thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
73 BÀI THƠ
Bản dịch Thủy Trúc
 
 
BO CARPELAN
(1926~)
 
 
73 BÀI THƠ
(73 DIKTER, 1966)
 
 
Niềm bí ẩn ở bên kia nấm mồ có thể đưọc giải quyết hay chăng — tôi không biết.
Đời sống, cũng như sự im lặng của mùa thu là — sự chính xác.
BORIS PASTERNAK
 
 

1

Ai đã nói
rằng im lặng làm chứng
về những gì đã lặng im.
Những từ vắng mặt
là vắng mặt.
Thế nên mi hãy nói
tương ứng với những gì
mi có thể nín lặng.
Nói ra
nói ra hết
trừ phi vì vụng về
hoặc
khôn ngoan.
 
 

2

Núi;
đóa hoa
làm vỡ tung núi.
 
 

3

Dưới chân
của lời nói
cùng với đêm sâu,
da lạnh buốt,
dấu tích nơi tôi,
tôi.
 
 

4

Giá băng
nứt toang vì máu,
máu
tràn lan trên đồng,
những dấu vết sáng tỏ,
rõ rệt:
những kẻ đột nhập.
Chỉ mang theo mình
những gì tối cần thiết.
 
 

5

Ở tận cùng
hành lang
kế bên cửa sổ
giữa nắng
một bức hình chụp
hành lang ấy
với cùng một bức hình chụp
gần như trong bóng
nhưng hoàn toàn sáng rõ.
 
 

6

Cành lá xanh
mất hút
trong những gì ngang tầm.
 
 

7

Một người lao mau xuống lòng đất,
hắn rơi qua mắt tôi sâu hơn là bóng tối
không bắt lửa
không la thét vào tai tôi điều gì
nhưng từ đôi tay hắn tách ra
những dấu hiệu
cất lên
mãi tới nơi phải tới.
 
 

8

Muội đen
lấp đầy những lòng giếng,
phủ lên những người nằm ngủ,
nhạt nhòa đôi chút lúc hừng đông,
những nắm tro đã nguội
giãi trên đường, bay bay
như tuyết, không ai chạm tới.
 
 

9

Trong tấm kính cửa
bỗng dưng
một lỗ tròn như của một phát súng vụt qua,
một ngôi sao;
trong lỗ tròn hình ảnh tấm kính cửa,
một phản ánh,
nơi tấm kính cửa, một lỗ tròn,
một ngôi sao
chĩa thẳng
vào tôi.
 
 

10

Này,
trong im lặng,
không có im lặng:
những móng tay,
bức tường.
 
 

11

Họ đã mở cửa,
họ ở đó, buổi sáng
ở bên ngoài lớp áo quần,
chìm ngập trong không khí.
 
 

12

Nếu như đêm tối
tối đen hơn,
thời quằn quại dưới mùa đông
con đường sẽ nhòa đi,
nhưng lúc này:
không ánh sáng,
cũng chẳng có gì khốn quẫn.
 
 

13

Giọt mưa
nhuốm ánh bạc, thẫm lại, lăn đi
như thể không bao giờ phải tách rời
lằn mép.
 
 

14

Hết rồi,
chỉ còn hàng cây nơi những chiếc rễ,
biển,
tiếng vọng của biển
lìa tôi.
 
 

15

Sung sướng vì con tim suy nhược
bỗng dưng ông ngã xuống như một món đồ
nặng hơn trái đất
nơi cầu thang tăm tối ở rầm gác thượng.
 
 

16

Mi đã thấy chưa, bà cụ,
được tuổi già khuôn nắn,
ánh sáng
rạng rỡ hơn bao giờ
trước khi tắt.
 
 

17

Ngày kéo dài,
những tiếng nói
trong lúc ánh sáng chấm dứt.
 
 

18

Chàng bước ra khỏi nhà
chàng chết
em quên chàng
cánh cửa khép lại
 
em lần mò
ổ khóa, căn buồng
nơi chúng hết thảy
ngủ vùi
 
mà vẫn nhìn em
từng đứa.
 
 

19

Bên em
trước giấc ngủ
lạnh chưa bao giờ
thật sự chịu khuất phục,
cô đơn
trong tình ái,
sự âu yếm
nở.
 
