thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thi sĩ và những chuyện khác
 
Nghiên cứu về XYZ
Viết. (thử bắt chước Henry Miller) hix !
Nếu không giống xin được lượng thứ.
 
...................................
 
Chính vào năm Px, khi đó nàng 35 tuổi. ở thành Âu Lạc, nàng một thiếu phụ đang làm thuê bán thời gian cho một công ty truyền thông để thực hành những kiến thức thâu lượm được từ một khoá học về PR đào tạo theo giáo trình quốc tế, khoá học cơ bản gồm 4 môn: marketing, sale, advertising và tất nhiên,
 
PR
 
Có khoá học ấy vì nàng nghe theo lời khuyên của một người đàn ông hơn nàng 8 tuổi, khi ấy ông gần như là người dẫn đường đầu tiên không kém quan trọng của nàng, nàng đã mạnh dạn đầu tư vào khoá học với số tiền gần như toàn bộ vốn liếng mà nàng có, 2000 USD là học phí cho thời gian học cuốn chiếu từng môn trong 12 tháng, nhưng sau cùng nó kéo dài 2 năm vì những khoảng cách quãng vừa học vừa làm bài tập thực hành thật luôn chứ không phải chỉ thi thố trên lý thuyết, nàng ghét cay ghét đắng cái khoản thi thố trên lý thuyết và thứ mà nàng dốt là học thuộc lòng bất cứ cái gì, nàng đã không phải hối tiếc với khoản đầu tư cho khoá học này bởi sau ba tháng thử áp dụng kiến thức có được theo đủ mọi cách vào công việc nàng đã thu hồi lại vốn hơn nhiều lần bỏ ra.
 
Trong khi đó thì nàng làm chính thức tại một tờ báo nhưng chưa bao giờ trong diện được hưởng lương mà vẫn làm đủ các việc khác nhau từ tự vẽ các tiểu dự án thông tin chuyên mục dài hạn, chẳng hạn mở cuộc thi bạn đọc viết về các vấn đề băn khoăn khúc mắc giới tính vị thành niên rồi vận động tài trợ và nhà tài trợ là một hãng sản xuất băng vệ sinh phụ nữ, hay mở chuyên mục nghĩa cử tuyên truyền hoạt động xã hội thủa sơ khai là làm từ thiện kêu gọi cộng đồng quyên xe lăn cho trẻ em khuyết tật nhiễm chất độc da cam và tai nạn chiến tranh, hay phát động viết thư, quyên góp sách vở đồ dùng học tập và quần áo ấm của trẻ em thành phố cho trẻ em nghèo nông thôn miền núi biên giới và hải đảo mùa Đông, những ý tưởng đó do nàng và một nhóm yêu thích hành động vẽ ra ở đây từ rất sớm và đã ghi được vài thành tích nho nhỏ... đáng kể hơn tính sự kiện là biến ý tưởng thành hành động đó đã cho nàng và cả nhóm có cơ hội đi chỗ nọ chỗ kia lúc đó, thế nhưng công việc hàng ngày của nàng là đi khắp nơi chào bán các trang quảng cáo trên báo nhà và tranh thủ viết các bài báo chuyên mục thị trường và tạp bút linh tinh như một cộng tác viên tự do cho vài tờ chuyên san, tạp chí khác nữa thỉnh thoảng đặt nàng viết, nàng kiếm tiền chính từ các khoản hoa hồng bán quảng cáo thành công, những việc khó khăn mà người khác bỏ ra, những việc xương xẩu khó nhằn nhất mới dành cho nàng, là của nàng, sau này là nghề dịch vụ PR, những việc ai cần đến gọi cho nàng, nhờ cậy tin tưởng, đánh giá cao, nàng sẽ bắt tay làm chúng, với tinh thần sống còn phải luôn sáng tạo công việc và tìm người để bán công việc hệt như người vác cần đi câu trong mọi khí hậu thời tiết và cần phẩm chất là càng chờ đợi lâu càng không được nản, cho đến lúc kết quả thì thôi, tiền kiếm được từ các khoản nhuận bút thì không thấm tháp gì và không đáng kể nhưng đấy là công việc nàng ưa thích nhất, chăm chút cẩn thận, say mê, dù chỉ là những bài báo nho nhỏ, tiền nhuận bút đó mỗi món nhận được luôn được nàng dùng để mua một cuốn sách đọc hay để dành, sau đó muốn làm gì thì làm, hoặc mời bạn đi cà phê, mua sữa cho con, hưởng thụ gội đầu, rửa mặt, massage, sửa móng tay móng chân ở tiệm đầu ngõ nhà và cảm thấy sung sướng đặc biệt, thế nhưng, nàng không bao giờ đề tên thật của mình lên những bài báo đó mà luôn là một bút danh khác, nên cho dù các bài báo nhỏ nàng viết có được người đọc để ý đến cũng sẽ không ai biết nàng thật sự là ai.
 
