thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuba & các nhà văn đồng tính luyến ái

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

REINALDO ARENAS

(1943-1990)

 

Chế độ độc tài toàn trị Fidel Castro đã và đang hành hạ các văn nghệ sĩ đồng tính luyến ái của Cuba. Trong số nạn nhân của chế độ có ba nhà văn nhà thơ tài hoa đã được cả thế giới nồng nhiệt chào đón: José Lezama Lima,[1] Virgilio Piñera[2]Reinaldo Arenas,[3] nay đều đã ra người thiên cổ. Họ là những con cừu đen khốn khổ bị tách khỏi đàn cừu trắng béo tốt của chế độ (Guillén, Carpentier...) và mấy con dê khách bợ đít "el líder supremo" Castro (Marquez...).
Nguyễn Đăng Thường

 

______________

 

CUBA & CÁC NHÀ VĂN ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

 

BỐN LOẠI ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

Nhận xét về những dị biệt trọng yếu giữa những người đồng tính luyến ái khiến tôi có thể liệt kê ra bốn loại. Trước là tiên là loại dog collar gay (đồng tính luyến ái vòng khuyển). Loại này ồn ào lộ liễu nhất, thường bị tóm trong các nhà tắm hơi hay trên bãi biển. Theo thiển nghĩ loại này đã bị chế độ tròng vào cổ một "vòng xích". Lúc nào muốn thì công an cảnh sát chỉ cần lôi cổ họ tới một trại lao động cải tạo. Tiêu biểu cho loại này là Tomasito La Goyesca, một thanh niên làm việc tại Thư viện Quốc gia. Tôi đã gọi hắn như vậy vì hắn giống một khuôn mặt trong tranh Goya; hắn là một tên lùn lố bịch, có tướng đi của một con nhện và có một khả năng dục tình dễ sợ.

Kế đến là loại common gay (đồng tính luyến ái bình thường). Loại này đã có sự tự kềm chế, năng lui tới các film club, thỉnh thoảng làm một vài bài thơ và uống trà với bằng hữu. Tiêu biểu cho loại này là một người bạn của tôi thời đó, Reinaldo Gómez Ramos. Loại đồng tính luyến ái bình thường đại khái chỉ giao du với những người đồng tính luyến ái khác, họ không bao giờ được biết một đàn ông thật.

Rồi đến loại closet gay (đồng tính luyến ái lén lút). Chẳng ai biết các anh này là đồng tính luyến ái. Họ có vợ con đàng hoàng, chỉ thi thoảng mới núp lén tới các nhà tắm hơi, nhẫn cưới do vợ đút vào ngón tay vẫn để nguyên. Các anh này rất khó nhận diện; nhiều khi chính chúng lại là kẻ kiểm duyệt những người đồng tính luyến ái khác. Có cả ngàn thằng như vậy, nhưng tiêu biểu nhất là nhà viết kịch Nicolas Díaz, một lần, đã có hành động tuyệt vọng là đút một cái bóng điện vào hậu môn mình. Ông này, một chiến sĩ trong Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, đã không thể giải thích được tại sao cái bóng đèn đã lọt vào chỗ ấy. Sự trục xuất ông ta ra khỏi hội đoàn chí nguyện đã gây một tai tiếng lớn.

Chót hết là loại royal gay (đồng tính luyến ái hoàng gia), một loại đồng tính luyến ái độc nhất vô nhị, chỉ có ở các nước Cộng Sản mà thôi. Tên đồng tính luyến ái hoàng gia là kẻ, vì thân cận với đấng Lãnh tụ Tối cao, hay vì giữ một vai trọng yếu trong guồng máy an ninh quốc phòng, hay bởi một lý do tương tợ nào đó, nên không cần che đậy, có thể phơi bày nếp sống xa hoa thác loạn, đồng thời vẫn giữ được địa vị cao, được tự do đi lại trong nước, được xuất ngoại rồi trở về, ăn sang mặc đẹp nữ trang đầy người, thậm chí có cả tài xế riêng. Alberto Guevara [anh hay em của Ernesto "Che" Guevara], là một ví dụ choá loà của loại này.

 

VIRGILIO PIÑERA

Mặc dù đã có nhiều tác phẩm xuất bản và tiếng tăm lẫy lừng, Virgilio Piñera vẫn rơi vào loại collar gay, hay nói khác đi, anh đã phải trả một cái giá đắt cho sự đồng tính luyến ái. Anh đã bị bắt nhốt ở El Morro ngay từ buổi đầu của Cách Mạng. Anh đã được phóng thích nhờ sự can thiệp của những kẻ có nhiều quyền thế (trong số những người này tôi nghĩ cũng có Carlos Franqui).[4] Sau đó, anh luôn luôn bị đối xử với sự nghi hoặc và bị kiểm duyệt và bị hành hạ. Anh đã trung thực với vai collar gay và đã tình nguyện trả cái giá phải trả để được chân chính.

