thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CÂY DÙ Ở PICCADILLY (II)
(Diễm Châu dịch)
 

Cườm hoa

 
Cả tôi nữa ngày xưa, khi rước kiệu,
tôi cũng đã hít thở mùi hương
và luồn vào cườm tay vòng
hoa xuân.
Cả tôi nữa, tôi cũng đã thành kính ngước nhìn trời
khi nghe tiếng chuông.
Tôi những tin thế là quá đủ
nhưng không.
 
Đã bao lần mùa xuân
đưa chân bỏ trốn làm quay cuồng
những đóa hoa như tuyết dưới cửa sổ nhà tôi
và cũng đã lâu rồi tôi được biết
một đóa hoa tỏa mùi thơm
và tấm thân trần nóng bỏng của một người đàn bà
là hai điều
ngoài những điều đó không có gì duyên dáng hơn
trong thế giới thảm hại của chúng ta.
 
Hoa và hoa
hai đóa hoa thật gần.
 
Nhưng đời tôi đã bỏ trốn quá mau,
như nước giữa kẽ tay,
ngay trước
khi tôi kịp dãn khát.
 
Đâu rồi những cườm hoa mùa xuân?
Ngày nay, khi tôi nghe cọt kẹt
cánh cửa buồng tang sự,
khi tôi chỉ còn phải tin
những điều chẳng ra gì
và trong mạch máu tôi tiếng máu đập
như tiếng trống của người tử tội,
khi tôi chỉ còn sự sụp đổ của con người
đều đều tẻ nhạt
và hy vọng chẳng đáng giá gì hơn
cái vòng cổ cũ kỹ
của một con chó đã banh thây,
 
ban đêm, tôi khó ngủ.
 
Và bởi thế, đã nghe thấy
có ai gõ nhè nhẹ
vào khung cửa mở hé.
 
Bấy giờ vào mùa xuân và đó chỉ là một cành cây
đương hoa,
và hai cây gậy của tôi,
hai cây gậy mà tôi vẫn kéo lê muôn thủa,
từ sáng tới chiều,
lần này không còn được
biến thành đôi cánh nữa.
 
 

Thiên đường đã mất

 
Nghĩa địa Do-thái cũ
là một chùm những tảng đá xám
mà thời gian đã bước qua.
Tôi lang thang giữa những nấm mồ
nghĩ tới mẹ tôi.
Ngày trước mẹ đọc Kinh thánh.
 
Những dòng chữ chia làm hai cột
xối xả tuôn trước mắt mẹ
như máu một vết thương.
Ngọn đèn nổ lốp đốp và tỏa khói
và mẹ tôi mang kính.
Đôi khi mẹ phải khơi
và lấy trâm chuốt gọn
ngọn bấc bỏng cháy.
 
Khi mẹ khép đôi mắt mỏi mệt,
mẹ mơ tới Thiên đường
trước khi ông Trời khiến mẹ bận rộn
bằng những tiểu thiên sứ vũ trang.
Thường thì mẹ thiếp đi, và cuốn sách
từ trên đùi trườn xuống.
 
Tôi còn trẻ
khi khám phá ra trong Cựu ước
những vần thơ tình thật cảm kích
và tôi hăm hở tìm những đoạn
nói tới loạn luân.
Lúc đó tôi chưa hề có một ý niệm
về tất cả những nét dịu dàng ẩn dưới những cái tên
của những người đàn bà trong Cựu ước.
 
Ada là Trang sức và Ophra
con Linh dương,
Naama nàng Duyên dáng
và Moça Suối nguồn.
 
Abigayil là niềm An ủi.
Khi nhớ tới
thiên hạ đã chỉ biết nhìn
lúc bọn chúng đày ải những người Do-thái
cùng với lũ con họ khóc ròng,
ngày nay tôi còn cảm thấy rùng mình ghê rợn
và tôi còn ớn lạnh kinh hoàng.
 
Yeminah là con Chim cu và Tamar
là cây Cọ.
Tirça niềm Vui thú
và Zilpa cái Mũi nhỏ.
Trời ơi, tuyệt đẹp!
 
Dẫu sao thì lúc đó vẫn là địa ngục
vậy mà không một ai dám
giật vũ khí khỏi tay bọn sát nhân.
Như thể nơi mọi người chúng ta không còn lấy
một chút lòng nhân đạo.
 
