tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Rắn độc và đĩ ngựa  [chuyên đề  TÌNH YÊU VÀ TÌNH DỤC TRONG VĂN CHƯƠNG]

 

Tròn chu kỳ 12 con giáp, cứ đến năm Tỵ -- Giáp, Ất, Bính, Đinh hay Mậu, Kỷ, Canh, Tân v.v... -- lại thấy thiên hạ nhốn nháo chuyện rắn, đủ loại. Tuy nhiên chưa thấy ai bàn đến cuộc đảo chính con rắn, cái cuộc đảo chính ở đó cả rắn, cả người phụ nữ đều bị vùi dập, chèn ép.

Cứ để ý là thấy. Sau một chặng đường thật dài, tính từ thời lập quốc trở đi, tình cảm mà người Việt chúng ta dành cho loài rắn đã thay đổi 180 độ, cứ như một cuộc soán đoạt ngôi vị. Thoạt đầu, con rắn hiền lành tử tế và ân nghĩa, thế rồi, đến một lúc nào đó, tính cho tới hôm nay, rắn lại bị đời nhìn bằng những ánh mắt nghi kỵ và đục ngầu ác cảm.

Tuy thế, cái sự thay ngôi đổi vị này không diễn ra gấp gáp lắm đâu, nó không ập đến cái ào như những cuộc đảo chính ở đó ông tướng này lật đổ ông tướng kia, ông tướng nọ lật đổ ông tướng này. Chậm thôi, nó diễn ra từ từ, như một quá trình tiệm tiến, một cuộc bể dâu kéo dài hàng chục thế kỷ.

Đầu tiên có lẽ là những truyền thuyết kiểu con vua Thuỷ Tề đội lốt rắn nhập dương gian gặêp nạn và được cứu để rồi sau đó quay lại báo ân đáp nghĩa, rồi biết bao chuyện cổ tích theo chủ đề “cứu vật, vật trả ân; cứu nhân, nhân trả oán” khác. Trong bất cứ truyện kể nào cũng thế: bên trong lốt rắn là một tâm hồn trong sáng và tử tế, thậm chí tử tế hơn cả con người; bao giờ rắn cũng đem lại cho đời những cái hậu hoan hỉ, vui vẻ cả làng.

Chèn ép và thù ghét rắn thì có những cổ tích như Thạch Sanh - Lý Thông với hình tượng con mãng xà tàn ác, bắt dân chúng đều đều nộp mạng, nộp mãi cho đến khi bị Thạch Sanh xuất hiện ra tay anh hào.

Hay sát với lịch sử hơn thì có con rắn... Thị Lộ. Truyền thuyết kể rằng vì người của Nguyễn Trãi giết sạch ổ rắn con nên rắn mẹ đã hoá thân làm Thị Lộ báo thù. Đầu tiên cô bán chiếu Thị Lộ làm mềm con tim Nguyễn Trãi, rồi từ dinh cơ của Nguyễn Trãi, tỳ thiếp Thị Lộ lại lọt vào vòng tay của Lê Thái Tôn, cái ông vua, theo truyền thuyết, vì mê gái nên đã dày mặt cướp giật hạnh phúc của bề tôi. Đến khi ông vua này mất mạng vì Thị Lộ thì bản án tru di lại ập lên đầu tam tộc nhà Nguyễn Trãi.

