|
Để đến với JỜ JOẠCX
[chuyên đề
TRẦN DẦN]
|
|
Khi Trần Dần gọi Jờ Joạcx là thơ-tiểu thuyết một bè đệm, ông đã cho chúng ta chiếc chìa khoá để đến với thế giới văn học của ông. Có thể đọc Jờ Joạcx như một tác phẩm THƠ. Cũng có thể đọc nó như một TIỂU THUYẾT. Và nhất là đừng quên MỘT BÈ ĐỆM. Nhưng Jờ Joạcx chỉ được cảm thụ một cách trọn vẹn khi nó được đọc bằng cả ba giọng song song với nhau. Thực ra Jờ Joạcx đã được viết, được kể từ rất nhiều nguồn khác nhau: nhân vật xưng tôi, thằng Truồng, Đốc tơ Tòi, người viết bè đệm, tin đăng tải trên báo mà tác giả gọi là tin sẹo. Jờ Joạcx cũng được chia xẻ giữa hồi ức, độc thoại, kể chuyện, tả cảnh, diễn biến tâm lý, trong một cấu trúc phức tạp, đến mức người đọc bắt buộc phải được trang bị trước một cách đọc không chỉ cho ba giọng, mà cho nhiều cuộc tiếp cận văn học sẽ diễn ra đồng thời . Bằng cách nhân vật tôi từ chức tiến sĩ. phó bác sĩ. sử kí. Chân lí. thẩm mĩ. / thi sĩ mà thi chân lí với cái jĩm im…, bằng cách chú thích không thương tiếc: xilip: một đơn vị đo lường ăn vào khoảng 63 thư viện, Jờ Joạcx là lời nhạo báng thẳng thừng tất cả cái được gọi là trí thức, chân lý đương thời. Có thể tìm thấy lý do được nêu trong trang cuối tiểu thuyết: mọi người. cười hồn hột đồ đạcx chẳng chú í lịc jịc cơn mưa to bình minh tiền trinh. juy có vài người không thông minh để í nhiều tới í ngĩax triết lí thẩm mĩ địa lí sử kí sinh lí tay-chân lí của cái tát hữu íx bé tíx. Lý thuyết rởm, bằng cấp, chức vụ, chân lí có giúp đỡ cho việc cảm thụ nghệ thuật hay không và như thế nào? Jờ Joạcx cảnh cáo. Bốn mươi năm qua, lời cảnh cáo này vẫn còn ý nghĩa và cần thiết cho những cuộc tiếp xúc giữa tác phẩm và độc giả.
1. NGUYÊN BẢN và KHÔNG NGUYÊN BẢN Khái niệm «nguyên bản» phải được đề cập đến trước tiên khi đọc Jờ Joạcx. Nhiều chữ của Jờ Joạcx được biến hình xung quanh chữ J, từ chỗ có thể nhận được «nguyên bản» của chúng (ví dụ: Jờ, Jòng Jã, Jút Ja, chiều Jọc), đến lúc không còn tìm được chữ gốc nữa (ví dụ: Joạc, Jọc Jạch, Ja Jắcc sss, Ju Jíc sss, Ju Jússs). Các câu cũng thay đổi cấu trúc ngữ pháp, từ chỗ hoàn toàn được viết theo trật tự phổ thông (ví dụ: thằng Truồng bị vây trong vòng tròn), từ chỗ có thể hiểu được (ví dụ: hôm nọ lơ thơ bình minh tôi bóc lịch mịch ngày tôi đi), đến mức không còn xác định nổi đâu là các nguyên tắc ngữ pháp (ví dụ: tôi 1 lực ngực 1 chực joác 1 toạc jách 1 lạch juýp 1 jịp vú 1 nụ nóc 1 jọc sử kí). Các nhân vật cũng vậy. Nhân vật tôi lúc tách ra xa thằng Truồng, lúc đi vào trong thằng Truồng, lúc lại đến ngồi cạnh hắn, để uống cùng nhau. Nhân vật tôi khi nói hộ thằng Truồng, khi kể chuyện thằng Truồng, khi trở thành chính thằng Truồng, rồi thằng Truồng lại biến thành Đốc tơ Tòi. Không thể xác đinh nổi đâu là bản căn cước của nhân vật này. Nhân vật nữ kĩ sư chỉ tồn tại trong lời kể và bản tin sẹo, không bao giờ chính thức bước vào tiểu thuyết, cũng biến hoá từ con nữ kĩ sư truồng đến một phụ nữ được gọi là em rất âu yếm, rồi lại trở lại con nữ kĩ sư nue. Cái tên Tòi cũng đi từ thằng Tòi đến Đốc tơ Tòi. Ngay cả hai mắt Mông cổ lai cũng có thể hiểu là của nhân vật tôi, của thằng Truồng hay của cô nữ kĩ sư. Thế rồi, toàn bộ câu chuyện cũng không có «nguyên bản». Chuyện được kể lại qua những lời kép của nhiều nhân vật trên thực tế cũng lại chỉ là một nhân vật: Theo lời nhân vật tôi, thằng Truồng đã ngồi chờ cô kĩ sư từ 9 giờ tối, đã gọi điện thoại mà không được, đã đi tìm cô ở biệt thự nữ kĩ sư mà không gặp, đã quay trở lại nhà, đã lại ngồi chờ đến lúc gà gáy lần 3. Nhưng theo bản tin sẹo, nhiều tình tiết đã thay đổi: Cô kĩ sư đã tới nhà thằng Truồng lúc 23 giờ đêm, đã giục cưới, đã tát vào mặt hắn, 15 phút sau thằng Truồng đến tìm cô ở biệt thự, cả hai đã quay lại nhà thằng Truồng và ngồi bên nhau tới gà gáy jịp 3. Phương pháp «không nguyên bản» này như vậy hoàn toàn được thống nhất trong suốt tác phẩm, từ cấu trúc đến bút pháp, từ cái được kể đến cái cách kể lại. «Nguyên bản» và «không nguyên bản» không phải là điểm đến điểm đi của Jờ Joạcx. Nhưng chúng mở ra những cuộc phiêu lưu vô tận của chữ, của nghĩa. Chỉ khi thoát được những thói quen đi tìm «nguyên bản», «ảnh hưởng», «quy luật», «nguyên tắc» trong văn học, người đọc mới có thể tham dự vào những cuộc phiêu lưu ấy của Jờ Joạcx. Cần phải hiểu rằng những chữ SẸO, NỮ, THỊT, ĐỒ ĐẠCX… nằm khắp nơi trong tác phẩm chính là những điểm mốc khác nhau trong cuộc hành trình văn học giữa «nguyên bản» và «không nguyên bản». Chúng vừa mang ý nghĩa cố hữu của chúng, vừa từ chối «nguyên bản», vừa từ chối «không nguyên bản». Nếu khảo sát kỹ, chúng bắt đầu từ vị trí gần «nguyên bản», rồi cứ đi xa dần, trở thành những ảm ảnh thường trực. Chữ NỮ đầu tiên trong Jờ Joạcx: con nữ vận động viên, không có gì phải thắc mắc. Chữ NỮ thứ hai: chạy joạch vòng mưa / jòng jòng / 1-9-6-3 min mét nữ, khiến độc giả phải suy nghĩ tìm cách lý giải qua những thuật ngữ trong thể thao: chạy 100 mét nữ, chạy 1963 nghìn mét nữ… Nhưng đến chữ NỮ thứ ba: jập mùng đùi sẹo nữ, không ai còn tìm được bản gốc để giải thích nữa. Có thể thấy sự phát triển của chữ THỊT cũng trong những thứ tự xuất hiện của nó: từ cái cụ thể (cái nịt thịt, hay quần lót thịt tí nịt) đến ý niệm (thịt của kí ức ngực mùa nực hay sinh lí thịt mọi người), để cuối cùng trở thành những day dứt thịt: thịt của mùa xuân đào nụ nịt jườm cành, xilip sách jọc nịt thịt, albom thịt… Tương tự, hãy khảo sát cuộc phiêu lưu của chữ SẸO. Trong phần Đề từ - sẹo đặng đình Hưng, chữ SẸO thứ nhất hoàn toàn mang ý nghĩ thông thường: sờ mà xem không khí không có sẹo. Chữ SẸO này có thể được