thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Borckett, cuộc đời, tác phẩm

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

SAMUEL-JORGE LUIS BORCKETT

(1906 - 1986)

qua cái nhìn của Hoàng Ngọc Biên

_____________

 

Samuel Beckett, Jorge Luis Borges, hai quái vật thiêng liêng của thế kỷ 20, hai khuôn mẫu của văn chương hiện đại.
— Le Monde des Livres

 

Năm 2006, những người thích các cuộc truy niệm văn chương sẽ có dịp ăn mừng. Những ngẫu nhiên trên tờ lịch sẽ cung ứng sự gặp gỡ của hai cuộc truy niệm vượt bậc, hai quái vật thiêng liêng của thế kỷ 20 đang đè cả sức nặng trên nền văn chương thế giới: Samuel, sinh một trăm năm trước; Jorge Luis, qua đời đã hai mươi năm.

Từ sự chào đời ấy tới cái chết kia, từ 13 tháng Tư (1906) đến 14 tháng Sáu (1986), hầu như là cả lịch sử văn học hiện đại đang tái diễn chỉ trong vòng hai tháng, cả cuộc đời của một nhà văn tưởng tượng và khó trở thành sự thực mà ta có thể gọi, tuỳ vào sự lựa chọn, Beges hay Borckett. Khó trở thành thực tế vì dẫu chữ đầu là B, nhà văn này sẽ có dáng vẻ của một con quái vật mình dê đầu sư tử: khó mà tìm được hai tác giả khác biệt nhau đến ngần ấy — một người Ái-nhĩ-lan viết hai thứ tiếng và rời xa cội nguồn, và một người Á-căn-đình thuần tuý địa phương và đa ngôn ngữ.

Từ ngàn xưa, lịch sử văn học vẫn thích những cuộc song hành: Homère và Virgile, Corneille và Racine, Goethe và Schiller, v.v. "Kẻ kia mô tả con người như họ cần phải thế, kẻ này mô tả con người như họ đang là" (La Bruyère): chúng ta biết cái điệp khúc ấy rồi. Borges và Beckett cũng vậy, họ cũng có thể là một cuộc song hành đẹp đẽ, giữa một kẻ mơ đoạt Nobel mà không được, và một người được nhưng lại không muốn. Và nếu cần phát hiện ra một công thức, một công thức thâm thúy bậc nhất, để định tính mỗi người, ta phải nghĩ ngay đến một cái gì tương tợ như: "kẻ đã tin tưởng vào văn chương và người đã không tin tưởng vào văn chương."

Đúng vậy, có sự hiển nhiên quá mức trong bức chân dung đôi đó! Người ta sẽ đoán biết được ngay ai là ai. Trước tiên, Borges với những truyện hư cấu về những thư viện-vũ trụ, những bộ sách bách khoa mô tả những thế giới chưa từng nghe nói đến, những tóm lược về những cuốn truyện không hề hiện hữu, những cuốn sách cát mà các trang được lật với con số bất tận của ông, Borges đúng là kẻ đặt niềm tin vào văn chương, vào quyền lực văn chương, vào khả năng sáng tạo những xứ sở tưởng tượng, những thế giới mới, những không gian song song của nó. Với Borges, sự sáng tạo văn chương và thơ ca đối chọi trầm trọng với Kinh Sáng Thế. Thượng Đế hãy coi chừng: nơi nhà văn, ngài tìm thấy một kỳ phùng địch thủ!

Ở Beckett thì không hề có chuyện đó, mà chỉ là các nhân vật bất động, lẩm bẩm, bất toại, lún dưới đất, nhốt trong thùng rác, ngập trong bóng tối và sự câm lặng. Và, nhất là, những tiếng bập bẹ, ấp úng, ọc ọc. Đã thôi là nhãn hiệu của sáng tạo, mà là thao ngôn (logorrhée) của tiêu hủy. Các nhà bình luận Pháp đầu tiên phê bình Beckett đã không sai lầm về việc này, như Bataille kẻ đã nhìn thấy "vận hành điên tiết của điêu tàn", như Blanchot kẻ đã cho rằng trong tác phẩm của nhà văn này là "sự im lặng không ngừng chuyện trò với chính nó". Và tại đây nữa, ngay trên những cột báo này ("Thế giới Sách" ngày 17 tháng Hai 2006) Julien Piat và Gilles Philippe đã rực rỡ chứng minh rằng đề án của Beckett nhắm vào sự tiêu diệt bút pháp. Cho nên, đúng, không thể nghi ngờ gì nữa, Beckett chính là kẻ không tin tưởng, hay không còn tin tưởng vào văn chương. Chủ thuyết này đã được hưởng ứng.

Thế nhưng, nếu đã có ngộ nhận thì sao? Nếu tình thế đã phức tạp đôi chút hơn là nó có vẻ như hôm nay? Bởi vì, xét cho cùng, để cho những truyện của Borges có công dụng chu đáo, để cho chúng được đón nhận như những hư cấu đương nhiên, để cho độc giả tìm thấy ở chúng sự thích thú như trong chuyện thần tiên, phải chăng sự thử nghiệm văn chương cần được dàn dựng và được nhận thấy như là sự hư cấu thuần tuý, hay là sự tưởng tượng phóng túng đơn thuần? Cách bố trí tự sự của Borges, đặt cuốn sách và văn chương ở trung tâm, chỉ trọn nghĩa trong một thực tế mà chính những đối tượng ấy đang bị mất những ưu đãi, song không được quá nhiều hay quá ít: chỉ vừa đủ để sự xuất hiện của chúng như nhân vật chính và cảnh trí chính có thể đắm câu chuyện trong ánh sáng thích hợp với cái hư cấu và cái huyền diệu; tuy vậy đừng nên có quá nhiều, để kỷ niệm còn sống động về một xã hội, nơi mà văn chương độc ngự, có dự phần vào sự đóng góp một cái gì đó để ta có thể tin vào cái vũ trụ ấy.

