thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một giả định đã có thể

 

Trên căn gác gỗ trong hẻm sâu ở một khu phố vô danh của thành phố lớn nhất đất nước hình chữ S, có cả thảy 3 người, tính cả tôi trong đó. Nhưng tôi hiển nhiên không là gì cả, tôi có mặt ở đó, thế thôi.

Anh ta, chủ nhân căn gác gỗ, có thể anh ta ở trọ tại đây, anh ta có bị tật nói cà lăm hay không, tôi không biết. Anh ta nói bốn, năm lần, mấy tiếng không không không không không, âm giọng nhỏ thì thầm.

Cô ta thì rõ ràng là khách, vị khách đã tới căn gác gỗ này khoảng một giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian một giờ đồng hồ này, thỉnh thoảng anh ta nói mấy tiếng đó như một người bị tật nói cà lăm. Căn gác gỗ sạch sẽ, quá sạch sẽ là đằng khác, và ngăn nắp, và đơn giản, nhưng có lẽ đủ tiện nghi cho người sống độc thân. Tôi quan sát kỹ, thấy một khoảng ít sạch sẽ nhất, một khoảng dơ bẩn là đằng khác. Bụi bặm, tơ nhện, khói đen bám đầy: bức ảnh chân dung vị lãnh tụ muôn năm của đất nước hình chữ S (Tôi biết, ở mọi nơi cư ngụ và làm việc của nhân dân và cán bộ công nhân viên trên khắp đất nước hình chữ S, đều treo ảnh chân dung vị lãnh tụ muôn năm này.) Cô gái nửa nằm nửa ngồi trên sàn gác gỗ nhẵn bóng màu nâu sẫm, dựa người vào chiếc túi đeo lưng khá lớn đặt trên sàn. Anh ta ngồi trên chiếc giường gỗ nhỏ hẹp kê sát vách, dưới cửa sổ mở rộng. Thỉnh thoảng anh ta đứng dậy, đi vài bước trên sàn gỗ nhẵn bóng màu nâu sẫm, hình dáng anh ta hiện mờ mờ, lộn ngược dưới chân anh ta. Anh ta nói bốn, năm lần, mấy tiếng không không không không. Cô gái nói, tất nhiên âm giọng lớn hơn âm giọng anh ta khi anh ta nói mấy tiếng không: “Ở đây thật thoải mái.”

Anh ta thì có cái vẻ không thoải mái chút nào, đang bức xúc là đằng khác, thỉnh thoảng nhỏ giọng lặp lại bốn, năm lần một tiếng không. Anh ta từ chối, phủ nhận điều gì đó, nhưng điều đó là điều gì? Cô gái hỏi: “Anh không đi làm sao?” Anh ta không trả lời. Anh ta ít nói, vì anh ta nói cà lăm nên ít nói, hay vì anh ta ít nói nên nói cà lăm? Tôi nhận thấy không khí căn gác gỗ đang ở trong tình trạng thật sự không thoải mái. Có gì đấy khá kỳ quặc, tôi muốn nói như vậy. Anh ta thì ít nói, hầu như không nói gì khác mấy tiếng từ chối, phủ nhận thì thầm. Và một khoảng mốc meo, bức ảnh chân dung vị lãnh tụ muôn năm trên vách gỗ chính diện. Và dường như chính vì điều đó mà tôi nghĩ đấy là sự cố ý của chủ nhân nơi chốn này. Tôi nghĩ mọi người sẽ thấy rằng, thay vì vứt bỏ bức ảnh đó, anh ta cứ để vậy, xem như một cách anh ta biểu hiện sự phủ nhận nó, hiểu là anh ta bôi bác nó càng tốt. Bức ảnh chân dung vị lãnh tụ muôn năm, chân dung cuối đời, giống một ông thầy thuốc đẹp lão, từng bào chế vô số cao đơn hoàn tán chữa bách bệnh. Nhưng tôi nghĩ, rất chắc chắn, anh ta đã nhìn xuyên qua bề mặt của nó, để thấy chân tướng một kẻ đánh đồng thiếp, từng xuất hồn phiêu lưu khắp cõi âm, mang về dương thế thứ hoàn tán có độc dược tính cao, làm mê muội ý thức con người. Tôi nghĩ hiển nhiên như vậy, căn gác và các thứ trong đó đều sạch sẽ, chỗ bức ảnh chân dung vị lãnh tụ muôn năm là một cụm rác chưa kịp dọn dẹp.

Nếu kể bức ảnh chân dung vị lãnh tụ muôn năm, thì có bức chân dung thứ hai, hoà nhập cùng các thứ, và chính bức chân dung này tạo nên vẻ gợi cảm thú vị cho căn gác. Bức chân dung một nữ ca sĩ, hình như tên là Belinda, tôi từng nghe cô hát trong một chương trình ca nhạc dành riêng cho cô ở Trung Tâm Văn Hóa Đức, tại thành phố lớn nhất của đất nước hình chữ S, gần bốn mươi năm về trước. Cô Belinda vận y phục màu đen… Cô gái, có lẽ từ bức chân dung Belinda chăng, nói về một người nào đó, một hoạ sĩ mặc áo đen chăng?…

“Cô đang nói về ai?” Anh ta đang bước vài bước trên sàn gỗ, chợt quay đầu lại, nhìn cô gái và hỏi như vậy.