 

20

Không mái.
Không vách.
Một sàn nhà
đo đạc tỉ mỉ.
 
 

21

Những cành cây co quắp
bên ngoài khung cửa sổ
những chấm  nhỏ.
Con chim trong lồng câm nín,
sự luyến tiếc tựa như chiếc bóng
lạnh.
 
                    (Runeberg)
 

22

Thành phố, mù sương —
thèm muốn không phải là
thèm muốn
một nơi nào khác ở ngoài em
mà là em.
 
 

23

Anh đã bước theo em, từng bước,
xấp nhỏ,
cuộc đời ta sẽ chuyền qua nơi chúng,
và biển lặng
giữ lại những viên cuội
cho đời chúng, những ngày sắp tới.
 
 

24

Không phải tất cả đã được đẩy vào những căn buồng
trẻ nhỏ, người ta đã ném thẳng.
Đêm trôi qua, gió không đi.
Ấy những cành trong trẻo mùa xuân
đong đưa nét muội đen trên sàn nhà.
 
 

25

Điều mà niềm tin đã bỏ quên
là tất cả những gì còn lại để tin tưởng.
Ấy cũng thể một thứ an toàn, như im lặng
                                                nơi bàn ăn đơn độc.
 
 

26

Cảnh trí trích từ kỷ niệm.
Mọi người đi chân kheo tới.
Nông trại lúc hoàng hôn.
Lùng bắt nhím dưới hầm.
Buổi khiêu vũ.
Hoa quả ngoài vườn cây.
Những cuộc trò chuyện ít lời.
Đi mãi tới chuồng thú.
Những công chuyện còn kéo lê theo mình.
Và công việc làm ăn thế nào, cụ bà ơi?
 
       (Hoạt động của người Phần-lan, lối xưa)
 
 

27

Biển,
một kích thước nhân loại:
chết đuối.
 
 

28

Tôi quên mua thuốc lá,
ấy vẫn một mùa đó, trời gió,
trên bàn tuy-líp nở. 
 
 

29

Bằng một tiếng nói duy nhất
mưa rơi
như một ngọn gió
không lối thoát.
 
 

30

Cây cối ư?
Vẫn đó.
Kẻ lìa bỏ ngôi nhà thấy những gì
tôi không thấy
đã từ lâu.
 
 

31

 
               1
 
«Sự sống tước đoạt của tôi
nhiều hơn là cái chết.»
Nhưng trong những cơn lốc cuốn
tôi nhìn thấy, trong đêm,
hình ảnh của
những nét mặt yêu dấu:
chúng chìm đắm, chúng tiêu tan
chúng nhạt nhòa cùng ánh sáng,
được những cánh chim đưa đi
trên những cánh đồng —
và ở đó,
dưới cội cây của sự chết,
yên nghỉ kẻ đưa mắt
rõi theo chúng ta;
và như thế tôi sẽ,
xây dựng lại chắc chắn hơn,
trong một im lặng sâu xa hơn
những gì mà sự sống đã tước đoạt
ánh sáng thời gian;
và trên biển
lướt đi những chiếc bóng cuối cùng
những đàn chim
hướng về nơi yên nghỉ
trôi nổi, không mỏi mệt.
 
 
               2
 
Những con người dồn đống
trong những thành phố nóng bỏng,
họ bị tưới săng,
họ hồi sinh nơi những lưỡi lửa
nơi những lời nói của ai đó.
Đột nhiên im lặng,
tiếng tiêu của gió,
họ lướt đi nhẹ nhàng trên mặt đất dễ thương,
trên những đồng cỏ xanh tươi
như những kỷ niệm của tình ái;
có ai đó từ trời cao lao xuống,
bóng tối lan ra,
mi thấy bóng tối ấy
nơi mắt họ, họ phai dần;
một ánh sáng trắng chầm chậm
vạch một con đường từ biển
và tiêu tan nơi những hòn núi đá.
Nơi đây Thượng đế đã gặp thế giới.
Im lìm,
con người đối diện
cuộc giải hòa cay đắng.
 
