thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chùm thơ [I]
bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
      Đôi dòng về Maj Bronislaw:
      Trong một bộ bốn tập sách nhỏ ngợi ca bốn mùa xuất bản cuối năm 2004, với nhiều tranh minh họa đẹp, tên tuổi nhà thơ Ba Lan Bronislaw Maj (mùa Thu) đứng bên cạnh tên tuổi những cây cổ thụ của thơ ca Emily Dickinson (mùa Xuân), Elizabeth Barrett Browning (mùa Hạ), và Jean Follain (mùa Đông) – là người trẻ nhất, 52 tuổi, và duy nhất còn sống. Bronislaw Maj sinh ngày 19 tháng Mười một năm 1953, ở Lodz, học văn chương ở Đại học Crakow, tốt nghiệp Viện ngữ văn Ba Lan ở Đại học Jagiellonian, Crakow. Năm 1988 ông đậu bằng Ph.D và khởi sự công việc giảng dạy khoa viết văn và văn học đương đại Ba Lan ở trường đại học này.
      Maj xuất bản tác phẩm đầu tiên năm 1980 và từ đó đã cho in nhiều tập thơ khác. Thơ ông tuy vắng bóng và thường có vẻ như không nhuốm màu chính trị, sự kiện ông được Công đoàn Đoàn kết trao Giải danh dự năm 1984, cũng như tập thơ Hủy diệt Thành phố Thần thánh của ông đã phải xuất bản ở London thay vì ở Warsaw, cho thấy ông được coi như một trong những nhà thơ ly khai thời ấy, như Baranczak hay Krynicki. Suốt những năm 80, ông cùng với Jerzy Pilch tổ chức và chính ông làm chủ biên tờ báo văn học “nói” duy nhất, độc lập, tờ NaGlos, có nghĩa là Lớn tiếng, mỗi buổi phát kéo dài ba giờ đọc sách, thơ ca, văn xuôi, phỏng vấn..., sau đó trở thành tạp chí in định kỳ ở Crakow (1990), cho đến khi tạp chí lặng lẽ đình bản năm 1998. Là tác giả bảy tập thơ, từng đọat nhiều giải thưởng văn chương uy tín, cùng với Jan Polkowski, Maj là người đại diện xuất sắc nhất của thế hệ đã đi vào văn học và thơ ca Ba Lan vào những năm đầu thập kỷ 80 và nổi tiếng là một trong những nhà thơ tinh tế nhất của thế hệ ông. Tác phẩm của Maj có mặt trong nhiều tuyển tập thơ hiện đại xuất bản trong cũng như ngoài Ba Lan. Ngoài thơ ca và phê bình văn học, Bronislaw Maj còn được biết như một trong những người năng nổ trong lĩnh vực sân khấu: từ 1977-1982 ông từng hoạt động ở đoàn kịch KTO (của sinh viên), mà ông là một trong những người sáng lập, là kịch tác gia đồng thời là diễn viên. Những năm sau này, không những là một người giữ những chuyên mục nổi tiếng trên các phụ bản của nhật báo Gazeta Wyborcza ở địa phương Crakow, là tờ được coi là lớn nhất Ba Lan, trên các phụ bản văn hóa có tên là Plus-Minus của tờ Rzeczpospolita được coi như là tờ báo xác định dư luận chính trên đất nước này, Maj còn viết kịch bản phim, và thỉnh thoảng viết lời cho nhiều ca khúc, từng đoạt giải nhất tại Liên hoan Ca khúc toàn Ba Lan Opole National Song Festival năm 1994.
      Những bài thơ có khuynh hướng siêu hình của ông cho thấy hình ảnh chủ đạo trong thơ ông chính là một con người sống tràn ngập niềm vui trước cái đẹp của thế giới, nhưng đồng thời khiếp đảm bởi bản chất khó hiểu thấu của thế giới ấy – hay nói theo Stanislaw Baranczak, [*] “bằng chữ nghĩa, nắm bắt đúng cái khoảnh khắc thế giới cho thấy vẻ đẹp của nó... nhưng đồng thời cũng ám chỉ những định luật khắt khe áp đặt lên nó.” Wislawa Szymborska* đã có lần so sánh văn xuôi của Maj “như những chiếc lá (felieton) lóng lánh màu sắc và được gọt tỉa một cách hiệu quả”
 