Cái tên Yekolya có nghĩa là
Thượng đế có thể.
Nhưng Thượng đế cau có của họ
nhìn qua những sợi kẽm gai
đã không nhúc nhích một ngón tay.
 
Dalila là cô nàng Đỏm đáng, Rachel
là Chiên con,
Debora là con Ong
và Esther là ngôi Sao.
 
Tôi vừa từ nghĩa địa trở về,
buổi chiều tháng sáu với mọi mùi hương
đã tựa mình vào những khung cửa sổ.
Nhưng ở nơi xa xăm lặng lẽ đôi khi đã âm ỉ
cuộc chiến tranh sắp tới!
Không có thời nào mà không có chuyện sát nhân.
 
Suýt nữa tôi quên,
Rhodè là bông Hồng.
Và thứ hoa này có lẽ là vật duy nhất
còn lại với chúng ta
từ Thiên đường cũ.
 
 

Vọng lâu của hoàng gia

 
Không biết là bao lâu tôi đã bước
trong những khu rừng thông,
dưới nắng trời Toscane
và lang thang theo những bức tường sụp đổ,
những cái giếng cạn khô
đây đó,
nơi giây leo bò
trên miệng giếng bỏ hoang.
 
Không biết là bao lâu tôi đã tìm kiếm
trên những chiếc ghế dài của các giáo đường cũ kỹ
và trước những bàn thờ
những phụ nữ thời danh
trên đầu trang trí
những câu thơ của các thi sĩ
và vẻ đẹp như một món nữ trang
nằm trên ngực nước Ý.
 
Ngày nay tôi đã quá già,
nhưng cả trong kỷ niệm lẫn những giấc mơ
đôi chân không hề làm tôi đau.
 
Đêm nay trong khu vườn Chotek
trăng tròn.
Ánh trăng sáng như ban ngày
và những cặp tình nhân hoài công tìm cách
giấu giếm những nụ hôn.
 
Trên vầng trán trắng của những pho tượng bằng cẩm thạch
gần hang phẳng
ánh trăng đêm nay rơi xuống,
và những khuôn mặt vẫn dịu dàng đến thế
bỗng trở nên ghê rợn
như khuôn mặt những người đã chết
từ mộ phần chỗi dậy.
 
Bể nước đã lặng im,
dường như nước muốn ngủ
và những giọt nước tròn êm vô số
đã thôi đập trên lá tôn ẩm ướt.
Chỉ còn những con chuột đồng nho nhỏ
dưới bể nước
chạy giữa những đóa hoa trên luống
như trong một mê lộ.
 
Cả hôm nay nữa ai đó vẫn nâng cao ngọn đuốc
tô màu cho mái lá xanh
để rọi sáng
gần bên những đôi chân mỏi mệt
đã ngừng nhảy múa.
 
Mọi người đã bỏ đi,
hàng cột của những mái vòm trống rỗng
lay động như những kẻ hành hương câm nín
khởi sự lên đường.
 
Chúng cất bước không đầu,
không tay, không chân
và không tràng hạt
chỉ với chiếc bóng gẫy
chung quanh Vọng lâu.
 
Đúng lúc đó màn trời
bỗng rẽ ra
và ngôi giáo đường xuất hiện trước mắt
và tòa Lâu đài bên dưới
cùng với những ngọn tháp của những lũy thành xưa.
 
Khi tôi nhìn Pra-ha,
và tôi nhìn nó không thôi
và lúc nào cũng hồi hộp
là vì tôi yêu mến nó,
ý nghĩ của tôi hướng về Thượng đế,
dù là Ngài ẩn nấp bất kỳ đâu trước mặt tôi
sau một đám tinh vân
hay chỉ sau một tấm bình phong cũ kỹ
mối mọt gặm nhấm,
để cảm tạ Thượng đế
đã ban cho đời tôi
một bối cảnh huy hoàng đến thế.
Cho tôi, cho những niềm vui thú của tôi,
cho những cuộc tình vô tư của tôi,
cho tôi và cho những giọt nước mắt không tiếng khóc của tôi
khi những cuộc tình ra đi,
cho nỗi buồn cay đắng nhất của tôi
khi chính những vần thơ không thể khóc.
Tôi yêu những bức tường cháy xém của nó
nơi chúng tôi đã níu bám trong thời giặc giã
để sống còn,
và tôi sẽ không đánh đổi chúng lấy bất cứ thứ gì trên thế giới.
Hay những bức tường khác,
cho dù có Tháp Eiffel vươn mình giữa những bức tường ấy
và sông Seine ở đấy buồn rầu trôi,
hay lấy tất cả những khu vườn ở Thiên đường
những khu vườn đầy hoa.
 
