thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ thuật sắp đặt

 

Tặng Trần Lương

 

Triển lãm được đặt tên “Từ trong ra ngoài” do một nhà văn thực hiện. Ý tưởng này đến từ một cuộc tiếp xúc giữa ông nhà văn và một curator chuyên nghiệp về nghệ thuật thị giác. Ông nhà văn muốn “đôi khi cũng cần nói bằng một thứ ngôn ngữ khác”. Và ông curator cho rằng việc một ông nhà văn làm nghệ thuật sắp đặt cũng chẳng phải mới mẻ gì, tuy nhiên việc “đá lộn sân” có thể tạo ra những bất ngờ thú vị, vả lại cũng chả ai cấm. Vấn đề ông curator quan tâm là một ông nhà văn có thể do những thói quen nghề nghiệp của mình sẽ phải vượt qua “sự kể lể” như thế nào. Liệu ông nhà văn có thoát được cái tư duy ngôn ngữ để nhảy vào cái tư duy thị giác hay không. Ông nhà văn bảo, thật ra biên giới giữa các thể loại nghệ thuật đã đang được xoá nhoà và dẫu sao thì không thể nói điều gì trước khi tác phẩm được tương tác với người thưởng ngoạn của nó. Cuối cùng ông nhà văn nói “Có hai vấn đề mà tôi cho rằng bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng phải đối mặt. Một là cách tác giả kể câu chuyện của mình. Hai là bản thân tác phẩm hay chất liệu nghệ thuật có tự nói được tiếng nói của nó hay không, sau khi tác giả đã đi ra khỏi nó”. Về cái điều thứ hai này, ông curator nói “vâng, cái còn lại là vật thụ tạo phải sống được đời sống của nó sau khi Thượng đế đã chết”. Ông nhà văn nói thêm “nhất thiết Thượng đế phải chết và chính tôi sẽ giết ông ta”. Ông curator cười, “chỉ khi nào chúng ta ý thức được tính phù du của nghệ thuật hay cuộc đời, chúng ta mới có thể chơi cái trò chơi hủy diệt này”. Ông nhà văn bảo, “thật ra tôi chỉ muốn đái vào mọi thứ”.

Thì cứ xem ông ta đái thế nào.

 

Phòng triển lãm.

Ô giữa là một sảnh vuông màu đen trống trải dành làm điểm trung gian cho 4 ô còn lại ở 4 góc. Đây là chỗ người thưởng ngoạn phải bước vào đầu tiên, cũng là chỗ cửa ra sau cùng.

 

Ô màu đỏ: Một kẻ vô gia cư đang nướng một con thỏ.

Tôi không phải là kẻ hồng hoang như bạn thấy. Tôi cũng không nhớ từ bao giờ tôi trở thành một kẻ không nhà như thế này. Bạn bảo tôi là một kẻ bị lưu đày ư? Thật ra, tôi chỉ là một thằng chồng khốn kiếp bị một con vợ khốn nạn tống ra khỏi nhà. Nó bảo tôi là một thằng điên, một người ngoài hành tinh, một kẻ vô trách nhiệm, một đứa lắm mồm. Sự thật thế nào? Bố khỉ, tôi là một nghệ sĩ của cái gọi là nghệ thuật thị giác. Mà cái thứ này có bán được không? Cả cái thân trai đẹp đẽ này cho không cũng chẳng có con mẹ nào muốn ôm vào, huống gì phải bỏ tiền ra mua. Hoạ chăng có con nào hứng tình muốn xài đỡ một đêm hoặc một con điên say mê nghệ thuật nào đó đem tôi về trưng trên bệ như tượng một David. Hà... hà… Tôi là một David. Nghe cũng được đấy. Nhưng David thì cũng cần có cái bỏ vào mồm. Làm nghệ thuật thì cũng phải ăn như mọi con người. Chẳng những thế, cái thằng nghệ thuật lại còn muốn có bia rượu cà phê thuốc lá và mọi thú vui trên đời. Ăn thịt thỏ mà không có rượu vang và mấy điếu thuốc tráng miệng thì có gì vô duyên bằng. Hãy ném cho tôi chai rượu và mấy điếu thuốc đi các bạn. Các bạn sẽ có dịp suy tư về cuộc sống này. Hay là các bạn bước vào cùng nhậu chung với tôi. Không phải tất cả chúng ta là một giuộc hay sao? Chúng ta thích màu mè và sành điệu. Chúng ta thích được nổi tiếng và ngưỡng mộ từ đám đông. Chúng ta thích quyền lực và tự do. Chúng ta thích mọi thứ không tốn tiền như bọn cộng sản mơ ước. Nhưng chúng ta cũng thích sự hoang dã của thú rừng. Tôi bảo các bạn và tôi cũng một giuộc, đúng không? Bạn hãy nếm thử miếng thịt này đi. Vui mà. Được lúc nào hay lúc ấy, chẳng cần đến một vài trống canh đâu. Mà chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài đấy. Có tâm là được rồi, cần đếch gì tài. Thế giới hoà bình mới là điều chúng ta mong ước phải không nào? Hãy cầm lấy một miếng và hỏi thằng curator rượu ở đâu. Nó là thằng đầu nậu đi xin tài trợ đấy. Nhưng nó không đến nỗi phải xin đểu như thằng bắc hàn mang bom hạt nhân ra doạ đâu. Nó chỉ thuyết phục người ta rằng cái này có ý nghĩa, cái kia có tầm, cái nọ là nghệ thuật đích thực. Nhưng tôi nói thật nhé, chẳng có cái mẹ gì là đích thực. Người ta chỉ lừa đảo lẫn nhau. Thượng đế có đích thực không? Hoà bình có đích thực không? Đảng cộng sản có đích thực không? Curator cũng chỉ là thằng buôn thần bán thánh. Lẽ ra nó nên được bầu làm tổng bí thư hay chủ tịch nước. Sao, các bạn sợ? Nói động đến đảng cộng sản à? Các bạn không dám nghe nữa? Sợ thì thôi. Tớ ăn một mình vậy.

