tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Bên kia khung kính  [chuyên đề  VĂN NGHỆ HẬU HIỆN ĐẠI]
tặng Lê Thành Nhơn

I. Trên xe lửa.

Đang dọn rác trong một khoang tàu trống, người lao công tình cờ thấy một tờ báo hàng ngày ai vất trên ghế. Khi cúi xuống nhặt, một vài chữ in nơi nhan đề một bản tin làm anh hơi tò mò. Cột báo đã bị xé rách. Anh đọc thấy những chữ còn lại như sau:

                             Nhảy vào tranh pic

                                New York: Một người đàn ôn
                                niên bất ngờ nhảy thẳng
                                tranh Les Demoise
                                Picasso vào lúc 1
                                tại Viện Bảo T
                                Đại. Tấm kính
                                khiến n
                                xuống
                                gần đó
                                bất
                                gọi
                                s
                                Đư
                                viện bả
                                nhiều tuầ
                                biết đã nhìn th
                                bức tranh này nhiều g

II. Tháng 7 năm 1907.

Khi bước vào gian phòng ấy, tôi nghĩ đó là một phòng vẽ, nhưng đồng thời lại có cảm giác rằng đó là một nhà thổ. Cảnh tượng đập ngay vào mắt tôi là năm người đàn bà trần truồng. Bốn ả đang đứng và một ả đang ngồi. Giữa họ và tôi là một chiếc bàn nhỏ, màu trắng, trên đó có vài thứ trái cây. Phía sau họ là những mảnh vải lớn, màu xanh và đỏ, treo rũ xuống và nhàu nát. Cả năm người đều rất trẻ. Tôi đoán thế, vì cơ thể họ săn chắc, nở nang và xinh đẹp. Phía ngoài cùng, bên trái, là một ả da nâu, có vẻ như người Tahiti với mái tóc đen dài. Ả này đứng hơi xiên đối với góc nhìn của tôi, một tay duỗi thẳng theo người, tay kia chống lên tường. Kế bên là một ả da trắng, cũng có mái tóc đen dài. Ả này đứng hoàn toàn đối diện với tôi, tay trái cầm một mảnh vải để hờ trên đùi, tay phải giơ lên, vắt ngược ra phía sau, để lộ nách trắng nõn. Ả đứng kế cũng da trắng, cũng ở tư thế đối diện với tôi, mang một tấm vải nhỏ che bộ phận sinh dục. Hai tay ả này cũng vắt ngược ra sau gáy, cho thấy cả hai nách rất trắng. Kế đến là một ả da đen, hay có lẽ mang một mặt nạ đen, vì thân thể nâu hồng. Ả này đứng hơi khuất đằng sau, hai tay giơ lên, vịn những tấm vải rũ. Ả thứ năm ngồi trên chiếc đẩu nhỏ, xoay lưng lại, hai chân dang rộng, hai tay đặt lên hai đầu gối. Ả này xoay đầu nhìn về phía tôi, nhưng khuôn mặt hoàn toàn khuất sau chiếc mặt nạ kỳ dị, trông như những mặt nạ tế thần ở châu Phi. Cả năm người đàn bà đều giữ tư thế bất động như thể đang làm mẫu cho một bức tranh. Đây là lý do tại sao tôi nghĩ đó là một phòng vẽ. Tuy nhiên, kiểu cách đứng, ngồi của họ, và không khí ngầy ngật, kịch cỡm đầy thú tính toát ra từ họ khiến tôi lại có cảm giác đó là một nhà thổ. Phòng vẽ hay nhà thổ? Tôi tự hỏi.

"Le bordel philosophique," một giọng nói chợt cất lên, nửa như nghiêm trọng, nửa như giễu cợt. "Đây là động đĩ triết lý. Xin chào."

Tôi xoay về hướng có tiếng nói và thấy một thanh niên đang ngồi hút ống vố. Tôi nhận ra ngay đó là ai. Đúng như Fernande Olivier mô tả trong hồi ký của nàng, gã là một người "nhỏ con, da sậm màu, mập chắc, linh hoạt, sôi nổi, với đôi mắt đen, sâu thẳm, xoi mói, lạ lùng, gần như lúc nào cũng nhìn chòng chọc. Cử chỉ vụng về, đôi bàn tay đầy nữ tính, áo quần xốc xếch, luộm thuộm. Một vạt tóc, đen và bóng, vắt chéo qua vầng trán thông minh và bướng bỉnh. Ăn mặc nửa như tên bohémien, nửa như người lao động, mái tóc dài chấm xuống cổ áo khoác sờn bạc phếch."

