thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NƠI CHẲNG CÓ GIÊNG, HAI, CŨNG CHẲNG CÓ THÁNG BA
Bản dịch Diễm Châu
 
JOSEPH BRODSKY
(24.5.1940 - 28.1.1996)
 

Có những thành phố…

(trích)
(...)
Có những thành phố nơi người ta không bao giờ trở lại.
Ở đó nắng dội phải những khung cửa sổ như dội phải những tấm gương không tì vết.
Và thế là, ở đó ta không thể lọt vào, dù với bất cứ giá nào.
Ở dưới ấy, mãi mãi, một dòng sông vẫn chảy dưới sáu cây cầu.
Ở dưới ấy là những chốn mà đôi môi đã gắn liền
với một đôi môi khác, và ngòi viết với những trang giấy.
Ở dưới ấy những khung cửa tò vò, những hàng cột, những quái vật bằng đồng làm run rẩy ánh mắt;
ở dưới ấy, bao vây chiếc tàu điện, đám đông nói
tiếng nói của người đã bỏ đi.
 
 

LM

 
Ấy thế rồi tới thời của những luyến tiếc.
Trong chỗ tranh tối tranh sáng của những ngọn đèn đường,
trong bóng mờ của những giây phút tâm hồn chợt được rọi sáng
chúng ta không còn nhìn nhận những bậc thày của chúng ta.
 
Một chiếc bóng tiến lên giữa chúng ta,
sống động, run run, xô đẩy chúng ta
và thắng thế trong khoảnh khắc
tụ tập những kẻ ngưỡng mộ mình.
 
Toàn thể đời sống chỉ là một nhịp đập của trái tim,
một tiếng động của các mệnh đề, một tiếng sóng vỡ của những sai sót,
một đêm tối trên con thuyền tính dục
đang lao xuống dòng suối lặng im.
 
Giã từ sáng tạo muộn màng
của vô vàn phiền nhiễu của ta,
sự sụp đổ cay đắng của những lần ta đắc thắng,
sự bay bổng của phút dịu dàng thật mỏng manh.
 
Hỡi Thượng đế, Người bước đi trên thế giới 
trong lúc chúng tôi chỉ dám nói khe khẽ,
Người tiến lên, một bước chân tàn nhẫn 
và Người cuốn hút khuôn mặt tôi.
 
Người muốn, trong đám cỏ tối tăm
đính vào những lần thất bại nhục nhã
những hạt thời gian ngắn ngủi xen kẽ
trên con đường tráng nhựa của những kẻ thắng thế.
 
Mọi sự lúc này tới chầm chậm 
và kêu gọi tôi: thế nên mi hãy sống, hãy sống,
hãy quay, hãy quay tròn dưới mắt ta,
như điệu múa xoay vòng rồ dại của tình ái.
 
Hãy tỏa sáng trên những mùa gieo hạt đớn đau
và trên những phiền muộn của mỗi ngày,
hãy nhún vai trong đêm tối
và khóc thương cho hết mọi người.
 
 

Ngọn lửa run run…

 
Ngọn lửa run run trong vùng bóng âm u,
những khúc củi cháy đen chỉ còn soi lờ mờ.
Chen chúc chung quanh chúng từng đoàn lũ thật kỳ dị
những ý nghĩ của tôi vụt hiện về từ mùa đông không cùng.
Nỗi muộn phiền nào đưa chúng ta 
tới nơi công viên bên bìa thành phố
để nhìn lại một quang cảnh thật hỗn độn
và hiểu rằng công viên này không còn nữa,
rằng mọi sự đều biết tới ngày tàn của chúng
mới từ hai thế kỷ,
để chiêm bao thấy mình lạc lõng trong rừng đêm
mà chẳng bao giờ còn nghe những nhát búa của người tiều phu.
Những thân cây và bụi rậm vươn mình trong vùng bóng, những ngọn đồi nằm sóng sượt ở xa xa nơi tăm tối quạnh hiu,
mặt trăng rực cháy tựa đống lửa củi
thắp lên trên những khu rừng một đám cháy lặng thinh.
 
 

Đoản khúc

 
Tháng giêng đã qua trên kính cửa nhà tù
và tôi nghe tiếng hát của những người bị giam giữ
qua khối bê-tông của các phòng giam:
“Một người trong anh em ta đã được phóng thích.”
Anh vẫn còn nghe tiếng hát của các tù nhân
và bước chân nặng nề cùa những viên cai ngục câm nín
và chính anh, không thốt một lời anh còn hát lại:
“Vĩnh biệt tháng giêng.”
Hướng về khung cửa kính,
anh nuốt từng ngụm lớn làn không khí ấm.
Còn tôi, tôi lại lang thang trong một hành lang,
trầm ngâm, tôi đi từ cuộc thẩm vấn này
qua cuộc thẩm vấn khác – tới cõi xa xăm ấy
nơi chẳng có giêng, hai, cũng chẳng có tháng ba.
 