Một ngày nào đó, khi tôi chết
                                 -- và ngày đó đã sắp tới rồi,
trên trái tim tôi vẫn còn trĩu nặng
số phận của thành phố này.
 
Và ước chi người ta hãy lột da không thương xót,
như Marsyas, kẻ nào
dám động tới thành phố này
bất kỳ kẻ đó là ai.
Cho dù hắn có biết thổi tiêu như một ông thần.
 
 

Khung cửa trên cánh chim

 
Nước nơi có hoa linh lan
bị nhiễm độc.
Thời trọn mùa xuân sẽ độc ra sao!
Nó ngấm vào mọi thớ
như bom hạt nhân
và tràn vào mọi vật sống.
Duy có đá tảng bất động,
nếu không phải là đổi thay đôi chút
sắc mặt rầu buồn.
 
Trên đường tôi đi tôi đã bước qua bên những tấm biển
mang tên đường phố,
những tấm biển máng trên gió mùa xuân.
Tôi đã gắng sức đuổi theo khung cửa sổ duy nhất,
khung cửa màu xanh.
Chim chóc đem lại cho tôi khung cửa ấy
trên cánh
mỗi ngày một gần thêm.
 
Thế rồi khung cửa của tôi khép lại.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn thấy nó
         đôi lúc
nhưng chỉ những khi nào tôi nhắm mắt.
Hôm qua, mùa thu đã tới.
 
Những trái nho tựa những trái sồi vàng óng
trên những tấm màn
của một gánh hát
và im lặng tha thẩn với mùa thu
nói tiếng nói thân thuộc của các nghĩa trang
nơi đổ tới
những dòng suối cuộc đời chúng ta.
 
Đau khổ, tôi biết lắm,
ấy là một đứa em gái ác độc và bướng bỉnh.
Sự chết là một điều bí mật
phải trả bằng kinh hoàng.
Khung cửa kia bị hủy hoại từ lâu
và những cánh chim đã sa xuống những vườn nho.
 
Lắng nghe thêm đôi chút niềm im lặng
khi đôi mắt còn tin
chùm nho no tròn trên cành nọ
khát khao được nắm lấy.
Người đàn ông vươn bàn tay hướng tới ái tình
và người đàn bà rên rỉ trong khoái lạc.
 
Dưới những vườn nho trôi một dòng sông cũ kỹ
và trong lúc gió đùa
với những chiếc lá khan khan,
dòng sông cuốn đi
mọi nguồn suối dịu êm của xứ này
về biển dơ ở Hambourg.
 
 

Cây dù ở Piccadilly

 
Kẻ ngại ngần trong tình ái,
hãy si mê
nữ hoàng Anh quốc chẳng hạn
tại sao không nhỉ?
Khuôn mặt bà in trên mọi con tem
của vương quốc cũ.
Nhưng nếu kẻ ấy lại đòi
hẹn gặp bà ở Hyde Park,
thời có thể thất vọng
chờ đợi hoài công.
 
Nếu biết điều đôi chút
kẻ kia sẽ khôn ngoan tự nhủ:
Cố nhiên, ta biết,
hôm nay ở Hyde Park trời mưa.
 
Từ Anh quốc trở về
con trai tôi có mua cho tôi ở Piccadilly
một cây dù đi dạo.
Mỗi khi cần,
tôi có trên đầu
một khoảng trời nho nhỏ của riêng tôi
một khoảng trời, quả thật, đen tuyền
nhưng trong những gọng dù bằng xương cá ông căng ra
có thể lưu thông ân sủng của Thượng đế
cũng như điện khí trong những đường dây.
 
Đôi khi tôi mở cây dù
         dẫu rằng trời không mưa
như chiếc tán hoa
trên những bản Tình ca của Shakespeare
mà tôi mang trong túi.
 
