tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Đại diện và nhân danh | Hãy trừ bớt lời tôi  [chuyên đề  VIẾT CHO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA]

 

Ðại diện và nhân danh

 

“Ông Lê Dũng đại diện cho ai mà bảo...” [1]

Ông Lê là phát ngôn viên ngoại giao của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Đại diện nước “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc”.

Nước có hai phép trừ mai phục giữa những ngữ từ cao đẹp.

Nhân danh “cộng hoà”.

Nhân danh “xã hội chủ nghĩa”.

Nhân danh “độc lập”.

Để xoá trừ “hạnh phúc”, “tự do”

“Tự Do”: đừng có mơ tưởng “tự do” .

“Hạnh Phúc”: ồ, đấy là chuyện hão huyền, không tưởng.

Còn lại “Độc Lập”, bầu bạn láng giềng của những độc địa, độc ác, độc chướng, độc dữ, độc hại, độc mưu, độc kế, độc huyết, độc tâm, độc thủ, độc phụ, độc trùng, độc xà, độc tài, độc tôn, độc đảng và độc vân vân trong Từ điển tiếng Việt.[2]

Nhưng tuyệt nhiên chẳng dây mơ rễ má gì với độc đáo hay độc sáng... [3]

 

Chú thích:
[1] Trích Nguyễn Viện, trong “Không cần phải được cho phép”: Ông Lê Dũng đại diện cho ai mà bảo biểu tình chống xâm lăng là bất hợp pháp và cần chấm dứt? [Tienve.org]
[2] Xem thêm đoạn IV trong bài thơ "Tháng tư & hơi thơ" của Nguyễn Hoàng Tranh.
[3] Viết tiếp: Thế nên những hình nhân chán phèo mới nhảy bàn độc liến thoắng hay làm trò bắng nhắng...

 

 

Hãy trừ bớt lời tôi

 

Chờ chết trên pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi dõng dạc thét lớn: “Hãy nhớ lấy lời tôi...”.

Phút giây thiêng, Trỗi gọi bác những ba lần.

Tố Hữu bảo thế.[1]

Chờ chết, Chế Lan Viên cay đắng viết thầm: “Thơ tôi, bạn ơi, nhớ trừ đi một nửa”. [2]

Hữu ngoại cuộc, không đáng để phí phạm lòng tin.[3]

Viên bộc lộ tấm lòng đáng hơn, thử theo Viên trừ bác ba lần một nửa.

 

I

 

— “Không có gì quý hơn độc lập tự do”

Những lô đất đắc điạ nhất đã về tay tài phiệt Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.

Cái quý nhất của đời con gái bọn lái buôn này cũng mãi hết.

Nhân tài tấp tểnh đi Tây.

Gần 70 thiếu nữ miền Tây tranh một thằng Hàn nửa người nửa ngợm.

Không tranh sao được khi nhìn bề ngoài biết trai nội nào từng và không từng nếm nước tương Tàu?

Đã nếm thì thể nào cũng mang mầm ung thư trong người, lấy về chỉ khổ.

Trai làng ế vì con gái chỉ mơ lấy chồng ngoại.

Mỹ nhân rơi hết vào tay ngoại nhân, dòng máu hào kiệt cạn dần[4]

Thôi thì, đất nước mình, đành trừ đi một nửa:

— “Không có gì quý”!

 

II

 

— “Lao Động là vinh quang.”

Nhưng phải cấm những phu xích lô, những ba gác, những xe phở dạo, không cho lưu thông.

Gặp thế thời đành phải chịu thôi:

— “Lao động là quýnh quáng”! [5]

 

III

 

— “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

 

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một...”

Nhưng có một nước Việt của những phu xe ba bánh đang đau đầu vì không biết làm gì để kiếm cơm sau ngày 1 tháng Một năm 2008, và có một nước Việt dành riêng cho những kẻ thoải mái phun khói xe bốn bánh trị giá cả triệu đô giữa một Sài Gòn ô nhiễm. Có một nước Việt của những người đang bị hăm he sẽ ghi nợ trên bằng đại học, và có một nước Việt của những kẻ thoải mái chuyển ngân ra ngoại quốc.[6]

Có một dân tộc Việt không được phép phản đối hành vi xâm lấn của đối thủ truyền kiếp ngay trên đất nước của mình, và một dân tộc Việt thứ hai chỉ lo việc bao đồng, chỉ biết tập trung trước Toà Đại Sứ Ba Lan để phản đối Công Đoàn Đoàn Kết.[7] Có một dân tộc Việt xem mấy hàng tít lớn về những cô đào trẻ lên giường như chuyện ruồi bu, và một dân tộc Việt thứ hai khoát tay, xem chuyện mất biển mất trời là tin vớ vẩn.