coi là gần nghĩa với «nguyên bản»: sẹo là kết quả của một vết thương. Chữ SẸO thứ hai: đầu vú là những cái sẹo của tình mẫu tử, bắt đầu đi ra ngoài «nguyên bản» và là một cách ẩn dụ. Chữ SẸO sau đó: mặt người (toàn bộ cái mặt) là sẹo ngoài của những cái sẹo cụ thể bên trong, đã mang ý nghĩa tượng trưng và lùi ra xa hơn «nguyên bản» ban đầu. Trong phần Tựa jờ joạcx, chữ SẸO trở nên trừu tượng hơn: tôi không hiểu tôi bò 2 chân trên sẹo joạc jờ nào? sao cứ thun thút những sẹo mưa jọc jài ỗng ễnh bầu mưa? Đến 17 thiên jờ joạcx, chữ SẸO đã thành một thói quen hết sức tự nhiên: tất cả những gì thằng Truồng có thể sờ mó được, nhìn thấy được, gọi tên ra được, đều trở thành SẸO. Dường như toàn bộ thế giới của Jờ Joạcx đều «mang sẹo», và việc «mang sẹo» này quá phổ biến nên SẸO đã mất hết tính chất bi kịch ban đầu của nó, không còn là kết quả của tai nạn, bạo lực, vết thương hay quá khứ. SẸO cũng không còn được đánh giá là mất thẩm mỹ hay có thẩm mỹ. SẸO trở nên một lẽ đương nhiên khi người ta phải chứng kiến chúng hằng ngày, phải chấp nhận chung sống với chúng.
2. MỘT BÈ ĐỆM được ĐỆM Jờ Joạcx gồm ba phần: Đề từ - sẹo, Tựa jờ joạcx, và 17 thiên jờ joạcx. MỘT BÈ ĐỆM không được chỉ rõ, không được đứng riêng thành một chương. Chỉ khi tác phẩm được đọc xong, người đọc mới tự hỏi đâu đã là bè đệm? Nhưng cũng chính Thiên WVII cuối của Jờ Joạcx lại là một gợi ý rõ nhất cho cái bè đệm ấy. Bản tin sẹo trên báo kể lại câu chuyện đêm trước, để lộ ra những đoạn in nghiêng tả mặt trời mọc và cảnh sinh hoạt buổi sáng, song song với hành động đọc báo. Tách riêng những đoạn in nghiêng và in thẳng, ta sẽ có hai bài văn độc lập nhau. Tương tự, đọc lại 17 thiên jờ joạcx, ta cũng sẽ thấy lại những câu văn nhỏ được in nghiêng nằm xen kẽ rải rác khắp nơi, đi theo suốt chiều dài của tiểu thuyết. Những câu văn nhỏ này có thể được lấy ra, xếp vào nhau theo đúng trình tự trước sau, sẽ tập hợp lại thành một bài thơ dài khác, chủ yếu kể về cơn mưa dai dẳng, rồi về một nhân vật tôi, về một cảnh trí, một địa điểm, về sân ga, những ngã tư, sân vận động… Có thể làm vài thí dụ. Theo cách xếp gần lại những câu in nghiêng nằm ở những vị trí rất xa nhau ta sẽ có:
Thiên I Mưa. quanh… quanh… …phun… vùng… phùn… Tôi iêu những chiếc quần lót nữ vương trên sàn buồng bình thường. một chiếc nữ ôtô đậu jài đời đợi nữ ngã tư… hình như chỗ này là sử kí ngửa mùa đông? …mưa jơi tia hoa chu vi đêm chiếc ôtô nữ đã chui mui vào cả nữ gara jờ… tội của trăng tuần là júp sáng sẹo công viên. mưa… phun… phun… vùng… phùn… trăng thia lia… gầm jường… Tôi biết một nữ kĩ sư nue…
Thiên VIII …nếu đi theo một đường jây mưa biệt thự nữ xa xa kín ba cổng nữ… 17 phố tòi 13 cột điện hở… liệu có nữ kĩ sư truồng gặp jượt bầu đêm? đại lộ mở ôi tiếng vang im sẹo nằm trong tic tăc.
