thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thoả thuận | *** | Không đề | “Lớp học của Platon”
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
EWA CHRUŚCIEL
 
Ewa Chruściel là một nhà thơ, nhà phê bình và dịch giả văn học, sinh ở miền nam Ba Lan. Sau một năm học ở New York [1991-92], cô trở về Krakow ghi danh vào chương trình cao học tại Đại học Jagiellonian, và sau đó ra trường [M.A.-1997] với luận án về nhà thơ nữ Mỹ Emily Dickinson. Trong thời gian hoàn thành luận án này, cô dạy tiếng Anh và bắt đầu dịch qua tiếng Ba Lan các tác giả Jack London, Isaac Bashevis Singer, và Joseph Conrad, một tiền bối đồng hương của cô. Ewa Chruściel lấy bằng PhD [2006] về văn học tại Illinois State University ở Hoa kỳ với một luận văn đầy sáng tạo về thi pháp hậu hiện đại, và hiện là giáo sư môn tác văn và văn học tại Colby-Sawyer College, New Hampshire.
 
Bên cạnh nhiều bài viết nghiên cứu và phê bình văn học giá trị của Ewa Chruściel được phổ biến trên các tập san chuyên ngành đại học, thơ cô [được dịch qua tiếng Anh, Ý, và Hungary] xuất hiện trên nhiều tạp chí Ba Lan: Studium, Zeszyty Literackie, Topos; Mỹ: Boston Review, Spoon River Review, The Pebble Lake Review, Streetnotes, Colorado Review; và Ý: Clan Destino, Il Giornale... Ngoài tập thơ đầu tiên của cô bằng tiếng Ba Lan là Furkot, xuất bản ở Krakow [2003] trong Tủ sách “Studium”, Ewa Chruściel hiện có ba tập thơ đang và sắp ấn hành: Strati [bản dịch tiếng Ý của Mariadonata Villa, Bologna, Ý], You Ride Numbers [Graywolf Press, Mỹ] và Zwiastuny [WBPiCAK Press] sẽ ra mắt đầu năm 2009. Ngoài các bản dịch Anh/Ba Lan hoặc Ba Lan/Anh của cô [Slawomir Mrozek, 1996; Jack London, 2000; Joseph Conrad, 2001; Jean Webster, 2005; I. B. Singer, 2005 – Nhà xuất bản Zielona Sowa, Ikrakow], thơ cô dịch xuất hiện trên nhiều tạp chí [Poetry Wales, The Chicago Review, Lyric, Poetry Wales...] và trong các tuyển tập, như tập thơ song ngữ Ba Lan/Anh, Carnivorous Boy Carnivorous Bird – Poetry from Poland [Zephyr Press, 2004 ở Mỹ], Six Polish Poets [Arc Publications, 2009 ở Anh quốc]...
 
Ewa Chruściel là một trong những nhà thơ tham gia phỏng vấn, đọc thơ cũng như thuyết trình về lý thuyết văn học năng nổ nhất — từ Krakow ở Ba Lan đến Colorado ở Mỹ — nếu không kể một “chuyên nghiệp” khác của cô: dạy trượt tuyết
 
 

Thoả thuận

 
Một lần nữa tờ giấy cắt sâu vào da tôi
Và tôi quên và tôi vồ lấy nó
Hồn nhiên, tò mò
muốn biết mùi vị và cách dùng nó 
 
 
 

***

 
Tổng thiên sứ Gabriel
Đến như một con chuồn chuồn bằng đồng
Không khí trào dâng
Qua những vòng thớ gỗ sắp lớp
 
Nàng gật đầu
Theo nhịp đập bối rối
 
Từ chiếc quạt này
Nàng sẽ dệt thành
Một cái nôi
 
 
 

Không đề

 
Cũng đã khá lâu kể từ khi
Thời gian tự treo mình trên cành
Một người đàn ông mọc rễ
Trong một người đàn bà
Nó sẽ đâm chồi, sẽ xào xạc
Đến tận khi rễ cây
Chọc thủng
Vào óc
Những con thú một sừng
Trở về rừng
Để dệt tổ ấm
 
 
 

“Lớp học của Platon”

 
Những đấng nam nhi trầm mặc
Họp nhau như thể quanh Chúa Kitô —
Những đầu óc thẩm mỹ
Và những ổ khoá cám dỗ
 
Mảnh đất của chim công
Và tranh phấn màu
Nơi nẩy sinh tình yêu
Các ông
 
Lũ sói biển lượn vòng
Trên đại dương —
Thân thể ghen tương
Các bà
 
 
 
Trái: Jean Delville.
Phải: “Lớp học của Platon”, sơn dầu trên bố, 6,05 m x 2,60 m, 1898.
 
Jean Delville [Louvain 1867- Bruxelles 1953] là một họa sĩ thuộc trường phái tượng trưng và nhà văn người Bỉ, được coi là một nghệ sĩ lý tưởng huyền bí, là người sáng lập Phòng Trưng Bày Nghệ Thuật Lý Tưởng / Salon d’Art idéaliste ở Bỉ, một trong những nơi được coi là cái nôi của chủ nghĩa tượng trưng châu Âu. Tranh ông thường làm sống lại những truyền thống ma thuật huyền bí xưa, và tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của ông là cuốn Sứ mệnh của nghệ thuật [La mission de l’art, 1800] trong đó ông viết về bản chất và mục đích của nghệ thuật, như một chất xúc tác kích thích giá trị con người, và như thế, coi người nghệ sĩ là một người truyền giảng tinh thần, một thứ tiên tri. Lớp học của Platon [Bảo tàng Orsay, Paris], với kích thước và tham vọng khá lớn, chính là một cách nhìn triết lý cổ điển dưới lăng kính của lý tưởng tượng trưng. Tranh cho thấy người ngồi giữa, áo choàng trắng, râu ria trông giống Chúa Kitô, là Platon, chung quanh là những đồ đệ nam giới trần truồng với vóc dạng của nữ giới, chính là chủ ý của Delville: đây chính là dấu hiệu của sự tinh khiết hướng đến thánh tính của các nhân vật.
 
 
------------------
“Thoả thuận”, “***”, “Không đề” và “Lớp học của Platon” dịch từ bản tiếng Anh “Pact”, “***”, “Untitled” và “The School of Plato” của Kasia Jakubiak và tác giả Ewa Chruściel [dịch từ nguyên tác tiếng Ba Lan]. Người dịch xin nhân đây thành thật cám ơn tác giả E. Chruściel về những đóng góp để hoàn thiện bản Việt ngữ.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021