Tôi tới nhà Virgilio Piñera lúc bảy giờ sáng. Anh làm việc không ngừng. Anh thức dậy lúc sáu giờ, pha cà phê, và chúng tôi khởi sự công việc nhuận sắc lại cuốn truyện El mundo alucinante (Thế giới mộng ảo) của tôi. Chúng tôi ngồi đối diện nhau. Câu nói đầu tiên của anh, là, "Đừng tưởng tôi làm chuyện này vì thú vị tình dục, mà chỉ vì sự thanh liêm của trí tuệ. Anh đã viết được một cuốn tiểu thuyết hay, nhưng có vài chỗ cần sửa đổi." Virgilio đã ngồi trước mặt tôi như thế và đọc từ một bản thảo của cuốn truyện, và đến chỗ nào anh nghĩ là cần thêm một dấu phẩy hay sửa lại một chữ, anh cho tôi biết ngay. Tôi sẽ mang ơn Virgilio suốt đời về bài học quí báu này; một bài học về biên tập hơn là về viết lách. Điều này tối quan trọng đối với một kẻ sử dụng ngòi bút tùy hứng như tôi khi đó, chưa có trình độ trung học. Virgilio đã vừa là thầy vừa là bạn.

Virgilio viết không ngừng dù anh có vẻ coi thường chuyện văn chương. Anh không thích được ca tụng; anh cũng khinh miệt những trò tu từ và những luận cứ cao siêu. Anh ghét Alejo Carpentier[5] hết mình. Anh là một người đồng tính luyến ái, vô thần, và chống Cộng. Dưới thời Cộng Hoà anh đã dám ca ngợi tất cả những bài thơ của Emilio Ballagas,[6] tất nhiên là đầy ắp chất đồng tính luyến ái. Virgilio đã dám phản bác lời đề tựa của Cintio Vitier[7] khi Vitier muốn khoả lấp cái dòng thơ đầy nhục cảm và dục ái này dưới màu sắc tôn giáo. Virgilio nói thẳng nói thật. Vitier không bao giờ tha thứ cho Virgilio về sự bộc trực đó.

Vào khoảng năm 1957 Virgilio rời tạp san văn nghệ Origenes (Cội nguồn), và, cùng với José Rodríguez Feo, sáng lập một tờ báo mới hoàn toàn hướng về những người đồng tính luyến ái và bất kính nể hơn, ngay dưới mắt chế độ độc tài tư sản phản động của Batista. Việc làm đầu tiên của Virgilio trên Ciclón (Cuồng phong), tờ báo mới, là đăng tải lại cuốn truyện Một trăm hai mươi ngày ở Sodome và Gomorrhe[8] của Marquis de Sade.

Ngay từ buổi đầu của Cách Mạng, Virgilio đã bị để ý vì cái tiếng tăm đồng tính luyến ái và tinh thần chống Cộng. Anh viết và đăng trên tờ Ciclón truyện ngắn "El muneco" (Con rối), một cái truyện chống Cộng đầy tính tiên tri. Truyện này đã bị chính quyền Fidel Castro loại trừ trong tất cả các cuốn truyện ngắn và tuyển tập Virgilio Piñera.

Virgilio cũng không lãng mạn, anh gầy ốm, không đẹp trai và hơi vụng về. Anh không hoà mình vào những sự giả trá trong văn chương kiểu Vitier luôn luôn muốn che đậy thực tế dưới một lớp mây tím. Virgilio đã có một cái nhìn sáng suốt, thê thảm và kinh khủng về Hòn đảo Cuba; bài thơ "La Isla en peso" (Hòn đảo trên tầng không) của anh là một tuyệt tác phẩm của văn chương Cuba.

