thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ông anh giàu có
(Huỳnh Kim Oanh dịch)

 

      Tobias Wolff (1945~) Nhà văn nổi tiếng chủ yếu nhờ truyện ngắn mô tả nhiều quan điểm và xúc cảm đa dạng.
      Cha mẹ Wolff li dị lúc ông còn nhỏ, ông sống với mẹ và gia nhập quân đội từ năm 10 tuổi. Ông viết về tuổi thơ của mình và quan hệ với cha dượng trong This Boy’s Life: A Memory (1989).
      Wolff từng đi lính ở Việt Nam, sau đó về học Đại học Oxford và Stanford. Tập truyện ngắn đầu tiên của ông là In the Garden of the North American Martyrs (1981). Tập thứ nhì là Back in the World (1985; trong đó có truyện ngắn dưới đây). Ông còn viết một truyện vừa, The Barracks Thief (1984). Tập truyện ngắn gần đây nhất của ông là The Night in Question (1996). Ngoài ra, ông còn là chủ biên của những cuốn Best American Short Stories, The Vintage Book of Contemporary American Short Stories, và A Doctor's Visit: The Short Stories of Anton Chekhov. Truyện ngắn của ông xuất hiện đều đặn trên các tạp chí The New Yorker, The Atlantic, và Harper's.
      Hiện nay ông là Giáo Sư chủ nhiệm ban Văn Chương Sáng Tạo tại đại học Stanford.

 

Có hai anh em, Pete và Donald.

Pete, người anh, sống bằng nghề kinh doanh bất động sản. Anh ta và vợ có một giấy phép nhượng quyền kinh doanh Century 21 ở Santa Cruz. Pete làm việc vất vả và kiếm được rất nhiều tiền, nhưng không nhiều hơn anh ta nghĩ mình đáng được hưởng. Anh có hai con gái, một chiếc thuyền buồm, một ngôi nhà mà từ đó anh ta có thể nhìn thấy một chút xíu biển, và những người bạn sống đủ khấm khá để họ không cầu mong vận rủi đến cho anh ta. Donald, người em, vẫn độc thân. Y sống một mình, sơn nhà cửa khi tìm được việc và nợ Pete tới ngập đầu khi không tìm ra việc.

Chắc không ai nghĩ họ là anh em. Trong khi Pete rắn chắc, năng động và thoải mái với cuộc đời này thì Donald gầy gò, nghiêm trang và bị ám ảnh với số phận của linh hồn y. Qua nhiều năm Donald đã đeo ảnh hai vị Perfect Master khác nhau quanh cổ y. Do lòng sùng mộ đối với vị Master thứ nhì mà Donald tham gia một tổ chức của người Hindu ở Berkeley, nơi y suýt chết vì viêm gan không được chẩn đoán. Vào lúc Pete hoàn tất việc thanh tóan các hóa đơn tiền thuốc thì Donald đã trở thành một người Thiên chúa giáo. Y đi từ nhà thờ này đến nhà thờ khác, sau đó gia nhập một cộng đồng Tin lành nọ mà y đã gặp ở đâu đó trong quận Mission để hát bằng các thứ ngôn ngữ lạ và trao đổi những lời tiên tri.

Pete không thể hiểu được điều đó. Bố mẹ họ đều đã chết, nhưng trong khi họ còn sống chẳng ai trong hai người thấy cần phải tin vào bất cứ thứ gì. Họ tìm cách để trở thành người đứng đắn mà không xử sự một cách ngốc nghếch, và Pete có cùng tham vọng đó. Anh nghĩ rằng toàn bộ điều này là một cái cớ cho Donald coi trọng chính mình.

Rắc rối là Donald không chịu bằng lòng với việc lo lắng cho linh hồn của chính y. Y phải quan tâm đến linh hồn của người khác nữa, và đặc biệt là linh hồn của Pete. Y truyền đạt những nhận xét của y theo những cách mà y cho là tinh tế: thông qua sự im lặng đầy ý nghĩa, lời nói bóng gió, vẻ tuyệt vọng dịu dàng hàm ý rằng, Anh trai, anh đã đạt được điều gì rồi? Những gì mà Pete đã đạt được, trong chừng mực anh ta có thể nói, là sự giàu có và Donald thì không thành công.

Ở tuổi bốn mươi Pete tập chơi nhảy dù đội hình. Anh thực hiện cú nhảy đầu tiên với hai người bạn, những người mới tập chơi trước đó vài tháng và đã thực hiện những trò nguy hiểm. Cả hai đã dùng ma túy khi họ nhảy nhưng Pete muốn làm việc này một cách bình thường, ít nhất là trong lần đầu, và anh ta thấy vui vì đã làm được. Anh sẽ không bao giờ sử dụng từ huyền bí, nhưng đó là cách Pete cảm thấy về kinh nghiệm này. Sau đó anh phạm một sai lầm là cố mô tả chuyện này với Donald, y cứ hỏi nó giá bao nhiêu và tỏ vẻ hoảng hồn khi Pete nói cho y hay.

“Ít nhất thì tôi cũng thử làm điều gì mới,” Pete nói. “Ít ra thì tôi đang phá vỡ khuôn mẫu.”

Không lâu sau cuộc nói chuyện đó Donald cũng phá bỏ khuôn mẫu, bằng việc tới sống trong một nông trại ở ngoại vi Paso Robles. Nông trại này thuộc sở hữu của vài thành viên trong cộng đồng của Donald, những kẻ đã mua nó và dọn tới đó ở với ý tưởng thành lập một gia đình đức tin. Đó là cách Donald giải thích trong lá thư đầu tiên y gửi đi. Mỗi tuần Pete đều nghe Donald hạnh phúc như thế nào, như thế nào ‘trong Chúa’. Y nói với Pete y đang cầu nguyện cho anh, y và các anh chị em kia của Pete trong nông trại.

“Tôi chỉ có một đứa em,” Pete muốn trả lời, “vậy đủ rồi.” Nhưng anh giữ kín ý nghĩ đó.

Vào tháng mười một, những lá thư ngưng. Thọat tiên Pete không quan tâm đến chuyện này, nhưng khi anh ta gọi cho Donald vào lễ Tạ ơn thì Donald nghe có vẻ rầu rĩ. Y cố tỏ ra lạc quan, nhưng y không cố hết sức để làm cho nó đủ thuyết phục. “Bây giờ nghe nè,” Pete nói, “chú không cần ở lại đó nếu chú không muốn.”

