tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Coi chừng! Ðừng để Duchamp phải ném cái bồn tiểu...  [chuyên đề  TRẦN DẦN]

"Tôi đã ném cái kệ để chai và chiếc bồn tiểu vào mặt họ như một sự thách đố và bây giờ họ lại cảm phục chúng vì cái đẹp mỹ học của chúng" ("I threw the bottle rack and the urinal into their faces as a challenge and now they admire them for their aesthetic beauty").

Ðó là lời tuyên bố của Marcel Duchamp, được in lại ở trang 208, trong cuốn sách của Hans Richter (người bạn nghệ sĩ rất thân thiết của ông, và là một thành viên của Dada), có nhan đề Dada: Art and Anti-Art (McGrawHill, New York, 1965). [Riêng "cái kệ để chai" chính là tác phẩm Bottle Rack/Egouttoir (hoặc Porte-bouteilles) do Duchamp thực hiện năm 1914 bằng cách bê nguyên cái kệ để chai rồi ký tên vào đó và gọi là tác phẩm nghệ thuật.]

Lời tuyên bố này của chính Duchamp có lẽ đã đủ để chúng ta thấy cách hiểu của Vĩnh Phương về tác phẩm Fountain là "rất có vấn đề". Thử đọc lại bài "Nguyễn Ly và chiếc bồn tiểu", ở những đoạn Vĩnh Phương giải thích cái đẹp mỹ học của Fountain (nhằm cho Nguyễn Ly một bài học về thẩm mỹ):

"Cách NL miêu tả lại “vụ” chiếc bồn tiểu của Marcel Duchamp được đem “ra triển lãm mỹ thuật” đã chứng tỏ thái độ coi thường nghệ thuật hiện đại của NL, và để lộ ra rằng NL chưa bao giờ đi xem triển lãm nghệ thuật. NL có biết rằng chiếc bồn tiểu đã được lộn ngửa, được đặt trên bục trắng, được trưng bầy trong một không gian trang trọng, được chiếu sáng vô cùng thông minh bởi chính hoạ sĩ, được hoạ sĩ viết chữ lên trên. Chiếc bồn tiểu này đã không còn là chiếc bồn tiểu trong nhà vệ sinh của NL nữa đâu. Ngày nay, bất cứ một học sinh Tây Âu nào cũng đã được dậy ở trường rằng nếu không có sự can thiệp của nghệ sĩ, chiếc bồn tiểu này sẽ vẫn chỉ là chiếc bồn tiểu, không hơn không kém."

Rồi ở đoạn khác Vĩnh Phương lại viết:

"Vài ngày sau, tác phẩm này đã được trưng bày trong Gallery 291, để chống lại nghệ thuật duy mỹ Hoa Kỳ. M. Duchamp đã suy tính những nguồn chiếu sáng để làm nổi bật những đường cong tuyệt đẹp của đồ vật, có thể sánh được với những đường cong của nàng Madonne xinh đẹp. "

(Tôi muốn hỏi riêng ông Vĩnh Phương câu này: đã "chống lại nghệ thuật duy mỹ" mà sao Duchamp còn muốn làm "nổi bật những đường cong tuyệt đẹp" như "những đuờng cong của nàng Madonne xinh đẹp"?)

Những hàng chữ tôi tô đậm trên đây cho thấy Vĩnh Phương biểu lộ lòng cảm phục trước cái đẹp mỹ học của Fountain . Lòng cảm phục ấy có lẽ đã khiến Vĩnh Phương bỏ thêm ít nhiều tưởng tượng vào khung cảnh của cuộc triển lãm. Ðặc biệt là ánh sáng: "chiếc bồn tiểu đã được lộn ngửa, được đặt trên bục trắng, được trưng bầy trong một không gian trang trọng, được chiếu sáng vô cùng thông minh bởi chính hoạ sĩ, được hoạ sĩ viết chữ lên trên", "M. Duchamp đã suy tính những nguồn chiếu sáng để làm nổi bật những đường cong tuyệt đẹp của đồ vật, có thể sánh được với những đường cong của nàng Madonne xinh đẹp."

Phòng triển lãm 291 của Alfred Stieglitz có lẽ không sang đến thế, và không giàu có về ánh sáng đến thế. Trong cuốn Early American Modernist Painting 1910-1935 (Haper & Row, New York, 1981), Abraham A. Davidson mô tả gallery 291 vào thời ấy chỉ là một phòng triển lãm khiêm tốn (a modest gallery), có hai phòng, một phòng vuông mỗi bề 15 feet [4 mét 57], phòng kia là cái hành lang. (consisted of only two rooms, one fifteen feet square, the other a hallway). Những tấm màn vải thô màu lục đậm được treo trên bốn bức tường của phòng chính dưới một cái giá dài; ánh sáng thì được giữ cho khỏi chói bằng một tấm màn trắng treo trên trần nhà như một tấm lọc.(Curtains of dark green burlap were hung on the walls of the main room below a continuous shelf; the lighting was kept muted and quiet by a white screen suspended from the ceiling that acted as a filter).

