thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin

 

Gửi em,

Anh quyết định nói ra điều này ở thời điểm này để những gì cần kết thúc sẽ kết thúc cùng với năm cũ.

Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá.

Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn. Các em được nhà trường cung cấp, hay đúng hơn, buộc phải mơ những giấc mơ không có thực. Giấc mơ ở đây không có nghĩa là mơ ước, giấc mơ ở đây là những gì ta thấy trong giấc ngủ, vì thế mà có thể nói đến việc ta có mơ thấy nó hay không, tức là giấc mơ đó có tồn tại hay không. Ý anh là ta không nói tới chuyện nội dung giấc mơ có thực hay không có thực, ta nói đến việc ta có một giấc mơ như thế hay không.

Nếu ta không mơ thấy ai đó trong khi ngủ mà lại nói rằng có, thì như vậy chắc chắn là ta nói dối. Như thế, bài hát về giấc mơ là sự dối trá lớn đầu đời sẽ đồng hành cùng các em cho đến khi rất có thể các em không còn khả năng phân biệt đâu là mơ đâu là thực nữa. Ai đó có thể nói rằng tác phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc... là hư cấu, mà hư cấu thì không giống thực và gắn với tưởng tượng, mà đã tưởng tượng thì có quyền tưởng tượng mọi điều. Tuy nhiên, em biết không, vấn đề ở đây là người ta cứ nhất định muốn bắt các em bé phải tin rằng bài hát ấy là những gì có thực đối với các em. Và đến khi các em lớn hơn, thì người ta cũng bắt các em phải tin rằng các bài thơ, các truyện ngắn, tiểu thuyết, bài hát... mà các em học ở trường đều là thực, là chân thực, hay trung thực... chứ không phải tưởng tượng.

Bài hát đó thế hệ anh đã hát ngày bắt đầu tới trường mẫu giáo, ngày nay tất cả trẻ con xứ này vẫn tiếp tục hát. Và anh đã chẳng bao giờ băn khoăn gì về giấc mơ lừa dối đó cho đến một hôm một cháu bé 3 tuổi xinh xắn và đĩnh ngộ, nghe lời mẹ hát tặng bạn bè của mẹ bài hát đó. Khi cháu hát xong mọi người vỗ tay khen, bất ngờ cháu nói: «Nhưng đêm qua cháu không mơ, cháu không mơ thấy ai cả».

Người lớn cười và đứa trẻ giận dỗi bỏ đi. Bao nhiêu triệu trẻ con mới có được một cháu bé nói ra điều ấy?

Cháu bé đó, chỉ trong một khoảnh khắc, đã giúp anh nhận thức được sự bất lực của cái công việc mà anh đang thực hiện. Với những bài học dối trá, làm sao có thể dạy cho học sinh sự ngay thẳng và phẩm chất trung thực? Làm sao có thể dạy cho học sinh trở thành công dân biết tôn trọng pháp luật khi mà pháp luật bị vi phạm khắp nơi nơi? Làm sao có thể dạy cho học sinh về sự công bằng, ý thức về lẽ phải và lòng nhân ái khi có những tác giả quan trọng, những tác phẩm quan trọng của nền văn học đương đại không được nhắc đến trong các sinh hoạt học thuật đương thời; khi mà học sinh sinh viên của miền Nam không được biết về các nhà văn của miền đất nơi chính họ đang sống?

Câu nói của cháu bé đó như một tia chớp phút chốc chiếu thẳng vào cái vùng vốn rất đỗi bùng nhùng trong đầu anh, soi rọi một sự thật: ở nơi này nhà trường không bao giờ có thể đảm nhiệm được chức năng giáo dục. Cùng lắm nó chỉ thực hiện được vai trò đào tạo, truyền thụ kiến thức mà thôi, những kiến thức bị định hướng. Và thực tế ngày nay cho thấy trường học đang dần dần trở thành nơi bán điểm, bán bằng, trong một cuộc đua khốc liệt về thành tích. Dĩ nhiên, đó là những thành tích không có thực. Cũng giống như cái giấc mơ không có thực mà bất kỳ đứa trẻ nào ở đây cũng phải mơ, cũng bị buộc phải mơ.