Có thể nhận thấy một điều: cái ác hiểm của loài rắn đã đi đôi với thân phận bọt bèo tội nghiệp của người phụ nữ. Thị Lộ là tỳ thiếp của một ông quan đã về hưu nhưng vì vua... khoái, vua thích quá, nên phải, như một món hàng, sang tay chủ mới. Mà, trước đó, khi rắn hoá kiếp báo thù, rắn ta lại hoá kiếp trong thân phận một người đàn bà tài sắc.Trừ truyền thuyết về Thị Lộ -- chắc chắn phải ra đời sau 1442, là cái năm Nguyễn Trãi bị hàm oan -- ra, không ai có thể xác định bối cảnh ra đời của những truyền thuyết, những chuyện cổ tích huyền hoặc cả. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy một điều: rắn càng hiền lành chất phác bao nhiêu thì... chính quyền càng mờ nhạt sương khói bấy nhiêu. Rắn càng độc, càng ác hiểm, bộ máy chính quyền trông càng bề thế vững mạnh. Trong những câu chuyện đại loại con vua Thuỷ Tề hay loài thú nào đó báo ân trả nghĩa, bóng dáng chính quyền -- trung ương hay địa phương -- hầu như không hề hiện diện; nếu có thì chỉ thấp thoáng xa xa. Đến khi Thạch Sanh chào đời, tức là lúc rắn đã tàn ác, chính quyền đã trở nên khác hẳn với quy củ rõ ràng và tổ chức chặt chẽ, như là một hệ thống quyền lực từ trên xuống dưới thể hiện qua sự răm rắp của người dân ở bổn phận nộp mạng cho con mãng xà tàn ác, qua sức mạnh và tầm vóc của triều đình ở cảnh quân binh rầm rộ, cảnh vua kiếm chồng cho công chúa. Và cũng cần nhớ lại rằng thời Lê, thời của truyền thuyết về con rắn báo thù và Thị Lộ, lại là thời kỳ độc tôn của Nho Giáo, cái thời mà hình thái phong kiến thái ấp thời Trần đã lung lay để hướng đến một mức độ tập quyền cao hơn.

Như vậy, có thể nói: chính quyền trung ương càng mạnh, tổ chức xã hội càng chặt chẽ thì rắn càng... ác hiểm. Mà trong lịch sử loài người thì chính quyền chỉ có thể mạnh và vươn đến những hình thức tập quyền cao hơn sau khi đàn ông giành lại quyền lực từ bàn tay phụ nữ. Giành lại quyền lực, nam giới củng cố thế thượng phong của mình bằng cách đè nén và áp chế đối thủ, và do đó, nữ giới bị biến thành trở thành một thứ đầu tằm để họ trút lên đầu trăm dâu tội lỗi.

Ngày nay, khi hận người đàn bà đã làm tơi tả đời mình, gã đàn ông có nguyền rủa: “Đồ đàn bà rắn độc” thì cũng đành; nhưng cả lúc nói về dã tâm thâm độc của “bè lũ đế quốc” nào đó, tại sao giới chính trị cách mạng, đa số do đàn ông lãnh đạo, cũng cố tình làm phiền loài rắn với những khẩu hiệu, những lời lẽ tuyên truyền kiểu: “Bọn đế quốc gian manh và xảo quyệt như loài rắn độc”? Từ kẻ chỉ bận tâm đến chuyện “nhi nữ tầm thường” hay chuyện phòng the của mình cho đến kẻ đẹp giàu lý tưởng, lo lắng cho tương lai nhân loại, ai cũng thành kiến với loài bò sát không chân này cả. Có thể nào giải thích? Có thể nào chắp nối mối dây liên hệ giữa chính quyền, phụ nữ và... rắn hay không?

Thử lui về cội nguồn, về cái ngày “chính quyền” chỉ mới manh nha khi cha rồng và mẹ tiên chia tay nhau, năm mươi theo cha về bể, năm mươi cùng mẹ ở lại lập quốc như đã ghi nhận trong Lĩnh Nam Chích Quái:

Một ngày kia Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, đứng đầu thuỷ tộc, nàng là giống tiên, người sống ở trên cao. Tuy rằng khí âm khí dương gặp nhau mà có con nhưng chọi nhau, thuỷ hoả tương khắc, không thể ở với nhau lâu được. Nay nên chia nhau, ta đem năm mươi con về thuỷ phủ chia trị các xứ, còn năm mươi thì theo nàng ở trên cạn chia đất mà cai trị... Âu Cơ cùng năm mươi con trai ở tại Phong Châu, suy tôn người con trưởng làm vua gọi là Hùng Vương.”[1]

Chính quyền ngày đó mờ nhạt đến độ tên vua, hành trình của vua cứ là chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Trần Trọng Kim, trong chương mở đầu Việt Nam Sử Lược, cho biết “Lạc Long Quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương...” còn Đào Duy Anh, trong Việt Nam Văn Hoá Sử Cương (1938), thì ghi nhận: “Sử chép rằng Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua ở nước Văn Lang xưng là Lạc Vương...”

