thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vậy thôi

 

Nguyễn Ðăng Thường giới thiệu và dịch.

 

Marguerite Duras bên chai rượu (Paris, 1955)

 

Marguerite Duras sinh ngày 4 tháng tư, năm 1914 tại tỉnh Gia Định (Sài Gòn). Tên thật là Marguerite Donnadieu. Mẹ là một giáo viên. Cha là một giáo sư toán đã mất sớm. Người mẹ xuất hiện trong nhiều tác phẩm trong khi người cha hầu như hoàn toàn vắng bóng. Bà mẹ gốc dân miền Normandie, nhờ chế độ cưỡng bách giáo dục và miễn phí, nên đã thoát khỏi giai cấp bần nông, giống như nhiều người Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.
 
Đôi vợ chồng còn khá trẻ đã được nhà nước khuyến khích sang lập nghiệp ở thuộc địa. Vừa tới nơi người chồng nhuốm bịnh phải trở về nước ngay và lìa đời xa vợ con.
 
Khi sang Pháp vào cuối năm 1974, và qua năm 1975, sau khi miền Nam thất thủ, vào dịp hè, tôi và người bạn đời có tới viếng miền Normandie, miền đất trù phú của những vườn táo và những đàn bò sữa, như một tuần trăng mật muộn màng, vì chúng tôi đã quen biết nhau ở Sài Gòn, từ năm 1965.
 
Chúng tôi ghé thăm thành phố Rouen có ngôi thánh đường nổi tiếng, từng được Claude Monet một hoạ sĩ trụ cột của trường phái ấn tượng, thể hiện trong một loạt tranh. Ngôi thánh đường này đã bị Đức ném bom trong Thế chiến 2. Chúng tôi viếng ngôi nhà của Bà Bovary, bãi biển nơi quân đội đồng minh đổ bộ; viếng ngôi làng và ngôi nhà của Proust, nhưng rủi thay hôm đó là chủ nhựt, ngôi nhà bảo tàng này đóng cửa.
 
Năm 1932, Marguerite Donnadieu vĩnh biệt Đông Dương để trở về Pháp. Năm 1939 bà kết hôn với Robert Antelme và năm 1943 bà cho ra mắt cuốn truyện đầu tiên Những kẻ không hổ thẹn (Les Impudents) dưới bút hiệu Marguerite Duras. Duras là tên ngôi làng quê cha, nằm cạnh hai dòng Lot và Garonne thuộc thị trấn Lot-et-Garonne. Bà và chồng bà tham gia kháng chiến chống Đức, nhưng sau chiến tranh bà cũng bị qui tội thân Đức vì bà có tên trong một uỷ ban văn chương do Đức kiểm soát.
 
Robert Antelme bị bắt và đưa vào một trại tập trung ở Buchenwald, nhưng may thay ông sống sót và trở về Pháp, bệnh hoạn gầy ốm chỉ cân nặng 38 kí lô, theo lời Duras. Duras kể lại nỗi đau khổ này trong cuốn tự truyện Nỗi đau (La Douleur, 1985).
 
Marguerite Duras là một tài năng đa dạng. Toàn bộ tác phẩm của bà bao gồm tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, nhiều cuốn phim do bà đạo diễn, phỏng vấn, tự truyện, tiểu luận, tuỳ bút, truyện ngắn. Nhiều cuốn truyện của bà đã được quay phim, nhưng Duras không hài lòng với các bộ phim này, nên bà đã đích thân đạo diễn nhiều tác phẩm khác của bà.
 
Kịch bản phim và phim Hiroshima tình yêu của tôi (Hiroshima mon amour), do Alain Resnais đạo diễn năm 1959, vang danh thế giới, đã đóng góp vào trường phái Đợt Sóng Mới (la Nouvelle Vague). Nữ diễn viên Emmanuelle Rive, nhờ cuốn phim này, đã trở thành một ngôi sao lớn.
 
Cuốn truyện Trầm ca (Moderato Cantabile, 1958), do nxb Les Éditions de Minuit ấn hành, đã thêm tên tuổi Marguerite Duras vào nhóm nhà văn Tiểu Thuyết Mới (Samuel Beckett, Claude Simon, Michel Butor, Robert Pinget, Jean Ricardou...). Duras nhà đạo diễn, đã chọn Gérard Depardieu một diễn viên trẻ tuổi, lực lưỡng, đẹp trai, cho đóng vai chánh trong phim Chuyến xe tải (Le Camion, 1977) do bà thực hiện. Nhờ cuốn phim này, cộng thêm tên tuổi Duras và tài năng riêng, Depardieu đã trở thành một siêu minh tinh của điện ảnh Pháp, danh tiếng khắp năm châu.
 
Cô bé Donnadieu, 17 tuổi, đã có mối tình đầu vừa thắm thiết vừa vụ lợi, với một thanh niên Trung Hoa giàu có ở Sa Đéc. Mối tình đầu này đã được Duras thi vị hoá, tiểu thuyết hoá trong cuốn truyện Người tình (L’amant, 1984), đoạt giải Goncourt và được quay phim năm 1992, do Jean-Jacques Annaud đạo diễn. Duras năng lui tới phim trường, bàn ra nói vào, cản trở việc quay phim, khiến nhà đạo diễn bực tức ra lệnh cấm cửa bà.
 
Tất nhiên Duras không hài lòng với tác phẩm điện ảnh này cũng như bà đã không hài lòng với cuốn phim Đập nước ngăn Thái Bình Dương (1957) của đạo diễn René Clément, dựa trên cuốn truyện nổi tiếng Un barrage contre le Pacifique của Duras (1950). Các nhà đạo diễn đã phản bội các tác phẩm của Duras. Vì tức giận nhà đạo diễn trẻ J. J Annaud, Duras viết thêm cuốn truyện Người tình phương Bắc (L’Amant de la Chine du Nord, 1990) để rửa hận và để chuyển thành phim, nhưng dự tính không thành.
 
Thời thanh xuân Marguerite Duras có vẻ đẹp dịu hiền hao hao giống Á Đông, khiến nhà văn Michel Tournier (Vendredi ou les Lymphes du Pacifique, 1967; Le Roi des aulnes, 1970) trong tập tiểu luận Vinh danh (Célébrations, 1999), có đưa ra giả thuyết là bà mẹ của Duras đã ngoại tình với một người đàn ông Á Đông và kết quả là cô bé Marguerite Donnadieu.
 