Nhưng cái công việc, sự nghiệp mà nàng theo đuổi lâu dài nhất âm thầm trong cuộc đời, dưới một cái tên (cái tên này cũng không phải tên nguyên gốc của nàng) mà tự nàng khai sinh ra nó và nàng muốn mọi người sau đó sẽ gọi tên đó với nụ cười thân mật hạnh phúc và chào đón khi trông thấy nó, kể cả chính nàng, đó là công việc viết, sự nghiệp thi ca.
 
Phải. thi ca.
 
Một sự nghiệp mà vào lúc đó ở xứ sở này mọi thứ thật hỗn mang, bế tắc, nhầm lẫn, đần độn, rẻ tiền, lỗi thời, vớ vẩn, và tự nhiên không được ai xem trọng kể cả những người trong hội nghề, thế mà ở đây chính thơ ca lại luôn là đề tài trong địa hạt văn hoá được dân trong thành Âu này bàn tán xôm trò với nhiều ái ố hỉ nộ nhất và số lượng người làm thơ cũng như số lượng các bài thơ ra đời nhiều một cách ngạc nhiên, lan tràn tung bay như rác trấu.
 
Nếu bạn cũng theo đuổi sự nghiệp thi ca như nàng thì có thể nói đó là sự nghiệp vỡ hoang gieo trồng hai bàn tay trắng và kết cục mùa gặt hái sẽ cùng tung bay trong bầu trời của rác trấu, thứ bạn làm và thu hoạch những vụ mùa mẩy hay lép không thể biết được và số hạt bạn gieo trồng có mọc thành cây và lớn lên được hay không, trở thành hoa trái gì, có ăn được không?... đó là những câu hỏi cần nhiều thời gian, có khi mất cả cuộc đời để trả lời chứ đừng có đùa, nếu ai đó nói tôi làm thơ chỉ là cho vui, cho khuây, cho nổi tiếng rầm rĩ lên hay do định mệnh này nọ là có thể mắc một loại sai lầm không thể cứu chữa, còn nếu nói làm thơ chỉ vì thích thì làm cho vui chẳng để làm gì cả thì có thể chỉ là một cách nói, hoặc là một dạng vô trách nhiệm tối cao. Có hai loại vô trách nhiệm tối cao, thứ nhất là vô trách nhiệm với chính mình và thứ hai là điều tôi vừa nói thích thì làm cho vui chẳng để làm gì cả  đồng nghĩa với vô trách nhiệm với những người khác không may đụng phải thứ bạn làm ra chẳng để làm gì cả mà vẫn bắt người ta phải dùng, phải chiêm ngưỡng, phải tụng ca, thích người ta bị bịt mắt mãi mãi phong danh phong thánh cho bạn làm nhà thơ, làm chúa tể này nọ...) thật là tệ!
 
Thế nhưng ở đây chúng ta sẽ không nói nhiều đến việc kiếm tiền của nàng, cũng sẽ không nói nhiều đến sự nghiệp thi ca của nàng, mà sẽ dành thời gian để nói về thi ca c/Chàng, tuy nhiên ở đây tôi sẽ không đi phân tích hay bình giảng hay trích lục các bài thơ rằng chúng hay dở thế nào, lấp lánh ra làm sao, bởi đó là một công việc vô tích sự và lãng phí thời gian quý báu của thượng đế dành cho con người đọc bất kỳ cái gì là để giúp cho họ sống tốt hơn và làm việc có ích hơn, ý của ngài chỉ dạy rằng con người cuối cùng phải biết tự mình tạo ra, nỗ lực tìm kiếm và thưởng thức nghệ thuật như một món ăn cao cấp, hảo hạng và đó là một thứ của cải siêu việt và cũng đồng thời siêu lợi về mặt và tốc độ phát triển tầm cao tri thức (để đánh giá) một xã hội trưởng thành hay không, có văn hoá hay không, nhiều vẻ đẹp hay không, và bí ẩn nữa. Từ tầm vĩ mô ấy soi xuống tầm vi mô thu nhỏ là trí não của một con người, anh ta có thể đọc gì, nghĩ gì, nói gì, làm gì, nhìn sự vật như thế nào và viết gì, hướng dẫn cho những người khác hiểu được chính việc anh ta làm, đấy mới là bổn phận được làm tròn và hoàn tất, đơn giản là một xã hội tuyệt vời... tôi không nói bậy.
 