— Không một đâu bác, phải nhân ít nhất hai lần.

 

“… sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Và biển có thể hao.

Và đảo có thể hụt.

Đất nước trong tay bố mày, bố mày muốn làm gì thì làm bởi bố mày luôn anh minh và sáng suốt.

Không chịu thì, địt cả dòng họ chúng mày, loại mày là đồ phản động.

Ấy mới là chân lý không bao giờ thay đổI

Amen!

 

Chú thích:
[1] “Hãy nhớ lấy lời tôi”, thơ Tố Hữu: “Lệnh: Hàng đầu quỳ xuống! Một giây thôi / Anh thét lớn: Hãy nhớ lấy lời tôi: / Đả đảo đế quốc Mỹ / Đả đảo Nguyễn Khánh / Hồ Chí Minh muôn năm / Hồ Chí Minh muôn năm/ Hồ Chí Minh muôn năm / Phút giây thiêng: Anh gọi Bác ba lần.”
[2] Phỏng theo “Trừ đi” trong “Thơ di cảo” Chế Lan Viên: “Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ / Có phải tôi viết đâu! Một nửa / Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi / Giết một tiếng đau - giết một tiếng cười // Giết một kỷ niệm - giết một ước mơ – tôi giết / Cái cánh sắp bay - trước khi tôi viết / Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ...”
[3] Thoạt đầu, sau khi Nguyễn Văn Trỗi bị hành quyết (15.10.1964), báo Nhân Dân và Đài Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội vẫn không nắm được tên thật, chỉ dựa theo tin của các hãng thông tấn nước ngoài, đưa tin là “anh hùng Nguyễn Văn Trôi”, sau này mới xác minh lại. Thơ Tố Hữu đã đầy những chuyện bịa đặt và, riêng trong chuyện này, càng có thêm sở cứ để không tin Tố Hữu. Ngay cả cái tên Trỗi mà báo và đài của chính phủ Hà Nội lúc ấy còn tưởng nhần thành "Trôi", thì làm sao Tố Hữu biết rành đến độ nói vanh vách từng lời của Trỗi như thế được.
[4] “Dòng máu hào kiệt ở nước mình cứ cạn dần vì mỹ nhân toàn rơi vào tay bọn Sở Khanh với Khuyển ưng cả. Tiếc lắm thay! ...”. Lời của một nhân vật tên Miêu trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn” của Nguyễn Huy Thiệp.
[5] Chỉ thị của chính phủ Việt Nam: Từ ngày 1.1.2008 sẽ cấm các loại xe xe ba, bốn bánh tự chế như xe ba gác, xích lô các xe đẩy ba bánh bán hàng rong như xe phở, nếu vi phạm sẽ bị tịch thu bán phế liệu sung vào công quĩ. Lệnh này đã đẩy nhiều dân nghèo thành thị vào ngõ cụt không lối ra.
[6] Theo báo chí thì: “Ngày 19-12-2007 Văn phòng chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. [. . .] Một trong những nội dung đáng chú ý của văn bản là chỉ đạo của Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nghiên cứu phương án ghi rõ diện học sinh, sinh viên được vay để học trên các văn bản cần thiết (bằng tốt nghiệp, sổ lao động...), để sau khi ra trường các đơn vị tiếp nhận học sinh, sinh viên về làm việc có cơ sở đôn đốc họ có trách nhiệm cùng gia đình thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng chính sách.”
[7] Vào thập niên 80, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã tổ chức biểu tình trước Toà Đại sứ Ba Lan ở Hà Nội để phản đối Công Đoàn Đoàn Kết “xa rời đường lối xã hội chủ nghĩa”.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021