Thời niên thiếu Duras có thể đã bị hành hạ bởi bà mẹ hà khắc và người anh lớn hư hỏng. Cũng có thể đã có một mối tình loạn luân với người anh hay người em trai, nhưng tránh được phần xác thịt. Duras là một cô gái bướng bỉnh và một phụ nữ cương nghị.
 
Nhà văn kiêm nhà thơ Raymond Queneau, thuộc nhóm Oulipo, cũng có phê bình chỉ trích các cuốn truyện đầu tay của Duras, mà ông cho là sặc mùi lãng mạn. Sagan của Buồn ơi chào mi (1954) và Một nụ cười nào đó (1956) có “một âm nhạc nho nhỏ” trong mỗi câu văn. Câu văn của Duras cũng đầy tính nhạc và đầy chất thơ, dù bà sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, với những tiết điệu phát ra từ những từ lặp đi lặp lại, những câu văn lặp đi lặp lại, có khi tương phản, gây sự kích thích tò mò thú vị nơi độc giả.
 
Duras cũng là một đầu bếp giỏi. Tiếc thay, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng có tấm nhan sắc mặn mà duyên dáng thời trẻ, lúc về chiều khuôn mặt đã trở thành nhăn nheo, sưng húp, béo phì, do hệ quả của bịnh ghiền thuốc lá và sâu rượu, dù bà sống được 81 năm. Bà lìa đời vì bị ung thư cổ họng.
 
C’est tout (Vậy thôi) là một cuộc đối thoại, một cuộc phỏng vấn, một quyển nhựt ký, từ buổi trưa ngày 21 tháng mười một, năm 1994, đến 1 giờ trưa ngày 29 tháng hai 1996, xảy ra tại nhiều nơi, với những gián đoạn, những khoảng cách, những im lặng, những trống vắng, những thoá mạ, những tự hào, giữa Duras và Yann Andréa Steiner, người tình đồng tính luyến ái, bất an, có khuynh hướng quyên sinh.
 
Yann Andéa Steiner là cái tên do Duras đặt cho người tình cuối đời của bà. Tên thật của anh là Yann Lemée, sinh ngày 24 tháng mười hai, năm 1952. Yann trẻ hơn Duras 38 tuổi. Giữa Duras và Andréa là một cuộc tình đam mê, một mối tình nghệ sĩ và sáng tạo liên tục trong suốt 16 năm (1980-1996) cho tới khi Marguerite Duras qua đời vào ngày 3 tháng ba, năm 1996. Yann Andréa qua đời ngày 10 tháng bảy, năm 2014.
 
Thiển nghĩ của tôi là toàn bộ tác phẩm, hay một phần lớn, của nhà văn nữ này có thể được đặt dưới cái tên chung “Duras, tình yêu của tôi”.
 
J.M.G. Le Clézio, Cao Hành Kiện, thậm chí Patrick Modiano ... thay vì Marguerite Duras? Nhưng thôi, ai đâu cần Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Sự vinh danh, qua thời gian, cuối cùng sẽ tới từ độc giả.
 
Tôi cũng có chuyển dịch được vài truyện ngắn và thơ của Duras (Césarée / “Césarée”, 1979; Con trăn / “Le boa”, 1954; Người đàn ông ngồi trong hành lang / “L’homme assis dans le couloir”, 1980; “Người đàn ông Đại Tây Dương” / “L’Homme atlantique”, 1982; “Con đượi trên bờ biển Nọt-măng” / “La Pute de la côte normande”, 1986.)
 
Vậy thôi dịch theo nguyên tác tiếng Pháp, C’est tout (60 tr, nxb P.O.L , 1999).

 

__________

 

VẬY THÔI

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

Vậy thôi (C’est tout, 1995), tác phẩm cuối cùng của Duras, là một cuốn nhựt ký, một lá thư tình, một cuốn sách. Những câu nói hay câu văn, hoà hợp giản dị rõ ràng, như những tiếng kêu gọi thiết tha người tình yêu mến vừa ảo vừa thật, từ người tình đó xuất phát văn tự và văn tự trở về. Cái mối tình cuốn hút trọn vẹn, và nỗi đam mê của một người đối với một người, cuộc đời của người đó. Với ám ảnh về nỗi chết mãnh liệt và luôn luôn có mặt, những lượn sóng của sự ngã lòng, nỗi kinh hoàng về cõi hư vô gần kề và sự mất mát. Thảy đều có mặt ở đó, chúng bàn bạc về tác phẩm trong một chuyển động sách nhiễu và bạo tàn. Những nhân vật cũ, những con chữ, những tia sáng khôi hài, hai chân chạm đất, những giọt nước mắt.
 
“Viết cả đời sẽ giúp ta học hỏi thêm về cái viết nhưng nó không cứu vớt ta ra khỏi điều gì cả.”
 
[Lời giới thiệu của nhà sách Amazon.fr]

 

Tiếng rú thê thảm rùng rợn của con thú bị thương.
Nỗi đau như gốc cây bị đốn nhưng mọc lại.
Một tế bào ung thư không thể huỷ diệt cứ nhân lên mãi theo năm tháng.
Cuộc sống thế nào? Kẻ đã chết hỏi người còn sống.
Cuộc chết thế nào? Kẻ còn sống hỏi người đã chết.
“Cuộc đời là cái đang xảy ra trong khi chúng ta có những dự tính khác.”
J. L.
 
Không có nụ hôn cuối cùng.
Riêng tặng bạn đời.
Nguyễn Đăng Thường

 

VẬY THÔI

 

Tặng Yann.
Người ta không bao giờ biết trước,
những cái đang viết.
Hãy chóng nghĩ đến tôi.
 
Tặng Yann người tình đêm của tôi.
Ký tên: Marguerite, người tình của người tình
yêu dấu đó, ngày 20 tháng mười một, 1994, Paris,
đường Saint-Benoît.

 

-------------

 

Ngày 21 tháng mười một, buổi trưa, đường Saint-Benoît.

Y.A.: Bà sẽ nói gì về bà?

M.D.: Duras.

Y.A.: Bà sẽ nói gì về tôi?

M.D.: Khó hiểu.

 

Sau đó, cũng trong buổi trưa hôm đó.

Đôi khi tôi trống rỗng trong một khoảng thời gian khá lâu.

Tôi không có lý lịch.

Thoạt tiên, sự kinh hãi. Rồi một thoáng hạnh phúc vụt đến. Rồi nó chấm dứt.

