thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MƯA QUA SÂN THƯỢNG [Tấu khúc thứ nhì]

 

 

 
Sáu tấu khúc của một tuổi hoa niên đến khi chấm dứt vẫn là đột ngột. Tôi từng tự hỏi nén được không những thứ như tình yêu, quá khứ, kỷ niệm và cả mặt đại dương đã tràn vào phố? Tôi tự trả lời là một giọt nước mắt cắt làm sáu khúc vẫn giữ nguyên những óng ánh trong suốt của tuổi thơ và niềm chua xót. Viết là một hành động thao thức. Viết thành truyện là mang trả cho đời sống những gì đời sống đem đến: sự khắc khoải của chính mình.

 

Tháng Tư

Một buổi sáng tháng Tư, nắng còn mới trên sân sỏi, những tiếng nổ ầm vang từ xa làm náo động toàn trường. Thầy giáo và chúng tôi kinh hãi chui xuống gầm bàn. Đợi một lúc không còn nghe nổ, thầy cô triệu tập các học sinh trước phòng giám thị rồi vội vã ra về. Chúng tôi đứng hoang mang không bao lâu thì phụ huynh lần lượt đến. Họ có vẻ lo lắng vì thấu rõ việc gì sắp xảy ra, nên hấp tấp. Chỉ hơn một giờ sau sân trường vắng tênh, còn lại mình tôi với một con bé cùng lớp. Con bé cao khoảng tôi, mái tóc đen mượt dài đến ngang lưng khác với mái tóc nâu ngắn của tôi. Chúng tôi nhìn quanh rồi xích lại gần nhau để giảm bớt sự trống trải. Mấy năm chung lớp, hai đứa ít khi trò chuyện nhưng lúc ấy lại có chung sự lo lắng. Chờ thêm một hồi, cô giám thị bảo chúng tôi tự về vì cô phải đóng cửa trường. Cánh cổng nặng nề đóng sập lại sau lưng khiến chúng tôi giật mình nắm chặt tay nhau. Các ngón tay của con bé giúp tôi cảm thấy bớt bơ vơ. Phố xá vắng vẻ đến lạ lùng. Sự nguy hiểm nào đó đang rình rập, có thể sau những tàng cây xao xác hoặc từ những trực thăng sẽ vụt ra từ trời cao. Khi chúng tôi thả tay, những ngón tay vô hình của con bé vẫn còn nằm yên trong lòng tay tôi và mãi mãi, dù chưa ý thức, chúng tôi đã thành đôi bạn thân. Chúng tôi về đến nhà bình yên, nhưng sự hỗn loạn trong thành phố chỉ mới bắt đầu.

Hỗn loạn lên cao ngày những bánh xe tăng khổng lồ cán trên mặt đường. Mẹ tập họp gia đình và những người giúp việc vào một phòng giữa tầng trệt, tránh pháo kích, bom đạn từ máy bay trên trời và từ ngoài đường bắn vào nhà. Mẹ đã có chuẩn bị sẵn, trữ thêm gạo và mua một số bao cát chất chung quanh phòng. Mẹ còn cột vào người mỗi đứa một bao nhỏ đựng ít tiền, lương khô và giấy ghi rõ tên tuổi cha mẹ đề phòng chạy loạn bị thất lạc, và giao mỗi đứa cho một người giúp việc. Chúng tôi ngồi bệt trên nền nhà, trong tầm che chở của những bao cát, chuẩn bị chịu đựng một tai biến khủng khiếp. Mẹ dặn dò xong, căn phòng chỉ còn tiếng máy phát thanh. Những người lớn chăm chú nghe, thỉnh thoảng một người chạy ra cửa trước nhìn qua kẻ hở xem động tịnh ngoài đường. Tôi cố gắng chú tâm đọc thầm những lời cầu nguyện bà đã dạy để xua đuổi những hình ảnh đói khát và đổ máu cứ hiện ra trước mắt. Bỗng có tiếng đập rầm rầm lên cửa khiến chúng tôi giật thót người. Bố đưa tay ra dấu cho mọi người ngồi yên, một mình bước ra phía trước và trở lại mau với sáu người lính Cộng Hòa. Họ mặc quân phục tay cầm súng ống, yêu cầu cho lên sân thượng để nhìn xuống đường cho rõ. Có lẽ họ chọn nhà tôi vì căn nhà cao nhất khu phố. Mẹ lo căn nhà sẽ biến thành một bãi chiến trường, năn nỉ họ rời khỏi với lý do nhà rất đông con nít. Những người lính ngồi trên những chiếc nón sắt úp xuống nền, băn khoăn nhìn về phía chúng tôi như không biết phải tính sao. Mỗi thời khắc trôi qua nặng nề trong lòng chúng tôi, và có lẽ, cũng không yên lành trong lòng họ. Một lúc sau, họ đứng dậy bỏ đi. Chúng tôi lại quay về với sự chờ đợi hồi hộp trong bất an, cho đến khi đài phát thanh loan tin bàn giao và bố kết luận không cần chạy nạn nữa. Tôi thấy bố mẹ chỉ ứa nước mắt được một thoáng rồi lại lo lắng bàn về những bất định sắp tới. Thỉnh thoảng hai tiếng “hòa bình” vang lên rồi lại lấp đi bằng các chữ “di cư”, “quân quản”... Tôi linh cảm ngày cuối cùng của tháng Tư đã xóa đi thành phố tuổi thơ của mình và cuộc sống trước mặt sẽ đếm từng ngày một.