1962
 
 

Bài ca giới nghiêm

 
Thêm một Giáng sinh chấm dứt
ướt đẫm những sọc và sao.
Tất cả các bạn Ba-lan của tôi
đều ở sau song sắt,
bị nhốt lại như những số không
trong một biểu đồ phẫn nộ:
như một phương pháp huấn luyện
nô lệ hạ toán học...
 
Sâu hơn cả chiều sâu
những tư tưởng của bạn hay của tôi
là giấc ngủ của sự chết
trong vùng mỏ Vujek;
cao hơn cả tiền thuê nhà của bạn
là bàn tay mà tài cán
khiến kẻ khác cúi đầu –
như thể được chụp ảnh.
 
Bất lực là ngôn từ.
Nhưng còn hơn giọt lệ,
trong cố gắng tìm tới,
xuyên qua biên giới
đối với những trái tim nặng trĩu
của các bạn Ba-lan của tôi.
Thêm một vụ án bắt đầu.
Thêm một Giáng sinh chấm dứt.
 
(Bài này nguyên tác bằng Anh văn)
 
 

Bài ca cho Bosnie

 
Khi mi uống whisky, ăn miếng thịt sườn bê, và khi trước buổi hòa nhạc, những ngón tay mi cài lại khuy áo
có những kẻ đang hấp hối.
 
Nơi những thành phố với những cái tên kỳ quặc, bị giết, bị thiêu mà không biết những căn nguyên của sự dữ
có những kẻ đang hấp hối.
 
Nơi những xó xỉnh nhỏ bé mà mi không hay, không hề thốt một tiếng kêu, không được chịu những phép thánh cuối cùng
có những kẻ đang hấp hối.
 
Họ đang hấp hối và mi mi phó mặc
vẫn những tên đạo đức giả
chỉ biết tới dửng dưng và phục tùng
và có những kẻ vẫn đang hấp hối.
 
Quá xa để có thể yêu những người anh em thuộc nòi slave của mi, ở đó nơi các thiên thần nhỏ không bay
có những kẻ đang hấp hối.
 
Những pho tượng biểu lộ sự ghê tởm của chúng, dấu hiệu của Caïn,
lịch sử mê cuồng
những tấm thân trần truồng của những kẻ đang hấp hối
 
Mi đọc những thành tích thể thao và kết số ngân hàng của mi và khi các con mi đi ngủ
có những kẻ đang hấp hối.
 
Con ma cà-rồng thời gian sẽ kịp thời phân tách
các nạn nhân mất đi với bọn người hạ sát họ
nhưng chiếc bóng của mi thuộc về chúng.
 
 
-----------------------
Ghi chú về tác giả:
JOSEPH BRODSKY (1940-1996) sinh tại Leningrad ngày 24 tháng Năm 1940. Rời nhà trường năm 15 tuổi, làm nhiều nghề lặt vặt để nuôi thân. Trong thời gian này, ông tự học tiếng Anh và tiếng Ba-lan và bắt đầu làm thơ. Năm 1964, ông bị một tòa án ở Leningrad kết án đày 5 năm vì tội danh: «ký sinh trùng xã hội». Ông rời Liên Sô vào năm 1972 sau khi đã sống trải 18 tháng trong một trại lao động ở miền bắc nước Nga. Từ đấy, Joseph Brodsky cư ngụ tại Hoa-kỳ, và được tặng giải Nobel văn chương năm 1987.
 
Các bài dịch đều dựa theo các bản Pháp hoặc Anh; riêng bài cuối cùng, đã có từ 1992, dịch theo bản Pháp văn của Vladimir Claude Fišera đăng trên tờ Lettre (internationale), bộ mới, số 2, 1995, để tặng nhà thơ Claude Vancour, người đã cho tôi hay tin Brodsky từ trần đột ngột vì một cơn đau tim tại nhà riêng ở Brooklyn ngày 28 tháng Giêng 1996.
 
Tất cả các bài, để gửi bạn Hoàng Ngọc Biên, dịch giả đầu tiên tại Việt-nam của Joseph Brodsky.
 
Diễm Châu
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021