thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bốn bài thơ [III]
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
LEONID ARONZON
(1939-1970)
 
 
 
"Không phải sự im lặng này mà là
một sự im lặng khác”
 
Không phải sự im lặng này mà là một sự im lặng khác,
như một con ngựa lao tới Thượng đế
tôi muốn đem chuyển thành âm thanh
những ý nghĩ và bút pháp của tôi từ đầu đến đuôi,
Tôi muốn chết trẻ
với hi vọng: có lẽ tôi sẽ hồi sinh trở lại
không toàn bộ, có thể chỉ là một phần ba tôi thôi,
và chỉ một ngày, ôi cái ngày tuyệt vời.
Nước trên dòng Lesbos[1]
quay bánh xe cối xay
và một cô bé nhìn thấy những giấc mơ của ai đó,
sau khi những khúc hát chậm rãi vang lên,
Ôi thân thể: mặt trời, giấc mơ, dòng nước!
Những ngôi nhà thờ mùa thu vươn cao,
khi tôi nằm trên bãi cói nối liền ba mặt hồ
tôi là của Thượng đế và không là của ai.
 
1966?
 
 

Pavlovsk

 
Cảnh hoàng hôn trông như dưới mưa.
Cung điện Pavlovsk ướt át, Pavlovsk[2] mùa thu,
quay cùng khắp, loanh quanh, run rẩy
và ẩn hiện như một ngọn nến.
Ôi tháng Tám,
mi có sẽ chôn ta như cỏ kia
giữ gìn lá rụng,
hay lối đi ướt mềm của một chú chồn
đưa ta trở lại thủ đô?
 
Mùa thu màu vàng héo từ những ngọn đèn đường
có những vách tường trang trí ngâp tràn, chơi vơi.
Tới tháng Mười, hỡi cái chết của ta, hãy đến
trên những sân ga được rửa sạch như những khuôn mặt,
nhưng không phải đến nơi này, nơi cây cối là Nga hoàng,
nơi cái chết suy tàn thống trị,
nơi con chim cuối cùng bay mất
và ánh đèn khuya trườn mình xuống những bậc thang
như một chiếc lá và nằm yên,
nơi có cây sồi, như một kẻ cùng thời không ai nhận ra,
rung từng cành lá,
dừng chân như trước đây ở lại chốn ngàn xưa.
 
Giờ đây ta là Nga hoàng, ta cô đơn,
vì vậy giống như một diễn viên sau khi khởi động
ta tự trượt mình như những cơn mưa
và nằm yên trên mặt đất như những chiếc lá,
và đêm hoàng cung giữa những nơi ẩn náu
để lãng phí tháng Tám kéo dài
với vô số những sao băng
trên cung điện Pavlovsk giữa bầu trời ảm đạm.
 
1961
 
 

* * *

 
Hỡi người đẹp, hỡi nữ thần, hỡi thiên thần của ta,
hỡi suối nguồn, cửa sông mở ra mọi ý nghĩ sâu nhất của ta,
em là dòng suối mùa hè của ta, là ngọn lửa mùa đông của ta.
Ta hạnh phúc thấy mình được sống để nhìn dòng nước kia
khi em xuất hiện trước mặt ta
trong vẻ đẹp xuất thần ấy.
Ta từng biết em như một cô đĩ và thánh nữ,
yêu mọi thứ ta nhận ra nơi em.
Ta muốn được sống ngày hôm qua, không phải ngày mai,
để cuộc đời có thể rút trở lại buổi ban đầu
vào thời chúng ta cùng bỏ đi,
và lại lăn tới trở lại nếu năm tháng cho phép.
Nhưng bởi chúng ta sắp sống thêm lâu hơn nữa,
và tương lai là một sa mạc tàn bạo,
em là ốc đảo nơi ngơi nghỉ sẽ cứu rỗi ta,
hỡi người đẹp của ta, nữ thần của ta.
 
