|
Trần Dần, giữa giai thoại và văn bản
[chuyên đề
TRẦN DẦN]
|
|
Trong một nền văn chương nghiệp dư, chúng ta quen sống bằng giai thoại, nhận định, phê bình cũng bằng giai thoại. Một số bài viết về Trần Dần tôi vừa đọc trên Tiền Vệ là ví dụ. Cùng với giai thoại là những nhận xét đầy cảm tính về tác giả và tác phẩm, rồi đến những kết luận thường là ở cấp so sánh tuyệt đối. Hầu như chúng ta ít khi làm việc trên văn bản. Với tất cả sự trân trọng, cảm thông với các tác giả thuộc nhóm Nhân văn - Giai phẩm, tôi thấy cần bổ sung một vài ý kiến về hiện tượng văn học này. Và có lẽ không chỉ là ý kiến cá nhân tôi, tôi tin rằng rất nhiều người chia sẻ quan điểm của tôi. Để xác định thế nào là “tinh thần Nhân văn - Giai phẩm”, chúng ta có khá nhiều tư liệu để có thể dựng lại thời kỳ lịch sử đó ở cả hai giai đoạn, giai đoạn xảy ra biến cố và giai đoạn sau biến cố. Giai đoạn thứ hai dài hơn và tác động sâu xa hơn đến các tác giả thuộc nhóm Nhân văn – Giai phẩm, làm biến dạng “tinh thần Nhân văn - Giai phẩm” và để lại dấu ấn trong sáng tác của các ông. Nhưng lịch sử không phải là những gì đã xảy ra mà là cung cách diễn đạt những gì đã xảy ra. Các ông đã sống nhiều năm trong im lặng và nhẫn nhục, các ông đã được công chúng gán cho vầng hào quang tử vì đạo trong suốt thời kỳ dài đằng đẵng đó. Tất cả đã trở thành giai thoại. Cho đến khi các ông được in tác phẩm của mình. Người đọc đã chờ đợi, đã háo hức và đã… hẫng hụt. Đó là một sự thật đáng buồn. Nỗi thất vọng của người đọc cũng dễ hiểu. Họ đã kỳ vọng, và rồi giữa kỳ vọng với thực tế tác phẩm là một khoảng cách không nhỏ. Không thể trách người đọc là đã kỳ vọng quá cao ở các ông. Họ có quyền kỳ vọng ở những ngươi đã tự nguyện nhận lãnh sứ mệnh cao cả của nhà văn - lương tri của thời đại, chứng nhân của lịch sử… cho dù sau này không ít ngòi bút đã chối bỏ sứ mệnh cao cả đó. Cũng không phải người đọc chỉ kỳ vọng về phương diện chính trị–xã hội mà chính là họ đã kỳ vọng và đã thất vọng về phương diện nghệ thuật. Người đọc không ngây thơ đến mức trông đợi ở các ông những gương mặt chính khách hay triết gia mà là những Prometheus có khả năng soi sáng con đường nghệ thuật cho các thế hệ kế tiếp. Hơn nữa, các ông phải là những tấm gương về tinh thần sáng tạo mạnh mẽ, khoáng đạt và tự do. Vậy mà... Khi những tác phẩm được chờ đợi, được thì thào, được chuyền tay một vài đoạn ngắn ngủi ấy ra đời trong ánh sáng ban ngày với tất cả diện mạo thì chỉ có một sự im lặng hồi đáp. Có thể người đọc tế nhị không muốn làm tổn thương thêm những số phận đã quá u ám mà cũng có thể là họ cảm thấy ngượng ngập vì lý do nào đó? Trừ một vài lời nồng nhiệt thái quá từ những “fan” của các ông, bây giờ chúng ta lại nghe tiếng tụng ca ồn ào ở hải ngoại. Riêng hai chữ “hải ngoại” thôi cũng đã thấy dường như vấn đề không chỉ nằm trong phạm vi nghệ thuật thuần tuý. Khi những “Ô mai”, “Bến lạ” của Đặng Đình Hưng, “Bên kia sông Đuống”, “Men đá vàng” của Hoàng Cầm, “Bóng chữ” của Lê Đạt, “Cổng tỉnh”, “Mùa sạch” của Trần Dần... ra đời, người đọc tự hỏi: Những ngòi bút đã bao năm tháng âm thầm chịu khổ nạn, âm thầm tôi luyện để rồi đưa ra cho chúng ta có vậy thôi sao? Điều đáng ghi nhận là sự im lặng đối với Trần Dần. Không phải vì kỳ vọng đối với ông là lớn nhất mà vì nỗi thất vọng đối với ông là rõ rệt nhất. Cái người được thì thào nhiều đến thế, được các đồng chí của mình vì nể đến thế (trên trang bìa một bản thảo “Ô