"Xin chào," tôi nói. "Tôi muốn biết phải đây là Avignon không?"

"Quả thế. Nhưng đây không phải là sur le pont d'Avignon l'on y danse l'on y danse... Đây là Avignon trong khu phố đêm ở Barcelona. Mời ngồi."

"Thì ra thế. Đây là bordel, sao không thấy có khách? Anh là khách?"

"Vừa là chủ, vừa là khách."

"Thế còn khách thực sự?"

"Họ ở cả ngoài kia. Bạn thử xoay lại nhìn xem. Họ đứng lố nhố đằng sau khung kính."

Tôi xoay người lại và thấy quả thực rất nhiều người ăn mặc thanh lịch đang đứng ngoài khung kính nhìn vào. Cái nhìn của họ xoi mói và lộ vẻ thích thú. Họ vừa nhìn vừa bàn bạc những gì tôi không thể nghe.

"Ngày nào cũng thế. Từ chín giờ sáng đến tám giờ tối, họ kéo đến đây để thưởng thức qua khung kính." Người thanh niên vừa bập ống vố vừa nói, vẻ hài lòng.

"Xứ này toàn bọn thị dâm như thế sao?"

"Xứ nào chẳng thế. Thời nào chẳng thế."

"Một mình anh làm chủ loại bordel này?"

"Chẳng phải chỉ có một mình tôi. Còn mấy người nữa. Cách đây hai tháng họ có ghé đây chơi."

III. Tháng 5 năm 1907.

Năm người đàn bà trần truồng. Bốn người đứng. Một người ngồi trên chiếc đẩu nhỏ, xoay lưng về phía cửa ra vào, hai chân dang rộng, hai tay đặt trên hai đầu gối. Đối diện với ả là một thanh niên mặc y phục thủy thủ ngồi trước một chiến bàn nhỏ phủ vải đỏ. Trên bàn có một đĩa dưa hấu. Gã ngồi thẳng, đặt hai tay lên bàn, dáng vẻ nghiêm trang và hơi ngượng ngùng trước hình ảnh người đàn bà đối diện đang ngồi dang chân rộng như bày hàng mời khách.

"Quá nhơ nhuốc," tôi nói.

"Thực thế ư? Hay bạn chỉ giả vờ chê trách theo kiểu Baudelaire."

"Baudelaire nói thế nào?"

"Ngươi muốn nhét cả vũ trụ vào ngõ hẻm của ngươi. Mụ đàn bà nhơ nhuốc."

"Thế còn gã mặc y phục thủy thủ kia là ai?"

"Một ông chủ mới vào nghề. James Joyce đấy. Nói cách khác, gã là Stephen Dedalus. Bạn còn nhớ cuối chương hai cuốn A Portrait of the Artist as a Young Man? Ngượng ngùng thế, mà rồi sẽ ngả vào vòng tay của ả kia để được an ủi, mơn trớn thôi."

"A ... có phải đoạn ả ghì cổ Stephen xuống và ép gã hôn?"

"Dạy gã hôn thì đúng hơn. Ả cố gắng nhét cái lưỡi đầy ân sủng vào miệng gã. Ở cuối chương ba, bạn còn nhớ đấy, gã sẽ quỳ xuống trong nhà thờ và thè cái lưỡi còn nhuốm ân sủng ấy ra để nhận bánh thánh. Sau này, năm 1939, gã trở thành tên táo tợn khét tiếng."

"Anh có vẻ gì chua chát với gã?"

"Hẳn thế. Tôi là Minotaur, nhưng gã lại muốn làm Theseus."

"Minotaur?"