Nhưng cũng có những lúc làm tôi hãi sợ
chùm hoa rực sáng của trời.
Vẻ đẹp tới trước của nó
đe dọa chúng ta bằng nét mênh mông vô hạn
quá giống
giấc ngủ của sự chết.
Nó xúc phạm tới chúng ta bằng sự trống trơn và giá buốt
của hàng ngàn vì sao
lừa gạt chúng ta đêm đêm
với ánh sáng huyền ảo.
 
Ngôi sao có tên gọi Vệ nữ *
là một trong những vì sao khủng khiếp nhất.
Ở đó trọn những khối đá lớn đang sôi sục
và như những lớp sóng khổng lồ
những ngọn núi trồi lên
và mưa diêm sinh phừng cháy.
 
Chúng ta vẫn thường tự hỏi hỏa ngục là đâu.
Ấy chính đó!
 
Nhưng một cây dù mỏng manh làm gì được
chống lại toàn Vũ trụ!
Vả lại tôi thường cũng không mang dù.
Đôi tay tôi quá bận
khi tôi phải bước đi,
gắn kề với trái đất
như con bướm đêm
ngủ ngày
bám sát vào vỏ cây sù sì.
 
Suốt đời tôi, tôi đã tìm kiếm Thiên đường
ngày xưa có ở đây
nhưng dấu tích Thiên đường tôi đã chỉ thấy
trên môi đàn bà
và trên nét đầy đặn của da thịt
đượm tình ái.
 
Suốt đời tôi, tôi đã khao khát tự do.
Rốt cuộc tôi đã tìm ra cánh cửa
có thể dẫn vào tự do.
Ấy là cái chết!
 
Ngày nay, khi tôi đã già,
đôi khi còn xuất hiện giữa đôi mi
một khuôn mặt phụ nữ ngọt ngào
và nụ cười làm máu tôi xao động.
 
Tôi rụt rè quay lại khuôn mặt đó
và tôi nhớ tới nữ hoàng Anh quốc
mà khuôn mặt in trên mọi con tem
của vương quốc cũ.
Cầu Trời phù hộ Nữ hoàng!
 
Tất nhiên, tôi biết rõ,
hôm nay ở Hyde Park trời mưa!
 
--------------------------
* Kim tinh hay Sao Mai.
 
 

Người tình của các thi sĩ

 
Ôi những phút ngây thơ của những cuộc tình đầu!
Vào thời đó tôi hãy còn tin
rằng ngã xuống chết giữa những đóa hoa,
khi ta si tình
đến cực điểm
hoặc ở hội giả trang tại Venise
có thể đẹp hơn
là chết trên giường.
 
Nhưng cái chết là nữ thần của mọi điều đau khổ
mà thế giới biết tới.
Cái đuôi áo của nó được dệt bằng
tiếng thở rền của những kẻ hấp hối
và điểm xuyết những ngôi sao nước mắt.
 
Cái chết là cây tỳ-bà của những tiếng thở dài,
ngọn đuốc máu bốc lửa,
bình đựng tro tình ái
và cánh cửa không dẫn tới đâu.
 
Đôi khi, nó còn là người tình của các thi sĩ.
Họ cứ việc theo tán tỉnh nó
trong mùi hoa tàn
nếu không bị quấy rầy
vì những tiếng chuông thương
đã bắt đầu chuyển động
và cứ việc lao sâu vào vũng bùn máu.
 
Cái chết luồn cánh tay dài và mảnh
vào thân xác đàn bà
và siết chặt những đứa trẻ sơ sinh dưới trái tim.
Chúng sẽ lên Thiên đường
nhưng còn đầy máu me.
 
Nó là hoàng hậu của mọi cuộc chém giết
và vương trượng của nó
ra lệnh cho những điều khủng khiếp của chiến tranh
từ khởi đầu thế giới.
 
Cái chết là em gái của mục nát,
kẻ đưa tin của những sụp đổ và hư không
và hai tay nó
đẩy lên ngực mỗi người
sức nặng của nấm mồ.
 
Nhưng cái chết cũng chỉ là một khoảnh khắc,
một nét bút
không hơn.
 
 

Tự sự

 
Khi mẹ tôi nói về mình,
đôi khi mẹ kể:
Đời ta buồn và lặng lẽ,
ta luôn luôn bước đi rón rén.
Nhưng khi ta tức giận
và dậm chân đôi chút,
trên những kệ tủ lung lay nhè nhẹ
những chiếc tách thừa hưởng của mẹ ta
và ta mỉm cười.
 