Hạnh phúc, nghĩa là chết trong lòng một chút.

Một chút vắng mặt tại nơi tôi đang nói.

 

Sau đó.

Đó là một vấn đề thời gian. Tôi sẽ làm một cuốn sách.

Tôi muốn vậy tuy không dám chắc rằng tôi sẽ viết cuốn sách ấy.

Đó là một chuyện bấp bênh.

 

Ngày 22 tháng mười một, buổi trưa, đường Saint-Benoît

Y.A.: Bà có sợ cái chết không?

M.D.: Tôi không biết. Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi không còn biết gì cả từ lúc tôi ra tới biển.

Y.A.: Và với tôi.

M.D.: Trước đó và bây giờ là tình yêu giữa anh và tôi. Tình yêu và cái chết. Đó sẽ là những gì mà anh muốn, anh, như chính anh.

Y.A.: Định nghĩa của bà về con người của bà?

M.D.: Tôi không hiện hữu, như trong lúc này: tôi không biết tôi phải viết ra điều gì.

Y.A.: Cuốn sách bà yêu mến nhứt, triệt để nhứt.

M.D.: Cái đập, thời thơ ấu.

 

Y.A.: Và thiên đường, bà sẽ tới?

M.D.: Không. Đó là một chuyện buồn cười, với tôi.

Y.A.: Tại sao?

M.D.: Tôi không biết. Tôi không tin chuyện đó.

Y.A.: Sau cái chết sẽ còn lại gì?

M.D.: Chẳng còn lại gì cả. Chỉ còn lại những kẻ còn sống

nhìn nhau mỉm cười, và nhớ.

Y.A.: Ai sẽ nhớ tới bà?

M.D.: Những độc giả trẻ. Bọn học trò nhỏ.

 

Y.A.: Bà bận rộn lo lắng về chuyện gì?

M.D.: Viết. Một công việc bi thảm, nghĩa là liên hệ tới đời sống. Tôi ở trong ấy không cần có sự cố gắng.

 

Sau đó, cũng trong buổi trưa hôm đó.

Y.A.: Bà đã chọn một nhan đề cho cuốn sách sắp viết?

M.D.: Có. Cuốn sách để biến mất.

 

Ngày 23 tháng mười một ở Paris, 3 giờ trưa.

Tôi muốn nói về một người.

Một người chỉ mới hai mươi lăm tuổi đời, không hơn.

Đó là một người rất điển trai muốn chết trước khi bị cái chết phát hiện.

Bạn sẽ yêu mến anh ta.

Và hơn thế nữa.

 

Vẻ đẹp của hai bàn tay anh ấy, vâng, đúng là cái đó.

Hai tay của anh ta tiến tới cùng với ngọn đồi ― rồi

tách ra và trở thành riêng biệt, trong sáng, toả sáng,

thanh tú kiều diễm như trẻ thơ.

Tôi hôn anh.

Tôi chờ đợi anh như tôi đợi chờ kẻ sẽ huỷ diệt cái duyên dáng ấy, tan rã, dịu dàng và còn ấm áp.

Dâng trọn cho anh, với cả thân hình, cái duyên dáng ấy.

 

Sau đó, cũng trong buổi trưa hôm đó.

Tôi muốn nói với anh

rằng tôi yêu anh.

Thét gào lên điều ấy.

Vậy thôi.

 

Đường Saint-Benoît, chủ nhựt 27 tháng mười một.

Bên nhau là tình yêu, cái chết,

lời nói, giấc ngủ.

 

Sau đó, cũng trong chủ nhựt đó.

Y.A.: Bà sẽ nói gì về bà?

M.D.: Tôi chẳng còn biết tôi là ai cả. Tôi đang ở bên cạnh người tôi yêu.

Tên họ, tôi không biết.

Không quan trọng.

Bên nhau như với một tình nhân.

Tôi muốn chuyện đó xảy ra cho tôi.

Bên nhau với một người tình.

 

Im lặng, rồi thì.

Y.A.: Để làm gì, viết?

M.D.: Để vừa là im lặng vừa là nói.

Viết. Đôi khi cũng có nghĩa là ca hát.

Y.A.: Khiêu vũ?

M.D.: Cũng nên liệt thêm vào. Đó là một trạng thái

cá nhân, khiêu vũ. Tôi đã thích khiêu vũ.

Y.A.: Tại sao?

M.D.: Tôi chưa rõ.

 

Im lặng, rồi thì.

Y.A.: Bà nhảy nhót giỏi chứ?

M.D.: Vâng. Không tệ lắm.

 

Viết là rất gần với tiết nhịp của lời nói.

 

Ngày thứ hai 28 tháng mười một, 3 giờ trưa, đường Saint-Benoît.

Cần phải nói về người đàn ông trong truyện Bệnh chết.

Người đàn ông đó là ai?

Tại sao hắn đã rơi vào trạng thái ấy?

Viết về sự gầy ốm, khởi đi từ sự gầy gò của người đàn ông.

 

Một ngày khác.

Chàng không còn hiện ra trong căn phòng.

Chẳng bao giờ nữa.

Vô ích, sự đợi chờ tiếng hát của chàng, có lúc cười, đôi khi buồn, vài khi nhạt.

Rất nhanh chàng đã trở thành con chim mà tôi đã

quen biết trên những cánh đồng.

 

Sau đó, cũng trong cái ngày khác đó.

Phải nói cho Yann biết rằng không phải chính anh đã viết những lá thư đó, nhưng anh có thể ký tên vào lá thư chót. Điều đó sẽ khiến cho tôi rất hài lòng.

Ký tên: Duras.

 

Sau đó nữa.

Tên họ bằng tiếng Hoa của người tình của tôi.

Tôi chưa hề sử dụng tiếng Hoa để chuyện trò với chàng.

 

Một ngày khác, đường Saint-Benoît.

Tặng Yann.

Chẳng để làm gì cả.

Bầu trời rỗng.

Bao nhiêu năm tôi đã yêu người đàn ông đó.

Một người đàn ông tôi chưa hề xướng danh.

Một người đàn ông tôi còn yêu.

Một người đàn ông rồi sẽ xa cách tôi.

Phần còn lại, trước mắt tôi, sau lưng tôi, trước và

sau tôi, tôi hững hờ.

 

Anh, anh không còn có thể phát âm cái tên mà

tôi mang và do cha mẹ tôi đặt cho.

Những người tình vô danh.

Cứ để vậy nếu anh muốn vậy.

