thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Siêu hình học của thơ
 
Thương mến đề tặng Baruch Spinoza, gã thợ kính bị lãng quên
 
1. Một người chỉ viết thơ khi chính hắn ý thức điều đó. Cho nên, chỉ một người duy nhất biết những gì được viết ra có phải là thơ hay không, và cũng chỉ người đó có quyền xem nó là thơ hay không.
 
2. Chính sự tự ý thức là giềng mối cho người đọc tìm đến cảm xúc nội tâm của chính họ khi đọc thơ, là một việc hoàn toàn khác so với đọc tiểu thuyết (nhân vật), triết luận (trí tuệ của tác giả), bút ký (con người tác giả), v.v…
 
3. Tập hợp thơ không bao gồm tập hợp những câu văn bị bẻ gãy và xuống dòng liên tục, và ngược lại. Nếu không thấy được tính đúng đắn của mệnh đề trên, thì không những chưa hiểu gì về thơ, mà còn có thể chưa hiểu gì về logic.
 
4. Ngôn ngữ là vật liệu của thơ, không phải thơ. Kẻ nô lệ của ngôn ngữ chưa hẳn là thi sĩ. Ngôn ngữ có thể được hiểu theo nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp: ngôn ngữ là hình ảnh, ký hiệu, âm thanh, chữ viết, v.v... nhưng nói chung điều đó không thay đổi sự thật rằng ngôn ngữ không phải là thơ. Sự phân loại này bắt nguồn từ Aristotle.
 
5. Những đặc tính của ngôn ngữ là những đặc tính duy nhất làm nên thơ. Tuy nhiên, không có một quy định chính xác và cụ thể để định nghĩa thơ là gì dựa trên ngôn ngữ. Thơ là cách mỗi con người cảm nhận khi tiếp cận với ngôn ngữ. Ngôn ngữ, ngôn ngữ, ngôn ngữ là cầu nối thấp nhất giữa hai tâm hồn, thơ cũng không có gì hơn.
 
6. Không có Thơ (viết hoa) theo khái niệm của Plato. Thơ không có Hình Dáng; không thuộc về một thế giới cao hơn; không dựa dẫm vào Lý Trí. Thơ là sự phù phiếm của con người. Con người đọc, nghe, được diễn tả qua chữ viết và tiếng nói để tự định dạng trong tâm hồn mình cái gọi là thơ.
 
7. Thơ không thể truyền từ người này sang người khác. Nó tự sinh ra và tự mất đi.
 
8. Văn xuôi là văn xuôi. Thơ là thơ. Thơ văn xuôi là thơ văn xuôi. Những trivially true statements trên thực chất mang một tầm quan trọng rất lớn trong vấn đề định nghĩa thơ: một người chỉ có thể hoặc viết thơ, hoặc viết văn xuôi, một và chỉ một; không thể tại cùng một thời điểm vừa viết văn xuôi vừa viết thơ, trừ khi người đó viết thơ văn xuôi.
 
9. Để nới rộng ra, có hai khái niệm về thơ: thơ của tác giả và thơ của mỗi độc giả. Khái niệm đầu tiên đến trước, khái niệm thứ hai đến sau; nhưng hai khái niệm đứng ở những vị thế hoàn toàn độc lập với nhau. Đọc chính là một hành động mỹ học (aesthetic act), là sự “sáng tạo lại”, như Borges đã nói. Khái niệm thứ nhất, về mặt luân lý, có quyền phủ định khái niệm thứ hai, nhưng về mặt luật pháp thì không. Trong đa số trường hợp, khái niệm thứ nhất sinh ra khái niệm thứ hai.
 
10. Thơ luôn luôn là trạng thái điên loạn của tâm thần. Một người thực sự bình thường không bao giờ làm thơ, hoặc họ chỉ ngộ nhận rằng họ làm thơ. Nền tảng của thơ là sự điên loạn, còn những cảm xúc vui buồn nhí nhảnh chỉ định dạng chất liệu, không định dạng thơ. Sự định dạng của cái làm nên thơ có thời gian tính, quãng thay đổi thường được đo bằng thời đại.
 
11. Ai thấy được sự khác biệt giữa
      “Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa”
      “Dù sao
       Mai
       Phòng triển lãm sẽ đóng cửa”
người đó hiểu hơn một nửa về thơ. Ít nhất người đó đã đọc hơn một nửa “Siêu Hình Học của Thơ”.
 
12. Nhân loại không cần đến thơ như cần đến logic. Thơ là của hồi môn mà Thượng Đế đã dành tặng con người. Thường là vô dụng.
 
13. André Gide viết: ở những nhà thơ có nhiều sự thật hơn. Điều này chỉ đúng một phần ba. Vì thơ vốn bắt nguồn từ nội tâm con người nên nó tạo ra ảo giác nó chứa đựng sự thật. Hai phần ba còn lại, một phần dành cho sự giả dối của nội tâm con người, một phần dành cho sự giả dối trong ý thức tìm về nội tâm con người.
 
14. Một tam đoạn luận: Lời nói không chứa đựng sự thật. Thơ là lời nói. Cho nên, thơ không chứa đựng sự thật.
 
15. Tính trội nhất của thơ là: ngắn. Thể loại văn học gần gũi nhất với thơ là truyện cực ngắn. Lịch sử cho thấy có không ít những bài thơ siêu dài, nhưng đa số những bài thơ này thường lại là tập hợp của những câu rất ngắn, và ngược lại.
 
16. Tính lặng nhất của thơ là: sự nghiêm túc. Mỗi nhà thơ phải mỉa mai ít nhất một ai đó trong đời.
 
17. Tất cả những nhà thơ là những kẻ hoang tưởng. Không có trường hợp ngoại lệ. Nhưng không hẳn tất cả những kẻ hoang tưởng là những nhà thơ. Cái phân biệt nhà thơ với một người không phải nhà thơ, chính là sự tự ý thức một cách tuyệt đối trung thực.
 
18. Sự tự ý thức của một nhà thơ cũng chính là sự hoang tưởng. Hoang tưởng rất chân thành.
 
19. Hỏi: Làm sao để biết một hữu thể là một bài thơ?
      Đáp: Đọc “Siêu Hình Học của Thơ”.
 
20. Ai thấy được những gì viết trên đây là một bài thơ, người đó đã hiểu về thơ.
 
5pm, 26.1.2007
viết ở Waterloo, trong lúc chờ trời ngưng tuyết
 
 
 
------------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021