"Vâng. Ovid nắm rõ tiểu sử của tôi. Bố tôi là vua Minos ở xứ Crete. Mẹ tôi, Pasiphae, muốn làm tình với con bò đực nên chui vào trong một con bò cái bằng gỗ để đánh lừa con bò đực. Thế rồi, tôi ra đời mang mình người đầu bò. Bố tôi xấu hổ quá, mới ra lịnh cho một nhà kiến trúc tên là Daedalus dựng nên cái mê cung để nhốt tôi. Tôi không thể tìm được đường ra khỏi mê cung, và hằng ngày trai thanh gái lịch xứ Athens bị ném vào cho tôi ăn. Sau đó, dũng sĩ Theseus tìm vào mê cung và giết tôi. Tôi vẫn thắc mắc mãi không hiểu làm sao Theseus có thể biết đường lối trong mê cung để tìm thấy tôi mà hạ sát. Hay Theseus chính là Daedalus? Cũng như gã Stephen Dedalus kia và James Joyce là một."

"Hèn chi tôi nghe nói anh không chịu vẽ chân dung cho Joyce."

"Các chủ bordel philosophique không thể ưa nhau được. Đơn giản là thế."

"Quả là vậy. Tôi có nghe Joyce than rằng anh không có tên tuổi cao hơn ông ấy được, nhưng anh làm việc vài giờ là thu được hai ba chục ngàn franc, còn ông ấy viết mỗi hàng không kiếm được tới một xu."

"Có thế chứ. Nhưng khách hàng chủ yếu là bọn thị dâm, chỉ thích nhìn, chứ đâu thích đọc. Mà Joyce lại dựng nên một mê cung chữ nghĩa. Cái bordel của gã cũng có đủ thứ như tôi: gái điếm, đãng tử và sinh viên y khoa, nhưng cả đám nằm trong mê cung thì ai mà tìm ra."

Một thanh niên ăn mặc tươm tất từ sau tấm màn đỏ bên góc trái bước ra, tay cầm một cuốn sách. Ả trần truồng đang ngồi xoạc chân quay đầu lại nhìn thiết tha vào mắt y.

"Ai đấy?"

"Degas đội lốt sinh viên y khoa đấy."

"Degas đã bảy mươi ba tuổi rồi, sao còn trẻ thế?"

"Chủ bordel là thế. Hằng trăm tuổi cũng chẳng hề gì. Cứ được xem gái điếm tắm mãi như thế, thì cứ tươi mát mãi thôi. Mà gái điếm là bọn tắm nhiều nhất thế gian. Sau này, khi Degas ra đi, ông để lại hơn một trăm bức phác thảo về gái điếm. Em trai của ông ấy tìm được hơn năm chục bức và hủy đi. Trong số còn lại, tôi may mắn nhặt được mười một bức. Thích lắm. Mãi đến năm tôi được chín mươi tuổi, tôi còn hăng hái dựng một loạt bốn mươi cái bordel theo kiểu etching. Trong đó, Degas lại bước vào đứng y chỗ anh sinh viên y khoa kia."

IV. Năm 1971, không rõ tháng.

1.

Không gian xám vây phủ năm người đàn bà trần truồng. Năm cặp vú lấn vào nhau. Những khuôn mặt dị dạng dưới những mớ tóc xoăn và tóc thẳng. Tất cả đều mơ hồ, nhoà nhạt như những chuyển động trong bóng mờ. Chỉ có thân xác của hai ả phía trước hết là thực rõ ràng. Ả bên trái đứng giạng chân, hai tay chống lên nây bụng, mấy ngón tay kiêu hãnh và thách thức chỉ xuống cái âm hộ lưa thưa một chỏm lông đen. Bên cạnh là một ả ngồi giạng chân, tay hai xoa vú, hạ thể ưỡn ra phía trước, khoe cái âm hộ trơn tru nhẵn thín và lỗ đít xinh xắn. Đôi mắt của cả hai ả đăm đắm dõi về một chàng trai. Gã đứng cạnh tấm màn bên góc trái, tay buông thõng, cầm một cuốn sách.

"Degas đấy."

"Lại đội lốt sinh viên y khoa với cuốn sách trong tay?"

"Vâng, ông ấy cứ bước vào bordel bằng lối ấy và diện mạo như thế. Joyce cũng thích bắt chước Degas đội lốt sinh viên y khoa."

"Anh muốn nói đến Lynch, sinh viên y khoa, nhân vật của Joyce?"

"Thì cũng chính là Joyce đấy thôi."

2.