 
               3
 
Những mình phong sáng,
những cây sồi âm u,
tôi chạm tới chúng ở lời nói
như ánh sáng ngũ sắc ban mai,
tôi chạm tới
những người đã chết, những người đang nằm ngủ,
những người nặng trĩu những kỷ niệm.
Tiếng nói cất lên,
mi sụm xuống
mi biến sự câm nín của mình
thành một bàn tay.
Biết bao nhiêu thế giới.
Biết bao nhiêu người chết.
Biết bao nhiêu lời cho một mình sự chết ấy.
Lúc đó mở ra một con đường;
những mình phong sáng,
những cây sồi âm u,
nốt đàn kết thúc
ở tột cùng của tuyệt vọng.
 
 
               4
 
Câm nín, tôi đã đi,
tôi nói những gì biết bao cuộc đời đã nói.
 
Câm nín, tôi nói,
một mặt của hình ảnh thế giới, những đôi cánh đoán thấy
 
Những năm tháng nói với tôi
chiều cao và chiều sâu, những con đường đã mòn, có thế.
 
Nơi đây vươn xa,
những điều thật kỳ diệu,
 
và tôi là kẻ
đưa mắt rõi theo,
 
những người chết sống giữa
những người sống.
 
 
               5
 
Biết bao đau đớn
vì một cuộc giải hòa sâu xa như thế.
Những con đường và những con người:
tất cả đều được lồng qua kỷ niệm
để dệt nên tấm tranh của kẻ đơn độc.
Tuyết sa,
những năm tháng trong trẻo, buổi sáng đẫm sương
lóng lánh trong tranh;
làn ánh sáng chập chờn, không bếp lửa,
dọc theo những nẻo đường cay đắng mùa xuân.
Hàng cây bừng lên và trúng phải
giá băng của đêm tối.
Tất cả nằm trong chuyển động
mà mi chận lại ở trong mi, ở ngoại giới.
Ấy đó: giấc mơ,
con đường, nếu đó là một con đường,
hướng tới những gì vẫn chưa được giải đáp.
 
 
               6
 
Hiếm hoi là những ký hiệu
sự vật ra dấu cho chúng ta;
câm nín, chúng ta lướt qua:
một tảng đá, một trái tim,
nét mặt một con người, những gì không thể xóa nhòa.
 
 

32

Căn buồng tôi
trống rỗng
biển ở bên phải
còn tôi ở bên ngoài bức tranh.
 
 

33

Họ ngã xuống,
chĩu nặng vì lầm lỗi của mình,
cay đắng tiêu hao,
tiếng nói họ trùm lấp
vĩnh cửu.
 
                     (Hölderlin, dị bản)
 
 

34

Ôi trống trải,
duy một bông tuyết trắng
quay cuồng bốc lên
như một
dấu hiệu của đêm đen.
 
 

35

Giao nhau:
một đám tang,
một đoàn xe phòng ngừa tai nạn đi đường,
một đoàn xe phòng ngừa chết chóc,
một đoàn xe đường trường.
 
 

36

Trước khi buổi sáng mở đôi bờ
những đợt sóng dừng lại một khoảnh khắc
ngay cạnh bên tôi.
Tôi thức giấc:
những đợt sóng lại lăn đi
như thể tôi đã mơ.
 
 

37

Những nan hoa của bánh xe
quay chầm chậm, lùi  lại,
qua khu rừng tháng chín;
khoảng tối mà ánh sáng băng ngang,
những đóa hoa bằng bạc
khung cửa sổ gương soi
mịt mù hơi nước.
 
 

38

Tôi quay lại, một đứa trẻ có đó,
nó nói những gì tôi đã nói
như thể các từ  là những trái cây để nhai nuốt
và ánh ngày đã có đây
hay gần kề.
 
 

39

Mây
những đám mây chết,
những con đường mùa thu
hướng tới
một phía ngoài,
không đồ bản.
 
 

40

Ngày cuối cùng khi lá xanh nhường chỗ
cây vươn mình đen đủi, đất
cứng lại, như trời cao che phủ bằng màu trong sáng
                                            những tài sản
mà chúng ta đã buông rơi.
 
 

41

Cây,
ánh sáng
xum xuê cành lá
 
 

42

Những hòn đảo trồi lên,
bên dưới chúng
tấm gương của trời.
Những chiếc bóng
dần dà hũm xuống
tìm kiếm
một không gian,
sâu thẳm,
đời đời.
 
