìm tôi”, Warsaw, 2001)]. Tập thơ song ngữ Pháp/Ba-lan ấn hành ở Pháp, Le Vent, à nouveau, me cherche (bản dịch của Alice-Catherine Carls, do Jan Zielinski giới thiệu, Nhà xuất bản Editinter, 2003) là một trong những nguồn giúp hoàn thành các bản Việt ngữ được giới thiệu trên trang này.
 
Thơ của Anna Frajlich luôn toát ra một mối ưu tư dai dẳng và mang tâm tình của những con người trước hoàn cảnh lưu vong, sự chuyển đổi nơi sống, sự thích ứng với những nền văn hóa mới – nỗi đau mất mát của những người sống giữa quá khứ và hiện tại, những nỗ lực hội nhập lớn lao của người di dân đi tìm một diện mạo mới... – có khi đọc lên nghe như những lời chú giải sâu sắc và thấm thía cho những thái độ biến chuyển của tác giả đối với chuyện di dân, cũng như những khía cạnh phức tạp và mỉa mai trong cuộc sống xa quê hương. Nhiều nhà phê bình và học giả uy tín như Czeslaw Milosz, Jan Kott, Stanislaw Balinski, Maja Elzbieta Cybulska, Joanna Rostropowicz, Maya Peretz... (kể cả nhà văn lão thành Stanislaw Wygodzki ở Do Thái) thường ghi nhận những nét sắc sảo và sự hiểu biết sâu sắc thấu đáo của Anna Frajlich trong việc vạch rõ những giai đoạn chuyển biến và thích nghi của người di dân, và đều nhìn nhận bà là đỉnh cao trong số những nhà thơ lưu vong thuộc thế hệ bà. Một trong những biệt danh đáng yêu nhất bà nhận được: Đại sứ văn hóa Ba-lan trên khắp thế giới.
 
Anna Frajlich từng lãnh các Giải thưởng Koncielski Foundation ở Thuỵ-sĩ năm 1981, Giải Turzanski Foundation ở Canada năm 2003 cho toàn bộ tác phẩm. Thơ bà xây dựng từ những “mảnh vỡ” của lịch sử thế kỷ XX, là chứng từ cho nỗi đau lưu vong chung của loài người, nhưng đồng thời cũng biểu lộ một niềm tin sâu đậm nơi sự cứu rỗi của cái đẹp. Chính từ trọng tâm ấy, mà tác phẩm bà từng là đề tài của nhiều công trình nghiên cứu tại các trường đại học ở Ba-lan và ở Mỹ. Năm 2002 bà nhận Huân chương Công trạng [Croix de l'Ordre du Mérite] từ tay Tổng thống Cộng hòa Ba-lan do những đóng góp của bà cho sự nghiệp phát triển văn hóa Ba-lan ở Hoa Kỳ. Thiết tha với ngôn ngữ mẹ, bà chỉ sáng tác bằng tiếng Ba-lan, trừ những lúc làm thơ “cho đám cháu chắt trong nhà”.
 
 

Xem Triển lãm Chagall

 
Chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ bay
vào mặt trời đỏ trên trời Vitebsk[1]
và em sẽ không bao giờ là cô dâu
mà anh cũng sẽ không bao giờ là – chú rể điên
chúng ta sẽ ngồi đâu đó
chủ yếu là nơi yên tĩnh
ở sân trong một tiệm cà-phê
nơi chỉ một bóng cây thôi sẽ làm ra một khu rừng
và trong một tách trà
một cơn dông sẽ kéo đến
và không ai có thể đoán được
là nó đang ở quanh anh
và cả thế giới đang quay
 
_________________________

[1]Vitebsk: Cũng gọi là Viciebsk, là một thành phố ở Belarus, một địa danh gắn liền với cuộc đời và nghệ thuật của Marc Chagall [1887-1085].

 
 
Cô dâu – Tranh Marc Chagall [1887-1985]
 
 

Trước Đêm Giáng sinh

 
Cây thông toả hương và trời tối om
bởi vì sao chổi
chưa mọc
và vào giờ này khi Thượng đế ngơi nghỉ
trước khi xuống cứu rỗi thế gian
xin Người liếc nhìn nhà bạn
xin Người đừng bỏ quên bạn.
 
 
 
Mrs. Dalloway [2]
 
Những giấc mộng đã ngủ một giấc ngủ nặng trĩu
và em mơ về anh đôi mắt mở lớn
bên cạnh Bà Dalloway
mặc áo dài xanh.
 
Ngày hôm ấy
ánh nắng dịu ngày hôm ấy
trở về với những vì sao
sau nhiều năm ánh sáng.
 
Thời gian bị đánh thức
– có ai biết? –
bởi một tiếng áo dài sột soạt
bởi một tiếng động những ngôn từ
bởi cái nhăn mặt của
Bà Dalloway
 
           22 tháng Mười 1999
 
_________________________

[2]Mrs Dalloway (xuất bản năm 1925) là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Virginia Woolf kể lại chi tiết một ngày trong cuộc đời của Clarissa Dalloway sau Thế chiến thứ Nhất.

 
 
Virginia Woolf [1882-1941]
 
 
Dạo chơi ở Uppsala [3]
 
           Gửi Léonard Neuger
 
Cái gì làm nên
vẻ đẹp của ác là?
– cái đuôi của nó
quét hết những
đám mây.
 
           18 tháng Ba 2000
 
_________________________

[3]Uppsala: thành phố rộng thứ tư của Thụy Điển, nằm ở phía bắc Thủ đô Stockholm, nổi tiếng là trung tâm tu hành thuộc Giáo hội Thụy Điển và là nơi có trường Đại học Uppsala, được coi là trung tâm giáo dục đại học cổ nhất của cả vùng Scandinavia.

