thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tên của tôi | Một ngôi nhà của riêng tôi

 

Bản dịch của Lê Liễu Chi

 

SANDRA CISNEROS

(1954~)

 

Sandra Cisneros, nhà văn Mỹ gốc Mễ-tây-cơ, sinh năm 1954 tại Chicago, trong một gia đình di dân nghèo. Cha mẹ của Sandra có bảy người con, nhưng chỉ có Sandra là con gái. Khi còn nhỏ, Sandra luôn luôn sống dưới sự kiểm soát của cha và sáu người anh, và họ luôn luôn mong Sandra lớn lên như một phụ nữ “truyền thống” trong chế độ phụ hệ. Cha mẹ của Sandra thuộc thành phần lao động, và họ dời chỗ ở liên tục vì công việc làm; và hàng năm, họ đem con cái về nghỉ hè ở Mễ-tây-cơ cho đỡ tốn kém và để thăm bà nội của Sandra. Vì tất cả những điều đó, Sandra đã lớn lên với cảm tưởng hoang mang về “quê hương” của mình, về “ngôi nhà” của mình, về “danh tính” của mình; và bà đã trưởng thành như một nhà văn có cái nhìn sắc bén về nữ quyền và thân phận di dân.
 
Bà đã làm thơ và viết truyện ngắn từ hồi còn trẻ, nhưng bắt đầu tìm được mạch văn của chính mình với cuốn The House on Mango Street [Ngôi nhà ở đường Mango], một cuốn tiểu thuyết mỏng, gồm rất nhiều chương, mỗi chương như một cái “vignette”, một truyện cực ngắn kể về một điều gì đó qua góc nhìn của Esperanza — một nhân vật nữ có cuộc sống tương tự với cuộc sống của chính Sandra Cisneros. Bà đã mất 5 năm để viết cuốn này, và cho xuất bản vào năm 1984, với sự thành công to lớn. Hiện nay, cuốn này được sử dụng trong trường học ở Mỹ, từ trung học cho đến đại học.
 
Bebe Moore Campbell (The New York Times Book Review) nhận định: “Cisneros lấy chất liệu từ di sản phong phú của bà... và quyến rũ người đọc bằng lối văn gọn gàng, trong trẻo, tạo nên những nhân vật khó quên mà chúng ta muốn mời ngay ra khỏi trang giấy. Bà không chỉ là một nhà văn tài ba, mà còn là một nhà văn hết sức quan trọng.”
 
Tờ Miami Herald cho rằng cuốn sách này “giống như một thứ thi ca tuyệt hảo, nó mở ra những khung cửa sổ của trái tim, mà không viết thừa một chữ.”
 
Sau cuốn The House on Mango Street (1984), Sandra Cisneros đã xuất bản thêm một cuốn tiểu thuyết nữa, tên là Caramelo, do nhà xuất bản Knopf ấn hành năm 2002. Các tác phẩm khác gồm có một tập truyện ngắn: Woman Hollering Creek (1991); ba tập thơ: Bad Boys (1980), My Wicked Wicked Ways (1987), Loose Woman (1994); và một tuyển tập: Vintage Cisneros (2003).
 
Dưới đây là hai truyện cực ngắn trích từ cuốn The House on Mango Street.

 

_____________

 

Tên của tôi

 

Trong tiếng Anh, tên của tôi có nghĩa là hy vọng. Trong tiếng Tây-ban-nha, nó có nghĩa là quá nhiều mẫu tự. Nó có nghĩa là nỗi buồn, nó có nghĩa là chờ đợi. Nó giống như con số chín. Một màu sắc như bùn. Nó là những đĩa hát Mễ-tây-cơ bố tôi nghe vào những sáng Chủ Nhật trong lúc ông đang cạo râu, những bài hát giống như tiếng nức nở.

Nó là cái tên của bà cố ngoại của tôi và bây giờ nó là tên của tôi. Bà cũng là một người đàn bà mạng ngựa, sinh vào năm Ngọ của lịch Tàu cũng như tôi — mà theo người ta nói thì đàn bà tuổi đó là điều bất hạnh — nhưng tôi nghĩ đây là một điều nói láo của người Tàu, vì người Tàu, cũng giống như người Mễ-tây-cơ, không thích đàn bà mạnh mẽ.

Bà cố ngoại của tôi — phải chi tôi đã gặp được bà thì thích thú biết mấy — là một con ngựa hoang dã trong một người đàn bà, hoang dã đến mức bà không chịu lấy chồng. Cho đến khi ông cố ngoại của tôi trùm một cái bao lên đầu bà và mang bà đi. Vậy đó, cứ như bà là một cái giàn đèn treo cầu kỳ sặc sỡ. Đó là cái cách mà ông ấy đã làm.

Và người ta kể rằng bà không bao giờ tha thứ cho ông. Suốt đời bà nhìn ra cửa sổ, như cái lối mà rất nhiều phụ nữ ngồi chống cằm buồn bã. Tôi tự hỏi không biết bà đã tận hưởng những điều tốt đẹp nhất trong những gì bà có, hay là bà ân hận vì bà đã không thể trở thành tất cả những gì bà mong muốn. Esperanza. Tôi đã kế thừa cái tên của bà, nhưng tôi không muốn kế thừa chỗ ngồi của bà bên cửa sổ. Ở trường, chúng nó nói cái tên của tôi nghe tức cười giống như các âm tiết được làm bằng kẽm và làm đau vòm miệng. Nhưng trong tiếng Tây-ban-nha thì tên tôi được làm bằng một chất gì mềm hơn, giống như bạc, không cộm trong miệng như tên của chị tôi — Magdalena — nghe dở hơn tên tôi. Ít ra, Magdalena khi về nhà thì được gọi là Nenny. Nhưng tôi thì luôn luôn là Esperanza.

Tôi muốn làm phép đặt tên cho chính tôi dưới một cái tên khác, một cái tên giống con người thật của tôi hơn, một kẻ mà không ai nhìn thấy. Esperanza đổi thành Lisandra hay Maritza hay Zeze X. Vâng. Cái gì đại loại như Zeze X cũng được.

 

 

Một ngôi nhà của riêng tôi

 

Không phải một căn hộ. Không phải một gian nhà sau khu chúng cư. Không phải ngôi nhà của một người đàn ông. Không phải ngôi nhà của bố để lại. Một ngôi nhà hoàn toàn của riêng tôi. Với vòm mái hiên của tôi và chiếc gối của tôi, những bông dã yên thảo tím xinh đẹp của tôi. Những cuốn sách của tôi và những câu chuyện của tôi. Hai chiếc giày của tôi nằm đợi bên cạnh giường. Không ai khua gậy vào. Không ai xả rác để phải lượm.

Chỉ có một ngôi nhà yên ả như tuyết, một không gian cho chính tôi đi lại, tinh khôi như tờ giấy trước khi có bài thơ.

 

 

---------------------
Nguồn: “My Name” và “A House of My Own”, trong Sandra Cisneros, The House on Mango Street (New York: Vintage Books, First Vintage Contemporaries Edition, 1991) 10-11, 108.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021