thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười ba bài thơ
(Diễm Châu dịch)
 
GIORDANO BRUNO *
 
Với cơn hấp hối và những thương tích.
Kẻ này sau một cánh cửa, kẻ kia sau cánh cửa khác.
Hôm nay tôi không biết mình là ai.
Đun sôi sương mai... Kẻ nào điên?
Mò mẫm tôi kiếm tìm vô hạn. Những chân dung tuyệt vời của tỉnh mộng.
Dei Piombi.
Ta không đùa với chì.
Họ – những quân canh. Tôi – những đêm tối.
Nhân loại bị những bức tường hãi sợ vây quanh.
Tôi đã gặp nỗi hoài nghi. Họ tiêu hủy sách vở của tôi.
Hung bạo nhân danh lòng tốt; láo khoét nhân danh sự thật.
Không nên giấu diếm điều gì.
Họ thiếu tự do. Tự do của tôi, họ không thể chịu đựng.
Bị ganh ghét nơi tôi không đạt tới, được mơ ước nơi tôi đã bỏ đi –
khi tôi ý thức rằng không bao giờ ta nên trở lại ở đâu hết,
 
trí năng của tôi leo lên dàn hỏa.
 
 
GẶP GỠ
 
Em đã chờ tôi tóc xõa trong không như một cành lá,
người đàn bà với núm rốn to như một trái trứng của rắn hổ.
Núi đồi nguôi ngoai về phương đông,
vành tai của máu dỏng lên hướng về khung cửa sổ
và đêm tối đã nẩy mầm.
Thế rồi... qua đi những cánh chim...
Thời gian thơm mùi cành lá.
 
 
GIẤC NGỦ
 
Lá,
lá,
gió xua đuổi mi,
mưa vùi dập mi;
chỉ tỉnh lại
một khoảnh khắc
trong một giấc ngủ dài –
mi rơi,
mi mục rã...
 
Hết mọi sự đều rơi
thành ngụ ngôn, thành mỏi mệt.
 
 
CÁI GIẾNG
 
Từ khu vườn những trái và chim chóc tôi lựa những tính từ
từ những tính từ tôi rút ra những con bướm
từ những con bướm – những màu sắc
từ những màu sắc, những đam mê cưỡi những con ngựa gỗ
từ ngựa gỗ xuất hiện những nhà hùng biện và những nữ vũ công
từ những nữ vũ công bước ra những danh từ dưới dạng những túi xắc, những chiếc nạng, những giới từ
đứa mang một nỗi ám ảnh, đứa mang một ý trừu tượng, đứa ôm trái dưa
những trái dưa lăn xuống đất
và trọn vùng tăm tối tức khắc, tức khắc
biến thành những động từ, trạng từ, ngạn ngữ
tựa như một hạm đội trên vùng biển
tựa như một hạm đội trên hai vùng biển
đầy những nhà điêu khắc, những chiếc mũ và những nền văn minh
từ đó những người chết rút ra những tính từ
từ đó những tính từ rút ra một khu vườn những trái cây và chim chóc bằng nhôm
và điều này khiến tôi buồn, hỡi Horace*
 
------------------------------------------------------------------------------------
* Có lẽ là Quintus Horatius, thi sĩ tiếng La-tinh (65-8 trước Tây lịch)?
(ghi chú của dịch giả)
 
 
VỰC THẲM
 
Tôi là tảng đá đổ xuống
Tôi đã có mặt tại hội chợ của nhà tiên tri và
Tôi đã lăn lộn trong đám cỏ của những người thuần hóa chữ nghĩa.
Tôi biết rõ nỗi đau nơi những con mắt
nỗi đau hướng về bên trong để nuốt những giọt nước mắt của chúng.
 
Nước đã đùa giỡn giây lát giữa đàn cá hương.
Gió đã lần khân giây lát ở rào sắt của lối vào.
Mi quay vòng lại trong bản thân mi.
Mi tự giam mình trong những người chết.
Mi là tảng đá đổ xuống.
 
 
NHỮNG CUỘC THĂM VIẾNG
 
        Ái tình, âm nhạc, Thượng đế
        và một vài nỗi cô đơn khác
        đã xua đuổi tôi và cuốn hút tôi về những thành phố
        nơi tôi phung phí những đêm thâu. Bởi lẽ
        cuộc đời tôi trước hết đã là đêm –
                         (một mẩu thơ thất lạc)
 
Trên những mẩu tường thành ở Jéricho1 cỏ đã mọc ngang tầm
ngây ngất
sự vắng mặt của máu đã lấp đầy những trụ đèn cõi vô hạn
Lý Thái Bạch lao xuống dòng nước để vớt trăng...
Byron gần tới lúc phát nở ở Missolonghi2
Máu của Petoefi đẫm những ngọn cờ
ôi cây huyền ly đã khử nước Giordano Bruno3 trên dàn hỏa
Dante và Ovide chia sẻ sự phi lý của những bạo chúa
với một chiếc thìa dưới dạng đền thờ
Nerval và Hölderlin trao đổi những bóng ma của mình
anh thấy chưa, Ezra Pound, nước Mỹ chấm dứt ở Ý...
Giữa ái tình và sát nhân cất lên chén rượu của những bài tục dao4
trong đó
Villon đã uống với Margot
Và Milton rong ruổi mù lòa qua cõi thiên đường
đón nhận từ tay những người con gái ông
bất tử
 
Trỗi dậy những bộ lạc nước mắt và bóng tối.
 