Người con trưởng đã xưng là Hùng hay xưng là Lạc? Và, trước đó, ông ta đã theo cha về bể hay theo chân mẹ lên non? Thực là mịt mờ, khó hiểu quá.

Nhiều học giả cho rằng chữ “Hùng”, trong Hùng Vương, thực ra, chỉ là “Lạc” chép nhầm, mà chữ này thì cũng dây mơ rễ má gì đó với loài rắn.[2]

Như Huỳnh Sanh Thông, chẳng hạn. Với ông, “Lạc” không những có gốc gác từ “nác”, tức nước trong tiếng Việt co,å mà còn gần gũi với “naak”, tức lạc long, một loài rắn lớn.

Nhưng “Lạc” và “nác” hay “n” và “l” đã chuyển hoá cho nhau như thế nào?

Dễ nhận thấy nhất là những thổ âm miền Bắc khi tại nhiều nơi, âm “n” và “l” thường choán chỗ của nhau: Gọi Hà Nội là Hà Lội và gọi Quảng Ninh là Quảng Linh. Người Việt xưa gọi ruộng nước là “lạc điền” và trong nhiều từ ngữ gắn liền với hình ảnh hay tính chất của nước khác, bao giờ cũng thấy sự hiện diện của “l”. Nước chảy thì “lênh láng”, sông thì đi đôi với “lạch”, người thì “lạnh” vì thấm nước, canh thì “lạt” vì thiếu muối v.v... Khi sinh hoạt của con người gắn chặt với sông nước, ngôn ngữ diễn tả sinh hoạt như cũng dầm mình theo dòng nước cuốn. Nó xuôi thuận về dưới và ngược... ngược lên trên: Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng...: xuôi dòng và ngược dòng cũng gắn bó với sông nước, ngược có âm hưởng của nước và xuôi có âm hưởng của suối. Trước thầy sau tớ lao xao: “trước” có âm của “nước”, ngụ ý một vị trí gần với đầu nguồn; “sau” có âm của “sâu”, nơi con suối hoà vào lòng sông cái; rồi, từ ý nghĩa không gian, “trước” và “sau” lan sang ý nghĩa thời gian: ở trước mặt hay đến trước, đi trước; ở phía sau hay đi sau, về sau. Chưa hết, như “lên” và “xuống”: “xuống” có âm của “uống” để rồi lên trong lớn lên mang hình ảnh con nước dâng cao, hình ảnh nước lên... “Chạy”, mang âm điệu của dòng nước “chảy” và ngọn lửa bập bùng lên xuống như hình những làn sóng nên “cháy” mang cả âm hưởng của “chảy”. Lan ra, tràn ra, mang âm hưởng của làn sóng, cũng toả ra tràn trề. Vật “nặng” chìm xuống nước mang chung âm với “lặn”, và, cái gì tĩnh lặng, yên lặng mang hình ảnh của một trạng thái của một dòng nước “lặng”, đang gạn đục khơi trong. “Nhẹ”, trái nghĩa với nặng, mang hình ảnh cái gì đó trôi nổi, lẹ làng trôi theo dòng nước.[3]

Mênh mông sóng nước trong sinh hoạt đã đành, suy nghĩ, con người cũng nổi trôi theo dòng nước. Họ “chìm đắm” trong suy tư. Họ vượt qua chín suối mười đèo mà cũng đèo bòng hình ảnh con nước chập chùng: “lặn lội” đường xa. Rồi thiết thực hơn như “cơm nước” trong từng bữa ăn hay trừu tượng hơn với “làng nước”, như một khái niệm về cộng đồng xã hội. Cứ thế cho đến “nước” như là quê hương, xứ sở hay tổ quốc.

Chữ “Lạc” còn gắn bó với hình ảnh lạc long, tức con rắn lớn gọi là giao long, một thứ rắn thần dưới nước trong tín ngưỡng totem của một chủng tộc gắn bó với sông nước, từng xăm mình cho giống cá sấu, thuồng luồng. Trong tiếng Việt cổ, “Lạc” có gốc gác từ nước, tức nác; còn “naak” -- trong tiếng Thái hiện đại, ngôn ngữ có cùng cội gốc Mon-T'ai với tiếng Việt -- lại dùng để chỉ loài rắn sống dưới nước. Tín ngưỡng xăm mình ấy lại đi đôi với thời kỳ mẫu hệ, cái thời kỳ nổi bật với bóng hình của Bà Trưng rồi Bà Triệu.