Thêm vài ngày chờ đợi.

Anh hỏi tôi chờ đợi cái gì, tôi trả lời: tôi không biết.

Đợi chờ.

Trong sự hình thành của gió.

Có thể ngày mai tôi sẽ viết thêm thư cho anh.

 

Chúng ta có thể sống bằng các thứ đó.

Rồi cười và khóc sau đó.

Tôi nói về thời gian rịn ra từ đất.

Tôi không còn hơi thở.

Tôi cần phải ngưng nói.

 

Sau đó.

Nhiều công việc khác thỉnh thoảng quyến r tôi, thí dụ như cái chết của chàng trẻ tuổi nọ.ũ

Tôi không còn nhớ tên anh ta, không còn biết phải gọi anh ta như thế nào. Sự không đáng kể của anh ta thực ra là quá lớn.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi không còn một khái niệm nào cả về việc tôi đã tưởng rằng mình biết hoặc đợi chờ được thấy lại.

Vậy đó, vậy thôi.

 

Im lặng, rồi thì.

Sự bắt đầu của sự kết thúc của cuộc tình đó dĩ nhiên là khủng khiếp, với sự tiếc nuối từng giờ.

Rồi thì đã có cái giờ tiếp theo đó, khó hiểu, chui ra từ đáy thời gian.

Giờ ghê rợn.

Huy hoàng và rùng rợn.

Tôi đã tới lúc không thể quyên sinh chỉ do cái ý nghĩ về cái chết của anh ấy.

Sự sống và sự chết của anh ấy.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi chưa nói ra điều chính yếu về con người của anh ta,

linh hồn của con người ấy, đôi chân, tiếng cười.

Điều thiết yếu với tôi, là cứ để mặc cho anh ta cái nhìn của anh ta khi anh ta một mình. Khi anh ta đương ở trong sự bề bộn của tư tưởng.

Anh ta rất đẹp trai. Rất khó nhận định.

Nếu tôi khởi sự nói về anh ta, tôi sẽ thao thao bất tuyệt.

Đời tôi như vô định, càng vô định hơn, vâng, đời của người ấy trước mắt tôi.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi rất muốn được tiếp tục nói nhảm như tôi thường làm vậy trong những buổi trưa hè nào đó như trong buổi trưa hè hôm đó.

Nhưng tôi không còn thú vị hay can đảm.

 

Ngày 14 tháng mười 1994.

Ngày 14 tháng mười 1994. Cái nhan đề ở đây không có nghĩa gì cả ngoại trừ đối với tác giả. Cái nhan đề như vậy là không có nghĩa gì cả. Cái nhan đề cũng đợi chờ cái này: một cái nhan đề. Một thứ xi-măng.

Tôi đang ở nơi bờ vực của ngày tháng.

Nàng là con SỐ KHÔNG.

Tuy nhiên ngày tháng ghi trên giấy màu ngà.

Nó được ghi bởi một cái đầu có mái tóc vàng

của một người đàn ông.

Một cái đầu trẻ con.

Tôi, tôi tin tưởng chuyện đó: tôi tin tưởng trên cả tôi

cái đã được viết ra song song với cái đầu trẻ con đó.

Đó là CÁI CÒN LẠI của cái viết. Đó là ý nghĩa của cái viết.

Đó cũng là hương của một cuộc tình đã đi qua chốn ấy, bởi đứa bé ấy.

Một tình yêu không phương hướng đã ngửi mùi da thịt của đứa bé đã héo hắt vì muốn đọc cái điều bí ẩn của thị dục.

Tất cả sẽ là sương khói khi văn bản tự xoá mờ.

 

Ngày 15 tháng mười.

Tôi đang liên lạc với tôi trong một trạng thái tự do ăn khớp với tôi.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi chưa hề có khuôn mẫu.

Tôi bất tuân khi vâng lời.

Khi viết tôi ở trong một trạng thái điên dại như ở

trong đời sống. Tôi sum họp với những phiến đá

khi tôi viết. Những phiến đá của Cái Đập.

 

Thứ bảy 10 tháng mười hai, 3 giờ trưa, đường Saint-Benoît.

Bạn đang đi thẳng tới cô đơn.

Tôi thì không, tôi có những cuốn sách.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi đương lạc hướng.

Đồng nghĩa với chết.

Khủng khiếp.

Tôi không muốn cố gắng nữa.

Tôi không nghĩ tới ai cả.

Chấm dứt cả rồi những cái còn lại.

Anh cũng thế.

Tôi cô độc.

 

Im lặng, rồi thì.

Chẳng phải là sự bất hạnh mà tôi đương sống, mà là

sự tuyệt vọng.

 

Im lặng, rồi thì.

Y.A.: Bà là ai?

M.D.: Duras, thế thôi.

Y.A.: Duras đương làm chuyện gì?

M.D.: Chuyện văn chương.

 

Im lặng, rồi thì.

Tìm chuyện để viết.

 

Paris ngày 25 tháng mười hai 1994.

Cơn mưa của những đứa bé trút xuống trong ánh nắng.

Cùng với hạnh phúc.

Tôi bước ra xem.

Sau đó phải giải thích cho chúng nó biết rằng đó là chuyện bình thường. Đã từ bao thế kỷ rồi. Bởi vì bọn trẻ chúng nó đã không hiểu nổi cái chuyện đó, chúng chưa đủ sức hiểu biết sự thông minh của Thần Thánh.

Sau đó lại phải tiếp tục bước trong rừng. Và hát với những kẻ đã trưởng thành, những con chó, những con mèo.

 

Paris, ngày 28 tháng mười hai.

Một lá thư cho tôi.

Chỉ cần thay đổi hoặc bỏ lại hết mà không cần trở thành gì cả.

Lá thư.

 

Ngày 31 tháng mười hai 1994.

Chúc mừng năm mới Yann Andréa.

Tôi chán các lá thư ngắn của anh rồi.

 

Ngày 3 tháng giêng, đường Saint-Benoît.

Yann ơi, tôi vẫn còn đây.

Tôi cần phải đi.

Tôi không còn biết mình phải ở đâu.

Tôi viết cho anh như đã gọi anh.

Anh có thể tới gặp tôi.

Tôi biết được như vậy cũng chẳng ích lợi gì.

 

Ngày 6 tháng giêng.

Yann.

Tôi hy vọng sẽ gặp lại anh lúc xế trưa.

Với cả tấm lòng.

Với cả tấm lòng.