Sự giả dối còn mang một diện mạo khác. Trên một đoạn đường dài 5km, chỉ có khoảng nửa cây số có trồng cây xanh, đoạn còn lại bụi bặm, ô nhiễm, trần trụi, tắc nghẽn. Nhưng người ta không nhìn thấy cái phần đó, người ta chỉ nhìn thấy đoạn có cây xanh mà thôi, và phóng chiếu hình ảnh của đoạn đường xanh ấy lên toàn bộ ý thức. Và rồi cả những con đường khác không có một cái cây nào thì người ta cũng phủ xanh cho chúng trong ý thức của mình. Rồi người ta phóng chiếu hình ảnh con đường xanh trong não trùm nó lên những con đường thực. Thế là xong. Thế là có một thành phố xanh, chẳng phải trồng cây, chẳng phải tưới tắm chăm sóc gì cho mệt.

Làm sao còn có thể làm giáo dục?

Em nói xem, anh có tự lừa dối mình không khi tiếp tục ảo tưởng rằng có thể làm điều gì đó cho giáo dục?

Em biết không, về căn bản, trường học ở đây không thể dạy cho học sinh các đức tính trung thực, can đảm và cao thượng. Không thể. Giáo dục đòi hỏi làm gương, soi vào những tấm gương hèn nhát, giả dối và thấp kém của thầy cô, học sinh có thể học được gì?

Em thấy kỳ cục không khi người ta cứ mơ có những tác giả lớn và những tác phẩm lớn trong khi lại sống và suy nghĩ như những kẻ hèn mọn, khuyên hoặc buộc người khác sống như những kẻ hèn mọn. Người ta nuôi tham vọng hiểu được những tư tưởng cao quý trong khi hành xử và tư duy như những kẻ thấp kém hạ đẳng.

Em sống trong một xã hội khác, nên em không hiểu được những tổn thương ghê gớm mà những lời nói dối vô hại gây ra cho anh.

Người ta sẽ không thấy tổn thương khi mở tivi và đọc báo hàng ngày với một tâm thế rằng có thể mọi thông tin ở đó đều chỉ có một mức độ tin cậy rất thấp, và một số thông tin là hoàn toàn thiếu trung thực. Cần phải tìm sự thật ở nơi khác. Khi người ta không còn tin nữa thì sự dối trá không còn khả năng gây tổn thương. Không còn khả năng bị tổn thương, đó chính là cái bàn đạp cho sự vô cảm gia tăng. Nhưng anh không muốn nói tới chuyện vô cảm ở đây. Ở đây, anh chỉ muốn nói rằng người ta chỉ tổn thương khi sự dối trá đến từ đối tượng mà ta tin tưởng. Anh chỉ muốn giải thích vì sao anh cảm thấy bị tổn thương.

Điều nghịch lý là, sống trong một xã hội vận hành trên nguyên lý dối trá như vậy, người ta lại càng cần đến niềm tin hơn bao giờ hết. Có lẽ em cũng đã thấy là chưa bao giờ tín ngưỡng, thậm chí mê tín dị đoan, lại phát triển như hiện nay. Bởi vì để sống người ta luôn cần phải tin vào một điều gì đó, cần phải tin vào một ai đó.

Anh biết mình vô lý khi đau khổ quá nhiều vì những lời nói dối được cho là vô hại. Anh biết là trong đời sống đôi khi những lời nói dối vô hại cũng cần thiết. Chẳng hạn như không cho bệnh nhân ốm nặng biết tình trạng thực của mình để giữ tinh thần cho họ. Đôi khi để tránh không làm cho người thân lo lắng vô ích người ta cũng có thể bịa ra một lí do không quan trọng nào đó. Ừ thì biết thế, mà anh vẫn không tránh khỏi cảm giác đau khổ, một cách kỳ cục. Nhưng có thật là những lời nói dối ấy vô hại như người ta nghĩ không? Khi người ta dùng những lời dối trá, những con số dối trá bịa đặt để thao túng bộ máy truyền thông nhằm đạt cho được mục đích riêng, thì những lời dối trá đó có còn được xem là vô hại?

Anh biết lẽ ra anh cần phải tin em. Anh hiểu em đủ để lẽ ra không đau khổ vì vài lời nói dối thiện chí. Trong thẳm sâu, anh biết là em thiện chí. Thế mà anh vẫn thất vọng. Và điều đó huỷ hoại nhiều tình cảm tốt đẹp khác. Thật kinh khủng khi anh nhận thấy rằng sự thất vọng đã huỷ hoại những cảm xúc tốt đẹp trong anh. Đó chẳng là gì khác hơn ngoài sự mù quáng. Sự giả dối của toàn bộ xã hội bên ngoài tạo ra một thứ áp lực, một sức ép mang tính vật lý, ép chặt vào hai bên màng tai, đến mức sẽ đến lúc không còn phân biệt được những lời nào đáng tin và những lời nào không đáng tin nữa.