Theo lời Virgilio thì dưới thời Cộng Hoà, do hậu quả của sự nghèo khổ và bất an trên khắp nước, anh đã di tản sang Á-căn-đình, sống tại đó hơn mười năm bằng các nghề cạo giấy nho nhỏ, một thứ Kafka của các nước kém mở mang. Ở đấy anh có gặp nhà văn Ba-lan Witold Gombrowicz.[9] Cùng là dân di tản nên họ trở thành đôi bạn thân trong cuộc phiêu lưu săn tìm những thú vui nhục thể. Gombrowicz, như Virgilio thường kể lại như vậy, lúc ấy còn rất đẹp trai; để sống còn anh ta phải làm đĩ đực bán dâm trong các nhà tắm hơi, và để cho khách lắp đít với giá vài đồng cắc. Cũng theo lời Virgilio thì có một bận, bạn anh đã gặp một người đàn ông Á-căn-đình có dương vật khổng lồ; ông này đã chồng tiền rồi nên đòi lắp đít cho bằng được và tất nhiên đã hành động ngay. Thế nhưng, vẫn theo lời Virgilio, người đàn ông đã xé toạc hậu môn của Gombrowicz và Gombrowicz mang cái lỗ đít máu về nhà. Virgilio mở nước nóng vào đầy bồn tắm, rồi cởi áo quần của bạn ra và dìu bạn vào bồn tắm để xoa dịu cơn đau. Virgilio nói Gombrowicz nằm trong bồn tắm cả hai ngày liền cho tới khi các vết thương bắt đầu lành.

Tôi nghĩ cái tình bạn đó đã để lại ảnh hưởng sâu xa nơi Virgilio, đã khiến anh thêm dạn dĩ, bớt nể kính. Hoặc cũng có thể là họ đã ảnh hưởng lẫn nhau. Cuộc đời của họ đã y hệt, bứng gốc và buồn bã, họ không tin tưởng vào văn hoá định chế, hay trân trọng văn hoá thái quá, ngược lại Jorge Luis Borges, vào thời đó, đã từng được coi như là nhà văn Á-căn-đình vĩ đại nhất rồi. Họ chế giễu Borges, có thể là hơi tàn nhẫn đấy, nhưng họ đã có lý do của họ. Khi Gombrowicz cuối cùng rời Á-căn-đình để về Âu châu sinh sống, có người hỏi ông ta, nếu có một lời chỉ bảo cần để lại cho dân Á-căn-đình thì, theo ông ta, nó sẽ như thế nào. "Giết thằng Borges", Gombrowicz đáp. Tất nhiên đó chỉ là một lời mai mỉa; khi Borges chết, Á-căn-đình cũng chết theo. Câu đáp của Gombrowicz là sự trả đũa cho nỗi thống khổ ông ta đã phải gánh chịu nơi đất khách quê người.

Theo Guillermo Cabrera Infante thì Virgilio đã lụy tình. Tôi không nghĩ vậy. Virgilio thích những người da đen, và tôi có thể xác nhận đã có những mối liên hệ rất tốt đẹp và hạnh phúc giữa Virgilio và nhiều người da đen phi thường. Một bữa nọ có một người da đen đẩy một chiếc xe chất đầy chanh đi ngang qua nhà anh rao bán, mặc dù rao bán hàng rong lúc đó đã bất hợp pháp. Virgilio đưa người bán hàng lên căn hộ của anh, bao mua hết những quả chanh, và họ làm tình. Tôi đoan chắc rằng anh da đen này đã giả đò bán chanh để trở lại và Virgilio luôn luôn đưa anh ta lên căn gác của mình.

Cũng theo lời Virgilio, thì một người da đen khác đã có liên hệ tình dục đậm đà với anh, là một người nấu bếp có cái giống khổng lồ. Virgilio thích làm tình với người này ngay cả trong lúc anh ta đang nấu nướng và xê dịch nồi chảo. Virgilio rất mảnh mai yếu ớt nên có thể bị xuyên cọc và giữ vững như vậy bởi cái dương vật đen to tướng đó.

Ngay cả trước Cách Mạng, đời sống tình dục của Virgilio ở Cuba cũng đã dữ dội rồi. Anh có một căn nhà ở Guanabo Beach và anh lui tới cái nhà thổ đĩ đực của tên “tú bà” José Rodríguez Feo tại chỗ. Đó là nơi mà những gã vạm vỡ hành nghề pha rượu, nhưng cũng sẵn lòng vọt cửa hông để thích ứng với các yêu cầu khác của khách hàng. Tomasio La Goyesca từng phục vụ tại đây.

Rodríguez Feo xuất thân từ một gia đình giàu có đã di tản sang Mỹ khi Cách Mạng thành công. Anh ta ở lại và dâng hết tài sản cho cho Cách Mạng, có thể là với mong ước sẽ được trọng đãi. Trên thực tế anh ta cuối cùng đã trở thành tên điềm chỉ viên cho Mật Vụ, một tên công an văn hoá, có căn hộ nhỏ sát vách căn hộ của Virgilio. Rodríguez Feo, tầm thường và suy đồi, đã từ chối không chuyện vãn với Virgilio khi anh mất ân sủng của chế độ, hắn cũng không tới dự đám tang anh.

