thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nguyễn Viện, giữa đám đông và hai đầu gối

 

Tôi thấy Nguyễn Viện, người đi dây, đứng giữa chỗ hõm của cái háng lịch sử, tay cầm thanh sắt (hình ngòi bút) màu hung, lửa trái tim. Ông cố giữ thăng bằng để đi nốt con đường nối hai đỉnh điểm A, B của hai đầu gối. Con đường trộn lẫn những mâu thuẫn, những khác biệt của hai luồng văn hoá Bắc, Nam, trước và sau năm 1975. Thanh bút sắt ấy thoắt ẩn, thoắt hiện trong những giao động rối loạn, mới cũ, thanh tục, thực, ảo, láng lẫy hay thô nhám của hai nền văn chương hiện đại và hậu hiện đại.

Trong thời đại kỹ nghệ hoá và điện tử thông tin hiện nay, con người cần phải học tập tính đa năng để theo kịp và thích ứng với nhịp sống đương đại. Đa năng là một yếu tố hành xử cần thiết cho việc sống còn. Trong một talk show trưng cầu dân ý ở Mỹ về kỹ thuật đa năng của con người, phần lớn những người lớn tuổi thú nhận rằng sự chậm chạp làm giảm sự đa năng trong họ. Tuổi trẻ giờ đây hầu như thực hành kỹ thuật đa năng hằng ngày. Họ học bài, nghe nhạc, coi truyền hình và tán dóc với bạn bè trên mạng cùng một lúc. Phụ nữ có nhiều cơ hội thực tập tính đa năng hơn nam giới vì số lượng công việc gia đình quá nhiều nên họ phải đảm đương nhiều việc cùng một lúc. Nam giới ít có cơ hội hơn nhưng hình như khi sử dụng đa năng tính họ làm đâu ra đấy và ít tạo lầm lỗi hơn.

Không thể thoát khỏi những hệ lụy thời đại, Nguyễn Viện cũng đi vào quỹ đạo này và quay theo nó bằng cách thể hiện tính đa năng của mình một cách tích cực. Phải công nhận một điều, ngòi bút của ông thật khoẻ. Nơi này một áng thơ, chỗ kia cái truyện ngắn, góc nọ bài nhận định, trang viết hôm qua một phiên bản kịch, website hôm nay đăng dài dài một tiểu thuyết online. Đứng giữa những khía cạnh đa dạng đó, khả năng đi dây cho thăng bằng của ông quả là tài tình. Viết, với ông còn là một mưu sinh tất bật. Nếu phải ví văn và truyện ngắn của Nguyễn Viện như viên đá sắc cam nhiều góc cạnh tân kỳ thì thơ của ông tựa hòn cuội khi mềm mại vỗ về, lúc nóng rẫy, rần rật ngàn gân đỏ bỏng. Nếu phải lựa chọn để ngắm những viên đá sắc màu trong túi đá văn chương của ông, có lẽ tôi chọn hòn cuội thơ ca vì nó gần gụi với tôi hơn. Có một lần tôi được hân hạnh gặp ông nhân dịp ông Mỹ du, ở một buổi họp bạn. Nguyễn Viện trước mặt tôi là một người đàn ông trầm ngâm ít nói. Suốt buổi, hầu như sự câm nín phủ trùm nhân dáng. Khi ấy, tôi không biết gì về ông hơn là một nhà văn có nhiều truyện ngắn mang tính hậu hiện đại.

Sau này, tôi tìm đọc thơ ông nhiều hơn. Khi bắt được bài thơ “Mật ngôn viết trên da người”, ánh sáng về bí mật con người Nguyễn Viện từ từ hiển lộ. Nguyễn Viện là một người đa ngôn hơn là một cá nhân ít nói. Ông rất thích nói, nói không ngưng nghỉ, nói như chưa từng được nói, nói rất dai, rất dài và đối tượng của ông là chính đầu gối mình. Trong bài thơ có hai vế đối đáp rất lạ như thể truyện ngắn ấy, ông thì thầm nhiều điều với đám đông, thủ thỉ cùng “ông giời, chim chóc”, đòi “sục cặc chơi trăng”, đòi “thay đổi mùa màngchúng ta cùng làm bão”.