 

Ngày 10 tháng hai.

Một sự sáng suốt đã tuột đi.

Như thoát ngục.

Khi người ta sử dụng từ nhà văn đối với Duras, điều ấy

là một sức nặng nhân đôi.

Tôi là một nhà văn man dại và vô vọng.

 

Sau đó, cũng trong ngày hôm đó.

Phù du của những phù du.

Thảy chỉ là phù phiếm và đuổi theo gió.

Hai câu này sẽ cho ta tất cả văn chương trên trái đất.

Phù du của những phù du, đúng.

Hai câu này tự nó sẽ mở cửa thế giới: mọi vật, những cơn gió, những tiếng kêu của trẻ thơ, mặt trời chết trong lúc đó.

Thế giới hãy tự huỷ diệt đi.

Phù du của những phù du.

Thảy chỉ là phù phiếm và đuổi theo gió.

 

Ngày 3 tháng ba.

Chính tôi là sự rượt đuổi theo gió.

 

Im lặng, rồi thì.

Có những giấy tờ mà tôi cần phải xếp vào trong bóng tối của sự sáng suốt của tôi.

Không xoá được chuyện tôi làm.

 

Thứ bảy 25 tháng ba.

Tôi buồn đau vì bao thập kỷ đã qua mau.

Thế nhưng tôi vẫn còn ở phía bên này của thế giới.

Chết là một chuyện quá khắc nghiệt.

Vào một lúc nào đó của cuộc đời, mọi chuyện đã chấm dứt.

Tôi cảm thấy như vậy: mọi thứ đã chấm dứt.

Đúng như vậy.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi sẽ yêu anh tới lúc chết

Tôi sẽ cố gắng để không qua đời quá sớm.

Đó là tất cả những gì mà tôi phải làm.

 

Im lặng, rồi thì.

Yann, anh có cảm thấy đôi chút anh là một sợi dây chuyền của Duras?

 

Thứ sáu ngày lễ các thánh.

Hãy ôm tôi trong những giọt lệ của anh, trong những tiếng cười của anh, trong những tiếng khóc của anh.

 

Thứ bảy ngày lễ các thánh.

Cái mà tôi sẽ trở thành.

Tôi sợ.

Hãy đến đây.

Hãy đến đây bên tôi.

Nhanh lên, hãy đến đây.

 

Khá lâu sau, trong buổi trưa hôm đó.

Chúng ta hãy đi xem sự ghê rợn, cái chết.

 

Im lặng, rồi thì.

Hãy vuốt ve tôi.

Hãy đến với tôi trong khuôn mặt tôi.

 

Hãy đến, nhanh lên.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi yêu quá đỗi.

Tôi không còn biết viết.

Tình yêu quá bao la giữa chúng ta, đến tận sự kinh tởm.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi không biết mình đương đi tới nơi nào.

Tôi sợ.

Hãy cùng nhau lên đường.

Hãy tới đây nhanh lên.

Tôi sẽ gởi cho anh những lá thơ.

Vậy thôi.

Viết khiến ta sợ.

Có những điều như thế khiến tôi run sợ.

 

Chủ nhật, 9 tháng tư ngày lễ cành cọ.

Chúng ta là hai đứa trẻ ngây thơ.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi có một cuộc đời gầy ốm lúc này.

Nghèo nàn.

Tôi đã trở thành một kẻ nghèo.

Tôi sẽ viết một văn bản mới. Không có đàn ông.

Sẽ không có gì nữa.

Tôi gần như không còn là gì cả.

Tôi không thấy gì cả.

Vẫn còn là tất cả, trước khi chết.

 

Sau đó.

Không có chiếc hôn cuối cùng.

 

Sau đó nữa.

Anh không nên lo lắng về chuyện tiền nong.

Vậy thì.

Tôi không còn gì để nói thêm.

Không cả một chữ.

Không có gì để nói.

Hãy đi dạo một trăm mét trên con lộ.

 

Cũng trong chủ nhựt đó.

Nếu có một Thượng Đế tốt, thì đó là chính anh.

Anh tin chắc như vậy rồi, anh.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi, tôi có thể bắt đầu lại tất cả.

Từ ngày mai.

Bất cứ lúc nào.

Tôi bắt đầu lại một cuốn sách.

Tôi viết.

Và hấp, hãy xem!

Tôi, ngôn ngữ, tôi rành.

Tôi rất mạnh mẽ ở đó.

 

Im lặng, rồi thì.

Ê, chuyện đó đã là dĩ nhiên rồi. Duras, ở khắp nơi trên thế giới, và xa hơn nữa.

 

Ngày thứ tư 12 tháng tư, đường Saint-Benoît.

Đến đây. Đến trong ánh mặt trời, dù nó như thế nào.

 

Ngày 13 tháng tư.

Cả một đời tôi đã viết.

Như một con ngốc, tôi đã làm vậy.

Làm như vậy cũng không tồi lắm đâu.

Tôi chưa hề tự phụ.

Viết cả đời, viết để tự học hỏi. Nhưng nó cũng không giúp ta thoát khỏi điều gì cả.

 

Ngày thứ tư 19 tháng tư, 3 giờ chiều, đường Saint-Benoît.

Rõ ràng là tôi có tài.

Tôi đã quen với nó rồi.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi là một miếng gỗ trắng.

Anh cũng vậy.

Với một màu khác.

 

Ngày 11 tháng sáu.

Anh là anh và điều này khiến tôi hoan hỉ.

 

Im lặng, rồi thì.

Hãy đến đây nhanh.

Nhanh lên, hãy cho tôi một chút sức mạnh của anh.

Hãy đến trong khuôn mặt tôi.

 

Ngày 28 tháng sáu.

Từ ngữ tình yêu hiện hữu.

 

Ngày 3 tháng bảy, 3 giờ chiều, Neauphle-le-Château.

Tôi biết rõ rằng anh có những tham vọng khác. Tôi biết rõ

rằng anh đang buồn bã. Nhưng mà tôi bất cần.

Anh yêu tôi là điều quan trọng nhứt. Phần còn lại không thành vấn đề. Tôi cóc cần.

 

Sau đó, cũng trong buổi trưa hôm đó.

Tôi cảm thấy bị đè bẹp trong sự hiện hữu.

Điều ấy thúc đẩy tôi viết.

Tôi viết rất khoẻ khi anh bỏ đi ― viết về người đàn ông tôi yêu.

Anh ở trong một trạng thái diễm lệ chói chang tôi chưa từng thấy.