“Em sẽ ổn thôi,” Donald trả lời.

“Đó không phải là vấn đề. Ổn không phải là vấn đề. Nếu chú không thích những chuyện ở đó, vậy thì ra đi.”

“Em ổn,” Donald lại nói, khẳng định hơn. “Em sống được mà.”

Nhưng một tuần sau y gọi cho Pete và nói rằng y sắp rời khỏi nông trại. Khi Pete hỏi y định đi đâu, Donald thừa nhận rằng y không có kế họach. Xe hơi của y đã bị cửa hàng bán xe trả góp thu hồi khi y rời khỏi thành phố, và y trụi lủi.

“Tôi đoán chú sẽ phải ở với tụi tôi,” Pete nói.

Donald trình diễn một màn phản đối. Rồi y chịu thua. “Chỉ cho đến khi em có được một nghề ổn định thôi đấy,” y nói.

“Được rồi,” Pete nói. “Hãy kiểm tra lại những chọn lựa của chú.” Anh nói với Donald là sẽ gửi tiền vé xe buýt cho y, nhưng khi họ sắp gác máy thì Pete đổi ý. Anh biết rằng Donald sẽ cố tìm cách đi nhờ xe người khác để tiết kiệm tiền vé. Anh ta không muốn y đi một mình trên đường, ở đó biết đâu một tên quái đản nào đó có thể cho hắn quá giang, ở đó bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra với y.

“Nhưng tốt hơn” anh nói, “Tôi sẽ đến đón chú.”

“Anh không cần phải làm vậy. Em không mong anh làm chuyện đó,” Donald nói. Y thêm,“đường đi khá xa.”

“Cứ chỉ đường đến đó cho tôi là được rồi.”

Nhưng Donald không chỉ đường. Y nói rằng nông trại đó chán lắm, rằng Pete sẽ không thích nó. Thay vào đó y nhất quyết gặp Pete tại trạm xăng được gọi là Cửa hàng cơ khí Jonathan.

“Chú đùa đấy à,” Pete nói.

“Nó kề bên đường cao tốc,” Donald nói. “Em đâu có đặt tên cho nó.”

“Đó là một chỗ để đón nhau.” Pete nói.

* * *

Trước ngày đi đón Donald về nhà, Pete nhận được một lá thư từ một người tự xưng mình là “chủ hộ của ngôi nhà chung” ở nông trại nơi Donald đang sống. Từ thư này Pete biết không phải Donald từ bỏ nông trại, mà y bị yêu cầu phải ra đi. Lá thư được viết trên mặt sau của một phiếu điều tra được quay ronéo yêu cầu người ta ghi lại đáp ứng của họ đối với một nghi lễ nào đó. Câu hỏi cuối cùng như sau:

Bạn cảm thấy thế nào trong nghi thức phụng vụ?

a. Tồn tại

b. Trở thành

c. Tồn tại và trở thành

d. Các câu trên đều không

e. Các câu trên đều có

Pete cố quên lá thư. Nhưng dĩ nhiên anh ta không thể. Mỗi lần nghĩ về nó anh lại cảm thấy bị chen lấn và khó thở, một cảm giác lại xâm chiếm anh khi lái xe vào trạm xăng và thấy Donald ngồi tựa vào tường kê đầu lên đầu gối. Lúc đó đã gần tối. Một cái tách giấy lăn lóc qua chân Donald, do một cơn gió ẩm ướt đẩy tới.

Pete bóp còi và Donald ngẩng đầu lên. Y mỉm cười với Pete, rồi đứng lên và vươn vai. Hai cánh tay y dài, và ốm và trắng. Y quấn một chiếc khăn đỏ ngang trán, mặc áo thun có mấy chữ trước ngực. Pete không đọc chúng được vì các mẫu tự bị lộn ngược.

“Lớn lên đi chứ,” Pete hét. “Kiếm lấy một chiếc Mercedes.”

Donald bước tới cửa sổ xe. Y cúi xuống và nói. “Cám ơn vì đã đến. Chắc anh sùng máu dữ lắm.”

“Tôi thu xếp được.” Pete chỉ vào áo thun của Donald. “Mấy chữ đó nói gì vậy?”

Donald nhìn xuống ngực áo. “Hãy thử tìm đến Chúa. Em đoán em mặc áo ngược. Pete này, cho em mượn vài đô được không? Em nợ mấy người ở đây tiền cà phê và sandwich.”

Pete lấy từ ví ra năm tờ hai mươi đô và đưa ra cửa.

Donald thối lui như kinh hoảng. “Em không cần nhiều vậy đâu.”

“Tôi không thể giữ được mấy đồng tiền xu lắt nhắt này,” Pete nói. “Khi nào làm ăn có tiền thì trả lại tôi.” Anh bực bội vẫy vẫy mấy tờ giấy bạc. “Thôi nào – cầm lấy.”

“Chỉ lúc này thôi.” Donald cầm tiền và đi vào văn phòng trạm xăng. Y đi ra mang theo hai lon nước cam, y đưa cho Pete một lon khi bước vào xe. “Em đãi,” y nói.

“Không có túi xách à?”

“Ồ, cám ơn đã nhắc em,” Donald nói. Y đặt lon của y trên bảng đồng hồ, nhưng cái lắc nhẹ của xe khi hắn bước ra làm nó ngã xuống ghế ngồi, nửa số nước bên trong đổ ra trước khi Pete kịp chụp lấy nó. Donald nhìn vào trong khi Pete giữ lon bên ngòai cửa xe, nước sủi trào xuống các ngón tay anh ta.

“Chùi đi,” Pete bảo y. “Lẹ lên!”

“Bằng cái gì?”

Pete nhìn Donald. “Cái áo đó. Lấy cái áo đó.”

Donald dài mặt ra nhưng vẫn làm như ông anh bảo, làn da tái nhợt của y nhăn lại vì gió.

“Đến khổ, chán thật,” Pete nói. “Mình vẫn chưa rời khỏi trạm xăng này được nữa.”

Sau đó trên đường cao tốc, Donald nói. “Xe mới, phải không?”

“Phải. Đây là xe mới.”