Khi những thế hệ sau tiếp cận với quan điểm phụ quyền du nhập từ Trung Hoa thì nữ phải nép mình dưới nam và do đó, hình tượng kia có gì đó không ổn: rắn là một hình tượng biểu thị âm tính, hình tượng “Lạc Long” trong truyền thuyết kia cũng là một biểu thị âm tính. Khi hai chữ “Lạc” và “Hùng”, trong Hán tự, có những nét na ná nhau và để củng cố chính quyền, đồng nghĩa với việc củng cố trật tự phụ hệ, hình tượng “Lạc” vốn biểu tượng vật tổ ở loài rắn gắn bó với nước thể hiện âm tính bị xoay chuyển thành “Hùng”, một loài chim ưng, như một biểu tượng dương tính. Hùng Vương, thật ra là Lạc Vương.

Nữ phải nép mình dưới nam cho nên người con trưởng, tức vua Hùng đầu tiên, cứ là nấn ná giữa cha và mẹ. Thoạt đầu thì, như đã ghi nhận trong Lĩnh Nam Chích Quái, người con trưởng cùng bốn mươi chín đứa em khác theo mẹ ở lại Phong Châu, lập thành nước Văn Lang và xưng là Hùng Vương. Về sau, với các sử quan của thời đại tôn Nho, khi chính quyền đã mạnh, lại có cái gì khang khác. Và như thế, các sử gia thời hiện đại cũng phải khác theo: “Lạc Long Quân phong cho người con trưởng... ”

Như thế, khi dương đã thịnh và âm đã suy, khi người đàn ông đã hạ bệ người phụ nữ, khi phần trưởng đã đứng về phía cha đã thay vì phía mẹ thì rắn bắt đầu bị khinh bỉ và “rắn thần” bắt đầu biến thành “chim ưng”, Lạc phải biến thành Hùng.[4]

Thì ra, gắn bó với sông nước, tổ phụ chúng ta, trong truyền thuyết, đã đến từ nước trong hình tượng giao long, là sinh vật được huyền thoại hoá từ loài rắn; từ “lạc” hay từ “naak”. Và rồi, khi đời sống nông nghiệp ổn định dần, hệ thống nhà nước tập quyền vững mạnh dần, đấy cũng là lúc con người càng bớt phụ thuộc vào thế lực... nước, bớt phụ thuộc đến một ngày nào đó bỏ ngang, không phải bận tâm xâm mình sao cho giống thuỷ quái, thuồng luồng nữa. Cùng lúc đó, nền văn minh phụ quyền càng ổn định với thiết chế phong kiến mỗi ngày mỗi chặt chẽ thì thân phận người phụ nữ càng bị vùi dập, càng bị nam giới bỏ lại đằng sau.

Cuối cùng, rắn và... phụ nữ, hai thân phận cùng bị ruồng bỏ như nhau, đã hội ngộ cùng nhau. Con rắn âm tính chợt trở nên ác độc, bị buộc chặt với những đại biểu bị ruồng rẫy hay đáng ghê đáng kinh tởm nhất của phái nữ.

Như thế, theo mấy ngàn năm mệnh nước, đâu chỉ có con người bị cuốn hút trôi nổi không thôi? Cả rắn cũng lênh đênh thân phận bọt bèo trong cuộc đảo chính tiệm tiến kéo dài cả ngàn năm!

 

*

 

Trong khi đó thì thân phận ngựa, qua ngôn ngữ đời sống hay qua những hình tượng văn chương, cũng có cái gì đó bất nhất, ngược đời. Xưa, mấy ngàn năm đánh giặc mà chỉ thấy có mỗi hai con, một sắt, một đá. Bây giờ thì tuy nhiều nhặn đấy, nhưng trông cứ khéo là ghét nhau thế nào. Như thể là tài và mệnh.