Không gian xám trở nên sáng hơn. Năm người đàn bà trần truồng ngồi trên những đệm da tròn. Tất cả đều nhoẻn miệng cười, và có khuôn mặt bầu bĩnh của tuổi trẻ căng sức. Hai ả ngồi hàng trước để tóc xoả, đeo dây hạt cườm quanh cổ và trưng bày những trái vú đầy đặn và săn chắc. Ả bên phải mắt mơ màng, hai tay mơn trớn cái âm hộ phủ lông lưa thưa. Ả bên trái mắt tình tứ, hai chân xếp chéo, để lộ một cái âm hộ bụ bẫm có lông lún phún. Ả dùng tay nâng vú, xoay người về phía một thanh niên, vẻ mời mọc. Người thanh niên đứng bên góc trái, khuôn mặt chững chạc và thông thái với râu mép và râu cằm cắt tỉa gọn gàng. Gã mặc veston, cổ thắt dây nơ mỏng, kẹp trong nách một cuốn sách, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đối diện gã, phía bên phải, là một gã khác có khuôn mặt và y phục giống hệt như thế đang cầm bút vẽ trên một cuốn sổ tay.

"Degas đang vẽ chính mình đấy. Ông ấy muốn khẳng định sự hiện hữu của mình trong bordel."

"Sao tháng 7 năm 1907 tôi không thấy ông ấy còn đứng chỗ ấy nữa?"

"Còn chứ. Nhưng bạn không nhìn thấy vì ông ấy đã hoàn toàn hoà nhập vào ả điếm đứng phía bên trái."

"Tôi cũng không thấy Joyce mặc đồ thủy thủ lúc ấy."

"Gã cũng đã biến thành một với ả ngồi giạng chân rồi."

"Thì ra thế."

"Vâng, và như thế họ được dịp nhìn qua con mắt của gái điếm để quan sát vẻ thích thú của bọn thị dâm. Bạn muốn thử quan sát đôi mắt bọn thị dâm không? Tôi đưa bạn đi gặp Manet."

V. Năm 1863, không rõ tháng.

Một người đàn bà trần truồng nằm trên giường nệm. Nửa thân trên tựa lên chiếc gối rất lớn và êm. Nệm và gối rất trắng làm nổi rõ thân thể màu ngà ấm áp và đầy đặn của ả. Mái tóc ả cài gọn gàng sau gáy và trên vành tai gắn một hoa dâm bụt đỏ và lớn. Đôi má ả ửng hồng như thoa phấn chứ không phải vì e thẹn. Ả nằm hơi nghiêng người, khoe cặp vú tròn trĩnh và kiêu hãnh. Tay phải ả tì nhẹ lên chiếc gối để nâng đôi vai lên. Tay trái duỗi dài theo thân, bàn tay hờ hững che lên âm hộ. Hai chân ả xếp chéo lên nhau trong một tư thế sang cả và thoải mái. Phía cuối giường, một con mèo nằm ngủ. Đằng sau chiếc giường, ngay bên chân ả, là một gã đầy tớ da đen mặc chiếc áo thụng trắng như áo linh mục. Hai tay gã trân trọng bưng một lẵng hoa rực rỡ như đang dâng cho ả. Khuôn mặt gã thực đen và hoàn toàn là một với bóng tối.

"Tôi không thể nhìn thấy đôi mắt gã da đen kia."

"Chính là Manet đấy. Ông ấy trá hình làm gã đầy tớ da đen, và tự dấu mặt để nhìn qua đôi mắt của người đàn bà."

"Ả đang nhìn vào mắt chúng ta."

"Vâng, và ả biết rằng chúng ta chỉ giả vờ nhìn vào mắt ả. Thực sự chúng ta đang nhìn vào bàn tay trái của ả và ước ao bàn tay ấy nhấc lên."

"Ả là ai thế? Một gái điếm vô danh?"

"Không. Victorine Meurent đấy. Người mẫu cho cả Delacroix và Manet. Nàng cũng là hoạ sĩ có tài, cạnh tranh cả với Manet. Cho nên nàng không chịu nhấc bàn tay trái lên để Manet bán nàng quá dễ dàng."

"Và tại sao có con mèo nằm ở đó?"