“Đó có phải là lý do khiến anh quá ưu tư về vụ ghế ngồi này không?”

“Quên nó đi, được không? Mình hãy quên nó đi.”

“Em rất tiếc.”

Pete nói. “Tôi chỉ muốn chú phải cẩn thận hơn. Những cái ghế này làm bằng da. Vết ố đó sẽ không phai đâu, chưa kể đến mùi. Tôi không hiểu sao mình không có được mấy cái ghế bằng da có mùi da thay vì mùi nước cam.”

“Bộ chiếc xe kia bị hư rồi hả?”

Pete liếc nhìn Donald. Donald đã đội chiếc mũ trùm dính liền với cái áo. Mũ trùm đầu có chóp nhọn nằm trên khuôn mặt chăm chú, hốc hác khiến y có vẻ như một quan tòa của tòa án dị giáo.

“Chẳng có gì hư cả,” Pete nói. “Chẳng qua là tôi thích cái xe này hơn.”

Donald gật đầu.

Có một khoảng im lặng dài giữa họ khi Pete tiếp tục lái xe và trời càng lúc càng tối hơn. Hai bên đường là những cánh đồng còn trơ gốc rạ. Một dãy đồi thấp chạy dọc chân trời, thỉnh thỏang nhô lên vài thân cây đen thẫm in trên nền trời xám xịt. Ở đầu một chuỗi xe ngược chiều đang tiến lại gần, một tài xế bật đèn trước. Pete cũng làm y như vậy.

“Xảy ra chuyện gì rồi?” Pete hỏi. “Đời sống ở nông trại chứ không phải cái túi đồ của chú?”

Donald im lặng một hồi, cuối cùng y nói, một cách đơn giản. “Đó là lỗi của em.”

“Lỗi của chú là gì?”

“Tất cả mọi chuyện. Đừng giả ngốc nữa, Pete. Em biết họ đã viết thư cho anh mà.” Donald nhìn Pete, rồi nhìn ra ngoài kính chắn gió.

“Tôi không giả ngốc.”

Donald nhún vai.

“Tôi chỉ biết là họ yêu cầu chú ra đi,” Pete nói tiếp. “Tôi không biết chuyện cụ thể nào cả.”

“Em đã làm hư mọi chuyện,” Donald nói. “Tin em đi, anh không muốn biết những chi tiết giật gân đâu.”

“Muốn biết chứ,” Pete nói. Anh thêm. “Ai cũng thích những chi tiết giật gân cả.”

“Ý anh là người ta thích nghe chuyện ai làm rối tung mọi chuyện như thế nào à.”

“Đúng,” Pete nói. “Cái kiểu nó là vậy trên trái đất này.”

Donald gập một chân lên ghế trước và dựa sát cửa để đối mặt với Pete thay vì nhìn ra kính chắn gió. Pete thấy rõ Donald đang xem xét mình. Anh ta chờ. Đêm đến thật nhanh, lấp đầy các hố trũng trên mặt đất. Đôi gò má dài và cặp mắt sâu của Donald chìm trong bóng tối. Chân mày y trắng. “Anh có từng mơ thấy em không?” Donald hỏi.

“Tôi có bao giờ mơ thấy chú không à? Kiểu câu hỏi gì vậy? Dĩ nhiên là tôi không hề mơ thấy chú,” Pete nói, không thật lòng.

“Vậy chứ anh mơ thấy gì?”

“Tình dục và tiền. Hầu hết là tiền. Một cơn ác mộng là khi tôi mơ thấy mình không có chút tiền nào cả.”

“Anh chỉ nói dóc,” Donald nói.

Pete mỉm cười.

“Đôi khi có đêm em thức giấc,” Donald nói tiếp, “và em có thể biết chắc anh đang mơ thấy em.”

“Tụi mình đang nói về nông trại,” Pete nói. “Tụi mình nói cho xong chuyện đó đi rồi hãy nói về những kinh nghiệm khác bên ngoài thân xác mình và những điều thú vị chúng ta đã làm trong mấy kiếp trước.”

Trong phút chốc Donald trông giống như chiếc đầu lâu nhe răng cười; rồi y nghiêm túc trở lại. “Chuyện đó chẳng có gì nhiều để kể cả,” y nói. “Chỉ có điều là em chẳng làm gì đúng hết.”

“Điều đó hơi mơ hồ,” Pete nói.

“Phải, giống như chuyện mua đồ tạp phẩm vậy. Mỗi khi đến lượt em đi mua đồ tạp phẩm thì em lại làm hỏng bét không ít thì nhiều. Em mang đồ tạp phẩm về nhà và phân nửa chúng là đã mất tiêu, hoặc em mua lộn đủ thứ, lộn bột, hoặc sô cô la, hoặc bất cứ thứ gì. Có một lần em đem cho hết. Đâu có gì lạ lùng đâu, Pete.”

Pete hỏi. “Chú cho những ai ba cái thứ tạp phẩm đó?”

“Chỉ là mấy người em gặp trên đường về nhà. Một số công nhân làm đồng. Họ có tám đứa nhỏ và thậm chí không biết nói tiếng Anh – chỉ gật đầu thôi. Đúng ra em không nên cho ba cái đồ tạp phẩm đó. Dù sao thì không cho tất cả. Em đã thực sự học được bài học về chuyện đó. Anh phải thực tế. Anh phải công bằng với chính anh.” Donald chồm tới, và Pete có thể hiểu sự kích động của y. “Thực tế chẳng có gì sai khi lao vào chuyện làm ăn,” y nói. “Chừng nào anh công bằng với người khác thì anh có thể công bằng với chính anh. Em cũng đang nghĩ đến việc bước vào kinh doanh, Pete.”

“Chúng ta sẽ bàn về nó,” Pete nói. “Thế, chuyện là vậy hả? Không có gì khác hơn à?”

“Họ nói với anh chuyện gì?” Donald hỏi.

“Không có gì.”

“Nhất định họ đã nói với anh điều gì đó.”

Pete lắc đầu.