Đơn giản là làm gì cũng phải sáng tạo, làm người dẫn đầu tiến về phía trước chứ không phải chỉ biết theo đuôi và khi không theo kịp người đi trước thì chỉ có cách là nắm đuôi người ta từ đằng sau và rên la lên cho người ấy chầm chậm lại, sự thể và kết quả như thế sẽ là gì đây.
 
Sẽ không bao giờ có thể có cái gọi là “vượt qua” hay “bước nhảy lượng tử” cả và khái niệm khoa học đặt ra cho cả những nỗ lực theo đuổi nghệ thuật điển hình (dẫn đầu là thi ca) của nghệ sĩ là vô ích, mặc dù trên thực tế trong thời đại này ở đây, ngày nay, chúng ta đã nhìn thấy điều đó trong một vài cá nhân ưu tú (rồi đây tôi sẽ nói họ là những ai mà có khi không cần nói bạn cũng trước sau có đủ khả năng nhìn ra họ thôi). Họ ở đây có đủ sức mạnh để làm ra công trình khoa học mang cái tên độc đáo : Thi ca. Họ là ai, từ đâu đến đây, giao thoa, gặp gỡ con người, giao phối hoan lạc cùng nhau làm cuộc sinh nở nghệ thuật trí tuệ ngay trên thân xác mình và cho tất cả những ai có thể đọc họ một cách rộng mở và sáng suốt.
 
Làm sao có thể nhìn thấy sự biến đổi thế giới này thông qua họ và nhờ có họ? những công trình thể nghiệm độc đáo k/hông có đầu tư từ bất kỳ thế lực nào gọi là hoành tráng, không có thiết bị máy móc hiện đại, k/hông nhà xưởng không nơi chốn (vắng mặt) và chỉ có độc một kẻ (đội quân) làm đại diện mang tên ngôn ngữ họ và đóng triện cái tên tác giả lên công trình của họ lấy gì đảm bảo chúng là công trình có giá trị đây, một khi không có sự hiện hữu của bất kỳ cái gì dưới dạng vật chất? Bạn sẽ bác bỏ ý này vì nó đã hình thành vật chất dưới dạng một cuốn sách in hay đại loại thế, bằng xương bằng thịt, in mấy trăm trang và bìa và minh hoạ đẹp và cũng có đủ chi tiết bạo lực, sex xiếc này nọ...vv. thì tôi phải nói rằng có hàng triệu cuốn sách đã và sẽ ra đời như thế, có cách khác nữa là đăng truyền trên internet song đó chỉ là một dấu mốc một điểm xuất phát một cuộc phiêu lưu dành cho người đọc từ trong quá khứ hiện tại và tương lai, - những kẻ rỗi hơi những bọn tò mò những quân hóng hớt bè lũ a dua những nhà thám hiểm những người rành ăn những nhà phê bình tồi và máy móc cũng không khác gì một đám lang băm đủ các loại vẫn xuất hiện hàng ngày trên báo chí ở khắp nơi, với vô số bài viết sản xuất vội vàng, dối, bình phẩm văn chương chữ nghĩa hời hợt biểu diễn loè loẹt trên sân khấu là các trang báo nhanh chóng chạy vào thùng rác hoặc gói xôi thì rồi cũng lại vào thùng rác để lãnh nhuận bút hay để có tiếng tăm trong những khe hở thời gian chật chội hỗn loạn và tùm lum... vì cuộc sống như thế tất cả, chẳng ai có lỗi.
 
Nhưng liệu có cần một điểm nhìn xa hơn nơi xuất phát này? và điều gì làm nên họ? các thi sĩ mà không phải dấu ấn thời đại, không phải những sự kiện lịch sử đã có, hiện có, sẽ có, càng không phải chính trị hay chạy đua theo thị trường giải trí, kiếm chác nhất thời như loạn lạc.
 
