|
Đôi điều góp ý về việc phân tích “Jờ Joạcx”
[chuyên đề
TRẦN DẦN]
|
|
Bài viết của tác giả Đặng Đình Ân “Để đến với Jờ Joạcx” tưởng chừng như đã khép lại chuyên đề về Trần Dần. Đó là một bài viết nghiêm túc, kỹ càng, chứng tỏ người viết chịu khó đọc tác phẩm và nghiền ngẫm cẩn thận. Như nhà phê bình Nguyễn Ly đã nhận xét, đây là tác phẩm đáng chú ý nhất, tinh tuý nhất của Trần Dần, nghĩa là “Trần Dần nhất”! Việc đi sâu phân tích tác phẩm này sẽ giúp chúng ta phác hoạ rõ nét chân dung tác giả, xác định đúng đắn những đóng góp của Trần Dần vào văn học Việt Nam trong một giai đoạn có thể nói là khó khăn nhất đối với kẻ sáng tạo, qua đó gạt bỏ những ngộ nhận về ông từ cả hai phía. Tôi vẫn cho rằng Trần Dần không phải là một nhà thơ lớn, tài năng và bản lĩnh của ông rất hạn chế, cũng như các tác phẩm của ông không hề là những kiệt tác, nhưng việc đi sâu phân tích “Jờ Joạcx” như một tiêu điểm của cuộc thảo luận là rất cần thiết vì nó có thể dẫn đến nhiều kết luận quan trọng. Rất tiếc chúng tôi không có điều kiện thời gian dành cho việc này nên rất mong được các bậc thức giả lưu tâm chỉ dẫn. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn đưa ra một vài ý kiến nhỏ sau khi đọc bài viết của Đặng Đình Ân về “Jờ Joạcx”. “Jờ Joạcx” có một vài motif được trở đi trở lại. Thứ nhất là “sẹo”.Rất nhiều loại “sẹo”.Theo nghĩa đen, sẹo là dấu tích của một vết thương cắt rạch da nhưng đã kín miệng, đã lên da non. Nhưng nếu là một vết thương trầm trọng, gây sốc về tâm lý thì sẹo có thể trở thành một ám ảnh thường trực, người bị tổn thương nhìn đâu cũng thấy vết sẹo của mình hiện diện. Thứ hai là “nữ”. Trong “Jờ Joạcx”, bất cứ cái gì, bất cứ ai cũng là nữ, cũng thành nữ. Cả một tiến trình nữ hoá! Ở đây, không phải chỉ là ám ảnh tình dục mà chính là mặc cảm bị thiến hoạn. Vì sao có mặc cảm này? Một nghệ sĩ có khả năng sáng tạo, đang trong độ tuổi sáng tạo mà bị “treo bút” thì có khác nào một người đang trong độ tuổi sinh đẻ và có khả năng sinh đẻ mà bị thiến hoạn? Ở đây chúng tôi không bàn tới quan niệm của Trần Dần về quá trình sáng tạo, về quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và công chúng mà chỉ đề cập tới ám ảnh của ông khi công việc sáng tác đang thời kỳ sung mãn bị ngưng trệ đột ngột. Nỗi đau khổ ấy có khác nào Tư Mã Thiên ngồi viết “Sử ký” sau khi bị cung hình? Cái khác là ở sự hồi đáp của ngòi bút sau biến cố. Tư Mã Thiên bị cung hình thật còn Trần Dần chỉ bị cung hình “ảo”! Có lẽ vì thế mà “Jờ Joạcx” mang mặc cảm thiến hoạn chăng? Độc giả có nhận thấy mặc cảm đó trong “Sử ký” không? Một motif khác là “mưa”. Mưa dầm dề suốt tác phẩm như một bè đệm. Cơn mưa này nhắc chúng ta nhớ tới cơn mưa “không thấy phố thấy nhà” trong “Nhất định thắng”. “Jờ Joạcx” không phải là một thi phẩm lớn, mặc dù khá độc đáo và lạ. Như tôi đã nhận xét trong một bài viết trước đây, sự méo mó, dị dạng của một sinh thể bị giam hãm lâu ngày trong một không gian chật hẹp, tù túng khó lòng mang lại những xúc cảm thẩm mỹ. Những biến thể tự dạng và ngữ âm lạ lùng và nhiều khi vô lý chỉ gợi lên trong lòng độc giả nỗi thương cảm, xót xa đối với tác giả chứ không phải là cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật! Một điều nữa là bài viết của Đặng Đình Ân rất đáng đọc nhưng không vì thế mà “Jờ Joạcx” có giá trị hơn. Cũng như bài phê bình xuất sắc của Nguyễn Hưng Quốc về “Bài thơ con cóc” đã đăng trên Tiền Vệ là rất thú vị, nhưng không vì thế mà bài thơ ấy lại trở thành một bài thơ hay. Thơ con cóc vẫn là thơ con cóc và “Bài thơ con cóc” vẫn là một ví dụ kinh điển cho thứ thơ ... dở! |