thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người đọc đang chuẩn bị lên đường
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

Lời người dịch: Dưới đây là phần thứ hai của chương 1, "Bức thông điệp trong một cái chai" ["Message in a Bottle"], trong cuốn sách của Edward Hirsch, Làm thế nào để đọc một bài thơ và yêu nghệ thuật thơ [How to Read a Poem and Fall in Love with Poetry] do Center for Documentary Studies, kết hợp với Harvest Book - Harcourt, Inc., xuất bản tại San Diego, New York và London, năm 1999. Phần thứ nhất, "Mảnh đất của tâm hồn", đã được đăng trên Tiền Vệ. Các phần tiếp theo của cuốn sách sẽ được tiếp tục gửi đăng.

--------------------------------------------------------

 

Độc giả thơ là một loại người hành hương đang chuẩn bị lên đường, dấn bước. Wallace Stevens gọi người đọc là "học giả của một ngọn nến". Đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo, một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên. "Sự khởi đầu không chỉ là một dạng thức của hành động," Edward Said viết trong cuốn Những khởi đầu [Beginnings], "nó còn là một khung tư duy, một loại công việc, một thái độ, một ý thức." Tôi yêu cái khung tư duy ấy, cái công việc như trò chơi và cái trò chơi như công việc ấy, cái hình thái của ý thức ấy -- sự chú tâm đầy mộng tưởng -- đi liền với việc đọc thơ.

Đọc là một xuất phát điểm, một cuộc khai mạc, một sự khởi động. Hãy giở ấn bản Deathbed của thi tập Lá Cỏ [Leaves of Grass] (1891-1892) và bạn lập tức bắt gặp một chùm "Những nét điêu phác" ["Inscriptions"], hai mươi sáu bài thơ Walt Whitman đã viết trong khoảng ba thập niên để điêu phác một khởi điểm, để dẫn nhập và khởi động tác phẩm chính của ông, cuốn sách duy nhất ông đã viết trong cả cuộc đời.

Bắt đầu cuốn sách của riêng tôi về những nguy cơ và những khổ nhọc, những cám dỗ đầy mê hoặc ấy của việc đọc thơ, tôi không ngừng trầm tư về bài thơ sáu-hàng của Walt Whitman, "Khởi sự những nghiên cứu của tôi" ["Beginning My Studies"].

           Khởi sự những nghiên cứu của tôi bước đầu tiên làm tôi sung sướng lắm,

           Sự kiện đơn thuần của cảm nhận, những hình thức, sức mạnh của chuyển động,

           Côn trùng hay sinh vật nhỏ nhoi nhất, những giác quan, nhãn giới, tình yêu,

           Bước đầu tiên ấy làm tôi sửng sốt và hân hoan biết bao nhiêu,

           Tôi khó lòng rời bước và chẳng muốn đi xa hơn nữa,

           Mà dừng lại nhẩn nha để hát nó thành những lời ca ngây ngất.

Tôi yêu thích cách Whitman nhẩn nha trong bài thơ một-câu này về bước đầu tiên của cuộc nghiên cứu: cái sự kiện đơn thuần -- cái phép lạ -- của chính sự cảm nhận, niềm hoan lạc khi tiếp xúc với "những hình thức", cái cảm thức phơi phới của sự mong đợi và đổi mới, cả thế giới nở rộ ngay trước mắt, cái tâm thế bừng tỉnh mang chúng ta đi, xuyên qua những giác quan của mình, từ một con bọ nhỏ nhoi nhất đến sức mạnh tột bậc của tình yêu. Chúng ta khó lòng giở qua trang khác, mà muốn kéo dài niềm hân thưởng về cuộc khởi sự ngây ngất. Chúng ta được Whitman dạy rằng trong niềm hoan lạc của bước khởi đầu: thần thái uyên áo nhất của thơ là sự kinh ngạc.

Thơ là một cách để ghi khắc tâm trạng kinh ngạc đó. Tôi nghĩ chúng ta không nên xem nhẹ khả năng cảm nhận sự dịu dàng mà thơ khơi mở trong chúng ta. Một bài khác trong chùm "Những nét điêu phác" là một bài thơ hai-hàng Whitman viết năm 1860. Nhan đề đơn giản là "Gửi Bạn" ["To You"], toàn bài thơ gồm có hai câu hỏi mang tính hùng biện:

           Này kẻ lạ, nếu bạn tình cờ gặp tôi và muốn nói chuyện với tôi,

                      tại sao bạn lại chẳng nói với tôi?

           Và tại sao tôi lại chẳng nói với bạn?

Có lẽ Whitman thấy hoàn toàn hiển nhiên rằng hai kẻ lạ mặt tình cờ gặp nhau trên đường đi nên có khả năng dừng lại nhẩn nha trò chuyện, để nối kết với nhau. Những kẻ lạ mặt trao đổi với nhau rất có cơ may trở thành bè bạn. Whitman từ chối bị ràng buộc, bị vây hãm, bởi bất cứ sự phân biệt ngôi thứ hay giai cấp nào. Chúng ta thấy ông, một cách hết sức tự nhiên, làm thơ không phải cho những người chung quanh ông, những kẻ ông đã biết, mà cho "kẻ lạ", cho người đọc của tương lai, cho bạn và tôi -- những kẻ hoan hỉ dừng lại với ông bên ngoài mọi ràng buộc. Hãy mở một dòng chảy thoải mái -- một giao lưu thân ái -- giữa chúng ta.

Và đây là bài "Nét điêu phác" ["Inscription"] cuối cùng, bài thơ xếp ngay sau đó trong Lá Cỏ. Nó được gọi là "Bạn Đọc" ["Thou Reader"] và được viết hai mươi mốt năm sau bài "Gửi Bạn".

           Bạn đọc với cuộc sống rần rật và lòng kiêu hãnh và tình yêu cũng giống như tôi,

           Bởi vậy những khúc xướng ca này tôi dành cho bạn.

Tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi cách Whitman luôn luôn nói với độc giả như nói với một người đồng trật, một kẻ cũng có nhịp sống rần rật lạ lùng như ông, những xúc cảm cuồn cuộn như ông. Có một vẻ khao khát tột độ bày tỏ sự thân mật qua cách ông không ngừng trao tặng những bài thơ của mình cho những kẻ lạ, cho những người đọc và những nhà thơ của tương lai, cho những kẻ ngoài lề ở bất cứ nơi đâu. Bất cứ bạn là ai, ông cũng ôm chầm lấy bạn. Tôi yêu sự thân ái sâu sắc và ngay cả cái ước muốn giục giã trong lòng Whitman khi ông trao tặng và gửi gắm những bài thơ của mình đến cá nhân người đọc. Ông để lại cho mỗi người trong chúng ta một tặng vật. Gửi bạn, ông nói, những khúc xướng ca này.

 

 

[đón đọc kỳ tới: "Khởi đầu là mối quan hệ"]

Bấm vào link này để xem kỳ trước: "Mảnh đất của tâm hồn"


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021