      Những tác phẩm chính đã xuất bản: Tự do như thế đó (Taka wolnosc, thơ 1971-1975 - Warsaw 1980), Thơ (Wiersze, thơ – Warsaw 1980), Bầu khí chia chung (Wspólne powietrze, thơ – Krakow 1981), Tập ảnh gia đình (Album rodzinny, thơ – Krakow 1986), Mệt lã (Zmeczenie, thơ – Krakow 1986) Hủy diệt Thành phố Thần thánh (Zaglada swietego miasta, thơ tuyển - London 1986), 44 bài thơ (44 wiersze, thơ tuyển - Rapersville 1989), Thằng bé trắng (Bialy chlopiec – tiểu luận, Krakow 1992), Ánh sáng (Swiatlo, thơ – Krakow 1994), Kẻ không ai mong muốn phải ra đi (Niepotrzebni musza odejsc - tiểu luận, Krakow 1996), Bi ca, ai điếu, mơ khúc (Elegie, Treny, Sny – Krakow 2003) và một biên niên tập hợp những bài viết về đời sống văn hóa nghệ thuật và xã hội xuất bản ở Krakow năm 1997: Kronika wydarzen artystycznych, kulturalnych, towarzyskich i innych.
 
---------------------------------------
[*] Jaroslaw Klejnocki, Bronislaw Maj, Literary Group Polska 2000, Villa Decius, Krakow, 1999. Tập sách (có nhiều chỗ sửa chữa của Bronislaw Maj) cùng với một số tư liệu và những bản dịch thơ đã được chính tác giả cung cấp cho chúng tôi, qua nhà văn, nhà nghiên cứu và dịch giả Clare Cavanagh, là giáo sư và chuyên viên về văn học Ba Lan ở Slavic Department, Northwestern University ở Evanston, Illinois. Nhiều bản Việt ngữ trên trang này đã được chuyển từ những bản dịch Anh ngữ do Maj cung cấp. Nhân đây người dịch xin gửi lời cám ơn đến tác giả Bronislaw Maj, hai giáo sư và nhà văn Clare Cavanagh và Stanislaw Baranczak, và sau cùng nhưng hẳn là rất quan trọng, nhà văn Phan Thị Vàng Anh, là người đã liên lạc từ Iowa và giới thiệu Bronislaw Maj, để sau đó chúng tôi có những tiếp xúc bổ ích qua đường điện thoại Iowa/Krakow-Salt Lake City.
 
 
 
BRONISLAW MAJ
(1953~)
 
 

Chỉ mất có mấy phút

                                    21 tháng Ba, 1980, ở Krakow
 
Sự việc chỉ mất mấy phút: nơi họp chợ lớn nhất ở châu
Âu cổ, một buổi sáng mù sương, những tiếng nói của
                                    thành phố còn mơ hồ – thế rồi:
lửa, vàng chói chang, làm họ hoảng sợ và choáng váng: tại
                                                       các cửa ngân hàng
cuộc buôn bán đôla và vodka ngưng lại, những nhóm
người run sợ tụ thành đám kéo về quanh một người –
                                                            tự xích mình
vào một vòi bơm nước – đang tự thiêu. Mùi nồng của dầu,
                                                            thoắt một cái:
áo quần, rồi tóc, những bàn tay và môi run lẩy bẩy:
                                                                        tiếng nói
bị vặn vẹo vì đau đớn, chỉ là một tiếng thét, sẽ không
                                                                        bao giờ
thành chữ, khói đậm cay gắt của sự hi sinh bỏ đi ấy
sẽ không lên đến mây xanh, nó sẽ không đọng lại
                                                thành một dấu hiệu:
                                    nó trôi xuống thấp, biến mất
bị hút vào trong hai buồng phổi đói của đám đông,
                                    lúc bấy giờ - chỉ trong có mấy
phút sau – sẽ chọn đời sống: trên các lối ra
                                                vào bên kia đường cuộc
                                                            buôn bán
bằng đôla và vodka lại tiếp tục, những nhóm người
                                                            trầm tĩnh
tản ra, ngọn lửa cuối cùng của
châu Âu dập tắt, và giọng nói đắc thắng của thành phố
vang mạnh: Đốt cháy, anh không bao giờ biết được
                                                anh có sẽ trở thành
ngọn lửa hay không hay bất cứ cái gì của anh đều bị
                                                                        lên án
phá hoại.
 
 

Một chiếc lá

 
Một chiếc lá, một trong những chiếc cuối cùng, gãy rời khỏi
                                                             một cành thích,
nó cuốn đi giữa không trung tháng Mười trong sáng, rơi
trên một đống lá khác, màu mỗi lúc một tối sậm và
                                                             bất động. Không ai
ngưỡng mộ nó khởi chiến với gió,
không ai theo dõi đường bay của nó, không ai phân biệt
                                                             được nó bây giờ
nằm giữa những chiếc lá khác, không ai nhìn thấy
cái tôi đã nhìn thấy, không một ai. Tôi
một mình tôi.
 