Căn hộ của Rodríguez Feo và căn hộ của Virgilio có chung một cái bao lơn nhìn xuống đường. Theo tin đồn thì một hôm Rodríguez Feo mời bạn bè tới nhà chơi và Virgilio bước ra bao lơn để phơi đồ. Có người hỏi, "Hình như là Virgilio Piñera đấy phải không?" Rodríguez Feo đáp, "Không phải, cái đó đã từng là thằng Virgilio Piñera". Do vậy mà hắn đã không đưa đám; khi Piñera không còn được chế độ sủng ái nữa thì Rodrígo Feo cũng coi anh như đã chết rồi.

Có những chuyện không đẹp như vậy vì sống dưới một chế độ chính trị hung bạo thì nhiều người cũng hung ác theo. Rất ít người có thể thoát khỏi cái ác hung tợn bao trùm đang huỷ diệt dần dà những kẻ còn đứng bên ngoài. Trước Cách Mạng, Rodríguez Feo là một thứ Mạnh Thường Quân; hắn đã bỏ tiền ra cho Piñera in cuốn truyện Cuentos fríos (Cổ tích lạnh); hắn cũng tài trợ tờ Orígenes, rồi tờ Ciclón nữa. Tất nhiên đã có những tư lợi và tính khoe khoang, nhưng cũng có hào phóng rộng rãi. Các nhà tỷ phú Cuba khác thì chẳng hề bỏ ra một xu teng để giúp mở một tờ báo hay giúp đỡ các nhà văn.

 

LEZAMA LIMA

Ngoài Virgilio, còn một nhà văn Cuba đồng tính luyến ái khác nữa mà tôi có liên hệ bạn bè sâu đậm, đó là José Lezama Lima. Chúng tôi đã quen nhau trong dịp xuất bản cuốn truyện Singing from the Well (Tiếng ca từ đáy giếng) của tôi. Trước đó tôi có gặp anh ở UNEAC; anh là một người to béo, với một cây thập giá lớn nơi đầu một sợi dây chuyền ló ra ngoài một mép túi quần. Sự phơi bày một cây thập tự như vậy ở UNEAC, một trung tâm tuyên truyền Cộng Sản, tất nhiên là một hành động khiêu khích. Một hôm Fina García Marrus cho tôi hay Lezama muốn gặp tôi; tôi chẳng bao giờ dám tự tìm đến gặp mặt anh do sự sợ hãi đối với một người có hiểu biết về văn hoá bao la như vậy. Tôi đã gặp Alejo Carpentier nhưng đó là một kinh nghiệm rầu buồn; ông này là một người sắp đặt tin tức, ngày tháng, bút pháp, và các con số tựa như một chiếc máy vi tính tinh vi nhưng thiếu nhân tính. Gặp Lezama thì là một khinh nghiệm khác hẳn. Đây là một người đã hiến trọn đời mình cho văn chương; đây là một trong những người thông thái nhất mà tôi đã được gặp. Anh không dùng hiểu biết để khoe khoang; nó chỉ đơn giản là một cái gì cần bám vào để sống còn, một cái gì cần thiết cho đời sống đã nung nấu trí tưởng tượng của anh và đã phản ảnh lên bất cứ ai đến gần anh. Lezama rạng rỡ sức sáng tạo dồi dào như thiên phú. Sau khi nói chuyện với anh tôi thường về nhà ngồi trước bàn máy chữ để viết, bởi vì không thể nghe anh ấy nói mà không thấy có hứng cảm. Ở anh sự khôn ngoan và sự ngây thơ đã gặp nhau. Anh có cái biệt tài biến cuộc đời của những người khác thành ý nghĩa.

Đọc sách là mối đam mê hàng đầu của Lezama. Anh cũng có cái đức tính của người Cuba là thích cười và ngồi lê đôi mách. Tiếng cười của Lezama rất khó quên và lây sang người khác; nó khiến cho bạn khỏi cảm thấy hoàn toàn đau khổ. Anh có thể chuyển từ một câu chuyện bí hiểm (esoteric) sang một câu chuyện đôi mách; anh có thể bất chợt ngưng nói về văn hoá Hy-lạp để hỏi bạn về cái tin đồn José Triana là một tên thích "vào cửa hậu" (sodomist). Anh cũng có thể biến cái tầm thường thành cái vô thường.

Virgilio và Lezama tuy rất khác biệt nhưng có chung cái điểm này: sự thanh liêm của trí tuệ. Cả hai đều không thể thừa nhận một cuốn sách để được lợi ích cho mình vì chính trị hay vì hèn nhát, và họ cương quyết từ chối sự tôn vinh chế độ Cộng Sản. Nhưng trên hết, họ ngay thẳng về tác phẩm của mình và về chính bản thân.