Nói một cách cải lương và pha thêm chút thiền vị cho hợp thời thượng thì khi bước vào thế giới văn chương hay đời sống xã hội, thân phận ngựa đã bị giằng co giữa hai tình cảm trái ngược nhau: yêu đấy mà ghét đấy, trọng đấy mà khinh đấy: lãng mạn hoá cũng có mà nhơ nhuốc hoá cũng có. Cứ là sắc sắc không không.

Lãng mạn thì đại loại “ngựa hồng”, “ngựa buồn”, “ngựa hoang”, thậm chí ngựa dở cuộc chơi “nhớ sa trường”, ngựa thời buổi nhố nhăng “nản chân bon”. Nhơ nhuốc, bệ rạc thì có con hay đồ... “đĩ ngựa”, hay gọn hơn, như một động hay tính từ, “ngựa”.

Lãng mạn như Trịnh Công Sơn:

Đời vẽ tôi tên mục đồng
Rồi vẽ thêm con ngựa hồng
Từ đó lên đường phiêu linh

                            (Chỉ có ta trong một đời)

 

hay Vũ Đức Sao Biển:

Ngựa hồng ơi, bao năm rồi
Tàn cuộc vui sao quanh đời
Còn vọng mãi chút hương xưa ngày thơ ấu...

                            (Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú)

 

Rồi chợt, một lúc nào đó, ngựa buồn, như Thanh Tâm Tuyền:

Tôi chờ đợi
Lớn lên cùng giông bão
Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
Tìm cánh tay nước biển
Con ngựa buồn
Lửa trốn con ngươi
Đất nước có một lần
Tôi ghì đau đớn trong thân thể
Những dòng sông, những đường cày núi nhọn
Những biệt ly rạn nứt lòng đường..

                            (Bài ngợi ca tình yêu)

 

Thế rồi, một lúc nào đó ngựa bỏ đi hoang, cũng Vũ Đức Sao Biển, lúc hát trên đồi:

Hát cho quên cuộc đời
Hát cho xanh tuổi người
Hát cho phai tuổi trời
Em ơi, hai mươi mấy năm rồi
Con ngựa hoang mơ hoài lãng du
Chưa tìm về trên đồng cỏ sương...

rồi Phạm Duy - Ngọc Chánh Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời / Đồng cỏ nào xanh ngát chân trời, gợi hứng từ Vết thù trên lưng ngựa hoang của Duyên Anh...

Cứ vậy, vân vân và... vân vân. Rồi... “nản chân bon” như con ngựa của Nguyễn Mộng Giác những ngày biện-chứng-hậu-75. Ngựa hết thời sầu thân lỡ vận: Nhìn lui cố quận / Đã cùn thanh gươm / Quan hà mấy dặm / Ngựa kêu tiếng buồn (Hoàng Lộc - “Tiếng ngựa buồn”); ngựa bại cuộc -- cuộc trận hay cuộc gì cũng có -- sầu thân... ngã ngựa, trong mấy giọng thơ tỉ tê sầu đắng thấp thoáng đó đây, kiểu Tưởng đây mình Quan Đế tuyệt đường siêu / Giờ ngã ngựa tiểu nhân như Tào Tháo (Nguyễn Tất Nhiên – “Bài tạ lỗi cùng người”). Hết thảy, ngựa -- dù là trong lời tự oán hay lời tự xỉ vả -- đều phảng phất một chút gì đó lãng mạn và kiêu bạc, đại khái cũng phảng phất chút gì gọi là mơ ước ngày xanh, phảng phất chút gì gọi là sương gió cuộc đời, chút gì gọi là tiết tháo gìn vàng giữ ngọc hay quá khứ vàng son, như để giữ thăng bằng trước cái chua chát kim thời.

Nhưng chỉ cần bước sang thế giới đàn bà thì khác hẳn: không “hồng” phơi phới hay “hoang” kiêu sa khinh bạc đã đành, ngựa của cõi đàn bà trông cứ là tơm tởm, kinh kinh; trông chướng tai gai mắt, trông bôi bác luân thường thế nào. Gọi một thiếu nữ hay một người đàn bà lăng loàn: đồ đĩ ngựa. Bảo một người đàn bà ngang tắt ở phía tường Đông: đi ngựa. Rồi họ, cái lúc “cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”: ngựa.

