thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — Tất nhiên, cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm này

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục "Thảo luận trong tháng". Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
"Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Ý kiến của Hương Yên

 

Tất nhiên, cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm này

và chẳng phải chỉ ở quần chúng độc giả

 

Trong bài "Công chúng, tác phẩm (lớn) và sự đơn giản", Nhã Thuyên có cho rằng

"... cách đặt vấn đề của tienve có chỗ bất ổn: Cho đến nay (nghĩa là giả định rằng, đây là một quan niệm lạc hậu, cho đến nay (mà vẫn còn), ở Việt Nam (nghĩa là một giả định rằng thế giới, tiến bộ, vượt xa chắc không có quan niệm này), vẫn còn (nghe cụm từ này rất bất ổn)."

và:

"Quan niệm này, thực tế, theo tôi, dù vẫn tồn tại, và cứ cho là một số đông nghĩ vậy, nhưng không có nhiều ý nghĩa..."

Để đáp lại ý tưởng của Nhã Thuyên, tôi thử lướt qua một số trang web và vài cuốn sách đang lưu hành ở Việt Nam và dễ dàng tìm thấy ngay cái quan niệm này cho đến nay vẫn còn phổ biến. Tôi chỉ xin copy lại để cống hiến cho mọi người cùng đọc và xem thử nó có ý nghĩa nhiều hay ít.

[Bổ sung (ngày 13.08.2007): Thành thật cảm ơn anh Vương Văn Quang đã nhắc nhở tôi ghi xuất xứ những câu trích. Tôi xin sửa chữa ngay sơ sót ấy bằng cách ghi thêm nguồn sau mỗi câu trích dẫn dưới đây. Tôi cũng xin bỏ bớt câu nói của nhà thơ Anh Thơ mà anh cho là đã lỗi thời, chẳng còn ảnh hưởng gì. Nhưng về việc trích dẫn mấy ông Tây như Lênin, Biélinski và Jdanov thì không phải lỗi của tôi mà là lỗi của những nhà lý luận văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chính thống ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn làm thế và vẫn còn đem in vào sách và đăng lên internet cho văn giới học hỏi. Và đương nhiên học sinh, vinh viên của ta vẫn còn phải bị học lý luận của mấy ông Tây này để làm kim chỉ nam cho tư duy văn học! Ông Hồ Chí Minh thì tuy đã quá cố, vẫn còn (và có thể vẫn còn lâu lắm?) là ngôi sao soi đường cho mọi phương diện đời sống ở Việt Nam, thì sao mà tôi khỏi trích dẫn cho đành?]

-----------

Lênin đã vạch ra cho ta một cơ sở để xác định mối liên hệ đó: "Nghệ thuật phải thuộc về nhân dân. Nó phải cắm rễ sâu xa trong quảng đại quần chúng lao động. nó phải được quần chúng hiểu và ưa thích..."

{Nguồn: http://docsach.dec.vn/noidung/3017.dec}

-----------

Biélinski viết: "Tác phẩm có tính nhân dân dù nội dung lớn lao trọng yếu thế nào đối với mọi người vẫn dễ hiểu". {Như trên}

-----------

Mối liên hệ giữa văn chương và nhân dân là mối liên hệ sống còn của nghệ thuật. {Như trên}

-----------

Biélinski đã khẳng định tính nhân dân là tính chất của văn chương. Ông cho rằng tính nhân dân là "tiêu biểu cao nhất hiện nay, là hòn đá thử vàng xác định phẩm chất của mọi tác phẩm nghệ thuật, xác định sự bền vững của mọi vinh quang nghệ thuật". {Như trên}

-----------

Jdanov nói: "Không phải hễ cứ dễ hiểu là thành thiên tài nhưng đã là tác phẩm thiên tài thì nhất định phải dễ hiểu, càng thiên tài bao nhiêu thì càng làm cho quần chúng nhân dân đông đảo dễ hiểu bấy nhiêu". {Như trên}

-----------

Tính nhân dân là dấu hiệu quan trọng nhất nói lên sức sống lâu bền, phi thường và bất diệt của nghệ thuật, là niềm tự hào chân chính của các thế hệ nhà văn, chỉ có liên hệ một cách sâu xa, rộng lớn, lâu bền với nhân dân thì văn chương nghệ thuật mới được tồn tại và phát triển lành mạnh. {Như trên}

-----------

Hồ Chí Minh khẳng định: văn hóa phải phục vụ đại đa số nhân dân. “không thể nói nghệ thuật vì nghệ thuật mà cần nói rõ văn hóa phục vụ công, nông, binh”. Do vậy, người cầm bút phải “viết cho đại đa số công nông binh.”