Trên phương diện văn học, sự ra mắt cuốn truyện Paradiso (Thiên đường) của Lezama Lima trong năm 1966 quả thật là một hành động can đảm. Theo thiển nghĩ của tôi thì Cuba chưa bao giờ được chứng kiến việc ấn hành một cuốn truyện có nội dung đồng tính luyến ái rõ rệt như vậy, có sự tưởng tượng phong phú và phức tạp như vậy, rất Cuba và rất Mỹ La-tinh nhưng đồng thời cũng rất đặc thù có một không hai.

Virgilio Piñera cũng thực hiện được một hành động anh hùng khi gửi vở kịch Dos viejos panicos (Hai cái khủng khiếp xưa) dự cuộc tranh giải "La casa de las Americas" vào năm 1968. Tác phẩm này phản ánh sự khủng bố và sự hãi sợ dưới chế độ Fidel Castro.

Cả hai, tất nhiên, đều đã biết mùi kỳ thị và kiểm duyệt và sống trong một thứ lưu đày nội tâm (internal exile). Nhưng cả hai cũng không để cho đời mình trở thành cay đắng hay đầy hận thù, và cả hai đều không ngừng viết, dù chỉ một lúc thôi. Họ viết cho tới khi thần chết tới gõ cửa, dư biết rằng những cái họ viết ra sẽ lọt vào tay Công An Nhà Nước, và có thể độc giả duy nhất của họ sẽ là tên công an được giao phó việc kiểm kê hay hủy diệt chúng.

Cuộc đời Lezama chủ yếu là quây quần tại gia, tại số 164 đường Trocadero, nơi anh làm chủ lễ như một nhà ảo thuật, một giáo sĩ dị thường. Anh sẽ nói, và kẻ nghe, bất cứ là ai, dù muốn hay không, sẽ bị thay đổi toàn diện. Virgilio thì thích rải sinh lực của anh trên khắp thành phố Havana; anh thích những buổi họp văn chương xa nhà, chuyện trò ở một góc quán cà phê hay trên xe buýt. Các sở thích tình dục của anh không dị biệt như Lezama. Virgilio thích bọn đàn ông mạnh mẽ, da đen, và các anh tài xế xe tải, còn Lezama thì có gu Hy-lạp: vẻ đẹp Hy-lạp lý tưởng, và tất nhiên, những thiếu niên. Virgilio tận tụy biến những nhu cầu tình dục thành sự thật, trong khi Lezama bị dồn nén hơn, có thể vì anh đã sống quá lâu với mẹ.

Có một bận Lezama và Virgilio tình cờ chạm trán nhau trong một thứ nhà thổ điếm đực trong khu phố cổ Havana. Lezama kiểu cọ hỏi Virgilio: "Cậu đến đây để săn heo rừng à?", và Virgilio đáp: "Không, mình tới đây để đéo một thằng đen".

Cả hai đều chịu nhiều ảnh hưởng Âu châu, nhất là ảnh hưởng Pháp. Cả hai đều hâm mộ văn chương Pháp. Sự khác biệt của họ thì lại khá nhiều: Lezama là một nhà Công giáo nhân bản, Virgilio thì theo chủ nghĩa Vô thần. Tuy thế, họ vẫn có một tình yêu bao la đối với Hòn đảo, nhất là đối với Havana mà họ không thể lìa bỏ. Có một lần, Lezama tìm được một việc làm ở Santa Clara; phận sự của anh trong một khoảng thời gian ngắn là tới đó đọc các bài thuyết trình. Ngày hôm sau anh đã quay về vì không thể sống xa Havana. Vào buổi đầu của Cách Mạng, Virgilio có thể lưu lại ở xứ ngoài; anh đã biết rõ về sự hành hạ những người đồng tính luyến ái và chính anh cũng đã từng bị ở tù. Thế nhưng anh vẫn tìm về Hòn đảo. Xin trích dẫn Virgilio: "Cái thân phận chó má bị nước vây tứ phía" đã trù dập nên cả hai không thể thoát ra ngoài.

Tôi đã may mắn được thụ hưởng đồng thời tình bạn của cả hai. Khi Rodríguez Feo tách khỏi tờ Orígenes,Ciclón ra đời, Lezama và Virgilio vì cớ gì đó cũng đã xa nhau, nhưng sự cao cả của đôi bên đã khiến họ lại xích gần nhau. Sự thanh liêm trí tuệ nơi họ đã thắng những dị biệt cá nhân. Việc in ấn cuốn Pardiso khiến Lezama bị chính phủ chính thức sa thải và sách của anh bị cấm, kể cả cuốn Pardiso đã được phổ biến gần như chui tại Cuba và không bao giờ được in lại. Virgilio, khi đó tuy chưa là bạn thân của Lezama, nhưng đã là người đầu tiên công nhận tính cách văn chương của cuốn truyện và thẳng thắn ca ngợi, trước khi Julio Cortázar viết bài báo nổi tiếng.