--------------------------------------
Hai bài thơ trên dịch từ bản Anh ngữ của Adam Czerniawski (The Burning Forest – Modern Polish Poetry) từng được xuất bản trong Thơ mới Ba Lan, Nxb. Trình bầy, 1993.
 
 

***

 
Mưa bên ngoài cửa sổ, một ly trà trên bàn,
một ngọn đèn – tôi sẽ thấy anh, có thể là một cách
                                                            ngây ngô, như
                                                            thế đó
trong năm, trong hai mươi, trong một trăm hai mươi
lăm năm khi anh đang đọc bài thơ này: nghĩ đến tôi,
                                                                        một người
của hai mươi hay một trăm hai mươi lăm năm trước –
                                                            tôi đã
sống như thế nào? Tôi và thời đại tôi: những con người
                                                            mệt mỏi vô vọng,
và ngày tháng, những nơi bại trận, những tên gọi:
                                                            những câu
                                    thần chú chúng tôi lặp lại
một thời, với cái hi vọng trẻ con của người sống, thiếu
sự khôn ngoan mà thời gian đã cho anh là người đã sống
dù gì chăng nữa – sau chúng tôi, sau tất cả chúng tôi.
                                                            Tôi có rất ít
thứ có thể chuyển lại cho anh, không nhiều hơn so với
                                    bất cứ ai khác. Nhưng dù sao
tôi đã sống và tôi không muốn chết hoàn toàn: vẫn làm
một người bình thường đối với anh, một đối tượng
                                                thống kê
lòng thương hại và sự khinh bỉ. Chỉ có điều,
chỉ có tôi là ở ngoài lịch sử. Nên tôi sẽ kể anh nghe
                                                                        về tôi
chỉ trong ngôn ngữ mà hai chúng ta hiểu được: về
                                                                        cái mùi
của thành phố ướt át đầy bụi bên ngoài cửa sổ
                                                (trời vừa mưa xong),
                                                            chiếc bàn
ép hai khuỷu tay tôi, tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ,
                                                                        vị trà
nóng, ánh sáng ngọn đèn làm nhức mắt tôi
trong khi tôi viết bài thơ này – trong thứ ngôn ngữ chung
của năm giác quan
bất diệt.
 
-------------------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ của Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh, trong
Thơ mới Ba Lan, Trình bầy xuất bản, 1993.
 
 

***

 
Ai sẽ làm chứng cho thời đại ấy?
Ai sẽ là người viết ra? chắc không là một ai trong chúng ta:
chúng ta đã sống ở đấy quá lâu, thời đại này
thấm đẫm vào ta quá sâu đậm, ta quá trung thành với nó đến nỗi
khó nói ra được sự thật về nó. Dù chỉ là sự thật nói chung. Trung thành:
ta nói “công lý” và ta nghĩ đến cái hạnh phúc tối tăm được trả thù,
ta nói “phẩm giá” nhưng ta lại mong áp đặt ý muốn của riêng mình,
ta nói “quan tâm” nhưng ta nghĩ “chúng ta” và “bọn họ”
và cũng thế: “họ làm gì ta thế kia”. Không gì khác hơn là
để biện hộ cho chính mình: sự trung thành. Và chỗ yếu đuối:
tôi thù ghét bọn ác độc, tôi nói dối để bảo toàn
sự thật, khinh bỉ là niềm kiêu hãnh bệnh hoạn của tôi.
Thù ghét, khinh bỉ, nói dối kéo dài bao nhiêu năm trời
để sống còn mà vẫn thuần khiết. Nhưng điều này không thể có được:
sống còn mà vẫn thuần khiết. May hết sức – là sống còn.
Cứ hãy câm miệng. Đặt câu hỏi ai là người làm chứng
trong khi vẫn biết sẽ không là ai trong chúng ta và
chẳng có ai khác nữa. Vậy, hãy đừng nói gì. Một thời đại trống rỗng.
Nhưng đầy ắp sự sống, hơn bất cứ thời đại nào khác –
bởi ấy là sự sống của ta. Và sẽ không có đời sống thứ hai. Náo
động, hò hét, la lối, tiếng cười và tiếng khóc – là bài ca muôn thuở
của chúng ta, bài ca không lời, không chỉ một lời
một ngày kia có thể lên tiếng
cho chúng ta.
 