“Họ không nói với anh vụ cháy hả?” Khi Pete lại lắc đầu Donald nhìn anh ta một lát, rồi nói, “Em không biết. Thật ngốc nghếch. Đơn giản là em mất sạch.” Y khoanh tay trước ngực và rúc vào góc. “Mỗi người phải luân phiên nấu bữa ăn tối. Thường thì em làm món cá ngừ hầm hoặc mì ống với bánh mì tỏi. Nhưng đêm đó em nghĩ mình làm một món gì khác, một món thực sự hấp dẫn.” Donald nhìn Pete sắc nhọn. “Nghe mắc cười lắm hả, Pete?”

“Tôi rất tiếc,” Pete nói.

“Anh không biết khi nào cần ngưng lại. Anh cứ đánh tới thôi.”

“Kể tôi nghe vụ cháy đi, Donald.”

Donald cứ nhìn anh ta. “Anh cứ có kiểu ép buộc này khiến em trở nên ngốc nghếch.”

“Thôi đi, Donald. Đừng làm lớn chuyện kiểu đó nữa.”

“Em biết tại sao anh làm chuyện này. Bởi vì anh không có mục đích gì trong cuộc sống. Anh sợ phải liên hệ với những người có mục đích, vì vậy anh giễu cợt họ.”

“Liên hệ,” Pete nói nhẹ nhàng.

“Về cơ bản anh là một con người rất sợ hãi,” Donald nói. “Rất sợ. Anh luôn luôn giống như thế. Anh có nhớ có lúc anh từng cố giết em không?”

“Tôi không hề có kiểu ép buộc nào khiến chú trở nên ngốc nghếch cả, Donald – chú tự làm thôi. Hiện giờ chú đang làm chuyện đó đó.”

“Anh không thể nói với em là anh không hề nhớ,” Donald nói. “Đó là sau khi em mổ xong. Anh nhớ chuyện đó.”

“Chút đỉnh,” Pete nhún vai. “Không hoàn toàn.”

“Ồ vâng,” Donald nói. “Anh có muốn xem vết sẹo đó không?”

“Tôi nhớ chú có mổ. Tôi không nhớ các chi tiết, chỉ có vậy thôi. Và tôi chắc mình không nhớ chuyện cố giết chú.”

“Ồ, vâng,” Donald lặp lại một cách giận dữ . “Chắc chắn là anh có ý đó. Lúc nào cũng vậy. Chuyện là, em hẳn đã không gặp chuyện gì ở chỗ họ đã khâu em vì sau đó ruột em sẽ lại tách ra và hủy hoại em. Đó là một vấn đề lớn, Pete. Mẹ luôn lo lắng chuyện em leo cây các thứ. Và anh thường đánh em mỗi khi có dịp.”

“Mẹ còn lo lắng mỗi lần chú ợ sữa nữa kìa,” Pete nói. “Tôi không biết. Có lẽ tôi có đụng chú một hai lần vì tình cờ. Tôi không bao giờ cố ý làm chuyện đó.”

“Mọi dịp anh vớ được,” Donald. “Kiểu như lần bố mẹ đi dự tiệc ban đêm và để anh trông em. Em nghe họ nói chúc ngủ ngon, và rồi em nghe tiếng xe khởi động, và khi họ đã đi em nằm đó và lắng nghe. Một lát sau em nghe anh xuống nhà dưới, và em thường nhắm mắt lại làm bộ ngủ. Có những đêm anh đứng ngoài cửa, chỉ đứng đó, rồi sau đó bỏ đi. Nhưng nhiều đêm anh mở cửa và em nghe anh bước vào trong phòng với em, thở hổn hển. Anh bước tới và ngồi xuống giường cạnh em – anh nhớ chứ, Pete, anh phải nhớ – anh đã ngồi cạnh em trên giường và kéo khăn trải giường ra. Nếu em nằm sấp, anh sẽ lăn em qua. Rồi anh sẽ giở áo ngủ của em lên và đánh vào mấy mũi khâu của em. Anh cứ đánh em hết sức lực. Và em vẫn nằm đó với đôi mắt nhắm nghiền. Em sợ rằng anh sẽ điên lên nếu biết em thức. Điều đó là kỳ lạ hay là cái gì? Em sợ rằng anh sẽ điên lên nếu anh nhận ra rằng em biết anh cố giết em.” Donald cười to. “Thôi nào, anh đừng nói với em là anh không nhớ chuyện đó.”

“Có thể nó xảy ra một hay hai lần. Bọn nhóc thường làm những chuyện như vậy. Tôi không thể kích động về một điều gì đó có lẽ tôi đã làm cách đây hai mươi lăm năm.”

“Không phải là có lẽ. Anh đã làm chuyện đó.”

Pete nói, “Chú làm tôi phát mệt vì chuyện này. Chúng ta còn cả một chuyến đi dài trước mặt và nếu chú không chịu nhượng bộ ngay thì chúng ta sẽ không đi được tới nơi đâu. Dù gì thì chú cũng không chịu đâu.”

Donald quay đi.

“Tôi đã cố hết sức,” Pete nói. Sự tự thán trong giọng của anh ta khiến cho những lời này nghe giống một lời nói dối. Nhưng chúng không phải là một lời nói dối! Anh đang cố hết sức.

Chiếc xe leo lên một gò cao. Từ xa Pete thấy một cụm ánh đèn nhấp nháy khi anh bắt đầu thả dốc. Không có trăng. Bầu trời thấp và tối đen.

“Cứ nghĩ về chuyện đó xem,” Pete nói, “Đêm nọ tôi có mơ thấy chú.” Rồi anh ta thêm, một cách bực bội, như thể Donald đang quấy rầy anh, “Một vài đêm khác nữa. Tôi đói bụng rồi,” anh ta nói.

“Cũng giấc mơ đó à?”

“Những giấc mơ khác nhau. Tôi chỉ nhớ rõ một giấc mơ. Có một cái gì đó trục trặc với tôi, và chú giúp tôi vượt qua. Chăm sóc tôi. Chỉ hai đứa mình. Tôi không biết mọi người khác ở đâu.”

Pete nín ở đó. Anh không nói với Donald rằng trong giấc mơ đó anh ta bị mù.

“Em tự hỏi không biết có phải là chuyện đó không khi em thức dậy,” Donald nói. Y thêm. “Em rất tiếc đã đề cập đến chuyện vết sẹo của em. Em cố quên nó nhưng chắc không thể được. Thực sự không. Nó hơi kỳ lạ, khi lúc nào cũng có ai đó gần bên muốn khử em.”

“Chuyện trẻ con,” Pete nói. “Xưa rồi.”

