|
Coi chừng, những con vẹt sẽ nhận chiếc bồn tiểu!
[chuyên đề
TRẦN DẦN]
|
|
Tôi cám ơn tinh thần tranh luận của Phạm Chí Diệp nhân đọc bài "Nguyễn Ly và chiếc bồn tiểu" do tôi viết. Tuy vậy, rất tiếc Phạm Chí Diệp đã suy diễn sai lời tôi và sơ sót khi trích dẫn Duchamp. 1. Phạm Chí Diệp đã sai lầm khi đặt cho tôi câu hỏi: Đã «chống lại nghệ thuật duy mỹ» mà sao Duchamp còn muốn làm «nổi bật những đường cong tuyệt đẹp» như «những đường cong của nàng Madonne xinh đẹp»? Phạm Chí Diệp đã tự ý thêm chữ “như”. Xin lưu ý, tôi không sử dụng từ «như» mà viết là «M. Duchamp đã suy tính những nguồn chiếu sáng để làm nổi bật những đường cong tuyệt đẹp của đồ vật, có thể sánh được với những đường cong của nàng Madonne xinh đẹp». Có thể sánh được không có nghĩa là như. Những sự vật khác hẳn nhau vẫn có thể sánh được với nhau. Fountain và nàng Madonne (trong các tác phẩm nghệ thuật tạo hình) là 2 giá trị nghệ thuật hoàn toàn trái ngược và độc lập nhưng có thể sánh được với nhau bởi chúng đều đã đi vào lịch sử nghệ thuật, đều đã trở thành những dẫn chứng tiêu biểu của những thời đại nghệ thuật khác nhau. Những đường cong của fountain và của nàng Madonne không bao giờ như nhau cả! Xin Phạm Chí Diệp lưu ý thêm rằng chữ «đẹp» trong câu «những đường cong tuyệt đẹp» của tôi không phải là cái «đẹp» đã được xếp hạng thời ấy. Ý niệm «đẹp» không bao giờ là một giá trị bất di bất dịch. Marcel Duchamp đã lật ngược chiếc bồn tiểu để gợi ý những đường cong mới, chưa từng được nhìn thấy, trái ngược hoàn toàn với những đường cong sẵn có của bồn tiểu. Fountain là lời thách thức của Marcel Duchamp đối với tất cả những gì đã trở nên quen thuộc. Cái mới, sự thách thức, cũng có thể được đánh giá là «tuyệt đẹp». Tôi không đơn giản hoá một tác phẩm nghệ thuật chỉ vào những đường cong. Trong bài viết trước, tôi đã đề cập đến nhiều phẩm chất khác của nó: «Tác phẩm nghệ thuật chứa đựng bên trong nó một quan niệm, lý thuyết và lý luận mỹ học, một thách đố với thời đại, một hành động chối từ các quan niệm thẩm mỹ khác. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của rất nhiều lao động tìm kiếm». Phạm Chí Diệp tiếp cận tác phẩm nghệ thuật chỉ nhờ vào những hướng dẫn của Hans Richter, Abraham A.Davidson, Jonathan Loesberg, Thierry de Duve. Nhưng tôi đã nghiên cứu Fountain một cách khác: tôi xem xét tác phẩm rất kỹ, dù chỉ qua những bức ảnh, cả tổng thể lẫn chi tiết, cả không gian lẫn ánh sáng. Fountain đã đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi, từ những tuyên bố của Marcel Duchamp đến cách ông can thiệp vào đồ sản xuất hàng loạt (ready-made) hay cách ông gọi tên tác phẩm. Tôi không chỉ bằng lòng với “ý niệm”. Theo tôi, để nhận xét một tác phẩm nghệ thụât, cần khảo sát không chỉ ý đồ mà cả quá trình thực hiện ý đồ và kết quả cuối cùng. Bản thân các tác giả lớn cũng có thể không lường trước được những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình thực hiện ý đồ. Nếu tất cả đều logic, đều chủ động được, có lẽ sẽ không có những cuộc phiêu lưu trong nghệ thuật! Tôi đã viết "Nguyễn Ly và chiếc bồn tiểu" không phải để tranh luận Fountain của Marcel Duchamp đẹp ở chỗ nào, mà để phản đối việc Nguyễn Ly đã đồng nhất chiếc CD của anh xích lô với Fountain của Marcel Duchamp (bài: "Anh xích-lô và Marcel Duchamp"). Theo tôi, đồ vật trở nên tác phẩm nghệ thuật chỉ trong điều kiện nó được sử dụng bởi nghệ sĩ trong mục đích nghệ thuật. 