mai” của Đặng Đình Hưng có lời đề tặng viết tay: “À TD, mon maitre”), và bây giờ được Tiền Vệ coi là nhà thơ hàng đầu của xứ sở, những tác phẩm “nằm” nay được dựng dậy đã không gây ra một chấn động thẩm mỹ nào như lẽ ra phải có. Ông đi quá xa và quá nhanh trên lộ trình sáng tạo chăng? Người đọc quá ngu dốt không thể hiểu được công trình sáng tạo kỳ vĩ của ông chăng? Có lẽ đó là quan điểm của một số nhà phê bình nào đó được trang bị cặp mắt xanh chứ không phải của chúng tôi, những độc giả tầm thường đã quen biết ông đôi chút, yêu mến ông đôi chút, kỳ vọng ở ông đôi chút. Chỉ đôi chút thôi vì chúng tôi muốn được yêu mến ông trên văn bản, thán phục ông trên văn bản chứ không phải qua các giai thoại. Hoặc giả người đọc đã biết ông ít nhiều qua “Nhất định thắng”, “Người người lớp lớp” và thấy rằng Trần Dần của “Cổng tỉnh”, “Mùa sạch”- cả của “Jờ joạcx” nữa - dẫu hình thức có tân kỳ hơn cũng vẫn là Trần Dần của “Nhất định thắng”, “Người người lớp lớp” xưa kia. Mà “Nhất định thắng” hay “Người người lớp lớp” rõ ràng là giá trị nghệ thuật chẳng nhiều nhặn gì, dù nhìn ở góc độ nào đi nữa. Chúng tôi không dám nhận là có thể “đọc xuyên qua được những trang bản thảo” của ông như một bài viết về ông trên Tiền Vệ, nhưng chắc chắn ông không đóng vai trò nào trong những giày vò trăn trở của chúng tôi, ông cũng chưa bao giờ là tấm biển chỉ đường cho lớp hậu sinh trong bóng hỗn mang của đời sống tinh thần xứ sở, ngay cả khi chúng tôi có thể đọc ông trọn vẹn. Dứt khoát thơ ông không phải là thứ thực phẩm mà nền văn học của chúng ta đói khát, không phải là thứ ánh sáng cuối đường hầm của hành trình khám phá và nhận diện. Mà như vậy thì việc ông được kính trọng và bị từ khước cũng không có gì khó hiểu. Ông được kính trọng vì nhân cách và bị từ khước vì văn cách. Không thể đem nhân cách cầu chứng cho văn cách trong bất cứ trường hợp nào và ngược lại cũng vậy. “Nhân cách của một nhà văn là văn cách của anh ta” là một cách nói, còn trong hầu hết các trường hợp cụ thể, khi bàn đến nhân cách hay văn cách là chúng ta lại lôi giai thoại vào cuộc và che phủ văn bản trong một màn khói xúc cảm chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật. Dẫu sao, ông cũng đã có được chữ ký của mình và có cả một số tín đồ – mà ở xứ ta, việc trở thành một đấng “giáo chủ” không đến nỗi khó khăn lắm – trong số đó có thể có người xuất sắc hơn ông, đôi khi xuất sắc hơn ông chỉ vì không cực đoan như ông. Tôi tự nhận mình thuộc loại “không hiểu” Trần Dần nếu cứ tin vào những giai thoại về ông và sau đó đối chiếu với những gì được đọc. Nhưng có lẽ ông không phải là một tác giả “vượt ra mọi cách” như một lời tán tụng ông, mà ông có cách của ông – cái cách ấy cũng không phải là chưa hề có trong lịch sử văn học, hơn nữa lại dễ bắt chước. Có vẻ như ông đang là lời biện hộ đáng ngờ cho một lối làm văn chương tự nhận là duy mỹ, chỉ có chức năng giải trí, sau khi các tác giả của lối làm văn chương ấy đã kiêu hãnh tẩy rửa mọi chức năng khác ra khỏi tác phẩm, nhân danh tinh thần hiện đại và hậu hiện đại. Tôi e rằng bản thân ông lúc sinh thời không hề nghĩ như vậy và việc coi văn chương chỉ như một trò chơi chính là phản lại ông. Nhưng dù sao tôi cũng đã nhận là mình không hiểu được cái “khối khổng lồ” có thể “vượt ra mọi cách” ấy! Một thiên thể vượt ra khỏi tầm nhìn của mọi loại kính viễn vọng thì hoặc là thiên thể ấy ở quá xa chúng ta, hoặc là thiên thể ấy không tồn tại! |