|
"Cái chuông" hay "ái uông"?
[chuyên đề
TRẦN DẦN]
|
|
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Chúng bảo nhau rằng: «ấy ái uông».
Hồ Xuân Hương
Văn học Việt Nam quả là chưa có nhiều người viết chuyên nghiệp và bản thân những người viết chuyên nghiệp cũng chưa có nhiều bài viết chuyên nghiệp, rồi ngay cả những sự chỉ trích sự không chuyên này cũng mang tính không chuyên. Nguyễn Ly trong bài viết đăng trên Tiền Vệ về chủ đề Trần Dần ngay từ đầu đã nhận định nền văn học Việt Nam chỉ là «một nền văn chương nghiệp dư» , nhưng đáng tiếc bản thân Nguyễn Ly lại là một bằng chứng của sự không chuyên này. Nguyễn Ly đã yêu cầu người cầm bút phải «làm việc trên văn bản» nhưng bài viết của Nguyễn Ly không dựa trên bất cứ một văn bản nào: Nguyễn Ly tự cho phép mình đưa ra mọi luận điểm một cách rất thoải mái, đầy cảm tính, mà không cần lý luận hay chứng minh cũng như phân tích. Tôi xin đưa ra các thắc mắc sau, mong Nguyễn Ly trả lời một cách «văn bản». 1. Phải chăng «lịch sử không phải là những gì đã xảy ra mà là cung cách diễn đạt những gì đã xảy ra»? Cách Nguyễn Ly định nghĩa về lịch sử (lịch sử không phải là những gì đã xảy ra mà là cung cách diễn đạt những gì đã xảy ra) cũng là một cách nhận định rất nghiệp dư và phản khoa học, nó đồng nghĩa với câu: lịch sử không phải là những gì đã xảy ra mà chỉ là sự xuyên tạc những gì đã xảy ra. Chính bằng nguyên tắc này, Nguyễn Ly đã xuý xóa quá khứ khi viết: "Các ông (Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần) đã sống nhiều năm trong im lặng và nhẫn nhục, các ông đã được công chúng gán cho vầng hào quang tử vì đạo trong suốt thời kỳ dài đằng đẵng đó. Tất cả đã trở thành giai thoại". Tại sao Nguyễn Ly lại có thể bóp méo lịch sử đến vậy? Những người tham gia Nhân Văn – Giai Phẩm đã sống nhiều năm trong im lặng và nhẫn nhục, đã trở thành những kẻ tử vì đạo, điều này là Sự Thật chứ không phải là giai thoại. Nguyễn Ly cung cho rằng chúng ta có "khá nhiều tư liệu" để có thể dựng lại thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm. Vậy xin Nguyễn Ly biết những tư liệu đó có thể tìm thấy ở đâu, do ai cung cấp, có thuộc về nhiều nguồn khác nhau, có được công khai bàn đến ? 2. Điều gì chứng tỏ: «người đọc đã chờ đợi, đã háo hức và đã… hẫng hụt» khi tác phẩm của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng được xuất bản? Tôi thắc mắc không hiểu từ "người đọc" được Nguyễn Ly dùng trong nghĩa nào? Là số ít hay số nhiều? Là bản thân Nguyễn Ly hay ai khác nữa? Nếu có những bài viết phân tích sự "hẫng hụt", "thất vọng", khi đọc các tác phẩm của Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, xin Nguyễn Ly cho biết tên các bài đó, đăng ở đâu, năm nào để tôi có thêm thông tin. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Ly kết luận quá vội về việc đón nhận các tác giả trên. Ngay tại Việt Nam, "sự thật" không "đáng buồn" như Nguyễn Ly nhận định. Gần đây, người ta bắt đầu nghiên cứu về các ông, nhằm trả lại cho họ chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn Việt. Năm 1997, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin (Hà Nội) in cuốn Hoàng Cầm thơ văn và cuộc đời. Hơn thế nữa, tác phẩm của Hoàng Cầm đã đi vào sách giáo khoa phổ thông, và được giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12 tại Việt Nam, bên cạnh Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Ái