Từ từ thì anh cũng hiểu ra rằng tại sao những điều tốt đẹp đang dần dần biến mất trên xứ sở này. Anh vốn là một đứa chậm hiểu, một học sinh có học lực trung bình, được xếp loại khá nhờ chăm chỉ và cố học thuộc lòng. Nhưng thời anh đi học, nhận được điểm 6 là anh thấy vui rồi, vì như vậy có nghĩa là sự chăm chỉ của anh đã có kết quả. Ngày nay, một số sinh viên có học lực cỡ anh, khi nhận được điểm 9,8 lại khóc nức nở vì cho rằng điểm như thế chưa xứng đáng với khả năng của họ, rằng họ phải được điểm 10 thì mới đúng. Biết đâu, cũng có thể là chưa xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra. Em biết không, hình ảnh làm anh kinh hãi nhất là những thầy cô giáo đi học sau đại học, ấn phong bì vào tay anh và nói «xin thầy nhận tấm lòng của em». Dù anh chỉ là một người có chỉ số IQ bình thường, chậm chạp trong tư duy và ít khả năng phân tích, anh cũng hiểu rằng chẳng có tấm lòng nào trong đó cả. Họ dùng cái phong bì đó để mua điểm mà thôi. Đấy là một gương mặt khác của sự giả dối. Vì những sinh viên giỏi chẳng bao giờ đem tấm lòng của họ nhét vào đó. Tấm lòng của họ sao nhét vừa cái mẩu giấy đó? Những sinh viên giỏi biết nên để tấm lòng của họ ở đâu. Ước gì anh vẽ tranh được như Francis Bacon, người đã vẽ những cái đầu biến dạng, hay như Nguyễn Thái Tuấn, người đã vẽ những hình nhân không đầu, phải, ở đây để sống người ta không cần phải có cái đầu, đúng hơn, để sống người ta phải vứt bỏ cái đầu của mình đi. Anh muốn vẽ những thân người với cái đầu và cái mặt có hình dạng phong bì. À «tấm lòng», cả trái tim cũng có hình phong bì. Nhưng anh chẳng có tài vẽ, anh chẳng có bất kỳ thứ tài nào. Về cơ bản anh là một kẻ vô dụng, đến làm một người bình thường cũng không làm nổi.

Anh bị một thứ ám ảnh, bác sĩ gọi là ám ảnh phong bì. Ông bác sĩ cho anh uống bao nhiêu thuốc rồi mà vẫn chẳng khỏi. Ông ấy nói sẽ cố tìm cho anh một thứ thuốc miễn dịch giả dối, nghĩa là miễn dịch đối với bệnh giả dối. Nhưng thực sự anh không muốn tiêm cái thứ miễn dịch đó. Bác sĩ nói trường hợp anh hơi lạ, vì thông thường cơ thể người sẽ tự chế ra những miễn dịch để thích ứng với môi trường. Có trục trặc nào đó về mặt sinh học trong cơ thể anh, vì anh không thể sản sinh nổi thứ miễn dịch ấy. Theo bác sĩ, như vậy sẽ rất nguy hiểm, không được miễn dịch thì anh sẽ không sống nổi.

Nhưng hình như không phải thế, đầu óc anh có vấn đề nên có thể anh nhớ không chính xác. Không phải miễn dịch, không phải đề kháng, mà là cơ thể tạo ra một thứ virus giả dối tương tự, không phải để tìm cách tấn công tiêu diệt nó, mà là để khi virus giả dối bên ngoài thâm nhập vào thì cơ thể đã chuẩn bị sẵn môi trường cho nó, để nó có thể hoạt động bình thường, không gây đột biến và không gây nguy hại cho cơ thể. Như thế thì cơ thể mới có thể thích ứng với sự giả dối, thích ứng chứ không phải là tiêu diệt virus giả dối. Đúng, đúng là ông ấy nói như vậy. Sức đề kháng của anh không đủ mạnh, khả năng thích ứng của anh không đủ mạnh. Ông ấy nói anh cần tiêm thêm vắc-xin giả dối. Loại vắc-xin này đặc biệt ở chỗ, nó khiến cho môi trường cơ thể cân bằng với môi trường bên ngoài, khi virus giả dối bên ngoài đi vào cơ thể, thì nó kết hợp một cách nhịp nhàng với virus giả dối đã có sẵn ở trong đó, vì thế cho nên mọi thứ tiếp tục hoạt động một cách bình thường, tốt đẹp.