 

43

Cây mùa đông,
mong manh, vẻ bình yên của chúng
thấy mà không thấy
tôi lúc ấy còn trẻ.
 
 

44

Quạ
trong cây.
Cuộc đời mi réo gọi,
giọng khàn khàn
và nhạo báng.
 
 

45

Bạn bè
phiêu bạt
như rừng, những bóng rừng
ngày một
xa.
 
 

46

Người đàn bà đã khuất
ở trong căn buồng nào?
Ngay cạnh buồng tôi.
Đêm
vẫn như trước,
chiếc đồng hồ trên bàn,
áo quần,
cây cối và nhà cửa,
đều biến mất.
 
 

47

Tôi đi,
tôi trở thành
kẻ ra đi
dưới những vì sao chỉ thoáng thấy,
giữa những lá khô
nơi chúng ta hết thảy, một ngày kia,
dứt khoát.
 
 

48

Hạn kỳ,
sâu bọ
phải trả,
mùa thu
phong nhiêu
kết thúc,
mùi lá đốt
ở xa xa
trong nghĩa trang.
 
 

49

Trong đen tối
ánh sáng
gây sợ hãi.
 
 

50

Người ra đi lúc nào
tôi không còn biết nữa —
có lẽ
khi người không còn chào
buổi tối.
 
 

51

Gió
trong cây; mưa lặng lẽ.
Tôi mơ thấy cha tôi:
người lấy thuyền đi câu cá
bên một hòn núi đá xa thật xa
và không bao giờ
quay lại nữa.
 
 

52

Im lặng biết bao
một tiếng nói
làm bằng cả ngàn tiếng nói
của tất cả những người đã nói
ngày xưa, đã lâu lắm,
thật lâu.
 
 

53

Hương thơm lá phong mới,
ngày êm ả, cả lúc chiều hôm
ngày xưa đã từng là sự giải hòa với cuộc sống,
cỏ lúc đó là sự ngơi nghỉ, trăng hoang dại, đất
đẫm sương —
 
 

54

Trong một căn buồng
có ai đó
ôm mặt
trong tay
và lắng nghe
những gì không tới.
 
 

55

Mi không nói điều gì
mà không hướng tới
phía ngoài.
Phải có điều gì đó hướng tới
phía ngoài
như hoa nở
hướng về ánh sáng.
 
 

56

Mọi sự đều câm nín
có ai đó đã ngừng thở
trong căn buồng mà ánh sáng lọt qua mắt cáo —
phải chăng kẻ kia ngủ?
kẻ kia có thấy chăng?
có lẽ một đấng cha chung cũng ngủ như gã
tựa như một đứa trẻ trong lớp tã của vũ trụ.
 
 

57

Buổi chiều mùa đông
khói bốc lên
như thể anh còn đó;
căn nhà không để lộ tháng năm,
em nhìn rõ trong chiếc gương soi bỏ túi
có ai đó ở phía sau em.
Em bảo:
«lại với em»,
nhưng không ai tới,
không ai
đang tuyệt vọng.
 
 

58

Những mạch máu
dưới làn da
mỏng mảnh,
bàn tay
trên lớp chăn,
ánh ngày
hồi kết thúc,
còn dang dở.
 
 

59

Một cuộc sống
nói ra một lần
như lời đáp lại
không một điều bí ẩn
trước khung cửa sổ mở.
 
 

60

Qua con mắt
mở to
những chiếc bóng trong nước,
sự lao sâu
chói lòa.
 
 

61

Trên cỏ
bỗng dưng tuyết
như một mùa hoa nở đủ bền
cho thời gian mi còn lại để sống.
 
 

62

Trời lạnh lẽo
căn buồng gió lộng
không ai chịu đựng nổi,
duy có người nằm ngủ,
gần như bất động,
có lẽ đã chết,
có lẽ như ánh ngày,
hướng về thế giới.
 
 

63

Những gì buổi chiều đã nói,
những gì đã tắt ngay cạnh bên mi,
những chiếc lá rơi, mi đã quên hết.
Cơn gió, mạnh mẽ hơn cánh chim
cuốn mi đi
dễ dàng hơn những từ bảo mi
chuyện đời như vậy đó.
 