 
Đám đông:
Thày tu
Thu lu đục đẽo
Ông giởi ông giời
Đầu non cuối nẻo
Kể chuyện với đầu gối: Cô gái bảo anh cứ nói những gì anh thích. Điều anh thích là không nói gì cả. Cứ để cho da thịt hoà tan vào da thịt.
 
Đám đông:
Lóc cóc leng keng
Chim chóc lên giời
Sao rơi xuống đất
Chật chỗ nhân gian
Bên bờ bến bụi
Sục cặc chơi trăng
 
Kể chuyện với đầu gối: Thực thể hay niềm hi vọng cứu rỗi của mỗi thân phận bọt bèo là gì? Tôi leo lên triền cát và thả rơi mình xuống. Cơn gió phủ thổi tôi quay vòng vòng như cánh quạt. Tôi nói với cô gái: anh phát ra gió.
 
Đám đông:
Cua và cáy
Táy máy hội hè
Toè loe giữa chợ
Lạy mợ lạy ông
Bồng bế lông nhông
Con công chới với
Lạy chiêng lạy cồng
Kể chuyện với đầu gối: Vùi vào giấc mơ cây khô co quắp, những sợi lông buồn ủ rũ trút xuống mùa, người đàn ông buông sóng vào khoảng không. Cô gái bảo sao anh không nói âu yếm. Ù đục trong lỗ tai. Người ta giết nhau vì những điều vô nghĩa và đi trong hoang mạc từ hàng nghìn năm trước không rời bầy đàn. Không một ai rời bầy đàn mà không bị giết bởi chính bầy đàn của mình...
 
 

Nếu có ai bảo tôi, thơ, văn Nguyễn Viện đi sát với chủ nghĩa hậu hiện đại, tôi cảm thấy nhận xét này thật không ngoa. Có lẽ đây là bài thơ hậu hiện đại thử nghiệm ông làm năm 2002. Người ta không thể phủ nhận một cấu trúc có chủ ý làm mới của bài thơ. Vế trên với Đám đông ông dùng thể thơ tự do nhưng từa tựa thơ 2, 3, 4 hoặc 5 chữ. Lúc thì thoang thoảng ca dao, khi thì na ná đồng dao, lúc lăng nhăng bước qua cửa tục. Vế dưới, Kể chuyện với đầu gối, là những tứ thơ triền miên tuôn chảy của những tư duy, những trăn trở, những triết lý sống, những ẩn mật dấu kín được bộc lộ, phát quang, lúc loé ra như sóng, lúc rỉ rả qua liếp khe tựa gió hú. Bài thơ như một bức tranh lắp ghép (collage) gồm những hình ảnh hỗn loạn dán dính vào nhau từ những hình tượng thô sơ bình dị của ca dao, đồng dao biến thể như “ông giời, lóc cóc leng keng, người bỏ người bê, với cá cùng cơm” đến những trầm tư sâu kín “Người ta giết nhau vì những điều vô nghĩa và đi trong hoang mạc từ hàng nghìn năm trước không rời bầy đàn. Không một ai rời bầy đàn mà không bị giết bởi chính bầy đàn của mình” hay những bi kịch buồn thảm xã hội. “Cô gái bảo em vẫn còn trinh. Ừ, thì lúc nào em chẳng còn trinh. Bán trinh bèo lắm. Ừ, bán cái lỗ mồm có giá hơn” ... “Cô gái bảo đừng làm em đau, nhưng người đàn ông đã là một cây sắt cứng”... “Em mất trinh rồi. Bán à? Không, bị cưỡng hiếp”.