Cuộc triển lãm ở cái gallery khiên tốn ấy lại diễn ra vội vã, không kèn không trống, và chỉ vài ngày sau thì cái Fountain đột ngột mất tích. Jonathan Loesberg ghi nhận:

"Bất kể những lý do biện hộ cho sự từ chối vật ấy, Duchamp, qua những người trung gian, đã gửi cái bồn đái đến Alfred Steiglitz, và ông này đã chụp hình nó, và triển lãm nó trong studio của ông được vài ngày... Sau khi tạm trú ở studio của Steiglitz, cái vật ấy, "Fountain", biến mất vĩnh viễn." (Regardless of the reasons for the object's rejection, Duchamp, through intermediaries, had the urinal sent to Alfred Stieglitz, who photographed it and exhibited it in his studio for a number of days. ... After its stay in Stieglitz's studio, the object, "Fountain," disappeared forever.) [Xem bài viết của Jonathan Loesberg, "A fountain, a spontaneous combustion, and the Mona Lisa: Duchamp's symbolism in Dickens and Pater", trong tập san Studies in the Literary Imagination , Fall 2002, trang 55].

Trong tạp chí The Blind Man (phát hành chỉ được 2 số, với số lượng rất ít, theo kiểu "small-circulation art journal") do Duchamp và thân hữu chủ trương, số 2, ra vào tháng Năm, 1917 (vài tuần sau cuộc triển lãm, và vài tuần trước khi gallery 291 phải đóng cửa vì sập tiệm), ở trang 4 có đăng bức ảnh cái Fountain do Steiglitz chụp, và ở trang 5 có lời toà soạn, nhan đề "Trường hợp Richard Mutt" (The Richard Mutt Case) với những dòng như sau:

"Họ nói bất cứ nghệ sĩ nào trả sáu đô-la cũng được triển lãm. Ông Richard Mutt gửi vào một cái bồn nước. Khỏi phải bàn bạc, vật thể này biến mất và chưa bao giờ được triển lãm" (They say any artist paying six dollars may exhibit. Mr. Richard Mutt sent in a fountain. Without discussion this article disappeared and never was exhibited.)

Cái Fountain của Duchamp mất tích, và cái còn lại để ông Vĩnh Phương và chúng ta xem chỉ là bức nhiếp ảnh của Steiglitz, và những chiếc bồn tái tạo do Sidney Janis làm năm 1950, Ulf Linde làm năm 1963, và Arturo Schwarz làm năm 1964 [xem cuốn Kant after Duchamp của Thierry de Duve (MIT Press, Cambridge, MA, 1998, trang 95-96)]. Những cái bồn giả này cũng chỉ na ná giống cái bồn trong bức nhiếp ảnh, và so sánh chúng với nhau thì chẳng cái nào giống cái nào, mặc dù cái nào cũng có chữ ký tái tạo: "R. MUTT 1917" ở phía bên trái.

(Hình chụp cái Fountain tại Gallery 291, tháng 5/1917)

 

Nhưng có hề gì. Cái đẹp thật sự của Fountain chẳng phải đến từ hình dáng của cái vật thể được sản xuất hàng loạt từ công xưởng. Cái đẹp thật sự của nó đến từ cái ý niệm sử dụng "nó" để làm mỹ thuật. Còn cái vật thể ấy có mất tích vĩnh viễn, hay được tái tạo khác hẳn, cũng chẳng sao. Nói như Loesberg:

"... Mặc dù cái ý niệm 'Fountain ' đã có một đời sống kéo dài trong thế kỷ 20, sự hiện hữu của nó như một vật thể thì lại rất ngắn, và, trong toàn bộ thời điểm đó, sự hiện hữu của nó như một tác phẩm nghệ thuật đã bị tranh cãi. Chỉ đến sau khi nó ngừng hiện hữu như một vật thể, nó mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật không thể tranh cãi." (... although the concept of "Fountain" has had an extended life in the twentieth century, its existence as an object was very short, and, during that entire period, its existence as an artwork was contested. Only after it ceased to exist as an object did it become an uncontested artwork). [Xem bài viết của Jonathan Loesberg, trang 56].

Nhưng, có lẽ tôi nên xin phép được tạm dừng cuộc bàn bạc ở đây, và hẹn sẽ tiếp tục vào kỳ tới, với đề tài: "Cái đẹp thật sự của Fountain".

Trước khi dừng bút, tôi chỉ muốn nhắc ông Vĩnh Phương rằng ông nên hết sức cẩn thận khi bày tỏ sự cảm phục trước "những đường cong tuyệt đẹp" của cái Fountain mà ông so sánh với "những đường cong của nàng Madonne xinh đẹp". Nếu Duchamp còn sống (mà Duchamp đã chết đâu nào?), ông ấy có thể đột ngột đến viếng ông, bưng theo cái bồn tiểu, và ...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021