 
 
Sông Uppsala
 
 

Georgia O’Keeffe

 
Những chiếc sọ dê
chết lần thứ hai
lần thứ hai chúng chết
trên cát nóng
dưới bầu trời phương nam
và dưới bàn tay bất động của Georgia O’Keeffe
 
bầu trời quang đãng ngưng đọng
bầu trời vô hạn và đoá hoa
mở rộng
những hang hóc bên trong
để nói lên bằng cả trăm thứ ngôn ngữ
số phận của một cành lan
 
nhưng những bình chứa vẫn nằm lùi phía sau
như quai một bình chứa
và mặt trời cũng vẫn năm lùi phía sau
như cái chấm tròn
không viết trên chữ “i”
 
 
 
Georgia O’Keeff [1887-1986] - ảnh Hands của Alfred Stieglitz
 
 

Nụ hôn

 
Cái trán ấy lạnh dường nào
dưới trán
đọng lại ý nghĩ thảm thiết
anh ngủ quên trong tayThượng đế
và cùng với anh là Gogol[4]
nay đã hài lòng
những hoán dụ
lặng lẽ bay mất
trong không gian
vô tận
nơi có Wittlin[5]
vũ trụ và Bely[6]
và cả ý nghĩ mọc cánh của anh
 
           28 tháng Giêng 2000
           (Panichida [7] cho linh hồn ZoyaYurieff[8])
 
_________________________

[4]Nikolai Gogol (1809-1852) là một trong những gương mặt sang chói trong văn học Nga thế kỷ XIX, được coi là người sáng lập trường phái hiện thực Nga, cho dù hiện thực trong khong ít tác phẩm ông nhuốm màu sắc tưởng tượng. Các tác phẩm chính: Những buổi tối trên trang trại gần Dikanka (1932), Taras Bulba, Những linh hồn chết, Cái áo khoác, Chiếc mũi, Thanh tra Chính phủ...

[5]Josef Wittlin (xem tienve.org)

[6]Andrei Bely (1880-1934) là một nhà văn nổi tiếng – một tiểu thuyết gia, nhà thơ, lý thuyết gia và nhà phê bình xuất sắc của Nga. Vladimir Nabokov coi cuốn Petersburg của ông là một trong bốn tác phẩm tiểu thuyết lớn nhất của thế kỷ XX.

[7]Panichida là một từ Nga gốc Hi Lạp, chỉ nghi thức mai táng theo đạo chính thống của Nga.

[8]Zoya Osipovna Yurieff (gốc Ba Lan, 1922-2000) là giáo sư ngôn ngữ và văn chương Nga tại Đại học New York, một chuyên gia về Gogol. Hai tác phẩm viết về nhà thơ Ba Lan Josef Wittlin và nhà văn Nga Nikolai Gogol là hai trong nhiều cuốn sách khá phổ biến của bà ở Mỹ.

 
 
-----------------------
“Xem Triển lãm Chagall”, “Trước Đêm Giáng sinh” và “Georgia O’Keeffe” dịch từ bản tiếng Anh “Upon Seeing Chagall’s Exhibit”, “Before Christmas Eve” và “Georgia O’Keeffe” của Regina Grol trong Anna Frajlich, Between Dawn and the Wind (Host Publications, 2006). “Mrs. Dalloway”, “Nụ hôn” và “Dạo chơi ở Uppsala” dịch từ bản tiếng Pháp “Mrs. Dalloway”, “Le baiser” và “Promenade dans Uppsala” của Alice-Catherine Carls trong Anna Frajlich, Le vent, à nouveau me cherche – Znów szuka mnie wiatr (Poésie Bilingue - Editions Editinter, 2003).
 
 
------------
Đã đăng:
 
Những bà mẹ tưởng tượng / đặt / những đứa con trai tưởng tượng / vào những cái nôi tưởng tượng / và hôn chúng trên những vầng trán tưởng tượng... | Như những bà mẹ khác / mẹ tôi cũng sẽ ra đi / chẳng đem theo mình / bất cứ gì trên đường... | Những giấc mơ / trong đó cha tôi / từng có thời lạc bước / khi đến một khúc quanh con đường... | Không phải sông chia cách chúng ta / mà chính là hàng trăm chiếc cầu bắc qua nó / nỗi đau đã nguội lạnh / – lần nữa chúng ta có thể cử động / đôi môi chúng ta... | Mẹ tôi mơ về phố Sykstuska / Ai còn nhớ số nhà 14 đường Sykstuska / sau cuộc thế chiến / trước cơn đại hồng thuỷ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Hắn không bao giờ ra khỏi thành phố / ở đấy hắn từng đau khổ / ở đấy hắn từng gieo niềm vui / những ngọn đồi mòn thức dậy buổi bình minh / và hoàng hôn xuống bên kia sông... | Cúi mình trên đường cạnh của bình minh / tôi lắng nghe hơi thở của chính mình / - nó đấy – / cái khác biệt duy nhất / giữa tôi / và những người đã đi khuất... | ... tại sao nơi đây / nơi mỗi chồi cây mọc rễ / bạn vẫn giống như hạt mầm / rớt xuống một tảng đá?... | Tôi sẽ chết ở chỗ tôi được gieo xuống / nơi số phận đã ném tôi vào / đất sẽ thấm đẫm thân xác tôi / thân xác tôi thấm đẫm đất... | Khó tin nổi cơn mưa đột ngột kia / đổ ập xuống / thành phố / trên những con đường trên những cánh tay / mỗi giọt nước / sáng rực... | Chúng tôi đã đuổi kịp / đã đuổi kịp / đã đuổi kịp / thời quá khứ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021