|
Phải chăng Mùa Sạch là "nghệ thuật ý niệm"?
[chuyên đề
TRẦN DẦN]
|
|
Ðọc bài tham luận của Như Huy, "Tác phẩm Mùa Sạch của Trần Dần qua góc nhìn của nghệ thuật khái niệm", ngay từ câu nhập đề tôi đã thấy một lối khẳng định quá trớn. Vừa vào bài, Như Huy đã viết: "Có thể nói tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần chính là một tác phẩm trọn vẹn nhất của nghệ thuật khái niệm (conceptual art). Trần Dần chính là nhà khái niệm (conceptualist) đầu tiên của văn nghệ Việt Nam." Như Huy chỉ tuyên bố một cách quả quyết như vậy để rồi sau đó không hề đưa ra một định nghĩa rành mạch về "nghệ thuật khái niệm", và cũng không hề phân tích văn bản tác phẩm Mùa Sạch để chứng minh vì sao có thể xem nó là "một tác phẩm trọn vẹn nhất của nghệ thuật khái niệm" và "Trần Dần chính là nhà khái niệm đầu tiên của văn nghệ Việt Nam". Ðọc toàn bài tham luận của Như Huy, tôi thấy ông chỉ dựa vào một số lời phát biểu của Sol LeWitt trong bài "Paragraphs on Conceptual Art", rồi suy luận quy nạp một cách rất vội vã về tính cách "nghệ thuật khái niệm" của tập thơ Mùa Sạch của Trần Dần. "Nghệ thuật ý niệm" (conceptual art) [tôi thấy trong trường hợp này chữ "ý niệm" thích nghi hơn là "khái niệm"], hiểu một cách ngắn gọn, là một dạng nghệ thuật nhằm phô bày một tiến trình (process) thực hiện tác phẩm mà chính tiến trình ấy phản ảnh một "ý niệm" (concept) mang giá trị mỹ học. Một đặc điểm nổi bật của "nghệ thuật ý niệm" là nó nhấn mạnh vào tiến trình thực hiện (process), chứ không vào sản phẩm đã hoàn tất (product). Bởi thế, nó còn có tên gọi là "nghệ thuật tiến trình" (process art). Người biết thưởng lãm "nghệ thuật ý niệm" không nhìn vào cái "product" để đánh giá đẹp xấu, mà phải biết phân tích cái "process" để nhận ra và thẩm định giá trị mỹ học của cái "concept" mà nghệ sĩ muốn trình bày. Khi nghe một tấu khúc, người ta thưởng thức "cái đẹp của âm nhạc"; khi ngắm một bức tranh, người ta thưởng thức "cái đẹp của hội hoạ"; khi đọc một bài thơ, người ta thưởng thức "cái đẹp của văn chương", v.v...; nhưng khi đến với một tác phẩm nghệ thuật ý niệm, người ta thưởng thức "cái đẹp của ý niệm". Nói tóm lại, "cái đẹp của ý niệm" không phát ra từ cái đống ngổn ngang vô nghĩa của cái "product", mà phát ra từ cả cái "process" mà tác giả đã trải qua. Đọc Mùa Sạch, nếu đem lối thẩm định "nghệ thuật ý niệm" ra mà áp dụng, thì ta thấy cái "ý niệm" của nó là gì? Phải chăng "ý niệm" đó chỉ là kỹ thuật tái điệp của bốn chữ "trong", "sạch", "sáng", "mùa" dàn trải suốt cả tập thơ? Kỹ thuật ấy có gì đáng gọi là một "ý niệm" có khả năng tồn tại độc lập như một giá trị mỹ học độc đáo? Những khúc hát dân gian ở nước ta cứ lập đi lập lại những câu "là hù là khoan", "ố tang tình tang", "ố mấy tang tình"... suốt từ đầu đến cuối thì có phải là một thứ "nghệ thuật ý niệm" không? Và chủ điểm thẩm mỹ của những khúc hát ấy có phải nằm ở chỗ những câu "là hù là khoan", hay chính là nằm ở lời thơ lục bát? Cũng vậy, khi đọc Mùa Sạch , phải chăng ta đừng nên nhìn vào cái "product", là toàn bộ chữ nghĩa của tập thơ, mà chỉ tập trung phân tích cái "process" của kỹ thuật tái điệp của bốn chữ "trong", "sạch", "sáng", "mùa" xen kẽ trong khối chữ nghĩa ấy, và thưởng thức "cái đẹp" của nó? Mùa Sạch , tất nhiên, như mọi tác phẩm nghệ thuật trên đời, không tránh khỏi chứa đựng những ý niệm nho nhỏ nào đó. Kỹ thuật nào (dù hay hoặc dở) mà tự nó chẳng phải là một ý niệm? Nhưng nó có khả năng tồn tại độc lập như một ý niệm mang giá trị mỹ học độc đáo hay không thì lại là chuyện khác. Theo tôi, Mùa Sạch vẫn là một tập thơ, một cái "product", cần được đọc kỹ để tìm kiếm "cái đẹp của văn chương" trong đó, nếu có; chứ chưa phải là một thứ "nghệ thuật ý niệm" thuần tuý để người đọc lục lạo khảo sát cái "process" mà tìm kiếm "cái đẹp của ý niệm". (6.2003) |