 

Ô màu xanh: Một chai nước biển nhỏ giọt đều đặn trên một cuốn sách.

Một quyển sách có cần phải cấp cứu như một bệnh nhân không? Tôi hoàn toàn phản đối cách hành xử của ông nhà văn với chính tác phẩm của mình. Một quyển sách dù dở hay tệ đến đâu vẫn là một quyển sách và có vị trí của nó trong thế giới sách. Có thể ông nhà văn cho rằng văn chương bây giờ cũng là một thứ bệnh hoạn chăng? Quyển sách thì có tội tình gì ngoài sự hiện hữu như một văn bản? Bệnh hoạn hay không là ở ông tác giả chứ không phải quyển sách, tại sao ông ta không đi chữa bệnh hay vào nhà thương điên mà lại là tôi? Cứ cái đà này, chẳng mấy chốc tôi sẽ bị rã ra. Ông nhà văn muốn mượn tôi để tuyên ngôn? Hay ông ta tưởng tôi cũng có thể triết lý? Thật khôi hài, bọn nghệ sĩ các kiểu lúc nào cũng làm ra vẻ. Cứ như là họ có thể cứu rỗi thế gian. Tôi luôn cho rằng chính họ là một thứ ung nhọt của xã hội loài người. Một xã hội không có các đấng văn nghệ có phải giản dị hơn không? Một quyển sách chỉ nên là một cái thực đơn cho hôm nay hoặc những lời cầu kinh cho đời sau. Tất cả những gì khác cần phải vất vào sọt rác. Quả thật, nếu có thể nổi loạn thì chính những quyển sách phải cuồng nộ chứ không phải ông nhà văn, cho dù ông nhà văn muốn biện giải rằng chính ông ta mới là người làm ra quyển sách. Có một điều hết sức quan trọng rằng, ông nhà văn luôn luôn quên tôi chẳng bao giờ muốn có mặt trên cõi đời này. Ông ta tưởng tôi có thể tải đạo à? Vớ vẩn. Bọn nhà văn hay nghệ sĩ các kiểu lúc nào cũng tự huyễn. Bọn họ luôn cho rằng thông qua các tác phẩm, họ có thể trường cửu. Họ biết gì về thời gian? Có ai trong các bạn đã đến đây muốn đặt câu hỏi với tôi không? Mà thôi, tôi cũng chỉ là đồ ngốc.

 

Ô màu vàng: Một laptop với một bản thảo dang dở trên màn hình có tựa đề: “Từ trong ra ngoài”, một máy in, một máy chiếu và lời mời gọi: “Hãy viết tiếp vào câu chuyện này và in nó ra như là câu chuyện của chính bạn”.