Thiên XI 17 lối vườn. 17 sẹo trăng non. mưa jọc hở nhà em lằn lằn sẹo nước. cửa sổ jèm hở đăng ten đèn chùm nem… không khí có mùi người thở táp đờ nuit nue suốt ngày đêm… ngòi đùi khuy yếm nữ…
Không thể tưởng tượng rằng những bài thơ này là kết quả lắp ghép của một người đọc. Cũng chính nhờ vào những đoạn văn in nghiêng này độc giả mới hiểu rằng tiểu thuyết được diễn ra trong khi bên ngoài trời mưa và cơn mưa phùn này không bao giờ chấm dứt. MỘT BÈ ĐỆM do vậy có thể vừa là “mưa”, vừa là “thơ”, vừa nằm trong tiểu thuyết, vừa nằm ngoài tiểu thuyết. MỘT BÈ ĐỆM trước hết làm giàu thêm cho diễn biến của tiểu thuyết, làm tăng hoặc giảm nhịp điệu của câu chuyện. MỘT BÈ ĐỆM cũng có thể trở thành trò chơi tâm lý:
thằng Truồng bước tới trà mi một bình hoa bàn. bỗng cả bustơ nhà je jé thét gót jài mưa sẹo Mễ tây cơ… - kẻ cắp ss! kẻ cắp ss!
Nếu bỏ đi bè đệm, đoạn thơ sẽ mất tác dụng tâm lý. Độc giả không còn phải nóng lòng chờ đợi cái gì sẽ xảy đến:
thằng Truồng bước tới trà mi một bình hoa bàn. bỗng cả bustơ nhà je jé thét - kẻ cắp ss! kẻ cắp ss!
Rõ ràng, đối với đoạn trích thứ hai, việc đọc trở nên lười biếng hơn. Không còn trò chơi tâm lý nữa, và độc giả cũng không cần phải tự hỏi đâu mới là tiếng thét thực sự je jé. MỘT BÈ ĐỆM ở đây chính là thủ pháp nghệ thuật thú vị của Jờ Joạcx. Nhưng biết đâu MỘT BÈ ĐỆM, đến lượt mình, lại được đệm bằng chính tiểu thuyết? MỘT BÈ ĐỆM được Jờ Joạcx xé nhỏ thành những câu thơ mini và tính phức tạp và độ dài của cuốn thơ-tiểu thuyết sẽ làm nổi bật sự giản dị, cô đọng của những câu thơ đệm ấy. Đọc Jờ Joạcx không thể không giữ lại một vài câu thơ mini như thế này nằm lẫn trong tiểu thuyết: thì đâu địa chỉ của jờ mưa? / ai ján sẹo tem thư nhờ nhạt ngực phong bì? / bỗng ở sau lưng có tiếng đồng hồ / sẹo của sân ga là khách muộn tàu / nếu có sẹo ngã tư mưa nên có sẹo người chờ / mưa vi ni lông múa nữ lọc vòng lòng / he hé sẹo hoa non Vạn Lịc ngậm đồng tiền / xe nữ cứu hoả tưới phẩm đỏ / tội lỗi của bình minh là tứ phía sẹo người đi… Đọc Jờ Joạcx không thể không giữ lại cơn mưa phùn dai dẳng của MỘT BÈ ĐỆM. Đọc Jờ Joạcx không thể không thấy tình cảm của người viết dành cho bè MỘT BÈ ĐỆM: khi nhân vật tôi đi ra phố gặp mưa, tiểu thuyết cũng đến với bè đệm, là những chương đoạn êm đềm nhất của Jờ Joạcx. Chính ở cuộc gặp gỡ này, nhân vật tôi đã hoá thân thành thằng Truồng và cô nữ kĩ sư nue được hắn gọi bằng em. MỘT BÈ ĐỆM đã được tiểu thuyết ĐỆM lại một cách kín đáo và dịu dàng như thế. Ba phần Đề từ-sẹo, Tựa jờ joạcx và 17 thiên jờ joạcx được xếp theo trình tự tăng dần về nhịp điệu và cường độ. Từ không nhân vật đến có nhân vật. Từ không có chuyện đến có cốt chuyện. Từ một lời kể đến nhiều lời kể. Từ thơ và tiểu thuyết đến có thêm MỘT BÈ ĐỆM.