--------------------------------------------------------------------
1. Xin xem Kinh thánh, đoạn Josue triệt hạ những lũy thành.
2. Vùng Hy-lạp, trên biển Ionienne, nổi danh vì cuộc đối kháng chống quân Thổ; Byron, thi sĩ lãng mạn Anh, chết ở đấy.
3. Triết gia Ý (1548-1600) chống triết lý kinh viện, bị thiêu sống ở La-mã như kẻ «rối đạo».
4. ballades: một thể thơ rất gần ca khúc, còn dùng để nhảy múa; thi sĩ Pháp François Villon (1431- sau 1463) nổi danh với những bài này.
(ghi chú của dịch giả)
 
 
CHO VÙNG BIỂN THỐI RỮA
 
Chúng tao sẽ tra tấn chúng mày, chúng tao sẽ giết chúng mày và chúng tao sẽ cười
rồi chúng tao sẽ bị giết và bọn khác sẽ cười
chúng tao đã khá già và khá bất nghĩa
để đếch cần tới những thứ ấy
tất cả đều là sự thật, kể cả dối trá
tất cả đều là dối trá, kể cả sự thật –
bóng tối tự sinh ra từ bóng tối.
 
 
TA CHẲNG CÓ AI
 
Họ đem ông đi đâu thế, hở ông?
Đi ra vườn, hỡi giấc ngủ.
Để làm gì thế, hở ông?
Để bắn ta, hỡi ngủ.
Là vì họ có đạn, hở ông?
Là vì họ có ngày giờ, hỡi ngủ.
Họ sẽ chôn ông ở đâu, hở ông?
Ở dưới tuyết, hỡi ngủ.
Phải báo tin cho ai, hở ông?
Quỷ nà, hỡi ngủ.
Ông có bà con không, hở ông?
Ta chẳng có ai, hỡi ngủ.
Thế có sao không, hở ông?
Chỉ có chiều hôm thôi, hỡi ngủ.
Ông xơi chén nước, hở ông?
Giá cả thế nào, hỡi ngủ?
Đừng bận tâm, ông ạ.
... Thuốc độc, ngủ à.
Ông không muốn chén ấy, hở ông
Nát tan từng mảnh rồi, hỡi ngủ!
Có nên buồn cho ông không, hở ông?
Đừng bận tâm, hỡi ngủ.
Chúc ông ngon giấc!
Hãy ngủ với ta, ngủ ơi!
Tôi ngủ một mình, ông à.
Ta chết một mình, hỡi ngủ.
Chúc ông chết lành, hỡi ông!
Ngủ ngon, cái ngủ!
 
 
KỸ THUẬT CỦA NHỮNG ĐỒ VẬT
 
một lần nữa chúng ta lại thức dậy
một lần nữa chúng ta lại mặc quần áo
một lần nữa lại lên sân khấu
tất cả những ống quần này nơi những ống chân này thò ra
nhà hát!         nhà hát!
tất cả những vai trò đều lặp lại mãi
làm ơn bật đèn lên chúng ta cư ngụ những từ cũng là những còng tay
ra đi những vai trò chưa thoa son trét phấn
những tấm màn ngủ trong những người tình, những chiếc xe đạp ngủ đứng, cỏ ngủ trong bầy ngựa
chúng đã có gì để nói? chúng còn gì chưa nói?
đủ rồi, hỡi anh điều khiển con rối, đủ rồi!
ta không còn tai nghe những vấn nạn
tất cả những xiềng xích đã nghiến rít vĩnh viễn
dưới sự thật đã rời bỏ sân khấu
một lần nữa chúng ta lại thức dậy một lần nữa chúng ta lại mặc quần áo
nào đi
chả cần phải tới...
 
chẳng có gì không bị vấy dơ
 
 
NGÀY MAI DĨ VÃNG SẼ TỚI
 
Đối với tôi không còn gì là quá trễ. Tất cả đã quá trễ.
Máu chạy như xe điện ngầm trong những thủ đô
Và dĩ vãng        là ở        khắp mọi nơi      tựa như máu.
                    Trong hừng đông của những dòng sông đỏ
những ánh chớp       và mông       những con ngựa người*
đã có một thứ ánh sáng – không rõ ấy là thứ ánh sáng nào.
                    Trong mù sương, có nhiều điều thật rõ.
 