2. Phạm Chí Diệp không cần thiết phải chứng minh cho tôi biết rằng phòng triển lãm 291 «không sang» và «không giàu có ánh sáng». Xin Phạm Chí Diệp chú ý câu tôi đã viết trong bài trước: «chiếc bồn tiểu đã được lộn ngửa, được đặt trên bục trắng, được bầy trong một không gian trang trọng , được chiếu sáng vô cùng thông minh bởi chính hoạ sĩ». Trang trọng không có nghĩa là «sang», nhất là trong nghệ thuật. Lâu đài, cung điện có thể là những nơi rất «sang» nhưng chưa chắc đã là những không gian trang trọng cho nghệ thuật. Một diện tích nhỏ bé «khiêm tốn» hoàn toàn có thể được các nghệ sĩ chọn để triển lãm tác phẩm của mình. Phạm Chí Diệp có biết rằng bãi để xe, bãi rác, chuồng ngựa, nhà ga, bến tầu, lò mổ gia súc,… cũng nhiều lần được dịp trở thành chỗ trưng bày nghệ thuật? Nhưng điều đó không có nghĩa là những nơi triển lãm này kém phần trang trọng. Tương tự, một tác phẩm nghệ thuật phải được chiếu sáng như thế nào? Điều này chỉ người nghệ sĩ làm ra nó mới quyết định nổi. Phòng triển lãm không nhất thiết phải «giàu có ánh sáng» nhưng từ những phương tiện «khiêm tốn» của Gallery 291, Marcel Duchamp vẫn có thể tìm được cách để chiếu sáng chiếc bồn tiểu một cách thông minh theo ý của ông, không cần nhờ đến hàng trăm ngọn đèn hay hàng nghìn ngọn nến. 3. Phạm Chí Diệp đã sai sót khi trích dẫn câu tuyên bố: «I threw the bottle-rack and the urinal into their faces as a challenge and now they admire them for their aesthetic beauty» (Tôi đã ném cái kệ chai và chiếc bồn tiểu vào mặt họ như một sự thách đố và bây giờ họ lại cảm phục chúng vì cái đẹp mỹ học của chúng). Tôi xin bổ sung: a. "Họ" trong lời tuyên bố này là ai? Sau đây là toàn bộ lời tuyên bố trích từ cuốn Dada: Art and Anti-Art của Hans Richter (McGrawHill, New York, 1965): “This Neo-Dada, which they call New Realism, Pop Art, Assemblage, etc., is an easy way out, and lives on what Dada did. When I discovered the ready-mades I sought to discourage aesthetics. In Neo-Dada they have taken my readymades and found aesthetic beauty in them, I threw the bottle-rack and the urinal into their faces as a challenge and now they admire them for their aesthetic beauty”. (Tạm dịch: Phong trào Dada Mới này mà họ gọi là Chủ nghĩa Hiện Thực Mới, Pop Art, Lắp ráp, v.v là một kiểu dễ dàng, và sống nhờ cái Dada từng sống. Khi tôi phát hiện ra đồ sản xuất hàng loạt, tôi đã loại trừ thẩm mỹ. Trong phong trào Dada Mới, họ đã lấy đồ sản xuất hàng loạt của tôi và thấy ở đó cái đẹp mỹ học. Tôi đã ném cái kệ chai và chiếc bồn tiểu vào mặt họ như một sự thách thức và bây giờ họ lại cảm phục chúng vì cái đẹp mỹ học của chúng) b. Ai là tác giả thật của lời tuyên bố này? Hans Richter trong cuốn Dada: Art and Anti-Art đã khẳng định rằng "lời tuyên bố" trên lấy từ một bức thư của Marcel Duchamp viết cho ông ta năm 1961. Tám năm sau, vẫn Hans Richter, trong cuốn sách khác có tên Begegnungen von Dada bis Heute (Köln, DuMont Schauberg, 1973), lại thú nhận rằng "lời tuyên bố" này không phải của Marcel Duchamp. Thực tế sự việc hoàn toàn khác: trước khi xuất bản Art and Anti-Art, Hans Richter đã hỏi ý kiến Marcel Duchamp về đoạn viết sau: « You threw the bottle rack and the urinal into their face…» (Anh đã ném cái kệ chai và chiếc bồn tiểu vào mặt họ...). Vẫn theo lời thú nhận của H.Richter: Marcel Duchamp, sau khi đọc, chỉ viết nghệch ngoạc bên lề: OK, ça va très bien (OK, rất tốt) Tóm lại, không thể khẳng định rằng “lời tuyên bố” trên là