thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xa huyền thoại, tìm Rimbaud

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

ARTHUR RIMBAUD

(1854-1891)

(Ảnh mới tìm thấy)[*]

 

 

XA HUYỀN THOẠI, TÌM RIMBAUD

 

Như vọng âm của bản in mới trong tủ sách quý La Pléiade (Gallimard, 2009), nhà xuất bản Garnier-Flammarion vừa cho ra mắt, với giá hạ, Tác phẩm toàn tập của Arthur Rimbaud (1854-1891): thơ, ký, thư từ quan trọng cùng với các khám phá mới về Rimbaud, bởi lẽ Những ước mơ của Bismarck [1] chôn vùi trong tài liệu lưu trữ Progrès des Ardennes chỉ được tìm thấy lại vào năm 2008: mười hai năm xung đột, nổi loạn, phóng đãng, nơi cái viết phản ánh sự phân tán của cuộc đời nhà thơ.

Trong lời mở đầu, Jean-Luc Steinmetz, soạn giả của bản mới này, nói ông muốn tách rời huyền thoại với thực tế. “Rimbaud, ông nhắc nhở, trong các mối bận tâm chính của mình đã luôn luôn có một dự định về tiểu sử và cải tạo bản thân.”

Văn bản tìm thấy giúp chúng ta đặt vào bối cảnh thời đại và sắp đặt lại đúng theo chiều kích, các biến cố đã khiến nhà thơ trẻ trở thành “một thiên tài bị văn chương huỷ hoại”: khuôn khổ gia đình, người cha vắng mặt, sự phát hiện một thiên hướng vừa chớm nở khi làm các bài tập ở trường, tham vọng về một thi nghiệp, sự khao khát về cái hiện đại, trốn nhà ra đi nhiều lần khi còn bé, lang thang với Verlaine, nỗi ám ảnh muốn xích gần đến cái bất khả, thậm chí đạt tới sự tuyệt đối trong thơ ca, sự vô kỷ luật quá mức, như là những mục tiêu chính trong số các đức tính cần thiết của một nhà thơ.

Với sự nhạy cảm cần thiết hầu nắm vững và sử dụng các công thức, Jean-Luc Steinmetz đo lường mọi lý do và mọi phi lý rốt cục đã khiến Arthur Rimbaud trở thành “nhân vật” của chính mính: “Huyền thoại Rimbaud không phải là những gì người khác đã chế tạo, nhưng là cái căn cước mà nhà thơ là kẻ đầu tiên đã tự sáng chế: tự tô điểm, một cách âu yếm, để trở thành kẻ bị nguyền rủa, bị đoạ đày, tự đóng kịch, một màn kịch do chính mình đạo diễn và dành riêng cho các khán giả dễ khiếp sợ, như nàng ‘trinh nữ điên’,[2] chẳng hạn.”

Để trình bày một tác phẩm bị chi phối bởi sự may rủi của cuộc sống, Steinmetz bám sát vào thứ tự thời gian, dù bấp bênh, mà các nghiên cứu vô số kể về Rimbaud cuối cùng đã giúp phục hồi. Sự soi sáng về các trường hợp đặc biệt trong văn bản và khi xuất bản, bằng những ghi chú tỉ mỉ, đã mang lại niềm vui mới cho việc đọc các tác phẩm tiêu biểu. Từ Con tàu say đến Một mùa địa ngục, người ta tìm thấy lại những văn bản “có linh hồn” đã để lại những vết ấn sâu sắc ở nhiều người, những bài thơ kích động, đúng theo ước muốn của Rimbaud, để “kiểm tra cõi vô hình”, để “nghe cái chưa từng nghe”.

Các bức thư được gọi là của “kẻ thấu thị”[3] cho thấy Rimbaud cũng biết giữ hai chân trên mặt đất: “Em muốn là nhà thơ và em đang tập luyện để biến mình thành người thấu thị (...). Mục đích là đạt tới cái chưa biết bằng sự rối loạn của mọi giác quan. Đau khổ tột cùng, nhưng phải can đảm thôi, phải là nhà thơ bẩm sinh, và em nhận ra mình là nhà thơ (...). Tôi là một người khác.”

Biết bao nhiêu tia sáng loé nhanh như tín hiệu của tuyên ngôn, cho thấy sự dấn thân toàn diện đã hướng dẫn nhà thơ trong việc khám phá tìm tòi. Văn xuôi trộn lẫn với thơ, những mẩu chuyện mở ra những cứu cánh bất khả, “đoản văn”, “ảo tưởng” hay “cuồng mê”,[4] hình thức táo bạo khẳng định tính hiện đại bất khả kháng của nhà thơ. Mặc dù các nhà văn khác cũng từng có, như Rimbaud, cái dự án “thay đổi cuộc sống” bằng những phương tiện của thơ ca, nhưng Rimbaud là người đầu tiên đã công thức hoá điều này với sự minh bạch mang tính quyết định, người đầu tiên và kẻ cuối cùng mà niềm tin không giới hạn vào quyền năng của ngôn từ chung cuộc lại biến thành một sự hoài nghi vĩnh cửu về quyền lực của chữ nghĩa.