--------------------------------------------------------------------
* «centaure»: quái vật đầu người mình ngựa - con nhân mã.
(ghi chú của dịch giả)
 
 
LÀM SAO NGỦ *
 
Làm sao ngủ khi không một ai thức?
làm sao ngủ khi hết thảy đều ngủ?
tôi bị loại khỏi biết bao cuộc sống
và hoài công tìm kiếm bản thân
trong mê lộ những cuộc đời mình
 
chén rượu của chiếc bóng là gì
và chiếc bóng nào
có thể có ở đó?
 
cảnh thật là một tấm tranh không có khung
có lẽ một con người có thể ra đời
đồng thời với cảnh đó
nhưng không một ai sống sót nổi
bùn lầy của vô-thể đã hút mất chiếc khung
cái thật chơ vơ ở lại giữa đời...
 
chúng ta hết thảy hãy tự biến thành những bóng ma
và chúng ta sẽ trở lại thành người
 
---------------------------------------------
* Tựa đề trong nguyên tác: «Temere».
(ghi chú của dịch giả)
 
 
XỨ BUỒN
 
Chúng ta rời những dòng nước và lui vào trong đá
chúng ta rời những tảng đá và lui vào trong cây
chúng ta rời cây cối và lui vào không khí
chúng ta rời những tầng không và dựng xây tưởng tượng và sao
nhưng những tảng đá       cây cối       và chim chóc
nhưng những tầng không       trí tưởng và các vì sao
đi theo chúng ta vào giấc mơ
Thực ra chúng ta đã chết kể từ đó như những bóng tối dịu êm.
 
 
MỘ CHÍ
 
Anh hãy đi đường anh. Đừng cật vấn, cũng đừng gõ cửa
đã từ lâu hồn lìa bỏ nơi cư ngụ
không còn ai để đón khách,
hỡi người lữ hành của gió bốn phương,
bởi sở hữu chủ duy nhất của nơi đây là cái chết
và duy có bóng kên-kên là đôi lúc còn lướt qua,
những buổi chiều nào đó, trên những tảng đá này,
nơi ngủ vùi những ý niệm.
 
--------------------------
Ghi chú của dịch giả:
ION CARAION (1923-1986), nhà thơ Ru-ma-ni, sinh tại Ruçavat năm 1923. Ông là tác giả khoảng 20 tập thơ, trong đó có hai cuốn dành cho các em bé. Chưa kể những hoạt động năng nổ về báo chí văn nghệ (chính Caraion đã đăng thơ tiếng Ru-ma-ni của Paul Celan!... ) và viết các tác phẩm bằng văn xuôi; ông cũng là dịch giả của những tuyển tâp thơ Pháp (từ Rimbaud tới ngày nay), thơ Hoa-kỳ, thơ Thụy-sĩ, và thơ của Edgar Lee Masters, Erza Pound... Ông thường nói: “Thơ vẫn là mối hiểm nguy thuần túy”! Thật vậy, sống dưới các chế độ thường tự nhận là “cách mệnh” ở nước ông phần lớn đời mình, vì thơ ông đã từng bị kết án tử hình và phải nằm chờ ngày hành quyết trong hai năm trước khi bản án chuyển thành... chung thân lao động khổ sai! Thi phẩm đằu tiên của ông bị kiểm duyệt cấm, chính ông bị bắt giữ vào năm 1950, bị cáo về tội “mưu toan xuất bản thơ mình ở ngoại quốc”. Ông bị truất quyền công dân, tịch thu tài sản và lãnh án tù chung thân tại trại lao động cưỡng bách của con kênh đào Danube-Hắc hải. Được phóng thích vào năm 1955, Caraion lại bị bắt giữ vào năm 1958; lần này, người ta cho ông đi lao động tại các mỏ đồng ở Cravnic và Baia Sprie, nơi ông đã cố gắng sống còn trước khi được phóng thich nhờ một cuộc ân xá chung năm 1964. Thế là chỉ vì thơ, Caraion đã ở tù 11 năm! Năm 1981, ông xin tỵ nạn chính trị ở Thụy-sĩ cùng với vợ và một cô con gái. Sống lưu vong tại Thụy-sĩ với vợ con từ 1982, Caraion lại tiếp tục... làm thơ, và sáng lập nhiều tạp chí văn chương quốc tế. Ông mất tại Lausanne ngày 21 tháng Bảy 1986. Một kỷ niệm về Caraion thời gian sống biệt xứ: mỗi khi ký tặng sách cho những người hâm mộ thơ ông, Caraion thích trích dẫn mấy câu thơ này (trong bài “Những hình thể” của ông):
 
Bốn phương.
Thượng đế của cô quạnh.
 
Thân xác mi đã sinh ra là thần trí.
 
Bản dịch dựa theo các bản Anh văn của Marguerite Dorian & Elliott B. Urdang, các bản Pháp văn của Vahé Godel, của Jean-Pierre Vallotton, và tuyển tập tình thi Florilegiu de dragoste (Minerva, Bucarest, 1981). Một số trong các tài liệu này có in kèm nguyên tác tiếng Ru-ma-ni.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021