Thật là một cú lừa đảo vĩ đại. Bạn tưởng mình là ai? Bạn muốn làm trò cười cho thiên hạ? Viết văn là một nghề không phải trò chơi. Nhưng cũng chẳng phải vì thế mà nó cao quý hơn những nghề khác. Bọn nhà văn chỉ thích tự bốc thơm mình thôi. Một bọn dởm đời. Thế mà ai cũng thích mang câu chuyện của mình ra khoe. Chỉ có bọn phát hành sách và bọn gallery là vớ bở. Hoa hồng từ 40 đến 50% đấy. Cái phần trăm hoa hồng đó đủ để các anh nghệ sĩ thơm như mít. Anh thử có tài một tí đi, có khối thứ lộc đời dâng hiến cho anh. Anh thích gái hay thích tiền? Cả hai phải không? Hay là anh muốn làm thày? Văn chương là sự đày ải à? Anh muốn làm một kẻ lữ hành cô độc? Ok, cũng ra vẻ đấy. Nhưng anh có biết cuộc lữ hành đó là gì không? Tốt nhất là nên đi buôn anh ạ. Thằng curator buôn thần bán thánh thì anh buôn quỉ bán ma. Một vốn bốn lời. Ở đời này không biết buôn là hỏng. Anh tưởng văn chương là thuần khiết? Quên đi. Bọn đi tu có thuần khiết không? Bọn nhà giáo có thuần khiết không? Bọn làm chính trị có vì dân vì nước không? Một kẻ lữ hành cô độc chỉ là một thằng ngu nhất trong số những thằng ngu. Nhưng nếu anh chỉ là người mơ mộng thì cũng vất đi. Dẫu sao cũng phải lên đường, dù có thể lầm lạc. Nhưng trước khi anh gõ vào tôi để ra những con chữ, anh hãy gõ vào đầu anh. Gõ vào mọi thứ trên cơ thể anh. Chữ nó ở trong anh chứ không phải tôi. Ồ, sao tôi lại thuyết giáo thế nhỉ? Nghệ thuật sắp đặt là một thứ ngôn ngữ khác với văn chương và không biên giới? Gớm, có muốn ói không? Thế mà nó còn có tham vọng tương tác với những con người khác nhau. Để làm gì? Thế giới này chưa đủ phiền phức hay sao? Họ còn muốn xiềng xích chung với nhau cho đỡ cô đơn à? Ừ mà nỗi cô đơn là gì, sao ai cũng thích than thở? Tôi không phải là kẻ cô đơn hằng cửu sao? Cuộc lữ hành của tôi chỉ là sự tan rữa hay một phế tích? Nếu không có ai nhìn đến tôi thì tôi có là tôi không? Nếu ông nhà văn muốn tôi lên tiếng thì tôi đã lên tiếng rồi đó.

 

Ô màu trắng: Một phòng trống chỉ có một cái bóng còn lại của một ai đó đã bỏ đi.

Tôi chỉ còn là cái bóng. Cuộc lữ hành hay cuộc truy tìm tôi rốt cuộc là gì? Thật ra, một cái bóng cũng đủ vẽ nên một nhân dáng. Nhưng cái bóng không bao giờ là chính nhân vật tạo ra cái bóng đó. Tôi và những cái tưởng như thuộc về tôi là hai thực thể khác nhau. Trách nhiệm luật pháp hay tinh thần cũng không thể qui kết hai thực thể đó là một. Đó là lý do tại sao ở ô trưng bày này đã vắng mặt tôi. Các bạn cứ nhìn đi, đâu phải chỉ có một cái bóng của tôi được in trên đó. Bóng của các bạn không phải đã đang đè lên bóng tôi sao? Cuộc lữ hành của các bạn rốt cuộc là gì? Thật ra, tôi không bao giờ muốn đặt ra các câu hỏi. Bởi các câu hỏi tự nó hàm sẵn câu trả lời. Tôi chỉ muốn nói rằng niềm vui trong cuộc đời này chính là ở chỗ chúng ta luôn luôn đánh lừa lẫn nhau.

 

Ngày khai mạc và kết thúc triển lãm.

Ông nhà văn đã vắng mặt không lý do và không một giải thích. Ông curator buộc phải đứng ra khai mạc phòng triển lãm. Theo lịch, phòng triển lãm kéo dài trong 10 ngày và ngày cuối cùng sẽ có một hội thảo dự kiến tổ chức trong khán phòng màu đen ở giữa. Người ta chờ đợi cả ông curator và ông nhà văn sẽ có mặt trên bàn chủ toạ cùng với ông chủ gallery, một nhà sưu tập có tiếng. Tuy cả ba đều có mặt, nhưng ông nhà văn chọn cho mình một chỗ đứng trong số khách mời bên dưới. Trước câu hỏi “Tại sao ông lại từ chối vai trò tác giả của mình?” ông nói: “Cũng như Thượng đế, tác giả đã chết ngay khi tác phẩm hoàn thành, hoặc nói một cách khác, tác giả đã bị giết bởi độc giả hay người thưởng ngoạn nghệ thuật”. Và đấy lại là một cuộc đánh lừa khác.

Trong lúc dọn dẹp, ông nhà văn nói với ông curator: “Thật ra, tôi chỉ muốn giết chết độc giả”.

 

31.10.2010

 

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021