Lúc tôi sinh ra
dường như có một con bướm bay vào qua cửa sổ
và đậu ở đầu giường của mẹ tôi
nhưng đồng thời cũng có một con chó tru lên
         ở ngoài sân.
Mẹ tôi cho đó là điềm gở.
 
Đời tôi, quả thật, đã không được êm ả
bằng đời mẹ.
Nhưng khi tôi buồn bã nhìn
những ngày tháng hôm nay
như ở bên trong những tấm khung trống rỗng
và khi tôi chỉ thấy một bức tường bụi bặm,
tôi tự nhủ cuộc đời ta ngày trước quả là tuyệt vời.
 
Có biết bao giờ phút không thể nào quên
những giờ phút tựa những đóa hoa rực rỡ
đủ mọi màu, mọi sắc,
trong lúc những buổi chiều đầy hương thơm
giống như những trái nho xanh biếc
ẩn dưới những chùm lá đêm.
 
Tôi đã say mê đọc những vần thơ
và đã yêu âm nhạc
và lúc nào cũng ngỡ ngàng tôi đã lang thang,
từ nét đẹp này qua nét đẹp khác.
Nhưng chỉ mới vừa thấy lần đầu
hình ảnh một người đàn bà lõa thể,
tôi đã khởi sự tin ở những phép mầu.
 
Cuộc đời tôi đã qua mau.
Cuộc đời ấy quá ngắn ngủi
đối với những khát vọng lâu dài của tôi
những khát vọng không cùng.
Và trước khi ngờ đến,
tôi đã tới hồi chung cuộc.
 
Chẳng bao lâu nữa cái chết sẽ đạp cửa nhà tôi
và bước vào.
Sững sờ và khiếp đảm sẽ khiến tôi hồi hộp
lúc đó
và tôi sẽ quên hít thở.
 
Miễn là người ta thuận cho tôi
còn được hôn kịp lúc đôi tay
của người đã nhẫn nại cất bước theo tôi
cất bước rồi cất bước rồi cất bước
và yêu hơn hết.
 
(hết)
 
 
Đã đăng:
 
-----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
JAROSLAV SEIFERT (1901-1986) sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại một khu phố bình dân của Pra-ha. Học hành dang dở, thời trẻ mưu sinh bằng nghề viết báo. Hoạt động văn nghệ trong nhóm “Devetsil”, chịu ảnh hưởng các nhà thơ siêu thực hồi đầu thế kỷ XX.
 
Rời đảng Cộng sản Tiệp từ năm 1929; từ đấy bị gạt khỏi sinh hoạt văn nghệ chính thống, tuy vẫn có sách in trong nước – dù bị kiểm duyệt, vì là một nhà thơ được quần chúng rất yêu mến.
 
Năm 1956, đọc diễn văn yêu cầu phóng thích các chính trị phạm trong nước ; năm 1968, với tư cách Chủ tịch Hội nhà văn, mãnh liệt chống đối việc “bình thường hóa”; năm 1977, ký tên trong Hiến chương 77. Nhiều tác phẩm phải in ở nước ngoài... và lưu hành trong nước theo hình thức samizdat. Đối với nhiều người trên thế giới, Jaroslav Seifert là một thi sĩ của tình yêu, của tự trọng, của đông đảo quần chúng, đem lại “vinh dự làm người” cho các thi sĩ phải sống dưới chế độ tôi đòi...
 
Tập thơ áp chót của Jaroslav Seifert là Cây dù ở Piccadilly, viết vào năm 1978, không kể tập “Hồi ký” viết một năm sau đó. Tập thơ cuối cùng của ông: Býti básnikem (Là thi sĩ) in năm 1983. Mùa Thu 1984, ông được tặng giải Nobel Văn chương. Và hai năm sau thì mất.
 
Xin xem thêm bài của Seifert đăng song song ở đây: “TÔI ỦNG HỘ THI CA DẤN THÂN...”, và bài về Seifert của Milan Kundera đã đăng trên Tiền Vệ: "Một bài học lịch sử nho nhỏ".
 
Bản dịch Cây dù ở Piccadilly, đăng làm 2 kỳ ở đây, được dịch trọn vẹn, và dựa theo bản Pháp văn của Jan Rubeš.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021