Anh là tác gia của tất cả.

Những gì tôi đã làm anh cũng có thể làm.

Tôi nghe anh nói rằng anh không chấp nhận câu nói đó, câu văn đó.

 

Im lặng, rồi thì.

Anh có nghe thấy sự im lặng ấy không?

Tôi, tôi nghe những câu anh nói ở chỗ của cái cô đương ngồi viết.

 

Im lặng, rồi thì.

Tất cả đã được viết ra bởi anh, bởi cơ thể anh.

Tôi sẽ không viết tiếp văn bản này để bắt đầu một văn bản khác của anh, viết cho anh, viết thay anh.

 

Im lặng, rồi thì,

Vậy thì nó sẽ như thế nào, cái mà anh muốn nghe viết?

 

Im lặng, rồi thí.

Tôi không ủng hộ sự hình thành của anh.

 

Ngày 4 tháng bảy ở Neauphle.

Như nỗi sợ cái chết tức thì.

Kế đó là một sự mỏi mệt mênh mông.

 

Im lặng, rồi thì.

Hãy đến.

Chúng ta phải nói về cuộc tình của chúng ta.

Chúng ta sẽ tìm ra những chữ cho chuyện đó.

Có thể không có những từ dành cho chuyện đó.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôi yêu đời sống, dù nó đương có mặt.

Hay quá, tôi đã tìm ra được các chữ.

 

Sau đó, cũng trong ngày hôm đó.

Trong tương lai tôi không muốn gì khác.

Hơn là nói về tôi nữa, mãi mãi, như một mặt phẳng đều đều. Tiếp tục nói về tôi.

 

Im lặng, rồi thì.

Tôî, tôi muốn điều đó biến mất hoặc là Thượng Đế

giết chết tôi.

 

Im lặng, rồi thì.

Hãy tới mau.

Tôi đã khá hơn.

Sự sợ hãi ít cứng chắc hơn.

Hãy để tôi ở tại chỗ tôi đang ở với nỗi lo sợ cái

chết của mẹ tôi, nguyên vẹn,

Vậy thôi.

 

Thứ bảy 8 tháng bảy, 2 giờ trưa, ở Neauphle.

Tôi không còn gì cả trong đầu.

Ngoại trừ những thứ trống rỗng.

 

Im lặng, rồi thì.

Đây rồi.

Tôi chết.

Hết rồi.

 

Im lặng, rồi thì.

Tối nay chúng ta sẽ làm một cái gì thật mạnh. Một món ăn Tàu chẳng hạn. Một món đồ Tàu tan nát.

 

Ngày 10 tháng bảy tại Neauphle.

Anh hoá đẹp.

Tôi nhìn anh.

Anh là Yann Andréa Steiner.

 

Ngày 20 tháng bảy, Neauphle, buổi trưa.

Những nụ hôn của anh, tôi đặt niềm tin nơi chúng cho tới ngày cuối cùng của đời tôi.

Tạm biệt.

 

Không tạm biệt với ai hết. Cũng không luôn cả với anh nữa.

Hết rồi.

Chẳng còn gì nữa.

Phải khép trang lại.

Hãy tới đây.

Chúng ta phải tới đó.

 

Một lát. Im lặng, rồi thì.

Đã đến lúc anh phải để lại một cái gì đó. Anh không thể ngồi không mãi. Có lẽ anh phải viết.

 

Im lặng, rồi thì.

Làm thế nào để sống một tí, sống thêm một tí.

Vậy thôi.

Giờ thì không phải là tôi nữa. Đó là một kẻ tôi không nhìn ra nữa.

 

Im lặng, rồi thì.

Bây giờ anh có thể mở tim anh.

Có thể là tôi. Tôi không thất lạc vì anh.

 

Im lặng, rồi thì.

Để làm dịu bớt cuộc đời?

Nào ai biết. Hãy gắng sống.

Không nên nhảy vào cái chết.

Vậy thôi.

Đó là tất cả những điều tôi muốn nói.

 

Ngày 21 tháng bảy.

Hãy đến.

Tôi không yêu gì cả.

Tôi sẽ tới quanh anh.

Hãy đến bên tôi.

Vậy thôi.

Tôi muốn được che chở về chuyện đó.

Hãy đến mang tôi đặt vào một chỗ nào đó.

 

Về sau cũng trong buổi trưa.

Tôi không muốn cầm cự nữa.

Tôi không nghĩ rằng người ta có thể đặt tên cho nỗi lo sợ đó. Chưa có thể.

 

Hãy trao miệng anh cho tôi.

Hãy đến nhanh để ta đi nhanh hơn.

Nhanh.

Thế thôi.

Nhanh.

 

Thứ bảy 22 tháng bảy. Mưa.

Tôi sẽ không làm gì thêm nữa để thu hẹp hay nới rộng cuộc đời

 

Im lặng.

Hãy đến trong mặt tôi.

 

Im lặng.

Tôi sẽ yêu anh tới chỗ tôi không thể bỏ rơi anh.

 

Im lặng.

Anh vô giá trị. Chẳng là gì cả. Một số không nhân đôi.

 

Chủ nhựt 23 tháng bảy.

Tôi không thể giải quyết việc tôi không là gì cả.

 

Im lặng.

Không thể là như anh, đó là một điều khiến cho tôi hối tiếc.

 

Im lặng.

Hãy đến với tôi trên chiếc giường lớn và chúng sẽ cùng nhau đợi chờ.

 

Chẳng có gì hết.

 

Im lặng.

Tôi tê cóng vì cơn điên.

 

Y.A.: Bà muốn thêm điều gì nữa không?

M.D.: Tôi không biết thêm vào. Tôi chỉ biết sáng tạo. Chỉ là vậy.

 

Thứ hai 24 tháng bảy.

Hãy đến yêu tôi.

Hãy đến.

Hãy đến trong tờ giấy trắng.

Với tôi.

 

Tôi sẽ cho anh làn da tôi.

Hãy tới.

Mau.

 

Hãy thốt lên lời tạm biệt với tôi.

Vậy thôi.

Tôi chẳng còn biết gì cả về anh.

 

Tôi sẽ trôi theo những đám rong.

Hãy đến với tôi.

 

Ngày 31 tháng bảy.

Sự thật của tôi là gì?

Nếu biết anh hãy nói cho tôi biết đi.

 

Tôi thất lạc.

 

Hãy nhìn tôi.