"Con chó cái đấy. Nhưng Victorine muốn nó là con mèo để cái thú tính không phơi bày quá trần trụi. Ba mươi tám năm sau, tôi quẳng con chó cái vào chỗ ấy."

"Táo tợn quá."

VI. Năm 1901, không rõ tháng.

Không gian xám. Một người đàn bà trần truồng nằm trên giường nệm. Nửa thân trên tựa lên chiếc gối rất lớn và êm. Nệm và gối rất trắng làm nổi rõ thân thể màu đen bóng nhẫy và đầy đặn của ả. Mái tóc ả cài gọn gàng sau gáy. Ả nằm hơi nghiêng người, khoe cặp vú tròn trĩnh và toàn bộ hạ thể. Hai tay ả duỗi dài theo thân, hai chân khép hờ, thoải mái như người đang nằm ngủ. Phía cuối giường, một con mèo nằm ngủ bên cạnh một con chó cái. Đằng sau chiếc giường, ngay bên chân ả, là một gã đàn ông da trắng trần truồng có mái tóc quăn và bộ ria mép rậm rạp. Hai tay gã bưng một đĩa hoa quả, mắt nhìn đăm đăm vào âm hộ của ả da đen. Phía giường bên này, một thanh nhiên da trắng trần truồng đang với tay sờ vào thân thể của người đàn bà. Y có mái tóc thẳng. Một vạt tóc đen vắt chéo qua vầng trán.

"Y là ai đấy?"

"Tôi đấy. Còn gã tóc xoăn kia chính là Manet. Tôi lột bộ áo thụng đứng đắn và tẩy hết màu đen hoá trang trên da ông ấy. Manet thích thú và thoải mái thấy rõ."

"Còn ả da đen?"

"Là Victorine Meurent. Nhưng tôi để nàng trá hình làm con điếm da đen. Bạn thấy không? Lần này nàng không còn che âm hộ nữa. Cũng không còn cần theo dõi con mắt của bọn thị dâm ngoài khung kính kia. Và trá hình như thế, nàng bằng lòng cho con chó cái lên giường. Bạn thích tham gia với chúng tôi không?"

"Thôi, hai người đàn ông là quá đủ. Tôi chỉ muốn đứng xem chốc lát."

"Sao lại tự đè nén mình đến thế. Hay là ta trở lại Avignon? Ở đó nhiều gái hơn."

"Cũng được."

VII. Tháng 7 năm 1907

Khi trở lại gian phòng ấy, tôi có cảm giác hồi hộp và ngượng ngùng của người đi nhà thổ lần đầu. Năm người đàn bà trần truồng vẫn còn giữ nguyên vị trí ấy.

"Sao? Thích đứa nào?"

"Khoan đã. Tôi muốn đứng yên một lúc."

"Lại thẹn thùng như Stephen Dedalus hồi tháng 5. Anh mặc bộ đồ thủy thủ này vào. Để tôi đi bưng thêm chiếc bàn và ít dưa hấu cho thêm màu sắc."

Tôi đứng yên một chỗ, chân tay luống cuống. Ả mang mặt nạ quay đầu lại nhìn tôi. Mắt ả lóng lánh.

"Mặc bộ này vào. Sao lại tần ngần thế?"

"Vâng, nhưng hãy thong thả thôi."

Trong khi tôi đang cởi quần áo ra và mặc bộ đồ thủy thủ vào, năm ả nhìn tôi không chớp mắt. Tôi biết chúng cảm thấy buồn cười và thương hại. Tôi luống cuống lom khom khép hai đùi để che dấu cái khúc gân đang cương lên.

"Đến đây. Đấy, ngồi xuống đấy. Đặt hai tay lên bàn. Vâng, như thế. Nhìn vào chỗ này. Nhìn thẳng vào. Đấy, như thế đấy."

Máu dồn lên mặt tôi. Có cảm giác nghèn nghẹn ở cuống họng. Nước dãi cứ trào ra mãi, tôi cố gắng nuốt khe khẽ. Ả mang mặt nạ Phi châu ngồi giạng chân trước mắt tôi như bày hàng mời khách.

"Đấy, lại đỏ mặt như Stephen Dedalus. Rồi lại được dạy cách hôn. Cứ từng bước như thế. Trông thích lắm."