 

 

-------------------------------
Ghi chú của người dịch:
 
Từ “người thấu thị”, “gã chân gió”, “kẻ cướp lửa” đến “nhà thần bí trong trạng thái man di”, “anh lái buôn”, “kẻ mất tích” và còn nhiều nữa, huyền thoại về Rimbaud có thể đếm trên đầu ngón tay, nghĩa là không ít. Từ Charles Peguy, Henry Miller, Dylan Thomas, Léo Ferré, đến nhóm Beatniks ở San Francisco (Ginsberg, Ferlinghetti, Kerouac, Corso, Burroughs), và Bob Dylan, và Patti Smith, và Jim Morrison và còn hơn nữa, các văn-thi-ca-nhạc-sĩ của thế giới đã đến với Rimbaud trước tiên là để tìm bản thể của mình. Xuân Diệu của ta thì tiếc thay đã không tìm thấy “bản thể” hay “yêu thơ Rimbaud” mà chỉ nhớ “tình trai” và “hai chàng thi sĩ choàng hơi men”. Linda Lê của cả hai quê hương Việt-Pháp, thời trẻ lang thang ngủ khách sạn, trong túi áo choàng cũng có một cuốn thơ Rimbaud. Linda Lê đã tìm thấy gì ở nhà thơ Một mùa địa ngục? Và mi, đôc giả hôm nay hay ngày mai, nếu có đọc, mi sẽ thấy gì trong các phụ âm A đen, E trắng, I đỏ, U xanh, O lam của Hoa Đăng và trong đôi mắt hồ thu xanh biếc lạnh lùng không một gợn sóng nhìn vào cõi xa xăm như muốn thu hút cả vũ trụ?
 
Thơ Rimbaud “bí ẩn”, “khó hiểu”?
 
Khó hiểu và bí ẩn, nếu “dễ hiểu” và “trong sáng” đồng nghĩa với “nỉnh nang ra đầu làng đầu đình”, hay “cóc nhảy ra ngồi đó nhảy đi”, mặc dù ta không biết nang nỉnh ra đình làng để làm gì, và cóc sẽ nhảy đi đâu, hay tại sau nó phải bỏ hang. Đừng ngại. Hãy đến với thơ của nhà thơ thiếu niên nhưng đã sống nhiều, đã biết nhiều. Hãy đến với dòng suối luôn luôn tươi mát của thơ Rimbaud chắt lọc và chảy ra từ những mạch ngầm của cuộc đời và nhân sinh chan chứa tình yêu, lý tường, hoài bão, đam mê, thất chí, tuyệt vọng. Thơ Rimbaud tân kỳ nhưng không cầu kỳ, thậm chí không khó đọc như thơ của các thi sĩ đồng thời như Valéry, hay đến sau như Perse, Bonnefoy, Du Bouchet. Ngôn ngữ Rimbaud là ngôn ngữ hàng ngày, hình ảnh trong thơ phản ánh và đến từ cuộc sống thường nhật.
 
Jean-Nicolas-Arthur Rimbaud: một hoàng tử đi chân đất, một thiên thần lộc cộc đôi guốc mộc của em bé quê.
 
Nguyễn Đăng Thường

 

 

_________________________

[1]Les Rêves de Bismarck.

[2]Verlaine.

[3]Trong lá thư gửi cho người thầy trẻ dạy tu từ Georges Izambard.

[4]Trong nguyên tác: “fraguemants” (một tân ngữ do Rimbaud chế tạo với từ “fragment/đoạn”); “fantaisies”; “délires”.

[*]

 
Trước thềm “Khách sạn Vũ Trụ” (Hôtel de l’Univers) tại phố cảng Aden (Yemen), có thể là vào khoảng năm 1880. Rimbaud ngồi đằng sau người phụ nữ bên tay phải trong tấm ảnh do một người bán sách tên Alban Causse và một đồng nghiệp tên Jacques Desse tìm thấy ở chợ trời. Tuy nhiên đã có ý kiến trái ngược nhau đối với tấm hình này từ hai nhà nghiên cứu và viết về Rimbaud. Jean-Jacques Lefrère (Arthur Rimbaud, nxb Fayard, 2001) công nhận người trong ảnh chính là Rimbaud. Claude Jeancolas (Rimbaud après Rimbaud, nxb Textuel, 2004) thì lại tuyên bố (ngày 8 tháng Chín 2010) là Rimbaud không có mặt ở Yemen vào tháng Tám 1880.

 

 

-------------
Nguồn: “Au-delà du mythe, retrouver Rimbaud”, Didier Cahen, Le Monde des Livres, ngày 18 tháng Hai 2011.

 

 

Mời độc giả đọc bản dịch một chùm thơ của Rimbaud đã đăng trên Tiền Vệ:

 

Thơ  (thơ) 
Hôm nay, 20 tháng Mười 2004, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của "con phượng hoàng thi ca Pháp quốc": Arthur Rimbaud (1854-1891), nhà thơ Nguyễn Đăng Thường gửi đến bạn đọc Tiền Vệ bản dịch Việt ngữ của một chùm thơ mười sáu bài trích từ Illuminations.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021