 

64

Làm sao căn buồng lại tối lại mau đến thế,
con đường lại ngắn ngủi đến thế
con đường tôi đã đi thật lâu
nhìn thấy cha tôi nơi tôi, phải người đã ngồi như thế đó
và tháng ngày chìm sâu, sắp mất.
 
 

65

Khi mùa hè buông cơn mưa như những chiếc lá
khi những chiếc lá rụng rơi và khi tháng chín đã về,
bên trên đầu mình tôi thấy một cánh chim nhẹ lướt,
một chiếc bóng của tôi kẻ từng sống trên miền đất này,
điềm báo trước của tháng mười, không lời nhưng tự mình đã là một khúc hát.
 
 

66

Nếu tựa như đánh cắp một tuổi thơ
người ta đã tước đoạt của ai đó
chùm lá xanh tươi của cái nhìn,
mũi nhọn của cây kim hẳn đã đâm mù mắt mi,
những khu rừng hẳn đã trở thành đen tối,
và, với một sức mạnh chưa từng thấy
tiếng cào cào châu chấu
hẳn đã nghiến rít như cái chết
trên mặt đất hóa đá.
 
 

67

Đã qua đi một năm và bóng tối lấn lướt,
cánh cửa vẫn còn đó, nước sơn đã tróc. Trong đốm lửa
của một điếu thuốc đã mồi
 
tôi nhìn thấy ở xa hơn người đàn bà nằm nghỉ
ôi một ngày, ôi những từ thật nhẹ
và nhẹ thay những vật dụng của nàng vắt trên chiếc ghế
 
như của một đứa trẻ.
 
 

68

Khước từ,
kết hợp.
Hòn đảo
trôi
trên đêm tối
như chiếc lá.
Hãy đến bên tôi.
Coi kìa: cây cối
nói
vĩnh biệt.
 
 

69

Trong lặng lẽ,
bà cụ già nhìn thấy
đàn chim bay
quá sớm
 
 

70

Cội cây
đã buông rơi
những chiếc lá,
 
im lìm
một đợt sóng
cất lên.
 
 

71

Con đường đi xuống,
thác đổ, tiếng sấm,
những ngôi nhà vọt lên từ những miền đất vào thu,
chim chóc bay đi kinh hoàng
kêu ré.
 
 

72

Tuyết xanh
ánh ngày
tắt.
 
 

73

Mi có thể nói tất cả
khi mà rốt cuộc mi biết rằng mi chẳng bao giờ,
ngay như tiêu hao cùng kiệt,
cháy bỏng
hay hoàn toàn biến dạng.
 
 
 
----------------------
Ghi chú về tác giả:
 
BO CARPELAN là một nhà thơ Phần-lan*, viết bằng tiếng Thụy-điển. Ông sinh ngày 25.10.1926 tại Helsinki, năm 20 tuổi cho in tập thơ đầu tiên.
 
Chịu ảnh hưởng Edith Södergran và các nhà thơ Thụy-điển của những năm 40 trong thi tập đầu tay cũng như một vài thi tập khác kế tiếp, Bo Carpelan đã dần dà tách khỏi lối thơ mà ông cho là «quá thời thượng và nặng nề những hình ảnh tượng trưng» để rẽ sang một lối thơ khách quan hơn. Những hình ảnh tượng trưng dần dà nhường chỗ cho những quan sát hiện thực đời sống nhỏ nhặt thường ngày.
 
Năm 1960 Bo Carpelan trình một luận án tiến sĩ về thơ của Gunnar Björling, một trong những người chủ xướng hiện đại thuyết Phần-lan. Björling là một triết gia và thi sĩ có lối viết rất vắn tắt, đột ngột, giản dị và thật hàm súc. Có lẽ do ảnh hưởng của Björling, Bo Carpelan đã tìm kiếm cho thơ của chính mình một hình thức tập trung hơn, cô đọng hơn, tước bỏ nhiều chữ được coi như dư thừa, mặc dù vẫn duy trì tính hiện thực. Một thành tựu của lối viết cụ thể và giản lược này là tập 73 bài thơ (73 dikter, 1966) được dịch trọn vẹn ở đây.
 