{Nguồn: http://www.binhthuan.gov.vn/news/PagePrint.asp?idnews=224780}

-----------

Điều này, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thành một chân lý hiển nhiên. Viết cho ai đọc và viết để làm gì? Câu hỏi đó được Người trả lời dứt khoát: "Viết cho đại đa số nhân dân đọc""viết để phục vụ quần chúng nhân dân". Mà muốn thế thì trước hết những gì viết ra phải thật dễ hiểu. {GS. Trần Trọng Đăng Đàn, Góp mấy dòng vào văn học, NXB KHXH, Hà Nội, 1999, tr.12}

-----------

Những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về văn hóa đã đặt nền tảng cho đường lối văn hóa văn nghệ của nhà nước ta. Tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

{Nguồn: http://www.binhthuan.gov.vn/news/PagePrint.asp?idnews=224780}

-----------

Nguyễn Đức Sự (Tạp chí Triết học):

"Với một nội dung có tính nhân dân sâu sắc như vậy, với một hình thức giản dị phù hợp với nếp suy nghĩ của quần chúng và với một ngôn ngữ trong sáng được nâng cao từ tiếng nói thân thuộc hàng ngày của họ, truyện Lục Vân Tiên đã được đông đảo quần chúng say mê ưa thích [...] Giá trị tuyệt vời của truyện Lục Vân Tiên chính là ở chỗ đó."

{Nguồn: http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam...}

-----------

Đôi khi chúng ta lại loay hoay với những cách diễn đạt phức tạp, những cách dùng từ trừu tượng, “đao to búa lớn” mà lại quên đi nguyên tắc rằng đơn giản chính là con đường dễ dẫn đến trái tim độc giả nhất.

{Nguồn: http://vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=910}

-----------

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

"Mỗi người viết có một quan niệm riêng và cách viết riêng. Ai quan niệm thế nào thì sẽ viết như thế. Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Những bài thơ đông tây kim cổ còn lại đến bây giờ đều là loại thơ như thế. Điều này tôi cũng đã nói trong cuốn Chân dung và Đối thoại rồi."

{Nguồn: http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=7403&ChannelID=7}

-----------

VÀ GẦN ĐÂY NHẤT

Theo biên bản của Inrasara, trong toạ đàm Cafe Văn Học tháng 7 của Hội Đồng Anh “Phê bình văn học trên báo chí — Lý tính và cảm tính?”, tại Cafe Zenta, Tp.HCM, ngày 6.7.2007, Nguyễn Thanh Sơn nói:

“Nhà văn cần phải viết giản dị. Tất cả nhà văn vĩ đại đều giản dị. Đành là mọi sự giản dị chưa hẳn đã vĩ đại, nhưng mọi tác phẩm vĩ đại đều giản dị. Nhà văn viết sao để lứa tuổi nào cũng có thể tiếp nhận được."

-----------

Trong bài phỏng vấn "Nhà văn có đang...viết văn?" trên Vietnamnet (30/07/2007), khi được hỏi: "Tự vẽ chân dung sau 10 năm?", nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đáp:

"Cũng vẫn vậy. Nhưng văn chương sẽ khác đi, đơn giản hơn, những ý nghĩ rắc rối, rườm rà sẽ không còn, viết khoảng 5 cuốn sách. Và mọi thứ cố sao thật giản dị."

 

 

Đã đăng:

10.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Từ thẩm mỹ của bộ óc đến thẩm mỹ của con tim hay con mắt, luôn có sự mập mờ hay lẫn lộn như thế và, thường, sự mập mờ lẫn lộn nào cũng là chỗ để chính trị và thương mại chen chân. Chính trị hay thương mại chen chân bởi, nhiều khi, “văn chương đơn giản” chỉ... đơn giản là sự mạo xưng của văn chương ăn liền... (...)
 
09.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn... (...)
 
07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021