Ông ấy nói điều nguy hiểm là nếu cơ thể anh không tự sản sinh ra được những miễn dịch giả dối hay không tiếp nhận được vắc-xin giả dối thì anh sẽ không nhìn được mọi người như họ muốn anh nhìn. Trái lại, nguy hiểm là ở chỗ, rất có thể anh sẽ nhìn các nhà cải cách như là những kẻ bảo thủ, nhìn những người kêu gọi dân chủ như là những kẻ độc tài, nhìn những nhà giáo dục đang hô hào đào tạo con người trung thực thành ra những kẻ lừa đảo... Anh sẽ làm rối loạn các chuẩn mực của xã hội hiện hành. Anh sẽ làm méo mó các hình ảnh mà người ta cố công xây dựng bấy lâu nay. Bản thân anh cũng bị rối loạn vì không thể nào làm trùng khớp hình ảnh mà anh nhìn thấy và hình ảnh đã được vẽ ra. Ông bác sĩ thực sự rất lo lắng cho anh.

Ông ấy lấy máu anh, làm các xét nghiệm rất cẩn thận, và tự tiến hành các nghiên cứu riêng để điều chỉnh vắc-xin giả dối sao cho phù hợp với các thành phần của máu anh. Ông cũng lấy các tế bào ở các bộ phận khác trên cơ thể anh để phân tích. Ồng làm hết các phân tích này sang phân tích khác. Ông thử nghiệm nhiều tháng trời, kiên trì để cứu anh. Và anh cũng kiên trì phối hợp với các nghiên cứu của ông ấy. Dù sao anh cũng muốn được sống, và muốn được sống một cách bình thường, như mọi người. Vì rõ ràng là anh không bình thường, anh biết thế. Khi một bà giáo sư ném vào mặt anh câu mỉa mai này: «Cứ như thế thì anh làm sao mà vui được!», anh cảm nhận rõ sự thương hại của bà, bà thương hại anh vì anh không biết làm cách nào để vui khi xung quanh quá nhiều bất công đau khổ. Dù sao thì bà cũng trung thực, thế là anh vui vì thấy bà ấy trung thực. Còn anh lại thấy sợ khi người ta có thể vui trên nỗi đau khổ của người khác. Lúc người ta vui thì anh lại thấy buồn, lúc người ta trống dong cờ mở đón nhận huy chương huân chương hạng nhất thì anh lại chỉ cảm thấy một nỗi buồn mênh mông, nỗi buồn loang ra tràn ngập cả hội trường nơi các thầy cô và sinh viên đang hồ hởi đón nhận phần thưởng cho các thành tích của giáo dục, đến mức anh phải bỏ ra ngoài vì sợ rằng nỗi buồn mà chảy thành nước thì sẽ làm ngập lụt cả cái hội trường đang hoan hỉ ấy. Anh hiểu là anh bất bình thường. Anh cần được chữa trị để trở nên bình thường như mọi người. Ở đây cần nhất là điều đó: làm một người như mọi người.

Cuối cùng ông bác sĩ cũng tạo ra được một loại vắc-xin riêng cho cái cơ thể kỳ cục và bất trị của anh. Ông nói: «hy vọng là tôi đã hiểu anh». Ông vui, niềm vui rất thật.

Ồng tiêm cho anh mấy mũi. Mũi đầu tiên vào tháng 2. Ba tháng sau, ông tiêm mũi thứ hai. Sáu tháng sau ông tiêm mũi thứ ba. Chín tháng sau ông tiêm mũi thứ tư. Cứ đến mỗi lần hẹn, ông làm lại tất cả các xét nghiệm và các phân tích để điều chỉnh vắc-xin. Nhưng mỗi lần kiểm tra định kỳ ông lắc đầu hoài. Ông ấy nản vì các biện pháp của ông đều vô hiệu đối với anh. Ông cảm thấy buồn vì không cứu nổi anh. Ông nhìn anh như muốn nói: cứ như thế này thì anh sẽ chết mất. Ít ra, cái nhìn của ông cũng không giả dối như mọi thứ xung quanh anh.