 

Ngày 1 tháng tám, buổi trưa.

Tôi nghĩ là đã hết rồi. Rằng đời tôi đã hết.

Tôi không là gì cả.

Tôi trở thành lo sợ hoàn toàn.

Tôi không rơi thành từng mảnh.

Hãy đến nhanh.

Tôi không còn miệng, tôi không còn mặt.

 

Paris, ngày 12 tháng mười 95.

Hãy đến trong đời tôi.

 

13 giờ 30.

Tôi đã chết. Hết cả rồi.

 

Thứ ba 31 tháng mười.

Không còn Duras. Tôi không thể làm gì được nữa.

Tôi không còn gì nữa.

 

5 giờ chiều.

Tôi là một miếng nam châm.

Anh là một thỏi nam châm.

 

Thứ sáu 3 tháng mười một.

Anh đã khẩn cầu Thượng Đế xin Người giết tôî?

 

4 giờ chiều.

Tôi cần can đảm để chết.

 

Thứ năm 16 tháng mười một.

Dọc theo biển. Dọc theo anh.

 

Tôi không là gì cả. Tôi không biết mình đương ở đâu.

Hết cả rồi.

 

Những hàng cột để tới gần trời.

Hãy tới.

 

18 tháng mười một.

Tôi đã chết. Hết cả rồi. Sau đó là sự khó khăn đối với anh.

 

Thứ tư 22 tháng mười một.

Tôi hoá điên vì tôi không còn gì cả.

Tôi là đã hết cả rồi, cuộc đời tôi.

Miệng tôi mỏi mệt. Không còn chữ nghĩa.

Tôi không còn gì nữa. Không còn những tờ giấy.

 

Ngày 2 tháng mười hai.

Hết cả rồi. Tôi không còn gì cả. Tôi không còn miệng, không còn mặt. Ghê gớm quá.

 

Thứ tư 6 tháng mười hai.

Anh là một con quạ già. Một thằng đểu giả.

 

Thứ năm 7 tháng mười hai.

Anh có một sức mạnh trong khuôn mặt.

 

Thứ sáu 8 tháng mười hai.

Anh là một cái nồi lớn đầy những thằng chó má.

Bọn anh là những thằng chết tiệt.

Thảy đều khó chịu.

 

7 giờ tối.

Y.A.: Bà cảm thấy thế nào?

M.D.: Trạng thái của kẻ sắp chết.

Hết cả rồi. Thảy đều đã hết. Như vậy đó.

 

Ngày 24 tháng mười hai.

Tôi không ăn bởi vì tôi không còn gì cả từ cuộc đời.

Coi nè; hai bàn tay tôi đã chết.

 

Thứ ba 26 tháng mười hai.

Tôi ghê tởm những đòn tâm lý.

Tởm lắm.

 

Nửa đêm.

Tôi không muốn gì cả, không muốn những thứ đã bị điều kiện hoá.

Tôi muốn một tách cà-phê, ngay tức thì.

 

Ngày 27 tháng mười hai.

Hãy nhìn tôi đây: hoàn toàn trống rỗng. Tôi thiếu sự bình an.

 

Ngày 28 tháng mười hai.

Hãy ngừng ngay cái trò nhảm nhí đó đi.

 

Ngày 29 tháng mười hai.

Tôi chẳng còn gì nữa. Tôi đã chết rồi. Tôi cảm thấy mình như vậy. Hãy mang đến cho tôi một cái hòm.

 

Tôi muốn được thấy lại mẹ tôi.

 

Mau lên.

 

Cả cơ thể tôi đương bốc cháy.

 

Sau đó.

Đánh mất trái tim anh, anh có đau đớn về chuyện đó không?

 

Sau đó.

Hãy mau tới thăm tôi, ở lại với tôi, cho tôi một cái gì đó.

 

Thứ bảy 30 tháng mười hai.

Anh bị chia cách khỏi vương quốc của Duras.

 

Thứ tư 3 tháng giêng 96.

Sự trống không, đó là sự tự do.

 

Những người đàn bà khép kín không nói gì cả. Họ đợi chờ.

Một phụ nữ cô đơn không mở miệng nói.

 

Thứ bảy 6 tháng giêng.

Sự tử tế không đáng kể. Điều quan trọng là sự tư duy cực đoan không đưa ta tới nơi nào cả, hoàn toàn không.

 

Sau đó.

Sự hận thù, nó giúp cho ta cầm cự.

 

Ngày 7 tháng giêng.

Tôi không còn gì cả trong đầu. Tôi biết rõ điều này.

 

Ngày 8 tháng giêng.

Tôi không còn gì để làm ngoài việc phải ra đi.

Không biết để tới đâu.

 

Tôi nhóm lửa và tất cả chỉ là màu trắng.

 

Tôi không cảm nhận được một cảm giác nào cả — điều này khiến tôi cảm thấy cô đơn, không buồn, không, chỉ cô đơn thôi.

 

Tôi thấy những bao tay đen cạnh tôi.

 

Sau đó.

Và nó đến từ đâu, cái văn chương đó?

Tôi yêu những cuốn sách mở.

Hãy đến trong căn phòng trắng. Hãy đến cởi bỏ chếc áo lụa của tôi. Tôi không còn gì để mặc.

 

Đó là một cuộc đời huy hoàng tôi đã mở ra.

Nó vô nghĩa, nhưng cuối cùng, người ta đã tin vào chuyện đó.

 

Tôi chưa bao giờ quên lãng một cuốn sách.

 

Ta cô đơn không để cho ai cả. Một sự khốn khổ nghèo nàn. Một người đàn bà nghèo đáng được thương hại. Đó chính là tôi. Và chỉ vậy thôi.

 

Đừng bỏ tôi, tôi van xin anh.

Tôi khóc thầm.

Hãy để cho tôi được yên, tôi là một người tự do.

 

Thứ năm 18 tháng giêng.

Bàn tay tôi, nó đang viết.

 

Ngày 19 tháng giêng.

Một nỗi đau tâm tình.

 

Yann, tôi phải tha thứ cho anh, về chuyện gì thì

tôi không biết.

 

Tôi đẹp. Dứt khoát, đẹp đẽ vô cùng.

 

Ngày 25 tháng giêng.

Đây là chung cuộc. Hết cả rồi. Đây là cái chết. Đây là

sự khủng khiếp. Tôi chán cái chết.

 

Tôi cảm thấy một cái gì không đáng kể đương tới: cái chết. Và nó thật đáng sợ.