Lezama cũng đã từng nhìn thấy ở Virgilio một nhà thơ và một kịch tác gia tài hoa. Trong dịp lễ sinh nhật sáu mươi tuổi của Virgilio, Lezama viết một trong những bài thơ sâu sắc nhất của anh, bài “Virgilio Piñera cumple 60 años” (Mừng Virgilio Piñera nay đã sáu mươi).

Cuối cùng cả hai có thể đã đến với nhau vì cùng bị hành hạ, kỳ thị và kiểm duyệt. Virgilio thường ghé thăm Lezama mỗi tuần. Lezama đã kết hôn với một người bạn của gia đình, María Luisa Bautista, vì mẹ anh, trước giờ lâm chung, đã nài nỉ anh làm chuyện đó. María Luisa là một phụ nữ phi thường, can đảm, tế nhị, và bộc trực; chị dám chửi lại bọn công chức tới nhà hỏi han về Lezama, và chị đánh máy lại bản thảo viết tay của chồng (Lezama không biết gõ máy). Người đàn bà này đã yêu Lezama bằng một mối tình sâu sắc, dù là một cuộc tình vắng bóng tình dục.

María Luisa, vì sự kỳ bí của mối liên hệ, của sự cô đơn chia sẻ, của sự tận tụy đối với nhau, của sự tồn tại trong những thời kỳ khủng khiếp, đã mang chiếc túi nhựa trắng đứng xếp hàng chờ mua thực phẩm khắp cả Havana, để kiếm vài miếng ăn cho Lezama. Anh hay nói, "Kìa con thỏ tóc rối." Chị thường trở về nhà với miếng phó mát mềm và hũ sữa chua ─ một cái gì đó để thoả mãn cơn đói dữ dội của chồng. Buổi tối, lúc chín giờ, María thường pha trà, không hiểu sao chị vẫn tìm được một ít trà, hoạ may có ông Trời mới biết nổi thôi. Nếu tuần trà trễ một phút, Virgilio sẽ bảo vợ, "María Luisa, tối nay chúng ta có dùng trà hay không?" Đã có một ý nghĩa biểu tượng trong sự gặp gỡ của ba nhân vật [María, Lezama, Piñera] ấy trong ngôi nhà gần như hoang phế tiêu điều có khi bị ngập nước. Đó là sự chấm dứt của một thời đại, của một lối sống, của một cách tiếp nhận và thăng hoa thực tại bằng văn chương nghệ thuật, luôn luôn nhất mực trung thành với nghệ thuật, bất kể mọi tình huống. Nhưng dưới góc cạnh khác, đó cũng là một âm mưu thầm kín để mỗi người tặng cho nhau sự nâng đỡ cần thiết.

Thế nhưng khi María Luisa vừa lui gót vào nhà trong để pha trà, thì Virgilio và Lezama sẽ thừa dịp để kể cho nhau nghe những cuộc phiêu lưu có ít nhiều dâm tính của đôi bên, vào lúc đó thật ra không có phần xác thịt. Chẳng hạn Lezama kể lại rằng Manuel Pereira, một tiểu thuyết gia và người tình của Alberto Guerava, đã tới thăm anh và đã ngồi vào lòng anh, khiến anh cương cứng nhiều lần. Và Virgilio kể với Lezama rằng anh có lẹo tẹo với một chàng trong nhóm kịch sĩ da đen đang diễn vở Electra Garrigó của anh. Khi María Luisa trở ra thì câu chuyện tâm sự chấm dứt tức khắc.

Có một bận tôi đã cho Eliseo Diego biết rằng tôi rất hâm mộ Virgilio Piñera. Eliseo kinh ngạc nhìn tôi và nói đúng y như thế này: “Virgilio Piñera là một thằng quỉ.” Khi làm bạn với Virgilio tôi nhận thấy rằng ở Cuba chỉ có một người mà sự trong trắng có thể vượt khỏi Piñera. Và người đó là Lezama Lima.