Suốt bài thơ dài, người đàn ông vai chính trong vế sau, Kể chuyện với đầu gối, là một cái bóng đi trong mê lộ, im vắng, chán nản, trống rỗng, quẫy đạp giấc mơ trần truồng, hoài nghi thân phận. Hình ảnh ấy là những hình ảnh tiêu biểu của con người sống và thở trong chủ nghĩa hậu hiện đại. Bài thơ rời khỏi cái khung cố hữu của những tôn vinh, đẹp đẽ, sùng bái của chủ nghĩa hiện đại để thoát ly vào nỗi hoang mang, hỗn độn, mâu thuẫn, không đầu không đuôi, đa diện, đa tầng trong chủ nghĩa hậu hiện đại.

“Mật ngôn viết trên da người” lưu dấu trên da người đọc chút gì dinh dính như mật, chút gì lãng đãng, đớn đau thân phận lênh đênh dưới xã hội con người Việt Nam hôm nay.

Ngay từ những bài thơ đầu tiên vào thập niên 1999 trong nhịp mở LAO VỀ PHÍA BÃO — 32 nhịp, cho đến những bài thơ mới làm gần đây nhất như “Ngày sinh của mây” hay “Trước khi về nhà” lúc nào thi ca Nguyễn Viện cũng ẩn hiện hình bóng một người đàn ông và một cô gái cùng những khát khao cháy bỏng. Tôi và em, hình tượng một con đực và một con cái luôn luôn song hành, khi dịu dàng:

 
Hãy hôn anh lần nữa
Và thêm một lần nữa
Một lần nữa
Cũng chẳng để làm gì
Em hãy đọc bài thơ này
Rồi đi ngủ
 
 

lúc cuồng nhiệt:

 
Khi chúng ta yêu nhau mặt đất lún xuống. Những con gà trống xấu hổ chui vào chuồng lũ gà mái hốt hoảng vì mùa hoan lạc đã tận trên cánh đồng người. Lồn em run rẩy bật thốt âm thanh như sóng dội từ xa thẳm, nơi những ngọn gió đang tụ lại cho một mùa mưa giông đắm đuối
 
(trích LAO VỀ PHÍA BÃO — 32 nhịp, Nhịp 8, “Mùa động”)
 

một thời ngời ngợi những vỗ về mê đắm:

 
Đêm quấn vào chăn những khao khát bị ức chế. Người con gái leo tường nhảy vào cơn mộng của ngọn sao chổi đang quét ngang bầu trời, bay phất phới.
 
Anh với cánh tay vào trong đêm để ôm em. Sự nhiệm màu làm nên những cánh đồng xanh ngát những dòng sông thoát nước ồ ạt mang theo vị ngọt của nỗi đắm say. Tất cả đang tan chảy. Chỉ còn em và anh trần trụi giữa ánh sáng Ngày sáng thế.
 
(trích LAO VỀ PHÍA BÃO — 32 nhịp, Nhịp mở, “Bài thơ báo bão”, 1999)
 

Tuy nhiên, hình bóng quấn quít của hai nhân vật đực cái này chỉ là hai chiếc mặt nạ được Nguyễn Viện mượn để “xả” vào đó bao nỗi niềm u uẩn, tâm trạng chán nản, tấm lòng bi phẫn, ước muốn bay cao, cũng như nỗi cô đơn trầm uất.

Ông say sưa trong việc làm mới và sáng tạo. Kỹ thuật bẻ cong con chữ, gây xáo trộn, sử dụng tu từ hay ẩn dụ đều được ông đem ra áp dụng. Ông lột quần áo của chữ, bày mặt trong thô nhám ra như một khúc gỗ trần trụi ở những sinh hoạt đời thường: “Vừa lông vừa lá”, “ ngúc ngoắc trong quần”, “xách dái chạy rông”, “má mì ngồi gãi háng ví von cái lồn thối là cẩm tú”, “con chim ghẻ bốc thơm cái quần”...