Quốc, Xuân Diệu, Nguyễn Đinh Thi, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tố Hữu,…. "Bên kia sông Ðuống" nhiều lần được chọn là đề thi (ví dụ: kỳ thi tuyển sinh của Đại học Sư phạm Vinh năm 1997, của Trường Cao Đẳng sư phạm thành phố Hồ Chí Minh 1993, v.v.). Nhà xuất bản Giáo Dục năm 1999 còn giới thiệu Hoàng Cầm trong bộ sách "Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường", với mục đích "giúp học sinh học tốt môn văn, để giáo viên tham khảo, đọc thêm,…". Thử nghe giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nói về thơ Hoàng Cầm: "…bước vào phạm trù siêu thơ là bước vào một thế giới khác, thế giới siêu nhiên, siêu thực. Một thứ thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất. Nó đi hẳn vào cõi tiềm thức, vô thức và diễn tả bằng chính ngôn ngữ mông lung vô thức (…) Diêu bông hời… ới Diêu bông . Vâng tôi gọi thế là phạm trù siêu thơ. Vinh dự thay cho thi sĩ Hoàng Cầm, trong cuộc đời sáng tác hơn nửa thế kỉ của mình, đã tạo ra được một bài thơ như thế. Trong tình hình thơ hiện nay, hình như không riêng gì Hoàng Cầm, nhiều cây bút khác cũng đang muốn đi theo hướng thơ "phi lí" hay gọi là siêu thơ nói trên…" (Văn và dạy văn, NXB Thanh Hoá, 1993). Giáo sư Lê Trí Viễn viết về "Bên kia sông Đuống": "Bài thơ này được phổ biến nhanh rộng, và rất lâu từ thời chống Pháp trước đây. Cái độc đáo của nó là mở đầu được với một giọng điệu nghĩa tình thâm sâu, đi thẳng vào lòng người…" (Lê Trí Viễn, Đến với thơ hay, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2001). 3. Giá trị các tác phẩm của Trần Dần: Về Trần Dần, Nguyễn Ly viết: - "Những tác phẩm “nằm” nay được dựng dậy đã không gây ra một chấn động thẩm mỹ nào như lẽ ra phải có". - "Ông không đóng vai trò nào trong những giày vò trăn trở của chúng tôi, ông cũng chưa bao giờ là tấm biển chỉ đường cho lớp hậu sinh trong bóng hỗn mang của đời sống tinh thần xứ sở, ngay cả khi chúng tôi có thể đọc ông trọn vẹn". - "Dứt khoát thơ ông không phải là thứ thực phẩm mà nền văn học của chúng ta đói khát, không phải là thứ ánh sáng cuối đường hầm của hành trình khám phá và nhận diện". a. Tôi không biết dựa trên cơ sở nào Nguyễn Ly định nghĩa một "chấn động thẩm mỹ", một "tấm biển chỉ đường", một "thứ thực phẩm mà nền văn học của chúng ta đang đói khát", một "thứ ánh sáng cuối đường hầm". Tôi cũng không biết trong lịch sử văn học, có nhà văn nào thoả mãn tất cả những yêu cầu (vừa thẩm mỹ vừa tinh thần) trên của Nguyễn Ly hay không. Riêng về Trần Dần, chỉ đọc một số bài viết về ông đủ thấy tác phẩm của ông – dù chỉ được công bố rất gần đây và còn chưa trọn vẹn – đã đánh thức những phản ứng mạnh mẽ trong giới cầm bút. Cũng xin thêm là tiểu thuyết thơ Cổng tỉnh đã được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1995, tức là một năm sau khi nó được công bố chính thức. Sau đây là danh sách một số tác giả viết về Trần Dần (ngoài các bài viết của Đoàn Cầm Thi, Như Huy, Trần Trọng Vũ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thuận, Ngô Minh, Đỗ Minh Tuấn đăng lần đầu trên Tiền Vệ, mục Chuyên đề Trần Dần). - Boudarel Georges, 1991, Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, Ed. Jacques Bertoin, Paris. -Nam Dao, 2003, "Xổ bụi", Talawas. -Dương Tường, 1998, "Lời bạt" cho Mùa sạch, nxb Văn Học, Hà Nội. -Đặng Tiến, 1997, "Vĩnh