Điểm nhìn xa nhất là nơi sâu thẳm trong con người họ, bộ óc, mạch máu và chính nơi trái tim riêng tư của họ, đang đập những nhịp kỳ vĩ và lạ lùng nhất, truyền đi những tin tức theo một đường dây và cách lối đặc biệt mà công nghệ hiện đại và thông minh đến đâu chỉ là phương tiện và mãi mãi lạc hậu so với họ, mãi mãi lạc hậu so với trí tuệ linh giác và hơi thở của nhà thơ, gọi một cách văn hoa nhất là các thi sĩ, người nắm giữ vũ khí quyền lực đầy quyền năng — Ngôn ngữ, và cái cách họ làm cho chúng mọc dậy sinh nở và để không bao giờ tàn lụi. Ngôn ngữ nào có thể làm được thế? vậy cái gì làm nên ngôn ngữ ấy? chẳng phải chính con người hay sao? và đó chỉ có thể là nhà thơ, những bài thơ như của chàng (và cả cái sự nghiệp theo đuổi thi ca của nàng, tất nhiên sau cùng, không cần tính ở đây). Chàng có thể xem là một trong những nghệ sĩ bậc nhất ở đây, có thể nói rõ cho chúng ta, tất cả chúng ta biết trong hàng ngàn trang viết của chàng, hay chỉ trong vài từ thôi rằng: Mọi thứ sau cùng đều đến hồi tàn lụi. Nhưng chàng không nói chỉ có một thứ duy nhất không bao giờ tàn lụi trong thơ, thơ của chàng đó là ý chí hay ý nghĩ? Có lẽ phải là cả hai.
 
Ý chí vượt thoát ra khỏi bóng tối của hiện thực. Ý nghĩ nắm lấy những khoảng khắc bất tử và thơ.
 
Bạn sẽ hỏi về thơ chàng, nếu thế thì...
 
Thế còn cảm xúc thì sao?
 
Tôi không định nói nhiều đến yếu tố cảm xúc trong thơ chàng, tất nhiên đấy là một sự phức tạp mà ngỡ như không hề phức tạp chút nào, thế thì sẽ không hợp cho những thể tạng tinh thần yếu đuối và tất nhiên là có thể kẻ đó cũng rất thích làm thơ và nếu lại còn thích đọc thơ nữa thì kẻ yếu đuối dường như luôn ao ước và khao khát được ru ngủ bởi những giai điệu... vuốt ve... du dương ...vv và sẽ chóng quên, thơ đó như nước đổ đầu vịt. Và chàng là thi sĩ khác biệt hoàn toàn với những điều đó ở đây còn với những kẻ không biết đến hai chữ tinh thần này thì không có gì để mà nói.
 
Ở bất kỳ đâu chỉ cần một vài hạt nhân như thế thôi nếu biết cách hướng dẫn đường đi kỹ thuật và cách nhân bản sẽ làm thế giới biến đổi một cách đáng kinh ngạc như một phép màu, từ đó không phải ánh sáng đi vào bóng tối nữa.
 
Đó là lý do mà nàng theo đuổi sự nghiệp thi ca chăng và cái quá trình mà nàng theo đuổi đụng chạm đó phải chăng là toàn bộ câu chuyện? đó phải chăng mới là mấu chốt hay là cách tìm ra chiếc chìa khoá mở toang ban đầu là một cánh cửa rồi những cánh cửa vô tận bí ẩn và... những điều bí mật... còn tiếp tục được cất dấu trong ngôn ngữ chàng... sau đó tiếp tục mở ra...
 
Nhưng đọc thơ chàng phải đọc như thế nào? để nghe thấy ngôn ngữ mọc lên không chỉ từ thịt da hơi thở những đụng chạm thể xác, chúng mọc lên thức dậy, mọc lên từ một giấc ngủ, một trôi dạt, một lãng quên, một vô định, một tình cờ, một từ đó, chính tại đây, trên mảnh đất đã cũ mòn, kiệt quệ trong tất cả của chúng ta. Đó có phải mới là điều đáng nói?
 