* * *

Họ ăn tối tại nhà hàng Denny phía bên kia King City. Khi Pete đang trả tiền anh ta nghe một người đàn ông phía sau nói, “Xin lỗi, nhưng tôi có thể hỏi ông đi đường nào không?” và Donald đáp, “Santa Cruz.”

“Tuyệt,” người đàn ông đó nói.

Pete có thể thấy hắn trong tấm gương mắt cá bên trên quầy thu ngân: một chiếc áo chẽn đỏ với một chùm lông trên túi, hàm ria đen nhỏ, mái tóc đen bóng lóang, được chải xuống trán giống như tóc của một đại đế La Mã. Một chùm tóc giả, Pete nghĩ. Dứt khóat là một chùm tóc giả.

Pete nhận tiền thối và quay lại. “Sao điều đó tuyệt?” anh hỏi.

Người đàn ông nhìn Pete. Hắn có khuôn mặt hồng hào dịu dàng đang cố hết sức để biểu lộ vẻ ngạc nhiên thú vị, như thể lời mách nước mới này là tất cả những gì hắn có thể ước ao, nhưng đôi mắt đàng sau cặp kính phi công lộ những dấu hiệu hối tiếc. Môi hắn ướt và bóng. “Tôi chắc các anh đi cùng nhau,” hắn nói.

“Anh đúng đấy,” Pete bảo hắn.

“Lại càng tốt,” hắn nói tiếp. “Tình cờ tôi cũng đi Santa Cruzz. Xe tôi bị chút trục trặc đàng kia. Chiếc Caddy cũ làm tôi thất vọng.”

“Trục trặc gì vậy?” Pete hỏi.

“Trục trặc máy,” người đàn ông nói. Tôi e rằng có chút khẩn cấp. Con gái tôi bệnh. Bệnh nặng. Tôi nhận được một bức điện tín đây.” Hắn vỗ vào túi ngực của áo chẽn.

Pete cười nhăn nhở. Kinh ngạc, anh ta nghĩ, mánh khóe con gái bệnh cũ rích, nhưng trước khi anh ta có thể nói tiếng nào thì Donald đã xen vào nữa. “Không sao,” Donald nói, “còn nhiều chỗ mà.”

“Không nhiều thế đâu,” Pete lên tiếng.

Donald gật đầu. “Em sẽ để đồ của em vào thùng xe.”

“Thùng xe đầy nhóc rồi,” Pete bảo y.

“Cũng may là tôi đi du lịch nhẹ,” người đàn ông nói. “Ít ra là ở chặng này. Tóm lại chuyến này tôi chẳng có chút hành lý nào cả.”

Pete hỏi. “Để hết trong chiếc Caddy cũ đó rồi hả?”

“Chính xác.” Người đàn ông nói.

“Không sao,” Donald lặp lại. Y bước ra ngoài và người đàn ông đi với y. Họ cùng đi qua bãi đậu xe, Pete theo sau một quãng. Khi họ đến chỗ xe của Pete, Donald ngẩng mặt lên trời, và người đàn ông làm theo. Họ đứng đó nhìn lên. “Đêm tối thui.” Donald nói.

“Thê lương,” người đàn ông nói.

Pete vẫn nghĩ cách gạt bỏ hắn, nhưng anh không làm chuyện đó. Thay vào đó anh mở khóa cửa cho hắn. Anh muốn xem chuyện gì sẽ xảy ra. Đây là một cuộc phiêu lưu, nhưng không phải là cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Người đàn ông này có thể ăn cắp cái gạt tàn của Pete nhưng hắn sẽ không giết anh. Nếu Pete bị giết trên đường, thì phải là do một kẻ theo tôn giáo nào đó mặc áo vải thun, một tay nào đó với đôi mắt nhìn chân trời xa xăm và có một chiếc áo thun ướt với dòng chữ ‘Hãy thử đến với Chúa’ trong cái túi vải thô của hắn.

Ngay khi họ rời bãi đậu xe, người đàn ông đốt một điếu xì gà. Hắn thổi một cụm khói qua vai của Pete và thở dài khoan khóai. “Dập tắt đi,” Pete bảo hắn.

“Dĩ nhiên,” người đàn ông nói. Pete nhìn vào kính chiếu hậu và thấy hắn ta rít một hơi dài trước khi liệng nó ra ngòai cửa xe. “Tha lỗi cho tôi,” hắn nói. “Đúng ra tôi phải hỏi trước. À này, tên tôi là Webster.”

Pete quay sang nhìn lại hắn. “Tên hay họ.”

Người đàn ông ngập ngừng. “Họ,” cuối cùng hắn nói.

“Tôi biết một tay Webster,” Donald nói. “Mick Webster.”

“Có nhiều người tên vậy,” Webster nói.

“Một tay to con, chân gỗ,” Pete nói.

Donald nhìn Pete một cái.

Webster lắc đầu. “Không hề quen. Nhưng tôi không hề phủ nhận quan hệ. Có thể là một trong số anh em họ.”

“Con gái anh bị gì vậy?” Pete hỏi.

“Không rõ,” Webster đáp. “Có vẻ như là một thứ bệnh đàn bà nào đó. Có thể đó lại là bệnh nhiệt đới.” Hắn ngừng một lát, rồi nói thêm. “Nếu thực sự đó là bệnh nhiệt đới, tôi phải thừa nhận mình có ít nhiều trách nhiệm. Chính tham vọng vô độ của tôi trước tiên đã dẫn chúng tôi đến vùng nhiệt đới và giữ chúng tôi ở đó suốt nhiều năm, cọ xát với đủ thứ nguy hiểm. Thật sự thì tôi có nhiều chuyện phải chịu trách nhiệm lắm. Tôi đã để vợ tôi lại đó.”

Donald nói một cách lặng lẽ. “Ý anh nói là bà ấy đã chết?”

“Chính tay tôi đã chôn bà ấy. Đất sẽ được đền bù, vàng phải trả bằng vàng.”

“Vùng nhiệt đới nào?” Pete hỏi.

“Vùng Peru.”

“Miền nào của Peru?”

“Đồng bằng,” Webster nói.

Pete gật đầu. “Dưới đó ra sao?”

“Cả một thế giới khác,” Webster nói. Giọng hắn có vẻ sầu thảm. “Một thế giới ngoài sức tưởng tượng.”