Ông tận dụng chủ quyền sử dụng ngôn ngữ mình. Ông “làm tình, làm tội” những con chữ, bắt chúng dâm dật để thể hiện phần nào bản chất đầy nam tính như một phản ứng của sự bất lực trước thời cuộc và đất nước. Khi sử dụng quá đà những từ ngữ bị coi là cấm kỵ ấy, thơ văn Nguyễn Viện dễ gây dị ứng cho những người còn thù ghét dung tục, còn ôm ấp quan niệm mỹ học: thơ ca là những gì lãng mạn, tinh khiết, đẹp đẽ và trong sáng.

Thủ thuật gây sốc trong ngôn từ được ông sử dụng nhuần nhuyễn.

Có lẽ không gì sướng bằng chửi cho đã, bằng những từ ngữ tục tằn, khi cơn giận con người lên tới cực điểm. Nhưng chửi cho thấm, cho thâm, cho người bị chửi đau điếng mà không biết đường nào chống đỡ nổi thì cái chửi đó đáng cho người nghe phục và ghi nhớ.

“Chim gáy trong quần” là một bài thơ rất thú vị, biểu hiện được cảm xúc phẫn nộ của tác giả và đáp ứng được cái hả hê của người đọc. Đọc xong bài này tôi thốt lên một câu “chửi đã quá” và thấy tiếc cho độc giả nào chưa được đọc bài thơ này.

Hình ảnh hèn mọn của một con chim gáy trong quần là một hình ảnh nhục nhã mà Nguyễn Viện đã đem ra ví von cho một thái độ “ngồi mát ăn bát vàng” của một hạng người trong xã hội. Hạng người chỉ biết huênh hoang lỗ miệng, gặp chuyện thì câm như hến, làm lơ, hoặc giả nhắm mắt. Ngồi dưới đáy giếng mà cứ tưởng đang đứng giữa rốn vũ trụ, mắt bị bịt kín mà cứ tưởng đã được trang bị hồng ngoại tuyến nhìn thấu mọi vật trong thiên hạ.

Nếu chúng mày chỉ là những con chim gáy trong quần thì sớm muộn gì cũng bị ghẻ. Tính đương đại của chim hoa cá kiểng là trang trí cho một căn hộ đã nát. Má mì ngồi gãi háng ví von cái lồn thối là cẩm tú. Sức chiến đấu của lỗ mồm là bất tận.
Chỉ có những con chim gáy trong lồn là vinh quang. Tất cả chúng mày đều biết điều ấy. Nhưng tính đương đại của chúng mày là câm như hến.
[...]
Độc lập tự do hạnh phúc là những bữa cơm chưa tới ba ngàn việt nam đồng của những công nhân làm thuê cho nước ngoài theo thời giá đầu năm 2008 (*). Cho nên một con cu ngỏng là thứ xa xỉ bản năng thú vật.
Xã hội công bằng dân chủ văn minh là cứ tự xục cặc dưới cờ khởi nghĩa. Bởi vì sướng là tồn tại.
 
 

Trong những ngày tháng gần đây, giữa bối cảnh xã hội và những cơn sốt chính trị, Nguyễn Viện không những phải tự đối diện với lối hành xử của mình mà còn với chính nhân cách mình nữa. Ông không thể làm cô gái trốn nỗi buồn dưới ngọn đèn u ám của một quán bar rồi hoá thành rượu. Ông cũng không thể đứng trong góc tối, ném đá vào vũng bùn xa chân tường, để mong có ngày làm sụp bức tường kiên cố. Lòng yêu nước của ông không cho phép mình làm một “con chim gáy trong quần”. Ông đã gào thét trong cơn thịnh nộ:

 
Tôi thấy
Chúng đuổi người đi đường
Chúng không cho người dân cất tiếng nói
Chúng bao vây và trấn áp người biểu tình chống xâm lăng
Chúng cho người trà trộn vào đám đông biểu tình để phá thối, gây chia rẽ
[...]
Chúng vu khống những người yêu nước là phản động
Chúng muốn chúng ta vĩnh viễn là nô lệ
Chúng đã lăng mạ lòng tự trọng dân tộc
Chúng đã phỉ nhổ vào lịch sử
Chúng đã đập bàn thờ tổ quốc
Chúng đã ném cứt vào xương máu những người đã chết cho quê hương…
 