---------------------------
* Dịch từ bản Anh ngữ của Donald Pirie, trong Young Poets of a New Poland, Forest Books, UNESCO Publishing, 1993.
 
 

***

 
Tôi nhìn thấy một ngôi nhà xám giữa những cây thông đỏ
                                                            trên nền hoàng hôn;
ở cổng vòm, lưng tựa vào cột trụ, ông tôi
đang nói gì với con mèo vàng hoe, ông gọi nó là Matthew. Khí
lạnh, mùi hương và tiếng cọ của cây thông, ngôi nhà, lão
ông, con mèo, buổi chiều hôm – hơi thở đêm bao phủ tôi – những
thứ kia không thể đã, chúng chưa bao giờ cùng hiện hữu. Chúng chỉ
gặp nhau một lúc trong trí tưởng tôi, thế giới duy nhất và toàn bộ của
chúng. Tôi nghĩ đến chúng: tôi ôm phủ chúng trong bầu khí chia sẻ, tôi
cho chúng sự sống. Trong một khoảnh khắc. Thế rồi tưởng tượng héo mòn,
                                                con mắt trí tuệ mờ dần, và thế giới
tan biến; ngôi nhà xưa, người, vật, buổi chiều hôm – tất cả trở về
với chỗ hư vô cách biệt của riêng mình. Nhưng tại sao Người là đấng nghĩ về
ai nấy chúng ta và mọi thứ trên đời, không ngưng nghỉ, không biết mệt, không
yên ổn, tại sao Người cứ thế mất dần sức mạnh và hào quang của mình, tại sao
tư duy kiệt quệ một cách khủng khiếp của Người suy sụp – hay ít ra chúng ta
                                    nhìn ra như thế, bởi đây là thế giới
duy nhất của chúng ta – trong bóng tối, điên rồ, hỗn loạn.
 
-----------------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ của Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh, do Bronislaw Maj cung cấp.
 
 

***

 
Thoạt tiên anh không hiểu được ý nghĩa cái anh nhìn thấy: đêm hôm
sau những giờ dài trên bờ biển, mỗi mình anh – đắm chìm trong suy nghĩ:
không bỏ mất một giây vẻ lộng lẫy vương giả những giây phút cuối cùng
của mặt trời: những ngọn sóng màu ngọc trai lung linh bốc lửa, những khối băng trôi vần vũ mây và tiếng gầm vạm vỡ không mệt mỏi – trong phép lạ bất tận của
buổi hoàng hôn – rốt cuộc khai sáng, anh hiểu ra... Thế rồi anh quay bước trở lại
từ nơi ấy: qua một rừng thông ảm đạm ấm áp – sự im lặng đột ngột
và bóng đêm, lối đi trên cát mở ra đường cái, và vùng sáng giữa trời –
                                                                        ấy là khi anh nhìn
thấy cảnh tượng này: trước một túp lều con, trên chiếc băng, một lão
ông (ông có thể tuổi cha anh) đang lắc lư, hai chân gõ nhịp –
ông chơi một điệu nhạc phong cầm nghe ra đơn giản – trước mặt ông
một chú bé con (chú có thể tuổi con anh) múa và nhảy
đầu đội mũ bóng chày, miệng lúng búng hát. Đến đây thì chẳng có
gì nối kết những thứ rời rạc kia: trước tiên là sự phong phú của những thứ
thú vui cơ bản và khiêm tốn của con người, trừ chỗ này: anh nhìn thấy
                                                            chúng hết thứ này đến thứ kia
và chỉ duy nhất anh mới có thể làm giao liên cho chúng: để nằm ở giữa
ông và cháu, để giữ chỗ cho mình giữa những tên gọi không ai biết
là cha và con, chính anh. – Bấy giờ anh mới nhận ra được hết như thế. Và
                                                           không phải đến ngày hôm nay,
được sáng tỏ, anh mới lại nhìn thấy cả hai, và nghe một bài hát kỳ lạ
từ đôi môi vương giả khiêm tốn – thế nên bây giờ anh biết được: vị Thượng đế
                                                ganh tị cau mày nhìn xuống anh như
thế nào: ngài muốn được nhận ra trong đám sinh vật trầm lặng nhất
của mình – như anh chẳng hạn: trong những gương
mặt sống được sáng tạo theo đúng hình ảnh
và sự giống nhau.
 
--------------------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ của Donald Pirie, do Bronislaw Maj cung cấp.
 
(còn tiếp một kỳ)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021