“Quá ngoài,” Pete nói.

Ba người im lặng một lát. Một hàng xe tải đi qua theo hướng ngược lại, các rơ móc đầy những đèn sáng rực, máy gầm rú.

“Phải,” cuối cùng Webster nói. “Tôi phải chịu trách nhiệm nhiều chuyện.”

Pete mỉm cười với Donald, nhưng Donald đã quay lại chỗ ngồi và đang nhìn Webster. “Tôi rất tiếc về chuyện vợ ông,” Donald nói.

“Làm sao bà ấy chết vậy?” Pete hỏi.

“Một chứng bệnh hao mòn sức khỏe,” Webster nói. “Mấy ông bác sĩ không biết tên nó, nhưng tôi biết.” Hắn chồm tới và nói một cách hung dữ. “Tính tham lam.” Rồi hắn sụm xuống ghế. “Tính tham lam của tôi, chứ không phải của bà ấy. Bà ấy không muốn chia phần trong đó.”

Pete cắn môi. Webster là một kẻ mới gặp và Pete không muốn xua đuổi hắn bằng cách hét vào mặt hắn. Bằng giọng thấp và vô tội của kẻ hiểu biết, anh ta hỏi, “Điều gì khiến ông tới đó?”

“Thật khó cho tôi khi nói về chuyện đó.”

“Cố lên,” Pete bảo hắn.

“Hút một điếu thuốc thì chắc dễ nói hơn.”

Donald quay sang Pete và nói. “Tôi thì OK.”

“Được rồi,” Pete nói. “Cứ tự nhiên. Mà phải quay cửa kính xuống.”

“Cảm ơn anh.” Một que diêm lóe sáng. Có tiếng rít thuốc hối hả.

“Kể đi,” Pete nói.

“Tôi được đào tạo làm kỹ sư,” Webster bắt đầu. “Công việc đưa tôi đến mọi nơi, chỉ còn một châu lục là tôi chưa tới thôi, từ sa mạc, núi non, rừng rậm, tới mọi địa hình và mọi mùa của trái đất này. Vài năm trước chính phủ Peru đã thuê tôi tìm quặng tungsten ở vùng nhiệt đới. Vợ và con gái tôi đi theo. Chúng tôi là những người da trắng duy nhất trong vòng hàng ngàn dặm quanh đó, và chúng tôi không có chọn lựa nào ngòai việc sống như những người da đỏ sống – dùng chung thức ăn và đồ uống của họ và cả nền văn hóa của họ nữa.”

Pete nói. “Anh biết thổ ngữ chứ?”

“Chúng tôi học nó.” Mẩu thuốc lá lập lòe. “Chúng tôi quen với việc học như một điều cần thiết đòi hỏi. Nhưng mà, sau vài năm thì rõ ràng chẳng hề có quặng tungsten nào. Vợ tôi bệnh và cầu xin được đưa về quê. Nhưng tôi làm ngơ trước lời cầu xin của bà ấy, bởi vì lúc đó tôi đang theo dấu một thứ kim lọai khác – thứ kim loại giá trị hơn tungsten rất nhiều.”

“Để tôi đoán nghe,” Pete nói. “Vàng hả?”

Donald nhìn Pete, rồi quay sang Webster.

“Vàng,” Webster nói. “Một mạch vàng lớn hơn mạch chính ở bất cứ đâu. Sau khi tôi đã tìm ra những dấu vết đầu tiên của nó không điều gì có thể lôi tôi khỏi cuộc tìm kiếm này – cả bệnh tật của vợ tôi và mọi thứ khác. Tôi nhất quyết khám phá mạch vàng này, và tôi đã làm thế – nhưng đó là chuyện trước khi tôi đặt vợ tôi yên nghỉ. Như tôi nói, đất sẽ được đền bù…”

Webster im lặng. Rồi hắn nói, “Nhưng cuộc sống cứ phải tiếp tục. Trong những năm sau khi vợ chết tôi đã dàn xếp mọi thứ cần thiết để khai thác mỏ. Tôi lẽ ra có thể làm điều đó ngay lập tức, dĩ nhiên, làm giàu không tưởng tượng nổi, nhưng tôi biết điều đó có nghĩa là gì – sự khai thác sức lao động những người da đỏ yêu quý của chúng tôi, việc hủy họai tàn nhẫn môi trường của họ. Tôi cảm thấy mình đã có quá nhiều chuyện phải đền bù.” Webster ngừng, và khi nói tiếp giọng hắn khàn đục và hấp tấp, như thể hắn đã cạn hết mọi hứng thú hắn có đối với ngôn từ của chính hắn. “Thay vào đó tôi thảo ra một chương trình để trả lại phần lớn của cải cho chính người da đỏ. Một loạii quỹ ủy thác. Chỉ riêng tiền lãi thôi cũng cho phép họ giữ được đất đai ngày xưa và các quyền lợi của họ vĩnh viễn. Đồng thời những người đầu tư của chúng tôi sẽ được thưởng gấp cả ngàn lần. Gấp hai ngàn lần. Mọi người cùng phồn vinh với nhau.”

“Điều đó thật tuyệt,” Donald nói. “Phải vậy thôi.”

Pete nói. “Tôi sẵn sàng cá rằng ông vẫn còn lại vài cổ phần. Tôi nói đúng không?”

Webster không trả lời.

“Hả?” Pete biết rằng Webster giờ đang nhắm vào anh, nhưng anh không quan tâm. Câu chuyện làm anh thấy chán. Anh đã mong đợi một điều gì khác, một điều gì mới mẻ, và Webster đã làm anh thất vọng. Thậm chí hắn không cố. Pete cảm thấy cáu kỉnh và buồn nôn. Mắt anh ta cay xè vì khói thuốc và ánh đèn cao áp của những tay lái xe tải lấn đường. “Dụi thuốc đi,” anh ta nói với Webster. “Tôi đã bảo anh quay cửa xuống mà.”

“Trong này hơi lạnh.”

Donald nói. “Này, Pete. Vui lên nào.”

“Dụi nó đi!”

Webster thở dài. Hắn quăng điếu thuốc.

“Tôi mệt quá,” Pete nói với Donald. “Chú muốn lái một chút không?”

Donald gật đầu.