3. NHÂN VẬT CHÍNH vừa BẤT CHÍNH Lời kể đầu tiên của nhân vật tôi trong Tựa jờ joạc là một câu hỏi: tôi không hiểu tôi bò 2 chân trên sẹo joạc jờ nào? Lời kể đầu tiên của nhân vật tôi trong 17 thiên jờ joạcx (đến sau lời nhân vật tôi của MỘT BÈ ĐỆM) là một câu khẳng định: tôi không hiểu tôi đang bò 2 chân trên jờ joạc quần nào. Nhân vật tôi của Tựa jờ joạcx thổ lộ: tôi lúc nhúc cả ngày tứ phía câu - đố bé - tí. ẩn số hở số những hạt cốc tách song song xe cộ. người. jờ. Nhân vật tôi của 17 thiên jờ joạcx thực sự bận rộn và không tự hỏi, hoặc bị hỏi như thế: vả lại tôi đang bận hiệu đính quyển Lịc-jic-đồ đạcx gồm 6-3 thiên 17 tuổi… 17 thiên bình minh. 17 thiên mưa muộn. 17 thiên xe cộ jờ tàu chạy. 17 thiên gái mùa hạ và hài nhi. 17 thiên thì tiết sương muối và sẹo nữ. Nhân vật tôi của Tựa jờ joạcx không quan tâm lắm đến thằng Truồng. Nhân vật tôi của 17 thiên jờ joạcx lại chơi thân với thằng Truồng, tra cứu hộ thằng Truồng, ngồi nghỉ cùng hắn, lưu í sử kí cho hắn, và nhất là có một lúc hiếm hoi: tôi tòi/ toàn bộ một thằng Truồng/ ôm sẹo trước nhà em. Tôi của Tựa jờ joạcx thì thường trực jục cưới, còn tôi của 17 thiên jờ joạcx lại bị con nữ kĩ sư truồng jục cưới, đến nỗi ngay lập tức phải hóa thân thành một người đàn ông sợ có gia đình với những lo lắng thường ngày : … bàn ghế tủ và lò sưởi và địa chỉ đồ đạcx và jèm cửa. drap và bít tấtx… và củi đóm khăn mặt và gạo và xoong nồi mua jồi và tã lót tiết đông chí và jây cót và trẻ mỏ hàng xóm và cầu thang và jầy jép len chưa đan và quà cáp họ mạcx và tàu điện và vườn trẻ buổi sớm và bánh trái đồ nilông đồ đồng và đồ nhựa đồ hộp và thời đại đồ đạcx và thuốc lá và chlorocid và con cái jếch jácx và tiền nhà măng miến tết và về làng họ hàng vấn đề nhi đồng và chia lương ja và chậu tắm cho con mùa nực và kế hoạch trên mọi sự và hiếu hỉ và tiền vệ sinh và nửa tá mùi xoa bà chị…, để cuối cùng nhận một cái tát trái mặt. Hai nhân vật tôi trái ngược này có thể là một? Khó có thể nói chính xác toàn bộ Jờ Joạcx được kể bởi bao nhiêu nhân vật tôi, ngay cả trong MỘT BÈ ĐỆM cũng có một người xưng tôi cất tiếng xen kẽ với lời kể của nhân vật tôi trong tiểu thuyết. Tất cả bọn họ đều cùng chung sở thích phụ nữ, từ vựng, ngữ pháp, cùng một cách phát âm, cùng không có tên, cùng vô nghề nghiệp hoặc đã bỏ nghề, cùng có cặp mắt Mông Cổ lai, cùng đã gặp một con nữ vận động viên, cùng thích thịt, cùng thích uống, cùng thích cởi truồng, cùng được hóa thân thành một nhân vật khác. Tôi của 17 thiên jờ Joạcx là thằng Truồng nhưng thằng Truồng chính là Đốc tơ Tòi, rồi cuối cùng là thằng Tòi khi hắn từ chức cấp vị tiến sĩ. Trong khí đó, nhân vật tôi của Tựa jờ joạcx cũng tự thú nhận là thằng Tòi. Khi nhân vật của Jờ Joạcx được Trần Dần gọi là nhân vật chính vừa bất chính, có thể hiểu theo nhiều cách: nhân vật vừa chính vừa phụ, hoặc, nhân vật chính là kẻ bất chính, hoặc nữa, nhân vật vừa chính trực vừa bất chính… Dù cách nào đi nữa, nhân vật của Jờ Joạcx cũng là một trường hợp đặc biệt và nên được hiểu cùng một lúc trong nhiều cách. Nhân vật tôi có mặt thường trực trong tác phẩm như một nhân vật chính, thằng Truồng và thằng Tòi chỉ xuất hiện ở những thời điểm nhất định, như những nhân vật phụ. Hai hành động từ chức tiến sĩ. phó bác sĩ. sử kí. chân lí. thẩm mĩ. / thi sĩ…và vứt 1-9-6-3-sẹo khen chê trong ịic jịc joạcx jờ của nhân vật tôi bộc lộ một bản tính chính trực. Nhưng một kẻ vừa không căn cước vừa nhiều căn cước, một kẻ jứt thánh bỏ trí, chỉ thông minh bằng con bọ ngựa, chơi thân với cái bàn chải cái bô sinh vật kĩ nghệ, mặc quần không xilip, thích khiêu dâm và nhìn trộm, không thể không bị coi là «bất chính». Nhân vật của Jờ Joạcx do vậy vừa chính vừa bất chính, trong mọi cách diễn giải.
