thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phụ tấu khúc | Con người im lìm | Bài ca của những cuộc chuẩn bị
(Diễm Châu dịch)
 
Phụ tấu khúc
 
Tình yêu, giờ đây chúng ta hãy tạm quên đi, hỡi người tôi yêu;
chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu này trong
đêm tối, lắng nghe nỗi kinh hoàng không sao tin được
của tiếng hú này.
                        Bầy chó
đã lại được thả ra như hôm qua, như vẫn thế
và một phát súng làm rụng rơi những chiếc bóng.
 
Tình yêu, hỡi người yêu dấu, chúng ta hãy tạm quên đi trong đêm nay.
 
Vách tường, một lần nữa, lại đẫm máu.
 
 
Con người im lìm
 
Này đây y, im lìm.
                           Im lìm
y nhìn mưa rơi; y thấy cánh đồng yên tịnh, im lìm.
Cơn mưa bụi dịu êm nhẹ nhõm.
Đất có mơ tới y? Y, tới đất?
                           Mưa có phải một giấc mộng?
 
Này đây y, im lìm.
                           Im lìm
y nhìn mưa rơi. Y nhìn gì?
lặng lẽ và âm u hơn mắt y;
khô khan bầm dập hơn trán y?
Chính y y có thấy mình mưa hay thấy cánh đồng
xanh tươi trở lại? Y có nhìn mình
trở lại xanh tươi? Có lẽ y nhìn
làn mưa bụi nhẹ nhõm bay bay?
                           Hay y chỉ mộng thấy?
 
Y nhìn gì
              con người im lìm ấy?
Y nghĩ tới những mùa gieo hạt nào, tới những mùa gieo hạt nào?
Y lang thang trong những đám rạ đã sạm cháy nào, trong những đám rạ nào?
Vậy thời trong mưa có yên tịnh nhiều hơn
là trong ánh mắt yên tịnh của y? Có mưa trên trái đất
hay chỉ có mưa trong khao khát của y? Mưa trong mộng
             có thấy y
                           hay ấy chính y mộng thấy?
 
Này đây y, im lìm.
                           Im lìm.
Chẳng có gì lay động nơi y, chẳng có gì trên cánh đồng.
Mưa là giấc mộng ở nơi y? Hay y là
giấc mộng ở cơn mưa im lìm?
                           Một giấc mộng, trái đất?
                           Một giấc mộng, cơn mưa?
 
 
Bài ca của những cuộc chuẩn bị
 
Với những đóa hoa của rặng núi răng cưa
tôi sẽ bao quanh ngọn lửa của đêm đầu tiên
khi em thuộc về tôi;
                           với nước của sương mai chúng ta sẽ rửa thịt
thịt nai và những gì còn lại.
 
                                          Đó sẽ là nơi chốn của tôi
và sẽ là nơi chốn của em.
                                     Cây đàn tôi
sẽ vang lên cho một mình em;
                                            những vòng hạt san hô
sẽ là quà tặng của tôi và lá cây những chiếc nhẫn;
                                                                sẽ lấp lánh trên trời
tròng mắt xanh lục của chim tu-can, chiếc mỏ ánh vàng của nó,
và đàn cu cườm bay lượn.
 
                                      Với những đóa hoa
của rặng núi răng cưa, mọi sự sẽ được hoàn thành:
màu sắc của lớp ren trang trí cái bàn, mùi thơm sẽ tuôn tràn
sự bình yên của đồng cỏ và chiếc ly cho người lữ khách.
Trong lúc mũi đinh thúc ngựa sẵn sàng cho nước phi rộng lớn
nhấp nháy trong vùng bóng
                                         chúng ta sẽ ăn uống giữa trời
quanh ngọn lửa.
                       Tôi sẽ hát bên tai em
một điệu hát của những thung lũng khác, của một miền đất khác xa xăm.
 
Đó sẽ là nơi chốn của tôi và sẽ là nơi chốn của em.
 
Nghi lễ sẽ hoàn thành như thế đó, cùng với những đóa hoa
hái trong rặng núi răng cưa.
 
 
---------------------------
Ghi chú của dịch giả:
ELVIO ROMERO sinh ngày 12.12.1926 tại Yegros, miền nam Paraguay. Bắt đầu làm và in thơ trong những năm 1940. Paraguay là một xứ có diện tích 407.000 cây số vuông (lớn hơn VN) nhưng dân số hiện nay chưa đầy 5 triệu người, gồm dân Guarani và người lai. Tiếng Tây-ban-nha và tiếng Guarani là những tiếng chính thức. Romero viết bằng Tây-ban-ngữ, nhưng ông là “người của văn hóa Guarani”. Vì tham gia phong trào “nhân dân nổi dậy” năm 1944 và cuộc nội chiến 1947, ông bị bắt buộc phải tự lưu đày qua Ba-tây, rồi Á-căn-đình. Tại nước sau này, ông làm “thày cò” cho báo Clarin (1948-1954) rồi trở thành cố vấn cho nhà xuất bản Losada, nhà xuất bản vẫn in thơ ông. Năm 1958, ông viết một tiểu luận về nhà thơ Tây-ban-nha Miguel Hernández. Ông du hành qua nhiều nước ở Âu châu, Phi châu và Á châu nữa, và làm việc cả ở La Habana, Cuba từ 1962 đến 1964. Trở lại Buenos Aires (1968), ông tiếp tục hợp tác với Losada, nhà xuất bản này tiếp tục in thơ ông. Năm 1989, nhà độc tài ở nước ông là tướng Alfredo Stroessner sụp đổ, Elvio Romero trở lại quê hương và được nhìn nhận như “nhà thơ của dân tộc”.
 
Tính từ 1947 đến 1991, Elvio Romero đã cho xuất bản mười ba thi phẩm. Đề tựa cho một tuyển tập thơ của Elvio Romero, văn hào Miguel Ángel Asturias đã hết lời ca ngợi thơ Romero, gọi đó là “thơ đích thực”, “tràn ngập đời sống và... ngọn lửa của đời sống”. “Ít có những tiếng nói Mỹ châu thật sâu sắc và trung thành với con người và các vấn đề của con người đến thế...” Và “Cái đặc điểm của thơ Elvio Romero, ấy là cái mùi vị của đất, của rừng, của nước, của mặt trời...”
 
Các bài trên trích trong Những kẻ xa lạ của trái đấtNgọn lửa xưa của Elvio Romero, và dịch theo bản Pháp văn của Claude Couffon.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021