Pete tấp xe vào lề và họ đổi chỗ.

Webster vẫn nín thinh ở ghế sau. Donald hát nho nhỏ trong khi lái xe, cho đến khi Pete bảo y dừng. Rồi mọi thứ rơi vào im lặng.

* * *

Donald vẫn hát ư ử khi Pete thức giấc. Pete rầu rĩ nhìn xuống đường, vào những lằn trắng chạy vụt ra sau xe. Một lát sau anh hỏi. “Tôi ngủ bao lâu rồi?”

Donald nhìn sang Pete. “Hai mươi, hai mươi lăm phút gì đó.”

Pete nhìn ra phía sau và thấy Webster đã biến mất. “Ông bạn của mình đâu rồi?”

“Anh hết gặp hắn rồi. Hắn xuống ở Soledad. Hắn nhờ em gửi lời cám ơn và tạm biệt.”

“Soledad? Còn đứa con gái bệnh họan của hắn thì sao? Làm sao hắn bào chữa với con gái đây?” Pete chồm qua ghế. Hai chiếc gạt tàn vẫn còn nguyên chỗ cũ. Nệm sàn. Tay nắm cửa.

“Hắn có một người anh sống ở đó. Sáng mai hắn sẽ mượn xe của anh hắn để đi tiếp.”

“Tôi dám chắc là anh hắn sống ở đó,” Pete nói. “Thi hành năm mươi án chung thân cùng một lúc. Anh, chị, cha, và mẹ hắn.”

“Em thích hắn,” Donald nói.

“Tôi biết chắc vậy,” Pete nói yếu xìu.

“Hắn thật thú vị. Hắn đã ở nhiều nơi.”

“Xì gà của hắn ở khắp nơi, tôi sẽ cho chú thứ đó.”

“Thôi đi, Pete.”

“Chú thôi đi thì có. Dỏm làm sao.”

“Anh không biết đâu.”

“Chắc chắn tôi biết.”

“Thế nào? Sao anh biết được?”

Pete vươn vai. “Chú em, có một số việc mới sinh ra chú đã biết. Xăng còn nhiều hay ít?”

“Khá thấp.”

“Vậy tại sao chú không đổ thêm một số nữa?”

“Em ước gì anh không gắt gỏng với em như vậy,” Donald nói.

“Vậy sao chú không sử dụng cái đầu của mình? Lỡ hết xăng giữa đường thì sao?”

“Mình sẽ về tới kịp mà,” Donald nói. “Em khá tin chắc mình còn đủ xăng để về đến nơi. Anh đâu cần phải thô bạo với hắn như thế,” Donald nói thêm.

Pete hít một hơi sâu. “Tôi không thích bị cạn xăng tối nay, được chưa?”

Donald lái vào trạm xăng kế tiếp và đổ đầy thùng trong khi Pete đi vào nhà vệ sinh. Khi Pete quay ra, Donald đã ngồi sang ghế dành cho khách. Người bán xăng bước tới cửa xe mé bên ghế tài xế khi Pete ngồi vào sau tay lái. Hắn ta cúi xuống và nói. “Mười hai đô năm mươi lăm xu.”

“Chú nghe ông này nói không,” Pete bảo Donald.

Donald nhìn thẳng trước mặt. Y không nhúc nhích.

“Nhả ra,” Pete nói. “Chuyến đi này là do chú.”

Donald nói, nhỏ nhẹ. “Em không thể.”

“Chắc chắn chú có thể. Nhả tiền đó ra.”

Donald ngước nhìn người bán xăng, rồi nhìn Pete. “Làm ơn đi,” y nói, “Pete, em không còn đồng nào.”

Pete hiểu ra. Anh gật đầu, và trả tiền cho người bán xăng.

Donald bắt đầu nói khi họ rời khỏi trạm xăng nhưng Pete cắt ngang. Anh ta nói. “Ngay lúc này tôi không muốn nghe chú nói. Chú phải im mồm hoặc tôi thề với Chúa là tôi không chịu trách nhiệm đâu.”

Họ rời khỏi vùng đồng trống và đi vào đoạn đường có rất nhiều cây giao đầu nhau. Cây cối cứ nối tiếp nhau. “Để tôi nói cho rõ nhé,” cuối cùng Pete nói. “Chú không còn số tiền mà tôi đã đưa chú.”

“Anh đối xử với hắn như một con bọ hay đại lọai như thế,” Donald nói.

“Chú không còn số tiền đó,” Pete lặp lại.

Donald lắc đầu.

“Vì tôi đã trả tiền bữa tối, và vì chúng ta không dừng lại ở bất cứ đâu giữa đường, nên tôi chắc chắn là chú đã cho Webster. Đúng không? Có phải chú đã dùng món tiền đó như vậy không?”

“Phải.”

Pete nhìn Donald. Khuôn mặt y tối thui dưới mũ trùm, nhưng y lộ ra một cảm giác xa cách, như thể chẳng có gì trong chuyện này dính dáng đến y.

“Tại sao?” Pete hỏi. “Sao chú lại cho hắn ta?” Khi Donald không trả lời, Pete nói. “Một trăm đô. Cho không. Chỉ vậy thôi. Tôi phải làm việc mới có số tiền đó, Donald.”

“Em biết, em biết,” Donald nói.

“Chú không biết! Làm sao chú biết được? Chú có được số tiền đó chỉ bằng việc chìa tay ra.”

“Em cũng làm việc,” Donald nói.

“Chú cũng làm việc. Đừng tự lừa mình, chú em.”

Donald chồm tới Pete, định nói cái gì đó, nhưng Pete lại gạt ngang.

“Chú không phải là người duy nhất mà tôi phải chi tiền, Donald. Tôi nghĩ chú không hiểu được điều đó. Tôi có một gia đình.”

“Pete, em sẽ trả lại cho anh.”

“Chú sẽ trả, một trăm đô la!” Pete đập tay lên tay lái. “Chỉ bởi vì chú nghĩ rằng tôi xúc phạm cảm xúc của tên ngốc nào đó. Chúa ơi, Donald.”

“Đó không phải lý do,” Donald nói. “Và em không phải là cho hắn số tiền đó.”

“Vậy chứ chú gọi nó là cái gì? Điều chú vừa làm đó chú gọi là gì?”