Nhưng điều đáng nói nhất ban đầu chỉ là một sự gợi mở
 
Con đường tâm linh huyền bí hay còn gì khác? Gợi mở. Chính từ đó. Tôi. Không. Tôi ghét cay ghét đắng những phân tích nghệ thuật và thưởng ngoạn thi ca theo cách phát hiện ngôn từ theo cách truyền thống theo cách tu từ thế này ẩn dụ thế kia tiếp tục vặn vẹo chữ nghĩa chữ nghĩa tụng ca này nọ và nguyền rủa chữ nghĩa... vv. chẳng qua là một mớ bòng bong những ngoại diện vớ vẩn xen vào cách cảm nhận thơ một cách tự nhiên trực tiếp tự nhiên trực tiếp cảm nhận màu sắc mùi vị của đời tôi, tôi cóc cần theo cách khác, tôi cóc cần ai chỉ dạy cho tôi về tu từ này hay ẩn dụ nọ trong thơ chàng lung linh kỳ ảo cũng thế hay bất cứ cái gì mà không phải là những thứ chạm thẳng vào vùng cảm nhận của tôi. Điểm tối mù. Sâu bên trong. Im lặng. Nếu đọc thơ chàng chỉ để biết tu từ là gì, ẩn dụ là gì tôi sẽ tự đi học một khoá học ngôn ngữ ở trường à mà giờ muốn học những thứ ấy (trong google nó có tất), chứ không phải chỉ biết học và học và truyền đạt lại điều học này rằng nhà thơ tài năng dùng phép tu từ này hay ẩn dụ nọ phi thường như thế nào... biết những điều đó để làm gì chứ nhỉ. khi làm tình mà đầu óc chỉ lĩnh hội và ghi nhớ kỹ thuật và thực hành như một kẻ học thuộc bài thì có nghĩa là gì đây, trong khi không biết đến kỹ thuật thì dốt nát và yếu kém, có vẻ như cứ đọc và cảm nhận tự nhiên đi, đừng vội nói năng gì cả rồi mới có kỹ thuật và biết đến kỹ thuật, đây là cả một quá trình cần đòi hỏi thời gian và liên tục cảm nhận và đừng quên động tác VIẾT, viết, hãy quan sát thơ chàng bạn sẽ thấy mỗi động tác viết ra mỗi chữ mỗi dòng mỗi vật và sự vật của chàng chẳng có ý gì khác hơn là GỢI MỞ cảm nhận về một điều gì đó SỐNG, chứ không phải nhăm nhăm phát hiện ra công thức là phát hiện tầm thường về a! ta phát hiện ra thơ chàng đã dùng lối tu từ này hay ẩn dụ nọ kỳ ảo lung linh vv... và chỉ đến thế là việc phát hiện của lũ con nít mới được học về sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ ở cấp phổ thông thuộc bài hay không thuộc bài là như nhau. Con số từ việc cảm nhận riêng tư mới là ức bội.
 
Đọc thơ chàng để thấy điều lạ về con mắt và gương mặt lạnh giấu nhiều trắc ẩn ngay cả khi ngủ của chàng cũng không hết cô đơn. Và những tường thành xa lạ dựng lên một phía thơ chàng nói với chúng ta như thế trong tĩnh lặng vô biên.
 
Chỉ thế thôi. đi và chờ đợi
Qua năm tháng. mọi điều sẽ mở ra
 
Đọc chàng. đừng lười biếng và đừng để bị đánh lừa bởi các lối tu từ hay ẩn dụ. bởi lớp lớp sương mù. u mê và thời tiết... vv... bởi những công thức bất động. phức tạp tinh vi hay dễ dãi tầm thường...
 
Nói chung là đừng bỏ cuộc
 
Và thế đấy. thi sĩ. thi ca. ngôn ngữ. địa hạt khó nhất. bởi chất liệu đơn sơ và nghèo nàn nhất. nhưng đáng kể hơn mọi đáng kể. thành tựu hơn mọi thành tựu. là làm nên tất cả. sự giàu có ức bội. là từ chỗ nghèo nàn đơn sơ và không có gì. Và đôi khi lạnh lẽo hơn cả nước trong mùa đông.
“Song le”. không phải mọi thứ chỉ là tiền. chỉ là vật chất không thôi đâu. Và nàng. Nhìn. Nàng. Nhìn. Những ngón tay.
 
Phải chăng đó mới là điều đáng nói ở thơ chàng
 
.....................................................
 
(Hết phần thứ nhất)
 
Khởi viết từ Mùa Đông năm cũ
Giờ là năm 2009
Và những năm mới
 
 
--------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021