 

Có những đôi mắt tắt.

Tôi sợ lắm.

Mau lên.

Tôi không tin. Tôi tin rằng mình không còn biết gì nữa.

Chẳng có gì cả. Những cái mà ta đã làm ra, chúng không là gì cả.

Tôi không thể viết về những cái đang vật ngã tôi.

 

Tôi luôn luôn yêu thương mẹ tôi. Không thể làm khác, tôi vẫn yêu mến bà mẹ tôi.

 

Bạn không bao giờ hiểu nổi, đó là một thứ thiếu thốn. Tôi, tôi hiểu được một chút.

 

Một trang giấy, mau lên. Và ta tới nơi. Và ta đứng lại. Nhanh lên.

 

Yann, tôi đã yêu anh hết mình. Và giờ đây tôi phải cách ly.

 

Tôi không biết gì để cho Thượng Đế Tốt Lành từng ngày... Chúng ta lệ thuộc vào cái rất nhỏ. Sau đó chúng ta sẽ thấy. Có thể là năm ngày mỗi bận?

 

Thứ sáu 26 tháng giêng.

Trong vài giây tôi cảm nhận mùi đất.

 

Yann, hãy bước ra khỏi cái không gian thần thánh đó, nó rất đáng sợ.

Đôi khi anh rất đáng sợ.

 

Tôi đã chán ngấy sự cô đơn. Tôi sẽ nhặt một anh chàng nào đó để anh ta giúp tôi lao động với công việc ấy.

 

Tôi muốn làm một cuốn sách về tôi và về chuyện tôi suy nghĩ. Vậy thôi. Bất cứ cái gì thuộc về đen và trắng.

 

Anh quá rỗng tuếch. Tôi, tôi luôn ở những nơi tận cùng đáy.

 

Ngày 29 tháng giêng.

Sự trống vắng. Sự trống vắng trước mặt tôi.

 

Thứ ba 30 tháng giêng.

Cái mà tôi biết được là tôi không còn gì cả.

Khủng khiếp quá. Chỉ còn cái trống không. Những cái trống không. Cái trống không của địa điểm cuối cùng.

Chúng ta không là một đôi. Chúng ta cô đơn riêng lẻ.

 

Ngày 31 tháng giêng.

Hãy để mặc tôi. Hết cả rồi. Hãy để cho tôi chết.

Tôi xấu hổ.

 

Thứ sáu 2 tháng hai.

Anh còn nhớ chúng ta đã từng đẹp quá. Về sau sẽ không còn ai đẹp đẽ hơn chúng ta nữa.

 

Ngày 15 tháng hai.

Căn phòng cũ nơi chúng ta đã yêu nhau.

 

Ngày 16 tháng hai.

Thật lạ lùng cái chuyện tôi vẫn yêu anh khi tôi không yêu anh.

 

Thứ hai 19 tháng hai.

Tôi biết rõ cái mà tôi sẽ phải hứng chịu: cái chết. Cái đương chờ đợi tôi: khuôn mặt tôi là nhà xác. Ghê lắm, tôi không muốn vậy đâu.

 

Sau đó.

Tất cả những kẻ đang đòi hỏi cái chết của Duras.

 

Sau đó.

Không chỉ là sự hổ thẹn. Sự hổ thẹn về tất cả.

Tôi không là gì cả.

Đã hết cả rồi.

Tôi không còn biết hiện hữu.

Cái chưa hết, là luận cứ về con người của anh.

 

Sau đó.

Có cuốn sách đương đòi hỏi cái chết của tôi.

Y.A.: Ai là tác giả.

M.D.: Tôi. Duras.

 

Thứ ba 20 tháng hai.

Yann, tôi phải xin lỗi anh, xin anh tha lỗi cho tất cả.

 

Ngày 26 tháng hai.

Tôi biết anh thật đậm đà.

Tôi sẽ đi tới một độ khác.

Nó chẳng có mặt ở một nơi nào cả.

 

Ngày 28 tháng hai.

Hết cả rồi.

Thảy đã chấm dứt.

Kinh khủng quá.

 

Thứ năm 29 tháng hai, 1 giờ trưa.

Tôi yêu anh.

Tạm biệt nhé.

 

 

--------------------------

Đã đăng:

Người đàn ông ngồi trong hành lang  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi thấy màu tím trở về, đã tới cửa sông, trời sẫm mây, sự vận hành chậm rãi đến nơi mênh mông vô tận bị khựng lại. Tôi thấy những người khác đang nhìn, những người đàn bà khác, những người đàn bà khác không có mặt trên cõi đời hôm nay cũng đã nhìn những cơn gió mùa của mùa hạ tụ rồi tan trước những dòng sông ven bờ có những cánh đồng lúa sẫm trực diện những cửa sông bao la sâu thẳm. Tôi thấy từ màu tím một cơn giông bão đang tới... [Bản dịch của Nguyễn Ðăng Thường] (...)
 
Con trăn  (truyện / tuỳ bút) 
... Kẻ nào đã phục vụ, phục vụ bất cứ cho việc gì, như là đã được ngó thấy chẳng hạn, dĩ nhiên đã nhận được sự che chở. Khi mà một trái vú đã phục vụ một người đàn ông, dù là chỉ để cho hắn được ngắm nhìn thôi, để hắn nhận thức cái hình thể của vú, sự tròn trịa của nó, vị trí của nó, khi mà cái vú ấy đã có thể nuôi dưỡng sự ham muốn của đàn ông, nó sẽ thoát khỏi sự tàn tạ tương tự. Từ quan điểm ấy, tôi đã đặt niềm hi vọng lớn vào căn nhà thổ, cái chỗ lý tưởng nhất để cho ta được phơi bày... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Césarée  (thơ) 
Césarée / Césarée / Là tên của nơi ấy / Césarée / Cesarea // Nay chỉ còn lại ký vãng của lịch sử / và cái từ độc nhất đó để gọi nó / Césarée / Cái toàn thể. / Chẳng có gì khác ngoài cái chỗ ấy / Và cái từ đó... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
NỖI ĐAU [trích]  (tiểu thuyết) 
Tôi nghe thấy tiếng kêu nén lại trong cầu thang, tiếng xôn xao, tiếng dậm chân tại chỗ. Rồi tiếng sập cửa mạnh và tiếng kêu la. Vậy đó. Họ đã từ Đức về đến nơi rồi... [Bản dịch của Đoàn Cầm Thi] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021