Năm 1969, tại Thư viện Quốc gia, Lezama đọc bài tiểu luận “Hợp lưu” (Confluences), một trong những bài thuyết trình phi thường nhất về văn học Cuba. Bài luận văn này khẳng định một lần nữa sự tối quan trọng của sức sáng tạo, của tình yêu chữ nghĩa, của sự phấn đấu cho những hình ảnh trung thực trước những áp chế. Cái đẹp tự chính nó rất nguy hiểm và chống đối mọi chế độ độc tài toàn trị, vì nó vượt ra ngoài sự kiềm hãm của độc tài áp đặt lên con người. Địa hạt của cái đẹp ở ngoài tầm tay của công an chính trị. Vì vậy nó chọc giận các lãnh tụ độc tài và họ tìm mọi cách để tiêu diệt. Dưới một chế độ chuyên chế, cái đẹp luôn luôn là một sức mạnh ly khai, bởi vì sự độc tài tự chính nó là bất thẩm mỹ, là dị hợm; đối với một tên độc tài và bọn tay sai của hắn, sự cố gắng sáng tạo ra cái đẹp là một hành động lẩn tránh và phản động. Cho nên Lezama cũng như Virgilio đã phải chấm dứt cuộc đời của họ trong sự lưu đày và sự lạnh nhạt của bạn bè.

Lezama cuối cùng đã phải tự cấm cửa Rafael Armés và Pablo Armando Fernández. Anh đã thấy rõ họ không phải là những nhà thơ mà là những tên cảnh sát thô bỉ, coi anh như con mồi để chúng rút tỉa những mẩu tin tức hữu ích để đổi lấy một chuyến du lịch hải ngoại.

 

--------------------
Trích dịch từ quyển hồi ký Antes que anochezca của Reinaldo Arenas qua bản dịch tiếng Anh Before Night Falls không ghi tên dịch giả, nhưng có thể là bởi Dolores M. Koch (nxb Serpent’s Tail, 2001), và bản dịch tiếng Pháp Avant la nuit của Liliane Hasson (nxb Babel, 2000); bản dịch này đã cắt bỏ đoạn W. Gombrowicz bán dâm trong nhà tắm hơi.
 
Nhan đề “Cuba & các nhà văn đồng tính luyến ái” do Nguyễn Đăng Thường đặt. Các tiểu đề do chính tác giả.
 

_________________________

Ghi chú của người dịch về một số tên tuổi trong bài:

[1]Reinaldo Arenas (1943-1990). Sinh tại Holguin, là một nhà văn thiên phú, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Ông theo Cách Mạng từ năm lên mười lăm, nhưng khi thành nhà văn ông đã bị trù ếm vì đồng tính luyến ái và bị giam giữ ở khám đường El Morro, nhốt chung với những tên giết người ghê gớm nhất. Cantando en el pozo (Singing from the Well / Tiếng hát bên bờ giếng), tác phẩm đầu tay của ông đã đoạt giải nhất trong một cuộc thi văn chương toàn quốc, và cũng là cuốn truyện độc nhất của ông được xuất bản nơi quê nhà. Sau đó, ông bị cấm viết, bản thảo bị tịch thâu, hay bị lạc mất khi mang đi cất dấu, nên có khi Arenas phải viết lại hai, ba lần. Năm 1968, danh tiếng đã đến khi cuốn truyện El mundo alucinante được lén lút mang về Pháp chuyển dịch và ấn hành. Năm 1980, sau biến cố tại sứ quán Peru (hơn 10.000 người Cuba thí mạng chạy đại vào sứ quán xin tị nạn chính trị, khoảng 100.000 người chờ đợi ngoài cổng), dưới áp lực của thế giới bên ngoài, Castro đã mở cảng Mariel trong một thời gian ngắn để tống khứ những “thành phần bất hảo” (tù thường phạm, bọn giết người, những người đồng tính luyến ái, và các tên… công an gián điệp của chế độ trà trộn vào để làm tình báo) ra ngoài nước. Arenas đã chạy thoát qua Miami rồi lên New York. Ông qua đời mười năm sau vì si-đa. Tên tuổi Reinaldo Arenas nay được nhiều người biết đến nhờ quyển hồi ký Antes que anochezca (Before Night Falls / Trước lúc đêm xuống) đã được Julien Schnabel, một hoạ sĩ Mỹ tiếng tăm ở New York, chuyển thành phim, do Javier Bardem (Tây-ban-nha) đóng vai chính. Cuốn phim đoạt giải Grand Jury Prize của Đại hội Điện ảnh Venice. Javier Bardem được trao giải diễn viên xuất sắc. Reinaldo Arenas để lại gần hai mươi tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch và thơ, hầu hết đều đã được chuyển dịch sang ngoại ngữ. Năm cuốn truyện vạch trần “bí sử của Cuba” được Arenas gom chung dưới tựa đề Ngũ Thư (Pentagonia). Đó là: Cantando en el pozo (Singing from the Well), El Palacio de las blanquisimas mofetas (The Palace of the White Skunks / Cung điện của lũ chồn hôi trắng), Farewell to the Sea (Giã từ biển cả), The Color of Summer (Màu sắc của mùa hè), và El Asalto (The Assault / Tấn công).