 
 

* * *

 
A, mùa thu quả là thu! Nước
trên sông quả là chảy ngược dòng!
Ông đứng đó. Người ta dẫn đến cho ông
con ngựa. Đột nhiên ông cưỡi lên lưng ngựa
và kéo giãn thân mình con thú ông phi nước đại.
Trong các khu vườn lá vẫn còn
Vừa đủ cho thêm hai ngày nữa.
 
Rồi ông ngủ quên. Nhưng trong giấc ngủ
lẫn lộn trời và nước, ông phi nước đại
trên lưng ngựa và đôi khi phi bằng đôi chân,
từ bến bờ này qua bến bờ kia, dọc theo
dòng Neva[3] trong đêm
nghĩ đến sông và chỉ nghĩ đến sông!
 
Nhưng bóng tối và hơi lạnh
bấy giờ ông tìm thấy vẫn còn
nguyên vẹn ở đấy. Nước, cảnh khốn cùng
vẫn y như cũ. Tựa như thể
Ông chưa hề xây lên gì ở đây.
 
Bắt đầu 1970
 
 
_____________________
Chú thích của người dịch:

[1]Lesbos là một hòn đảo Hi Lạp [Λέσβος] ở phía đông bắc Biển Aegean, đường biển dài tới 320 kilomet. Cách Thổ Nhĩ Kỳ bởi eo biển hẹp Mytilini, Lesbos có khoảng 90.000 cư dân, trong số đó một phần ba sống tại thủ phủ Mytilene ở phía đông nam hòn đảo.

[2]Cung điện Pavlovsk là Hoàng Cung Nga do Vua Paul I của nước Nga xây ở Pavlovsk, gần Saint Petersbourg. Sau khi vua qua đời, Hoàng Cung thuộc về quả phụ Maria Feodorovna. Cả cung điện này và ngôi vườn kiểu Anh bao quanh ngày nay được dùng làm Viện bảo tàng Quốc gia Nga và Công viên.

[3]Neva: Sông nổi tiếng ở Saint Petersbourg.

 
 
 
---------------------------------
“Không phải sự im lặng này mà là một sự im lặng khác” và “Pavlovsk” dịch từ bản tiếng Anh “Not this but another silence” và “Pavlovsk” của Richard McKane trong Ten Russian Poets Surviving the Twentieth Century (London: Anvil Press Poetry, 2003). “Hỡi người đẹp, hỡi nữ thần...“ dịch từ bản tiếng Anh “My beauty, my goddess...” trong Leonid Aronzon: The Selection of A.Altshuler [REFLECT #17]. “A, mùa thu quả là thu!...” dịch từ bản tiếng Pháp “ A, que l’automne est automnal...” của Hélène Henry trong Poésie 1 - La poésie russe contemporaine - Vagabondages [26 poètes de Saint-Petersbourg] No. 28, Déc. 2001.
 
 
-----------
Đã đăng:
 
... Tại sao ý nghĩ và những chữ viết / lại nở ra thành chùm từ thi hài của những hồn người? / Nhưng ta vẫn cứ gọi tên chúng — và cho chúng sống lại... | Hỡi mặt hồ, ta nằm trong bóng tối của mi, / nhưng ta biết mi sẽ không bảo toàn cho ta / và cả những chiếc lá úa sáng ngời trên sóng gợn... | ... Tôi bước dạo qua thiên nhiên dưới bàn tay con người / như một chàng tuổi trẻ không kẻ thân thích... | Dạo chơi trên bầu trời, quả là thú vị, / bầu trời ấy, là bầu trời nào! thế đàng sau nó là gì?... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Bốn bài thơ  (thơ) 
Khi bà nhắm mắt lại — có những ngôi nhà xinh xắn / một nơi nào đó trên bờ biển: / một khu rừng lớn và những cửa sổ rộng... | ... Khi kẻ được em yêu mến là ta chết đi, / em chớ có linh đình nghi lễ, / hãy để ta nằm trong rừng thông / mặt ngửa lên như mặt những ao hồ!... | ... Chỉ có mùa thu là đã giăng lưới / để bắt những linh hồn đặt lên hốc tường ở chốn thiên đường... | ... Tôi miệt mài trong giấc mơ của ai đó: / công viên giãn rộng cho tới khi nó gần như bị vỡ... [Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021