 

Đứng trước vòng quay của một khúc rẽ lịch sử, Nguyễn Viện lao thẳng vào cơn trốt mà không chọn một thái độ lẩn tránh những vấn đề thời cuộc hay chính trị. Ngòi viết ông đương đầu và thách thức kẻ xâm lược Trung Quốc:

 
Lòng yêu nước không cần phải được cho phép, bởi thế chúng tôi
Sẽ tiếp tục xuống đường và hô to với khẩu hiệu trên lưng:
— Hoàng Sa – Trường Sa là máu thịt Việt Nam
— Đả đảo bọn xâm lược Trung Quồc và bè lũ tay sai
— Việt Nam - Không nhịn nhục nữa
— Việt Nam - Không sợ hãi nữa
 
 

Trong văn chương và truyện ngắn ông thao túng, quấy nhiễu, lăng nhăng mất nết với con chữ đến đâu trong thơ ca ông lương thiện và chân tình với con chữ đến đấy.

 
Tôi chỉ cần nói như tôi thấy phải
Tôi chỉ cần đi lại như tôi muốn
Tôi chỉ cần viết như tôi nghĩ
Tôi chỉ cần người lãnh đạo đất nước giúp tôi làm được những điều đơn giản như thế
[...]
Tôi không muốn phải im lặng vì sợ hãi
Tôi không muốn hèn hạ để trở thành người khôn ngoan
Và tôi muốn xuống đường để hô to: Con người cần tự do như cần thở
Và tôi muốn khi tôi hô lên như vậy, tôi không bị bắt và đánh đập.
 
 

Ông “Gửi Tây Tạng mùa Thương Khó” những giọt nước mắt. Trong bài thơ, máu người chảy tràn khai mở khát vọng tự do, trang kinh ẩn mật chói sáng quyền đòi sống, câu thơ trổ bông độc lập cho người dân một quốc gia khác bị áp bức, bị xâm phạm nhân quyền.

Tuy Nguyễn Viện khẳng định trong bài thơ này “Chúng ta đến mặt đất này không để khóc... Chúng ta đến mặt đất này không để chết”, nhưng trong một góc mắt giọt nước mắt ông vẫn nhỏ xuống cho người, cho ta, cho một người Việt Nam nghèo khổ chết trên một chiếc chiếu rách với gia tài để lại là những con rệp mun bóng kênh kiệu.

 
Người đàn ông ấy đã qua đời
Ðể lại một cái chiếu rách và những con rệp mun bóng kênh kiệu
Cái chết của mắt
Những con ruồi bu trên ô vuông cửa sổ
[...]
Những người đàn bà ôm mặt khóc
Cô gái điếm banh lồn ở ngã tư khi đèn đỏ
Người đàn ông ấy chỉ còn một chiếc răng cửa mang xuống địa ngục
Hắn đã gặm cả linh hồn mình trong suốt bảy mươi năm ròng rã
Vâng, điều chắc chắn nhất là người đàn ông ấy đã chết
Trên chiếc chiếu rách và những con rệp mun bóng kênh kiệu
 
 

Như tôi đã thấy, như bao người đã thấy, người đàn ông mang kính ít nói Nguyễn Viện đã khóc, đã đứng lên “Lao về phía bão” để nói tiếng nói của lương tâm chức nghiệp. Ông đã gặm ngòi viết linh hồn mình toé máu để viết trong cơn “Thời sự của biển” như một minh chứng cùng người đọc rằng ông không phải người câm. Ông đã rũ rượi trong “Cái chết của giấc mơ” với một xã hội đầy bất công và sợ hãi. Tuy nhiên ông vẫn không từ bỏ những ước vọng, đi dây cho hết con đường, và mặc nhiên xem phần còn lại thân phận mình như “Phần còn lại của Chúa” vì ông đã giao phần còn lại ấy cho Chúa.

 

Trịnh Thanh Thủy
(Nov 3, 2008)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021