Khi Mallarmé nói rằng "thế giới được sáng tạo để đưa đến một cuốn sách đẹp" hoặc nói rằng "người ta cần cho những từ ngữ của bộ lạc một nghĩa tinh khiết hơn", ông đã phát biểu một cách nghiêm túc: ông đã tin vào sự việc ấy. Khi Borges sáng chế một vũ trụ-thư viện hay một ngôn ngữ mới với những đặc tính mới, ông chỉ giả vờ tin vào sự cố đó, và độc giả theo ông. Sự khác biệt là ở chỗ đó. Tác giả Fictions sử dụng lại nguyên vẹn những quan niệm tượng trưng của nghệ thuật và thế giới, những quan niệm mà ông thụ hưởng và chúng cung hiến những sức lực huyền bí của ngôn từ và văn chương, song ông đã sử dụng chúng như những xảo thuật của tự sự, như những cái dấu ghi của tính hư cấu. Và tất cả đã êm xuôi.

Thế nhưng đối với Beckett thì khác hẳn. Chắc chắn ngôn ngữ của Beckett bị đục khoét từ bên trong nhưng là để cho người đọc cảm thấy sự tuyệt vọng có mặt khắp vũ trụ. Trong cái thế giới sau thế chiến thứ hai đã bị những ảo tưởng chính trị, tôn giáo và xã hội bỏ rơi, chẳng có cách diễn tả nào khác hơn để miêu tả phận người. Mà cũng chẳng có cách nào liêm khiết hơn. Và Beckett đã chọn, ôi dũng cảm biết bao, cách giao phó cho ngôn ngữ và văn chương cái ảo tưởng (vision) đó về cuộc sống. Tác phẩm truyện và tác phẩm kịch của ông không nói ngôn ngữ nào khác hơn là ngôn ngữ, đã giải cấu, của sự buông thả, nó chiến đấu với những vũ khí hoàn toàn bằng lời lẽ của hài hước, những vũ khí độc nhất còn lại cho kẻ nghèo. Thế nhưng có bằng chứng nào của tình yêu dành cho văn chương tốt đẹp hơn, là vẫn nghĩ rằng nó còn có khả năng diễn đạt sự trải nghiệm của con người một cách trung thực như vậy, không cần hoa mỹ, mặc dù đó là sự đen tối tột cùng?

Rất ý nghĩa, và khác với Bataille và Blanchot, các nhà phê bình Anh-Mỹ đã chóng nhận thấy trong tác phẩm Beckett những "tài liệu về con người vô cùng quan trọng", sự "can đảm", một "thái độ cương nghị (stoicisme) quí phái", và một "thăng hoa bằng sự cân đối, nhịp nhàng, vận hành và tiếng cười" (Martin Esslin). Và, năm 1969, giải Nobel chính thức đặt vương miện lên "khúc ái mẫn kinh [1] cho toàn thể nhân loại" nơi "vang dội sự giải thoát những kẻ khắc khoải và sự vỗ về những linh hồn đắm chìm" (Karl Ragnar Gierow). Do vậy, đó không phải là ngôn ngữ bị điêu tàn xâm chiếm mà là ngôn ngữ đã xâm chiếm cái điêu tàn: một sắc thái khác biệt tầm cỡ.

Thế thì, chung cuộc, ai là kẻ đã tín nhiệm và ai là kẻ đã không tín nhiệm vào văn chương? Giữa Borges và Beckett? Hay, cũng thế, giữa Beckett và Borges? Nếu ta có thể do dự một cách chính đáng giữa hai cái tên gần như có thể thay thế cho nhau đó, mà một phía vang rền như tên các nhân vật Beckett (Molloy và Moran, Winnie và Willie, v.v.) và ở phía kia, gợi lên những cuộc so gươm giễu nhại thân thiết với Borges, chỉ tại vì một phần lớn văn chương thế kỷ hai mươi thích cái trò chơi mơ hồ song trùng của ngôn ngữ, luân phiên nhau giữa nghi ngờ và tin cẩn. Nói cách khác, kẻ tín nhiệm vào văn chương lại là kẻ không không tín nhiệm vào văn chương, và ngược lại. Nhìn từ góc cạnh ấy, chàng Borckett của chúng ta có thể hiển hiện như nhà văn khuôn mẫu của thời đại chàng. Vào năm 2006, đó là kẻ ta cần phải xiển dương. Sự ngẫu nhiên của những sinh nhật đôi khi tạo được nhiều điều hay.

 

Nguồn:
William Marx, "Borckett, sa vie, son oeuvre", Le Monde des Livres, thứ Sáu, 3 tháng Ba, 2006.

 

------
William Marx là giảng sư văn chương và văn chương so sánh tại Đại học Paris-VII. Ông cũng là hội viên Viện Đại học Pháp (Institut universitaire de France). Tác phẩm chót đã ra mắt: L'Adieu à la littérature: histoire d'une dévalorisation - XVIII-XX siècle (Vĩnh biệt văn chương, thế kỷ XVIII-XX: câu chuyện về một sự hạ giá), nxb Minuit, 2005.

 

_________________________

[1]miserere


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021