Tại sao lại rắc rối như thế? Ngựa thời đại bình quyền mà kỳ thị nam-nữ như vậy thì ngựa xưa có phân chia giai cấp phức tạp hơn hay không?

Nhưng lạ. Càng ngược về trước thì sự thể càng đơn giản, đơn giản như hai con, một sắt, một đá; mà hình như tổ tiên ta cũng rất ngại làm phiền ngựa, trên đình thì bắt rùa cõng hạc, dưới chùa thì bắt rùa đội bia. Còn ngựa thì hoàn toàn thảnh thơi:

Thương cho cái kiếp con rùa
Trên đình cõng hạc dưới chùa đội bia

và, trừ mấy câu hiếm hoi kiểu:

Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông xơi

hay:

Ngựa ô anh thắng kiệu vàng
Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh...

hoặc cái cảnh vinh quy bái tổ Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau -- toàn những cái cảnh phong lưu hay vinh hiển chắc là học hỏi từ Tàu, và riêng cho một giai tầng thượng lưu hay một thành phần ưu tú nào đó -- hầu như ngựa đã bị thế giới ca dao phong toả chặt. Thế giới đó ăm ắp những gà, lợn, trâu, mèo, heo, chó, những Cái cò cái vạc cái nông / Ba cái cùng béo vặt lông cái nào, hết Cái cò trắng bạch như vôi thì đến Cái cò là cái cò vàng hay Con cò mà đi ăn đêm; nó chỉ tiện tặn dành cho ngựa vài ba chỗ đứng hiếm hoi.

Vì đó là một xứ sở nông nghiệp trồng lúa nước, không phải là môi trường lý tưởng của ngựa. Cổ thư Trung Hoa Việt Tuyệt Thư, từng ghi về người Việt cổ: “Họ ở núi mà đi đường thuỷ, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa, đến thì như gió thoảng, đi thì khó đuổi theo” và sự khác biệt lại là: “Nam di chu, Bắc di mã”, người Nam đi bằng thuyền, người phương Bắc đi bằng ngựa.[5]

Và như thế, những trang sử ngun ngút khói chiến tranh của chúng ta cứ là thưa thớt vó ngựa: những chiến công lẫy lừng gắn chặt với sông nước đã đành, những chiến công rầm vang mặt đất cũng không có ngựa... xí phần. Từ cái cảnh chia tay “hậu phương - tiền tuyến” kiểu:

Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

hay đời lính một thời:

Một tay thì cắp hoả mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa...

cho đến những chiến công dậy sóng Bạch Đằng hay Rạch Gầm - Xoài Mút, ngựa không có chỗ chen chân cũng là điều dễ hiểu; tuy nhiên, cả trong những chiến công sạt lở núi non ngựa vẫn phải đứng một bên lề nhường chỗ cho... voi. Thời Bà Trưng, Bà Triệu khởi binh đánh Hán cũng thế mà thời Quang Trung đánh Thanh cũng thế. Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô Đại Cáo, cũng chẳng khác hơn:

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông cũng cạn
Đánh một trận, sạch sanh kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông...

Cả một lịch sử sôi động, trải dài mấy ngàn năm thế mà chỉ có hai con ngựa... tưởng tượng: ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương và ngựa đá ở thái miếu nhà Trần, trong mấy câu thơ của Thượng hoàng Thánh Tông:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Núi sông đang rùng rùng chuyển mình trong khí thế chống ngoại xâm và, dù muốn dù không, từng cá nhân phải ngày ngày giờ giờ thao thức với vận nước và đối mặt với những vấn đề sinh tử đang bày ra trước mặt. Đương đầu với hiện tại họ đâm ra... hiện thực chủ nghĩa hơn và chợt, những sáo ngữ, những điển lệ hằng ngâm nga chợt trở thành cái gì đó xa vời. Có gần gũi hay chăng thì đấy là những hình tượng quen thuộc, có thể giúp họ diễn đạt cái “chí”, diễn đạt những “hào khí” đang ngùn ngụt trong tâm can của mình thế thôi, như mấy câu thơ của Phạm Ngũ Lão:

Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tỳ thổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu...