“Em đầu tư. Em muốn có một cổ phần, Pete.” Khi Pete nhìn sang y Donald gật đầu và nói lại. “Em muốn có một cổ phần.”

“Tôi chắc chú muốn nói tới mỏ vàng ở Peru.”

“Phải,” Donald nói.

“Chú tin có một mỏ vàng như thế hả?”

Donald nhìn Pete, và Pete có thể thấy y bắt đầu hiểu. “Chú sẽ tin bất cứ thứ gì,” Pete nói. “Đúng không? Chú thực sự sẽ tin bất cứ thứ gì.”

“Em rất tiếc,” Donald nói và quay đi.

Pete lái xe giữa những hàng cây và ngẫm nghĩ về sự thật của những gì anh vừa nói – rằng Donald sẽ tin bất cứ cái gì. Và anh thấy rằng tựa như rút cục cuộc sống bất công này dành cho Donald cũng hiện ra trước mắt, qua việc tin rằng một lời hứa kỳ quặc nào đó sẽ hóa thành sự thật, và rằng anh, Pete sẽ bác bỏ ngay lập tức bởi vì anh quá khôn ngoan đến độ không thèm lắng nghe lời phỉnh phờ của ai đó nữa trừ khi để cười chơi. Quả là một điều khôi hài. Một điều khôi hài thực sự nếu bị lừa lại là một ân sủng, và ân sủng đó không đến với người đáng bị lừa, người đã gây ra toàn bộ sự vụ, mà lại đến với người khác.

Và như thể điều này đã xảy ra rồi Pete cảm thấy một bóng đen di chuyển trên anh, che lấp những ý nghĩ của anh. Một hồi sau anh nói. “Tôi có thể biết trước chuyện này sẽ đi tới đâu, Donald.”

“Em sẽ trả lại cho anh,” Donald nói.

“Không,” Pete nói. “Chú sẽ không trả lại cho tôi. Chú không thể. Chú không biết làm thế nào. Tất cả những gì chú từng làm là nhận lấy. Tất cả cuộc đời chú.”

Donald lắc đầu.

“Tôi biết rõ chuyện này sẽ đi tới đâu,” Pete tiếp tục. “Chú không thể làm việc. Chú không thể tự lo cho mình, chú tin mọi thứ người ta nói với chú. Tôi bị gắn chặt vào chú, đúng không?” Anh quay sang nhìn Donald. “Tôi phải chịu trách nhiệm về chú mãi mãi.”

Donald miết chặt mấy ngón tay sát mặt đồng hồ như thể để ứng phó. “Em muốn ra khỏi đây,” y nói.

Pete vẫn cho xe chạy.

“Cho em ra,” Donald nói. “Em nói thật đó, Pete.”

“Thật không?”

Donald ngập ngừng. “Phải,” y nói.

“Nói cho chắc nghe,” Pete nói với y. “Lần này là vĩnh viễn đó.”

“Em muốn vậy.”

“Được rồi. Chú đã chọn lựa.” Pete đạp thắng gấp và tấp xe vô lề. Anh tắt máy và bước ra. Cây cối hiện ra lờ mờ hai bên đường, che kín bầu trời. Không khí lạnh và hôi mốc. Pete lôi chiếc túi vải của Donald ra khỏi băng ghế sau và đặt nó xuống đất phía sau xe. Anh đứng đó, đối mặt với Donald trong ánh đèn đỏ mờ đục của đèn hậu. “Thế này tốt hơn,” Pete nói.

Donald chỉ nhìn anh ta.

“Tốt hơn cho chú,” Pete nói.

Donald co ro. Y đang run. “Anh không cần phải nói tất cả điều đó,” y bảo Pete. “Em không trách cứ anh.”

“Trách tôi? Chú đang nói cái quỷ gì vậy? Trách tôi vì cái gì?”

“Vì mọi thứ,” Donald nói.

“Tôi không biết chú nói trách cứ tôi là có ý gì.”

“Không có gì. Không có gì, Pete. Tốt hơn anh nên đi đi. Chúa phù hộ anh.”

“Vậy đó,” Pete nói. Anh ta quỳ một chân xuống, dùng hai bàn tay sục sạo lớp bụi đất đóng cục. Anh không biết mình tìm cái gì; nhưng hai tay anh sẽ nhận ra khi chúng tìm thấy cái đó.

Donald chạm vai Pete.

“Anh nên đi đi,” y nói.

Đâu đó trong đám cây Pete nghe tiếng cành cây gãy. Anh đứng dậy. Anh nhìn Donald, rồi trở lên xe và lái đi. Anh lái nhanh, chồm người lên tay lái, và ý thức rõ về cách anh khom người và hơi thở gấp gáp của anh, không thèm nhìn vào gương bên trên đầu cho đến khi chẳng còn gì phía sau anh ngoài bóng tối.

Rồi anh nói, “Một trăm đô,” như thể có ai đó nghe anh vậy.

Cây cối nhường chỗ cho đồng trống. Những hàng rào kim loại chạy dọc theo đường, bám đầy những mẩu giấy rách bươm. Sương mù lờ lững trên các rãnh nước, tràn ra đường, làm mờ những bóng đèn sáng chập chờn trong sân các nông trại mà Pete đi qua. Sương mù để lại những chuỗi hạt nước lăn trên kính chắn gió.

Pete lục trong mớ băng cassette. Anh ta tìm thấy băng Canon của Pachelbel và ấn nó vào hộc băng. Khi tiếng đàn viôlông bắt đầu chơi anh ngả người ra sau, và làm ra vẻ chú ý như thể anh ta đang thực sự lắng nghe. Anh mỉm cười với chính mình giống như một con người đang tự do thưởng thức âm nhạc, một con người đã hòan tất công việc của mình, và giải quyết xong các món nợ, làm xong tất cả mọi việc một cách phù hợp và đúng cách.

Và cứ thế, mỉm cười, gật gù theo điệu nhạc, anh đi thêm khoảng một dặm nữa, và giả như anh không hề đi chậm lại, rằng anh sẽ không quay ngược trở lại, rằng anh sẽ có thể lái tiếp giống như thế này, một mình, và có sẵn câu trả lời thỏa đáng khi vợ anh đứng trước mặt anh ngay ngưỡng cửa nhà anh, và hỏi, Chú ấy đâu? Em trai anh đâu?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021