biệt Trần Dần", Diễn Đàn, số 60, Paris. -Hoàng Phủ Ngọc Tường,1988, "Gặp gỡ Trần Dần - đối thoại mất ngủ", Sông Hương, số 5&6. -Lương Thị Bích Ngọc, 1998, "Những người bay có chân trời", Đại Đoàn Kết, ngày 17.01.1998, tr.34 -Lương Thị Bích Ngọc, 1998, "Với những gì còn lại", Tiền Phong, ngày 08.01.1998, Hà Nội, tr.6. - Nguyễn Hoàng Sơn, 1997, "Lại thêm một người trong «Người người lớp lớp» ra đi", Tiền Phong, ngày 23.01.1997, Hà Nội. -Nguyễn Hoàng Sơn, 1997, "Vĩnh biệt một nhà thơ", Văn nghệ, ngày 25.01.1997, Hà Nội. -Nguyễn Khải, 1995, "Người vợ", Diễn Đàn số 37, Paris (đăng lại) -Nguyễn Trọng Tạo, 1997, "Đối thoại với Trần Dần", Cửa Việt số 17, tháng 10.1992, Huế, tr. 70-72. -Nguyễn Trọng Tạo, 1997, "Bao giờ anh trở lại", Văn Nghệ, ngày 25.10.1997, Hà Nội. -Nguyễn Văn Ký, Boudarel Georges, 1997, Hà Nội 1936-1996 du drapeau rouge au billet vert, Autrement, Paris, tr. 131-142. -Nhất Uyên, 1997, "Trần Dần, một mối tình chung thuỷ cho người yêu và cho thơ", Bông Sen, số 29 tháng 4.1997, Paris, tr. 8 ; Thế Kỷ 21, số 97, Califonia, tr. 42-50. -Phạm Thị Hoài, 1997, "Thủ lĩnh trong bóng tối", Văn học, số 136, Califonia, tr.23-30. - Phạm Xuân Nguyên, 1998, "Để hình dung Trần Dần", đăng lại trên Talawas 2003. -Phong Lê, 1998, "Trần Dần - cái nòi bao giờ và ở đâu cũng hiếm", Sông Hương, số 112 tháng 6.1998, Huế. -Thuỵ Khuê, 1998, "Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm", Văn Học số 27 tháng 4.1998, California. -Thuỵ Khuê, 1997, "Hồ sơ Nhân Văn Giai Phẩm", Tao Đàn số 3.1997, Muenchen, tr.20-27. -Trịnh Bích Thủy, 1998, "Đọc «Mùa sạch» nghĩ về «Người thơ lạ»", Đại đoàn kết, số 39 ngày 14.501998, Hà Nội. -Vân Long, 1997, "Một chút về Trần Dần", Văn Nghệ ngày 25.1.1997, Hà Nội. -Xuân Đài, 1997, "Nhà thơ Trần Dần đã qua đời", Phụ Nữ ngày 22.1.1997, Hà Nội. Danh sách này ngược lại hẳn với nhận xét của Nguyễn Ly về "sự im lặng đối với Trần Dần" hay "Trần Dần bị từ khước vì văn cách". Nếu đó là do các «fan» của Trần Dần viết như Nguyễn Ly nhận định, thật bất ngờ vì Trần Dần có đông đúc các «fan» như thế. Hơn nữa, họ lại thuộc các thế hệ khác nhau, làm việc trong nhiều lĩnh vực, có quan điểm chính trị và thẩm mỹ nhiều khi không đồng nhất, sinh sống ở cả Việt Nam lẫn hải ngoại… Hy vọng Nguyễn Ly bình tĩnh hơn khi đọc lại những bài này, để thấy rằng không phải bài nào cũng ca ngợi Trần Dần theo cảm tính. b. Vì lý do gì một người tự coi là «người đọc tầm thường» như Nguyễn Ly, trong bài viết của mình, nhắc đi nhắc lại là «không hiểu» Trần Dần? Nếu đã «không hiểu» thì không nên chê. Đã «tầm thường» thì không đủ trình độ thưởng thức cũng như nhận định, không thể thay mặt được người khác. Ở đây, từ "chúng tôi" mà Nguyễn Ly nhiều lần dùng là không có căn cứ. Cách suy diễn của Nguyễn Ly thật phản khoa học. Nó theo logique sau: "tôi" (Nguyễn Ly) không hiểu nhà văn X, suy ra những người khác cũng không hiểu nhà văn X, kết luận nhà văn X không có giá trị gì. Theo tôi, nếu Nguyễn Ly "không hiểu" Trần Dần, có lẽ Nguyễn Ly nên tự hỏi "khả năng đọc" của mình, chứ đừng nên đổ lỗi cho Trần Dần. Cũng có thể Nguyễn Ly nên tìm đọc các tác giả khác hợp với "khẩu vị" hơn? c. Đề nghị Nguyễn Ly chứng minh các tác phẩm sau này của Trần Dần «tuy hình thức có tân kì hơn» nhưng cũng là sự lặp lại của Nhất định thắng và Người người lớp lớp. Cũng xin Nguyễn Ly chứng