thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

LÝ-THUYẾT-PHI-LÝ-LUẬN

 

Không ít người cầm bút Việt Nam, khi nghĩ đến lý thuyết văn học, thường có một quan niệm đơn giản là nhìn quanh trên thế giới, xem có cái gì thích hợp thì... mượn đỡ.

Thật ra, đó chỉ là một ảo tưởng. Trong một cuộc họp báo được tổ chức tại hội nghị thượng đỉnh của khối G-8 vào ngày 10 tháng 6 năm 2004, nhân bàn về tham vọng dân chủ hoá các quốc gia Hồi giáo ở Trung Ðông của Mỹ, tổng thống Pháp Jacques Chirac có một câu nói mà tôi rất thích: “Dân chủ không phải là một phương pháp; nó là một văn hoá.” Do đó, “cải cách không thể được áp đặt từ bên ngoài; nó phải được hoàn thiện từ bên trong.”[1] Nhận định ấy, tôi nghĩ, cũng có thể được áp dụng cho lý thuyết văn học: lý thuyết là một văn hoá. Nó không thể được vay mượn một cách máy móc: vay mượn như thế, nó sẽ biến ngay thành giáo điều; và với tư cách giáo điều, nó chỉ có tác dụng tiêu cực: nó giết chết sáng tạo.

Lý thuyết chỉ có thể được tiếp nhận khi, và chỉ khi, nó bị phê phán hoặc/và được phát triển, nghĩa là, nói cách khác, nó bị đối xử như một kẻ thù trước khi là một kẻ đồng hành. Ðiều đó giải thích tại sao, ở Việt Nam, mặc dù được du nhập trong cả hơn nửa thế kỷ và mặc dù được nhà nước ủng hộ tối đa bằng cả một bộ máy tuyên truyền, giáo dục và thậm chí, hành chính kềnh càng, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn chưa bao giờ tồn tại như một lý thuyết. Và điều đó cũng cho thấy tính nhà nước và tính lý thuyết hầu như không bao giờ đi liền với nhau được.

Tự bản chất, lý thuyết gắn liền với cách mạng: nó ra đời từ những sự phản tỉnh đối với chính sự suy nghĩ, từ những sự hoài nghi và phản kháng đối với những quy phạm có sẵn, và từ khát vọng tái định hướng cách nhìn về văn học cũng như tái cấu trúc hiện thực văn học, từ đó, dẫn đến việc hình thành những quy phạm mới có khả mở ra những chân trời mới và những hướng phát triển mới. Nhằm duy trì quyền lực và tạo sự ổn định, nhà nước nào cũng cố gắng tước bỏ bản chất cách mạng ấy của lý thuyết bằng cách loại trừ tính phê phán và chỉ giữ lại tính quy phạm, triệt tiêu tinh thần hoài nghi và củng cố ý thức phục tùng, cuối cùng, giản lược mọi lý thuyết lại thành những công thức cứng nhắc để làm kim chỉ nam cho các hoạt động sáng tác, phê bình và biên khảo. Cách tiếp cận như vậy dẫn đến sự ra đời của những nô bộc lý thuyết, những kẻ chỉ biết lặp lại như vẹt những mảnh vụn vỡ ra từ lý thuyết nhưng không bao giờ có đủ khả năng để tiếp cận lý thuyết như một hệ thống quan điểm khái quát và nhất quán. Cách tiếp cận như thế, tự bản chất, mang tính phản lý thuyết, hơn nữa, phản trí thức: thứ nhất, nó chỉ nhắm tới mục đích thực tiễn chứ không nhằm thoả mãn khuynh hướng muốn biết[2] và mở rộng tầm nhận thức của con người; thứ hai, nó chỉ đòi hỏi người khác phải chấp nhận những công thức ấy như những chân lý tuyệt đối và hiển nhiên chứ không được quyền nghi vấn hay tìm tòi tiếp. Với tính phản lý thuyết và phản trí thức như vậy, cách tiếp cận lý thuyết của nhà cầm quyền bao giờ cũng ở trong trạng thái nghịch lý: họ vừa tuyên bố là cần có lý thuyết mới để chỉ đạo hoạt động văn học lại vừa cấm mọi tìm tòi, hơn nữa, có khi còn cấm cả việc đọc và phiêu lưu vào những lãnh địa mới của tư tưởng; họ vừa kêu gọi sự sáng tạo lại vừa đẩy mọi người vào thế thụ động, thậm chí nô lệ là chỉ được quyền chấp nhận mệnh lệnh và những gì được ban phát. Hậu quả là nó chỉ có thể đẻ ra một thứ lý-thuyết-phi-lý-luận, một hệ thống của những điều phải làm và những điều không được làm.

 

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

_________________________

[1]Nghe được từ các bản tin trên Tivi trong ngày. Nếu cần có thể kiểm tra lại trên các tờ báo phát hành cùng ngày hoặc ngày hôm sau.

[2]Về cái gọi là “khuynh hướng muốn biết” này, có thể xem thêm bài “Vấn đề trí thức và phản trí thức” in trong cuốn Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết của Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn Nghệ xuất bản tại California năm 2002, đặc biệt từ trang 517 đến trang 525. (Bài “Vấn đề trí thức và phản trí thức” đã được đăng lại trên Tiền Vệ, ở trang:
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=662


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021