thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gió thổi
 
Chúng mình hôn nhau trong hành lang hẹp
trên cỏ xanh, trong những góc tối
trên tháp chuông, bên gốc cây cổ thụ...
 
Bốn bề nước tràn ướt chân
lúc ấy gió thổi rất mạnh
 
Con sâu đo em đu lên người anh
thì thầm gặm hết những xanh non
 
Con ong vẫn nhởn nhơ bay
thác đổ đều đều, mưa rơi rất chậm
nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về một phía.
 
 
_________________________
Lời bình của Đỗ Quyên:
Mai Văn Phấn vẫn còn nhiều rung động rất hiện thực và hiện sinh của TUỔI YÊU với hình ảnh “Con sâu đo em đu lên người anh”. Tôi tâm đắc câu kết: “nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về một phía.” Nhà thơ J. Brodsky là bậc thày của thủ pháp để hình tượng lớn đứng trên vai các hình tượng nhỏ. “Gió thổi” có nhiều hình tượng nhỏ để đỡ một hình tượng lớn là vậy. Đó là một thủ pháp khó của thơ ca Tây phương; tạo nên vẻ đẹp của thơ vừa giản dị, vừa bất ngờ vừa... dân chủ! Khác thơ Đông phương, thường hội tụ vào một hình tượng chính, mang nặng ý đồ tư tưởng, tốn nhiều tu từ... Cái lớn của “hình tượng trung tâm” không phải vì nó lớn thật sự, lớn tuyệt đối mà lớn tương đối, lớn nhờ được nhiều cái nâng nó lên. “Tất cả ngọn cây đều bạt về một phía” đã được tôn lên từ “hôn nhau trong hành lang hẹp”, “Bốn bề nước tràn”, “Con sâu đo em đu lên”, “ong vẫn nhởn nhơ”; “thác đổ đều đều, mưa rơi rất chậm”; v.v... Thủ pháp đó thường làm cho triết lý của thơ ca đến được từ hình ảnh, từ sự mô tả. Thơ Nguyễn Đình Thi chinh phục chúng ta một cách nhẹ và dai dẳng có lẽ cũng nhờ thủ pháp này?
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021