Cô gái ngồi hẳn lên, hai cánh tay dựa vào chiếc túi đeo lưng khá lớn vẫn ở y chỗ cũ, trên sàn gác, “Em không chắc lắm, vì em không hỏi, em có cảm giác anh ấy là hoạ sĩ. Anh ấy là người em chỉ gặp một lần, nhưng suốt đời em không quên… Mà làm sao em quên cho được, trọn một đêm em bên cạnh anh ấy…” Anh ta trở lại chỗ chiếc giường nhỏ hẹp kê sát vách, dưới cửa sổ mở rộng. Bức ảnh chân dung Belinda ở lưng chừng, giữa khoảng chiếc giường và khung cửa sổ. Anh ta đột ngột quay lui, đi thẳng vào phía trong, sau bức ngăn bằng gỗ ván ép. Đó là cửa lùa, anh ta lùa mở một khoảng, đi vào trong đó.

Anh ta trở ra, tới ngồi trên giường, tay cầm vỏ bao thuốc lá bị vo lại nhăn nhúm. Châm điếu thuốc lá, anh ta ngó cô gái, vẻ chờ nghe cô ta nói tiếp. Bây giờ, gương mặt anh ta thanh thản, tư thế ngồi thanh thản, chiếc giường gỗ nhỏ hẹp, đơn giản và sạch sẽ cũng thanh thản. “Sao cô có cảm giác anh ta là hoạ sĩ?” Cô gái cười không thành tiếng, nụ cười sáng rạng gương mặt xinh đẹp, “Em chả biết tại sao em lại có cảm giác chắc chắn như vậy. Có thể vì phục sức của anh ấy, rất đặc biệt, vì toàn màu đen…” Anh ta ngắt lời cô gái: “Có truyện ngắn của một nhà văn nước ngoài khá nổi tiếng, nhan đề là Hoạ Sĩ Mặc Áo Đen.” “Anh ấy vận quần áo toàn màu đen… Anh ấy chắc cỡ tuổi anh, nhưng lúc ấy còn trẻ, vì cách đây đã bảy, tám năm rồi. Hôm ấy em bị lỡ chuyến xe cuối cùng về thị trấn, kẹt lại ở thành phố, em chả quen biết ai. Cuối cùng đêm xuống, trời mưa, lại cúp điện nữa. Em đứng trú mưa dưới mái toà nhà bưu điện thành phố, cái mái hiên rất rộng, không bị mưa tạt ướt chút nào. Em đành phải ở lại thôi, ngủ dưới mái hiên này qua đêm chứ biết làm sao nữa. Và rồi em gặp anh ấy. Anh ấy từ trong toà nhà bưu điện đi ra, thấy em đứng bơ vơ dưới mái hiên, anh ấy tới hỏi chuyện. Rồi anh ấy rủ em đi ăn uống ở cái quán phía bên kia đường. Rồi anh ấy giúp em tìm chỗ tốt nhất ở phía ngoài toà nhà bưu điện để em ngủ qua đêm. Em thú thật với anh, em gặp anh ấy như gặp người anh trai của mình. Lúc ngồi trong quán nói chuyện, em thấy anh ấy rất đặc biệt và chân thành, chả có dấu hiệu nào là tán tỉnh, rù quyến em hết. Anh ấy nói chuyện rất lạ và rất vui, nhưng em lại thấy gì đấy rất buồn. Thú thật, em không ngại ngùng gì khi anh ấy ở lại cùng em. Em chỉ thiếp ngủ đôi lúc, còn cứ thức nói chuyện suốt đêm mưa ấy. Anh ấy lấy cái áo gió từ trong túi xách, choàng cho em đỡ lạnh. Cái áo gió thì khác màu, màu rượu chát, loại tốt, còn mới, chắc là của nước ngoài sản xuất. Có lúc em ngủ thiếp rồi chợt thức, thấy anh ấy ngồi bên cạnh hút thuốc lá, rồi anh ấy cúi xuống hôn trên trán em. Em thú thật với anh, lần đầu tiên em khao khát người khác phái hôn em, nếu anh ấy làm vậy, em không phản đối, lẩn tránh gì hết. Nhưng anh ấy chỉ hôn lên trán em, như hôn trán đứa em gái. Mờ sáng, em không thấy anh ấy đâu nữa, cái áo gió của anh ấy còn choàng trên người em. Em tìm kiếm khắp chả thấy anh ấy, đành gửi cái áo gió bên quán em đã vào cùng anh ấy, người chủ quán bảo anh ấy là khách quen. Em chả biết sau đó anh ấy có trở lại quán lấy cái áo gió ấy không. Hôm qua, em tìm đến cái quán ấy, thấy không còn là quán nữa. Một ngôi nhà cao tầng, lạ hoắc…” Anh ta hình như chuẩn bị đi đâu đó, cô gái thì vẻ không chú ý gì khác, tiếp tục đắm chìm vào câu chuyện: “Em có việc ở lại thành phố khoảng mươi ngày. Đây là dịp em đi tìm anh ấy.” Anh ta lắc đầu: “Cô có thể ở lại đây bao lâu cũng được, nhưng việc tìm thấy anh ta thì tôi thấy là vô vọng. Thành phố này có trên tám triệu con người, kể cả những người y phục toàn đen cũng không hiếm, làm sao cô tìm gặp được?” Cô gái vẫn giọng nói nồng nhiệt: “Tất nhiên em không chủ ý đi tìm người vận y phục màu đen. Tất nhiên anh ấy không nhất thiết lúc nào cũng mặc y phục toàn đen. Anh ấy rất có thể thay đối màu sắc quần áo hàng ngày. Nhưng dáng vẻ, khuôn mặt, giọng nói anh ấy đã khắc sâu trong tâm trí em, chỉ thoáng gặp là em nhận…” Anh ta bước xuống thang gỗ. Cô gái chợt nhận ra điều ấy, chỉ kịp nhìn lưng chiếc áo gió màu rượu chát, và câu nói cụt lủn của anh ta: “Merde!”

 

Sài Gòn, tháng 3–2007.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021