Bàn giao xong, hỗn loạn không chấm dứt mà tràn từ ngoài phố vào trong nhà. Trong hẻm phía sau nhà có nhiều súng đạn, lưỡi lê và một số quân phục rằn ri bị vứt bỏ. Em trai tôi lén nhặt một cây súng đem về rồi mang lên sân thượng tập bắn, khiến bố mẹ hốt hoảng, sẵn bố mẹ đang lo lắng đến mất bình tĩnh vì sợ bị tịch biên tài sản như năm 54 ở ngoài miền Bắc. Tôi biết tình trạng rất nghiêm trọng vì thấy bố không nằm lâu trong căn phòng nhỏ ở lầu ba mà bỏ nhiều thì giờ xếp đặt với mẹ. Thỉnh thoảng, mấy chị em tôi núp ở lan can lầu hai nhìn xuống, hễ thấy có nhiều xe quân đội đi ngang là chạy báo tin cho bố mẹ biết. Mẹ để ý “họ” ăn mặc thô sơ nên dặn tất cả mọi người phải ăn mặc thật giản dị, đàn bà phải chùi hết sơn móng tay và không trang điểm, và con nít không được ra đường. Mẹ còn dặn người làm chỉ nấu những món thanh đạm lỡ “họ” vào xét nhà. Người lớn lục lọi khắp nhà tìm một số sách báo tranh ảnh đem đi đốt. Mấy ngày không có một tiếng cười, tôi thấy nhà như cảnh chùa có nhiều người mặc áo xám hoặc nâu trầm tư đốt nhang đèn, khấn vái xin tai qua nạn khỏi. Thêm một nhóm lính khác mặc quân phục và đội nón cối xanh vào nhà chúng tôi đòi đặt súng chống máy bay trên nóc sân thượng. Họ cho biết muốn đề phòng máy bay Mỹ trở lại quan sát thành phố. Cũng may, một phần sân thượng được che bằng mái tôn không đủ sức chịu đựng súng phòng không cỡ lớn nên cuối cùng họ bỏ đi. Sự xáo trộn và bấp bênh không biết đến bao giờ mới hết. Mẹ lắc đầu chép miệng bảo người ta sao thì mình vậy, miễn cả nhà được bình yên. Con đường phía trước dù sao chúng tôi vẫn phải tiếp tục đi.

Tôi đã dọn vào một căn phòng ở lầu ba, bên cạnh gian thờ. Mẹ sợ sau này đồ dùng bị quản thúc như gạo nên mua lắm bàn ghế, giường tủ chất vào mỗi phòng trống trong nhà. Mẹ nói sau này mấy chị em tôi lớn lên lập gia đình sẽ có đồ dùng. Tôi thay tấm màn trên cánh cửa phòng bằng một loại vải dịu mềm in hình những hoa hồng li ti. Màu hồng phấn nhạt e dè tựa nụ hoa vừa hé mở, tựa một niềm hạnh phúc sắp sửa thành hình. Đối diện cửa phòng, khung cửa sổ lớn chắn song sắt mở ra một vòm trời xanh rộng. Buổi trưa, làn gió nóng bức len vào ru tôi ngủ. Giấc ngủ trưa nhiều mộng mị để khi thức giấc đầu tôi thấy nặng và dòng máu trong thân như đã ngừng lưu chuyển. Đây là những thời khắc mà tâm trí tôi không xác định được mốc thời gian, cứ chập chờn giữa quá khứ và hiện tại. Những mơ ước của đứa con gái vừa kịp lớn lên trong năm cuối cùng của Sài Gòn phồn vinh và lãng mạn xa vời hơn với mỗi ngày mới. Cũng như cuộc sống đang mất dần với những sổ gạo, đổi tiền, đánh tư sản và những vụ xét nhà bất chợt. Trong một hộc tủ của chiếc bàn học, tôi dấu những tập thơ, băng nhạc và tiểu thuyết mà lũ con gái trong lớp lén truyền tay nhau. Chúng tôi cùng gìn giữ những mơ ước của riêng mình dù vài ba năm nữa thành phố sẽ chẳng còn lại mấy cho chúng tôi. Trên kệ tủ quần áo, con búp bê mắt xanh tóc vàng chực chớp đôi mi cong vút; những món hàng xa xỉ phẩm như vậy sẽ không bao giờ được bày bán nữa.

Mỗi mùa mưa trở về trên sân thượng gây thêm chút chao động trong tâm hồn tôi. Tôi dệt mộng như tương lai vẫn có thể đem đến những gì đẹp nhất mà tôi đã biết từ tuổi mười hai. Con bé ngồi cạnh tôi trong lớp bảy ở trường Saint-Exupéry thường kể cho tôi nghe những cuộc hẹn hò của anh chị nó lúc ấy đang học ở Marie Curie. Chuyện tình của họ đẹp như những chuyện tình của công chúa và hoàng tử trong thần thoại. Tôi mê man đến quên mất trường Pháp đã đóng cửa và cả thành phố cũng đã đổi thay. Cho đến một ngày tôi bất chợt chồm qua lan can nhìn xuống phố. Sắc màu đỏ ối của những lá cờ và biểu ngữ giăng khắp nơi đánh thức tôi từ một giấc mộng dài. Tôi đã quá xa với thực tế mà chỉ những ước mơ vừa vặn với hiện thực mới có thể thành hình. Những gì tôi mong không phải ở trên mây mà ở dưới phố. Có thể trong cuộc sống khắt khe, những ước mơ cần thu nhỏ lại.

Nhưng trước tiên, tôi cần phải xuống phố.

 

[Còn tiếp 4 tấu khúc]

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021