minh nhận định: thơ Trần Dần «dễ bắt chước». Thế nào là dễ bắt chước và khó bắt chước? Theo tôi, đấy không thể coi là tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật. Nguyễn Ly dạo thử một vòng Hà Nội sẽ thấy tranh Phái «rởm» treo đầy vỉa hè. d. Trên cơ sở nào Nguyễn Ly lại yêu cầu các tác giả của Nhân văn - Giai phẩm phải là «tấm gương về tinh thần sáng tạo mạnh mẽ, khoáng đạt và tự do»? Những tác giả ngoài phong trào này không cần có tinh thần sáng tạo đó? Trần Dần, ba mươi năm bị «nằm chờ», không được quyền xuất bản, không được tiếp xúc với độc giả, mà vẫn sáng tác được một chục tập thơ, năm tiểu thuyết, mấy chục «sổ bụi»…Dù không "cảm" hay không đủ trình độ hiểu được những cách tân của ông, thì cũng không thể phủ nhận tinh thần sáng tạo của ông. e. Nguyễn Ly có thể đưa ra một vài ví dụ về một tác phẩm «gây chấn động thẩm mỹ»? Trần Dần từng phát biểu trước các các đồng nghiệp ở Huế rằng ông chỉ sáng tác cho «những người bằng vai», cũng như ông không làm «văn vần» hay «thơ quảng trường». Thế nên, Nguyễn Ly và những ai hy vọng đọc Trần Dần để bị «chấn động» hay ngất xỉu, choáng váng hoặc bỏ ăn bỏ ngủ dĩ nhiên phải thất vọng. Xe cứu thương chỉ đậu trước cửa rạp chiếu phim kinh sợ hay hình sự gây cấn, chứ không cần có mặt ở những nơi trưng bày nghệ thuật. Trần Dần không bao giờ muốn làm «tấm bảng chỉ đường cho lớp hậu sinh» như Nguyễn Ly mong muốn, ông nói: «Tôi sốt ruột đợi lớp trẻ lớn lên để chôn bọn tôi, như chúng tôi đã chôn tiền chiến».[1] Đương thời, Tiểu Thuyết Mới cũng bị báo chí Pháp chỉ trích là xa rời hiện thực, thiên về kĩ thuật mà bỏ bê trách nhiệm của người cầm bút. Roland Barthes đã đáp lại như sau: «Viết là nghệ thuật đặt ra những câu hỏi chứ không phải là trả lời hay giải quyết những câu hỏi đó…». Theo ông, Tiểu Thuyết Mới thành công vì đã đặt ra được câu hỏi: «Phải chăng các sự vật đều mang một ý nghĩa gì đó?». Câu hỏi này có vẻ đơn giản, nhưng tính triết học của nó thật lớn: từ trước đến giờ văn học «chưa bao giờ nghi ngờ ngữ nghĩa của các sự vật… của tất cả những gì xung quanh ta, một sự kiện cũng như một vật thể».[2] Một trong những cách tân của Trần Dần là đặt sự vật, sự việc bên ngoài những ngữ nghĩa thông thường để cuối cùng, cực đoan đến độ không cho chúng một ý nghĩa nào nữa. Như câu thơ bất hủ của ông: Mưa rơi không cần phiên dịch. Thơ ông trần trụi con chữ. Chỉ có chữ trong cuộc phiêu lưu bất tận. Không có cuộc cách tân nào dễ hiểu. Càng táo bạo càng khó hiểu. Không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, ít khi công chúng mang hoa ra đón tiếp các nhà cách tân. Nhưng cách tân là "điều kiện sống còn" của mọi nền nghệ thuật: "mỗi thử nghiệm, nếu không làm xuất hiện những đỉnh cao, thật cao trong sáng tạo thì ít nhất nó cũng làm cánh đồng văn học nghệ thuật đa dạng hơn…" [3] Tôi tin rằng các tác phẩm của Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng[4] đang được khám phá, sẽ được khám phá.
Thanh Nam 3/6/2003 _________________________ [1]Hoàng Phủ Ngọc Tường,1988, «Gặp gỡ Trần Dần - đối thoại mất ngủ», Sông Hương số 5&6. [2]Roland Barthes, «Les choses signifient-elles quelque chose?», Le Figaro littéraire, 13 Octobre 1962. [3]Xem Nguyễn Hưng Quốc, Văn hoá văn chương Việt Nam, Văn Nghệ, 2002. [4]Tôi hy vọng sắp tới sẽ tập hợp được những bài viết về hai tác giả Lê Đạt và Đặng Đình Hưng. |