Ông hỏi, rất thành thực: «anh có thể thành công, anh có nhiều điều kiện để thành công, sao lại chọn sự huỷ hoại như thế này?». Anh hỏi lại ông, cũng rất thành thực: «Ông có nghĩ rằng cái chết đang gọi tôi?». Ông buồn bã, không một chút màu mè: «Tôi cố hết sức rồi. Dù vậy, tôi vẫn tiếp tục thử nữa, tôi muốn giúp anh. Nhưng tôi cảm nhận là anh từ chối, cơ thể anh từ chối sự giúp đỡ của tôi. Sao vậy nhỉ? Tôi đâu phải người xấu, tôi đâu có động cơ xấu. Tôi chỉ muốn giúp anh thôi. Sao anh từ chối? Các tế bào của anh thay đổi liên tục, vắc-xin của tôi không thích ứng được, cứ như thể là chúng biết trước tôi sẽ đưa cái gì vào. Anh có thực sự muốn tôi giúp anh không?» Anh nói, cứ như thể là anh không biết trả lời thế nào cho phải: «Cảm ơn ông!».

Anh thường xuyên có cảm giác là anh ở đây mà không phải ở đây. Có thể đấy là do anh muốn ở bên em quá mà quên mất không gian thực tại của mình. Anh chẳng muốn dùng cái cụm từ mà thiên hạ đã dùng cho mòn nhẵn ấy, nhưng anh vẫn phải dùng, và anh có thể nói ngược lại rằng cụm ấy ấy giống như ngọc, càng mài càng sáng: anh nhớ em. Anh nhớ những tế bào thành thật của em, thành thật rung lên mỗi lần tay anh chạm đến, khiến anh cữ ngỡ như tay anh đang chơi đàn trên cơ thể em. Anh nhớ mắt em, nhìn vào chúng anh tìm thấy cảm giác tin cậy và biết là mình được tin cậy.

Một hôm bác sĩ gọi anh đến. Ông nói là đã làm một trăm năm mươi xét nghiệm và thử nghiệm để chế ngự việc tế bào của anh biến đổi. Ông có vẻ hớn hở như một đứa trẻ và chỉ cho anh xem cái quy luật biến đổi mà ông đã sơ đồ hoá thành một bản vẽ chi tiết. Anh nhìn không hiểu gì, nhưng vì lịch sự cũng ráng ngồi nghe chăm chú. Giảng xong mọi thứ có trên giấy, ông nói: «Bây giờ chắc chắn phải được». Anh để cho ông tiêm ba mũi ở ba vị trí khác nhau trên cơ thể. Sau khi tiêm xong, ông tiếp tục giải thích:

«Bây giờ anh phải kết hợp với cả rèn luyện về tâm lý nữa thì mới được. Anh phải tuyệt đối không để mình bị tổn thương trước bất kỳ điều gì. Người ta muốn làm gì, muốn nói gì, muốn đối xử như thế nào, muốn ra các quyết định, chính sách gì, anh cũng mặc kệ. Thần kinh của anh phải luôn vững vàng, không được để bị tác động bởi những cảm xúc tiêu cực và yếu đuối. Khi người ta sỉ nhục anh, anh phải tự nhủ rằng người ta đang nói về ai khác chứ không phải về chính anh, anh biết mình không phải như thế là được. Bằng cách đó anh sẽ không cảm thấy bị sỉ nhục. Khi người ta nói dối anh thì anh phải cố tìm cho bằng được một cái gì là sự thật trong lời nói dối đó, anh sẽ cảm thấy rằng đó không phải là lời nói dối nữa. Hoặc cũng có một cách khác, nếu người ta nói dối anh thì anh chỉ cần nghĩ: «mày nói dối mặc mày, tao không thèm nghe, không thèm chấp, tao im lặng khinh bỉ mày, tao khinh bỉ mà mày không biết», ý nghĩ này sẽ giúp anh cảm thấy dễ chịu. Ý nghĩ này sẽ giúp anh cảm thấy anh cao quý hơn kẻ nói dối ngàn lần, kể cả khi lời nói dối đó tác oai tác quái gây hậu quả trầm trọng thì anh cũng cảm thấy mãn nguyện vì kẻ nói dối ấy kém cỏi đến mức bị anh khinh mà không biết. Im lặng là tuyệt đỉnh của sự khinh bỉ. Chỉ cần anh im lặng là được. Tôi nghĩ im lặng là giải pháp tuyệt vời mà anh cần lúc này. Xung quanh người ta có thể lừa lọc, giết chóc, tàn sát lẫn nhau, mặc, nếu anh giữ im lặng thì anh có thể được yên ổn. Im lặng đến tận trong nội tâm anh ấy, anh hiểu không? Tức là anh phải biết cách chế ngự tiếng nói của lương tâm, đừng để nó lên tiếng. Tức là đừng để lương tâm lên tiếng trước bản thân anh, anh hiểu không? Tôi đặt giả thiết là tế bào của anh biến đổi, không chấp nhận virus giả dối, là vì chúng bị chi phối bởi lương tâm anh. Vì vậy, về mặt tâm lý anh phải chế ngự được lương tâm của mình, thì về mặt thực thể, virus giả dối mới có thể thâm nhập được vào tế bào của anh. Đây là một kỹ thuật khác nữa nhé. Khi người ta đối xử bất công với anh, anh hãy nhớ tới những người khác còn phải chịu những bất công ghê gớm hơn anh, xã hội đầy những cảnh bất công như thế, tìm không khó, anh sẽ tự thấy mình còn may mắn chán, chẳng nên phàn nàn kêu ca làm gì. Còn kỹ thuật này nữa: anh phải luôn nâng cao cảnh giác, cảnh giác cao độ. Không được tin ai hết. Khi anh không tin, anh sẽ không bị tổn thương bởi sự giả dối. Cái này tôi phải nghiên cứu ghê lắm mới tìm ra được à nghen, nhiều tài liệu chỉ ra là cùng với sự tin cậy, cùng với việc xây dựng lòng tin mà người ta có thể sống với nhau một cách trung thực. Vậy thì, điều kiện để thích nghi với giả dối là phải huỷ hoại lòng tin, anh thấy kết luận này của tôi có đáng giá không? Bước đầu là một số kỹ thuật trị liệu như thế. Cần nhất là đừng để bị tổn thương, đừng để mình rơi vào trạng thái phẫn nộ. Anh cố gắng phối hợp tâm lý và vắc-xin mới có thể chữa bệnh hiệu quả được.»

Nói xong, ông đưa cho anh bản photo sơ đồ biến đổi tế bào của anh và bản photo các kỹ thuật chữa trị tâm lý. Anh bắt đầu thực hiện liệu pháp này từ hôm qua, trước khi nghỉ tết. Chúng ta chờ xem hiệu quả của nó như thế nào. Nếu tiến triển tốt thì ông ấy sẽ tiêm vắc-xin và trị liệu đợt hai cho anh. Thực ra ông đang tiếp tục nghiên cứu để tìm nốt các biện pháp chữa trị về thực thể và tâm lý cho trường hợp của anh, chứ ông cũng chưa có tất cả các liệu pháp cần thiết. Em ạ, không hiểu sao anh lại có cái hình dung quái đản này: nếu anh vượt qua đợt đầu, tiếp tục trị liệu đợt hai thì anh sẽ trở thành một kẻ dối trá hoàn hảo, và tiềm tàng để tiến tới làm một kẻ siêu lừa đảo. Chắc đây không phải là điều ông bác sĩ muốn khi tìm cách chữa trị cho anh. Có lẽ ông ấy chỉ muốn anh làm một người bình thường, một người như mọi người.

Anh đã dùng liệu pháp được một ngày, nhưng chưa thấy kết quả rõ rệt. Anh đọc báo vẫn thấy còn phẫn nộ. Anh vẫn còn tin em, vẫn còn thấy tổn thương. Kỳ quặc là anh cảm thấy dễ chịu với vết thương do em gây ra. Kỳ quặc là bây giờ anh lại muốn em cứ tiếp tục làm tổn thương anh.

Anh gửi em vài dòng trước khi mọi việc trở nên quá muộn, trước khi những con chíp trong não anh bị chập vì không dung hợp được các loại điện mà chúng tích tụ, không dung hợp được các hình ảnh, các từ ngữ và lời nói mà chúng thu nhận, trước khi đầu anh biến dạng như trong tranh Bacon, hay biến mất, chỉ còn là một khoảng trống như trong tranh Nguyễn Thái Tuấn.

Năm cũ đang qua đi, năm mới sắp đến, những cái cũ thì vẫn cứ mới, mới từ năm này qua năm khác.

 

26/12/2012 (âm lịch)

 

 

---------------

Đã đăng:

Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021