[2]José Lezama Lima (1910-1957), đã để lại nhiều tập thơ, tiểu luận, và cuốn tiểu thuyết vĩ đại Paradiso, vừa là hồi ký vừa là hư cấu, về một thiên đường đã mất, nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hoá và những huyền thoại. Phần sau của Paradiso, "Oppiano Licario" đã bị dở dang vì cái chết bất ngờ của tác giả. Lima đã được đánh giá như là Proust, Joyce, Gadda của văn chương Mỹ La-tinh. Thi phẩm: Muerte de Narciso (1937), Enemigo rumor (1941), Aventuras sigilosas (1945), Dador (1960) và Fragmentos a su imán (1977).

[3]Virgilio Piñera (1912-1979) [Piñera, đọc như Pi-nhê-ra, trên chữ n có dấu ngã]. Sinh tại Cardenas. Sang Á-căn-đình tất cả ba lần (1946-47; 1950-54; 1955-58). Gặp Borges và bạn bè của ông ở Buenos Aires. Tại đây Piñera và bạn hữu đồng dịch cuốn truyện Ferdydurque của W. Gombrowicz sang tiếng Tây-ban-nha. Tác phẩm của Virgilio Piñera: Rene’s Flesh, truyện; Cuentos fríos gồm những chuyện cổ tích tân thời, quái đản và siêu thực; Electra Garrigó, Jesus, và Aire frío, kịch.

[4]Carlos Franqui. Nay đã 80. Cha mẹ làm mướn trên các đồn điền mía. Đã chiến đấu bên cạnh Fidel Castro, Che Guevara và Cienfuegos. Sau chiến thắng được giao phó nhiệm vụ chủ bút tờ Révolucíon (Cách Mạng) trong vài năm. Đã tự lưu đày sang Ý từ 1968 đến 1992. Hiện [?] sống tại Puerto Rico và tiếp tục đấu tranh cho dân chủ.

[5]Alejo Carpentier (1904-1980). Sinh tại thủ đô La Habana. Cha là một kiến trúc sư gốc Pháp, mẹ là người Nga. Một trong số các nhà văn lớn của châu Mỹ La-tinh. Từng được đề cử ra tranh giải Nobel. Đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hội đồng Văn hoá Đất nước, trong ngành xuất bản, và được gửi đi làm tuỳ viên văn hoá tại Paris. Giải Miguel de Cervantes của Tây-ban-nha năm 1977. Giải Médicis của Pháp năm 1979. "Lịch sử châu Mỹ La-tinh là gì nếu không là một thiên ký sự hiện thực thần kỳ?" (Alejo Carpentier: "For what is the history of Latin America but a chronicle of magical realism?", trích từ lời đề tựa cho cuốn truyện El reino de este mundo (Vương quốc của thế giới này). Ông mất trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng Tư 1980, tại tư thất ở Paris. Tang lễ đã được cử hành long trọng trong ngày 28 tháng Tư tại La Habana dưới sự chủ toạ của Fidel Castro.

[6]Emilio Ballagas (1908-1954). Nhà thơ. Thuộc trường phái "thơ thuần túy" (pure poetry).

[7]Cinto Vitier. Nhà thơ. Ngày 31 tháng Năm 2002 đã được Fidel Castro trao tặng huân chương José Martí.

[8]Sodome và Gomorrhe (Gomorrah): Hai thành phố trong Kinh Cựu Ước. Sodome là nơi có đồng tính luyến ái nam. Gomorrhe là nơi của đồng tính luyến ái nữ. Bị Trời phạt, sai thiên lôi giáng lửa xuống thiêu rụi.

[9]Witold Gombrowicz (1904-1969). Nhà văn Ba-lan, sinh tại Warsaw. Dòng dõi quý phái nông thôn. Cử nhân luật năm 1926. Đang ở Á-căn-đình khi Thế chiến 2 bùng nổ nên ông bị kẹt lại. Làm việc ở ngân hàng Banco Polaco (8 năm) trước khi trở về Âu châu (Paris). Tác phẩm chính: Bakakai, truyện ngắn, 1933-57; Ferdydurque, tiểu thuyết, 1937; La Pornographie, tiểu thuyết, bản dịch tiếng Pháp 1960; và nhiều tập Nhật ký (Journal).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021