4. JỜ và JOẠCX JỜ và JOẠCX đến từ một chữ kép không mang một ý nghĩa chính xác nào: JỜ JOẠCX hoặc JOẠC JỜ, ở trang đầu của tác phẩm, sau đó nhiều lần chúng tách ra, trong hai cuộc phiêu lưu khác nhau, ở hai lộ trình khác nhau. JỜ có thể gợi lại «giờ», có thể mang nghĩa của «giờ», và nghĩa này không thay đổi trong suốt tác phẩm, trong các hợp từ giản dị không có JOẠCX: thì jờ, nghỉ ngoài jờ, vòng tròn jờ, 9 jờ tối, jờ mưa, 11 jờ khuya, jờ jọc, 23 jờ đêm. Nếu như JỜ được sử dụng để chỉ thời gian - thì JOẠCX vốn không có «nguyên bản» và cũng như rất nhiều con chữ khác của Jờ Joạcx, nó không thể tìm được bóng dáng của mình trong các từ điển tiếng Việt. JOẠCX được dùng lần đầu trong hợp từ các kilomét đùi joạcx, đùi ở đây là của nhân vật nữ có tên là con nữ vận động viên. Sau đó JOẠCX trở thành JOẠC trong cụm từ buồng joạc được lặp đi lặp lại rất nhiều lần ở những thiên tả phòng riêng của con nữ kĩ sư truồng, một nhân vật nữ khác của tiểu thuyết. Như thế JOẠCX hay JOẠC có vẻ được sử dụng như một một tính từ giành cho phái nữ. Nhưng khó có thể xác định được ý nghĩa chính thức của JOẠC trong mười tám lần xuất hiện, mỗi lần để báo trước một hay vài chi tiết khác nhau mà nhân vật tôi lần lượt khám phá trong phòng riêng của nữ kĩ sư. Vậy, có thể nói, nếu JỜ đi từ vô nghĩa trong cụm từ jờ joạcx đến có nghĩa trong các hợp từ khác - thì JOẠCX và JOẠC đi từ vô nghĩa đến đa nghĩa, và chính vì đa nghĩa mà chúng vẫn không có căn cước, vẫn tiếp tục là những con chữ tự do. Cái hay của JOẠCX và JOẠC là chúng kích thích trí tưởng tượng của độc giả, để họ tự lần tìm ý nghĩa của chúng, và bằng cách ấy, đã tham gia vào việc sáng tạo của tác giả. Jờ joạcx, do vậy, không giới hạn trong một văn bản, nó sẽ là kết quả của vô số bản “dịch” và có thể rất nhiều trong số đó nằm ngoài dự định của bản thân Trần Dần. Trần Dần đã không đặt tên tiểu thuyết là «Chuyện tình thằng Truồng và cô kỹ sư» hay «Chuyện tình một đêm», hoặc một cái gì tương tự. Ông đã chọn Jờ Joạcx như để tập hợp lại các cuộc hành trình nhiều chiều trong tác phẩm, như một lời gợi ý rằng việc đọc nó trước nhất phải thông qua những cuộc du lịch của các con chữ. Ngoài SẸO, NỮ, THỊT, ĐỒ ĐẠCX, JỜ và JOẠCX, những chuyển động không báo trước của các con số, các lũy thừa…cũng là những ví dụ lý thú có thể tìm thấy trong tác phẩm lạ này.
|