Tôi chợt liếc mắt về phía khung kính. Lố nhố khán giả ăn mặc lịch sự đang đứng bên ngoài trố mắt nhìn vào, chỉ trỏ và bàn bạc. Những cặp mắt hau háu như dò xét từng cử chỉ của tôi.

"Tôi có thể đứng ở bức màn đỏ kia được không?"

"Sao lại thế? Bỏ cuộc à? Thế thì làm sao theo kịp James Joyce? Khách hàng bu đông như thế là dấu hiệu của thành công đấy. Gắng lên."

"Không. Tôi thấy đứng ở chỗ kia thích hợp hơn."

"Sao lại sợ bọn thị dâm? Chúng nó đang thích mê lên đấy. Gắng lên."

Tôi đứng dậy và bước về phía tấm màn đỏ.

"Thế là không dám làm nhà văn rồi. Vâng, thì cứ theo cách của Degas cũng được. Nhưng phải thay y phục sinh viên vào và cầm cuốn sách."

Trong khi tôi vội vã thay quần áo, năm ả vẫn giữ tư thế bất động của chúng. Tôi biết chúng thấy tôi thực đáng thương hại. Tôi hết sức luống cuống và xấu hổ, kéo mãi chiếc quần lên không được.

"Quần này bó sát. Đứng thẳng người mới kéo lên được. Việc gì mà lúng túng thế?"

Tôi đứng thẳng người lên để kéo chiếc quần, và nguyên cả khúc gân khốn nạn dựng lên một cách lố bịch. Tôi túm ngay lấy nó, nhét vội vào quần, và cài nút lại. Khán giả bên ngoài khung kính hau háu nhìn vào. Mồ hôi tôi vã ra và tim thắt lại. Tôi cúi gằm mặt nhìn xuống sàn, chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ đến thế.

"Cầm cuốn sách này và nhìn vào mắt ả kia. Đứng thẳng người lên đàng hoàng như một sinh viên y khoa."

"Thôi. Xin lỗi. Có lẽ để đến hôm khác. Bây giờ có lẽ tôi nên trở về."

"Về? Về đâu?"

"Ra ngoài kia."

"Để nhập bọn với đám thị dâm à? Không được đâu. Đã vào đây thì không còn lối về nữa."

Tôi bước về phía khung kính, sờ soạng tìm lối ra, tay vẫn còn cầm cuốn sách. Ngoài kia, những con mắt vẫn hau háu nhìn vào. Tôi đi dọc theo khung kính trong suốt. Những tròng mắt hau háu không liếc theo tôi. Có lẽ họ không muốn nhìn tôi hoặc không thấy tôi. Tôi đi qua rồi đi lại, sờ soạng khung kính. Quả thế, họ không nhìn thấy tôi. Tia nhìn của họ xuyên qua tôi, bấu vào những ả trần truồng kia. Tôi đi lại rồi đi qua, sờ soạng khung kính, và nhìn vào mắt họ. Vâng, họ không nhìn thấy tôi. Khung kính không có lối ra vào, nhưng tôi thấy lòng nhẹ nhõm.

"Thôi được. Tôi ở lại. Cho tôi thay bộ đồ thủy thủ."

VIII. Trên sân ga.

Một bà già ngồi đợi tàu trên một sân ga vắng tanh. Gió thổi một mảnh báo rách từ xa bay tấp vào chân băng ghế. Bà cúi xuống nhặt, đọc lơ đễnh những dòng chữ gần như vô nghĩa:

                                                                        asso

                                                                           g trung

                                                                          vào bức

                                                            lles d'Avignon của

                                                           2 giờ trưa hôm qua

                                                        àng Nghệ Thuật Hiện

                                                             dày bọc bức tranh

                                              ạn nhân dội ngược ra và ngã

                                            . Các nhân viên đang làm việc

                                           vội chạy đến và thấy anh ta đã

                                       tỉnh. Liền đó, xe cứu thương được

                                      đến, nhưng nạn nhân đã tắt thở vì

                                  ọ não bị chấn thương quá trầm trọng.

                                        ợc biết người này trước đó đã đến

                                             o tàng mỗi ngày liên tục trong

                                                    n qua. Một nhân viên cho

                                                     ấy nạn nhân đứng trước

                                                                      iờ mỗi ngày.

Sydney, 5/99


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021