Trong những thi tập kế tiếp, Bo Carpelan trở lại với lối viết 'dài rộng' hơn, có tính cách thuật sự hơn để miêu tả cái khung cảnh 'khiêm tốn' của thời thơ ấu. Tập Sân (Gården, 1969) gồm những bài thơ trong đó cảnh sống thường ngày của những người cư ngụ tại một trú khu bình dân, một cao ốc, được nhìn qua con mắt của một đứa trẻ. Suối nguồn (Källen, 1973), Trong những căn buồng sáng, trong những căn buồng tối (I de mörka rummen, i de ljusa, 1976),.. tiếp tục miêu tả cái thực tại thường ngày này.
 
Một tác phẩm quan trọng gần đây hơn của Bo Carpelan là Ánh ngày phai dần (Dagen vänder, 1983). Trong thi tập này, người ta nhận thấy giọng thơ của Bo Carpelan đã trở nên trong trẻo, đằm thắm và dịu dàng hơn bao giờ nhưng đồng thời, dường như Bo Carpelan lại có khuynh hướng muốn trở lại với lối viết ngắn gọn, hàm súc của 73 bài thơ. Thi phẩm gần nhất của ông là Ögonblickets tusen årstider (Ngàn Mùa của Khoảnh khắc, 2001).
 
Với khoảng hơn mười lăm thi tập đã cho xuất bản (kể từ 1946), Bo Carpelan còn là một tiểu thuyết gia (Axel, 1986; Urwind, 1993; Cuốn sách của Benjamin, 1997,..), nhà phê bình văn nghệ, và tác giả một số kịch truyền thanh và truyện trẻ em. Theo giới am tường văn học Bắc Âu, Bo Carpelan «đã trở thành người quan trọng nhất trong các nhà văn Phần-lan viết tiếng Thụy-điển». Năm 1977, ông được Hội đồng Bắc Âu tặng «Giải thưởng Lớn về Văn chương»; và năm 1980, tước hiệu vinh dự 'Konstnärprofessor' (Bậc thày về nghệ thuật),...
 
Bản dịch dựa theo các bản Pháp văn của Carl Gustaf Bjurström và Lucie Albertini.
 
TT.
 
____________
 
(*) PHẦN-LAN là một nước cộng hòa nằm bên biển Baltique, ở Bắc Âu, giữa Thụy-điển và Nga. Diện tích: 338.000 cây số vuông. Dân số: 4,9 triệu người. Thủ đô: Helsinki (490.000 người). Các tôn giáo: Tin lành (90%), Chính thống (1,1%). Các ngôn ngữ chính thức: tiếng Phần-lan và tiếng Thụy-điển. (Có 6,06 % người Phần-lan nói tiếng Thụy-điển như tiếng mẹ đẻ). Dòng văn chương tiếng Thụy-điển ở Phần-lan đã có truyền thống khá lâu đời.
 
Vào thế kỷ XII, Phần-lan bị Thụy-điển chinh phục. Từng là bãi chiến trường cho Thụy-điển và Nga, Phần-lan đã bị Thụy-điển nhượng cho Sa-hoàng ở thế kỷ XIX, và chỉ tuyên bố độc lập vào năm 1917. Tháng 11-1939, Phần-lan bị Nga tấn công, kế đó phải nhượng cho Nga miền Carélie và một phần đất Laponie. Bị Đức lôi cuốn vào cuộc chiến chống Liên Sô (1941-1944), Phần-lan lại phải nhượng cho Liên Sô, theo hòa ước Paris, các vùng Petsamo, Salla và Carélie. Năm 1948, Phần-lan đã ký hiệp ước thân hữu với Liên Sô. Phần-lan có chân trong Hội đồng (các nước) Bắc Âu (1955).
 
Theo những số thống kê vào năm 1989, Phần-lan có 427 tờ báo hằng ngày và hằng tuần, 4.500 tạp chí định kỳ, khoảng 9.000 tựa sách hằng năm. Số thư viện cho mượn sách: 1.500; thư viện lưu động: 265...
 
 
Mời độc giả xem "Trong những căn buồng tối của thơ" (bài nói chuyện của Carpelan Bo tại đại học Helsinki, tháng Hai, 1979), đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021