của Marcel Duchamp. Tất cả đều do H.Richter "kể" lại, và chúng ta có quyền nghi ngờ lòng trung thực của ông ta. Vậy, tôi đề nghị Phạm Chí Diệp khi trích dẫn nó nên trích dẫn đầy đủ và tham khảo nhiều tài liệu khác nhau. Nếu được cung cấp những chi tiết trên, người đọc sẽ biết một sự thật rằng Hans Richter - nhà văn và điện ảnh của Dada - đã sáng chế ra “lời tuyên bố” này, gán nó cho Marcel Duchamp, và sử dụng nó để tấn công cái đẹp mỹ học của các phong trào được gọi là Dada Mới. Tấn công các khuynh hướng nghệ thuật khác là việc làm thường thấy trong lịch sử nghệ thuật. Điều đó hẳn không có gì phải bàn, chính nhờ các cuộc tấn công như vậy mà nghệ thuật mới tiến lên và trở nên giàu có, đa dạng. Nhưng lời chỉ trích trên của Hans Richter cho đến bây giờ có công bằng hay không? Tôi xin lưu ý Phạm Chí Diệp một số điểm: - Hans Richter đã nhầm lẫn khi gọi Assemblage (Lắp ráp) là Dada Mới. Assemblage ra đời thậm chí trước cả Fountain của Duchamp và đương nhiên là trước Dada. Ngay từ năm 1913, Picasso đã thực hiện tác phẩm Construction: mandoline et clarinette với các vật liệu là gỗ thông, bút chì và sơn. Tác phẩm này cũng được đánh giá là của trào lưu Assemblage. - Hans Richter cũng nhầm lẫn khi nói rằng Pop Art sống nhờ cái Dada đã từng sống. Ai cũng biết rằng các nghệ sĩ của Pop Art không chỉ sử dụng đồ sản xuất hàng loạt, họ sử dụng cả những chất liệu khác như các hình ảnh lấy ra từ tranh quảng cáo hay báo chí… để tạo nên nghệ thuật riêng của mình. Ví dụ Lichtenstein, một trong những nghệ sĩ tiên phong của Pop Art, đã sử dụng lại các hình ảnh có sẵn từ tranh truyện và từ các tác phẩm nghệ thuật của các tác giả tiền bối ngay trước ông. Kết luận: Phạm Chí Diệp đã phê bình Như Huy “chỉ dựa vào một số lời phát biểu của S. Lewitt… rồi suy luận quy nạp một cách rất vội vã về tính cách “nghệ thuật khái niệm” của tập thơ Mùa Sạch của Trần Dần”. Tôi xin nhắc Phạm Chí Diệp rằng bản thân Phạm Chí Diệp chỉ dựa vào một “lời tuyên bố của Duchamp” để kết luận: “cách hiểu của Vĩnh Phương về tác phẩm Fountain là “rất có vấn đề”. Đáng tiếc, “lời tuyên bố” này chưa chắc đã là của Duchamp! Theo dẫn chứng trên, nó được sáng chế bởi Hans Richter, một thành viên của Dada, nhằm mục đích tấn công những trào lưu nghệ thuật ngoài Dada. Theo tôi, khi nhận định ý kiến người khác, Phạm Chí Diệp phải dựa vào kiến thức tổng hợp của bản thân mình chứ đừng chỉ mượn lời danh nhân. Rồi khi sử dụng lời danh nhân cũng nên kiểm tra nguồn gốc, xuất sứ, ngữ cảnh… Trong bài viết vừa qua của Phạm Chí Diệp, không có một lời nhận xét mang tính cá nhân nào về Fountain, chỉ thấy các danh nhân nói hộ. Bây giờ nếu có độc giả khác dùng lời của một danh nhân khác để phản đối bài viết của Phạm Chí Diệp thì sao? Theo tôi, Phạm Chí Diệp nên học tập các danh nhân để tạo cho mình một kiến thức vững vàng, một lập trường riêng, hơn là cứ đi theo đuôi rồi nhắc lại lời họ. Lời tuyên bố mà Hans Richter gán cho Duchamp đã cần thiết cho thời điểm đó, nó có vai trò kích thích phát triển các trào lưu nghệ thuật đương thời. Nhưng đến năm 2003, lời tuyên bố này không còn ý nghĩa như thế nữa: ngày nay không ai có thể phủ nhận những thành quả nghệ thuật của những trào lưu được gọi là Dada Mới. Tôi không tin là Duchamp muốn có những fan cứ leo lẻo nhắc lại lời ông mà không thèm xem xét tác phẩm của ông. Coi chừng, Duchamp là người cực kì khiêu khích. Ông có thể ném chiếc bồn tiểu vào mặt những con vẹt đấy! |