Cả con ngựa đá thái miếu, cũng chỉ vùng vẫy thành thơ sau khi chiến trận đã yên, và vùng vẫy qua vết bùn có thực dính ở gót chân thế thôi. Như thế, có nghĩa là, chỉ khi không bị cuốn hút vào cái không khí nức lòng của non sông hay không phải thực sự chua chát mài kiếm dưới trăng “Thế sự du du nại lão hà”, con người mới có chút xíu bình tỉnh để bay bổng trí tưởng tượng, có đủ thư thái để ước lệ hoá những hình ảnh của chiến trận theo một khuôn mẫu cho là đường bệ hơn, uy vũ hơn và cao nhã hơn.

Khuôn mẫu đó, hẳn nhiên, đến từ Trung Hoa. Và như thế, với văn chương Việt Nam, ngựa đã đến như là bạn đồng hành của vô số những điển phạm văn học, những địa danh xa lắc ở phương Bắc, nơi có tuyết rơi, có tàn lá liễu. Như con ngựa trong Chinh Phụ Ngâm:

Chí làm trai, dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu...

Từ “Thân trai da ngựa bọc thây” nghe đâu là của Mã Viện cho đến “Thét roi cầu Vị”: “Tuấn mã nhược phong phiêu, minh tiên xuất Vị kiều” của Lý Bạch, hết thảy đều là ngựa vay mượn. Hay như ở mấy câu sau đó:

Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
Tiếng nhạc ngựa chen lần tiếng trống...

và:

Quân trước đã gần ngoài danh Liễu
Ngựa sau còn khuất nẻo Tràng Dương...

chỉ những Tế Liễu, Tràng Dương hay Tiêu Tương cách trở thôi; bởi, chỉ ở nơi như thế mới có màu tuyết trắng, trắng như màu da cao nhã của con ngựa đưa người ra trận.

Cứ xem Kim Trọng và Lục Vân Tiên, trong cái cảnh chạm mặt lần đầu với hai vai nữ thuyền quyên. Trước hết là Kim:

Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng tay buông khấu bước lần dặm băng
Đề huề lưng gió túi trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da truời
Nẻo xa mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình...

Và Lục, cái khoảng khắc trước khi gặp Kiều Nguyệt Nga:

Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô
Kêu rằng: “Bớ lũ hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân!”

Thong dong với... ngựa, và với một dòng máu ăm ắp điển cố Trung Hoa, Kim trông lịch lãm hẳn lên. Mình trần thân trụi với nhành cây bẻ được bên đàng, Lục trông hộc tốc quê kệch thế nào trong cái cảnh lẽ ra phải đầy nét anh hào, thơ mộng: cứ hết “khoan khoan ngồi đó chớ ra” thì lại ”nghe nói liền cười”, hết “ngơ mặt chẳng nhìn” thì lại, thậm chí, “ngó lại rằng: Ừ!”.

Ngựa, như thế, chính là một biểu tượng phong lưu và mã thượng vay mượn. Ở xứ sở chưa bao giờ có tuyết, tuyết luôn luôn đẹp. Ở cái xứ chinh chiến liên miên mà không bao giờ có cảnh da ngựa bọc thây, ngựa càng lấp lánh hơn trong vai trò biểu tượng của khí chất nam nhi, không những trên bãi chiến trường mà còn trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, cái khí chất được quan niệm như một thứ độc quyền bất khả xâm phạm của nam giới, cái mà nữ giới không thể nào giành giật.

Có lẽ vì thế mà mới có... “ngựa”, như một động hay tính từ; hay “đĩ ngựa”, như một danh từ hay một tính từ! Có thể đời sống tình dục của loài ngựa cái gì đó đáng chú ý, tuy nhiên, nếu dòng ca dao xưa đã loại bỏ ngựa hẳn ra thì ngôn ngữ của đời sống hôm nay cũng khó mà ghi nhận cá tính đó của một loài thú hiếm hoi. Những “đĩ ngựa”, “đi ngựa” hay “ngựa” v.v..., như thế, có ra đời cũng chỉ ra đời như một đòn thế pre-emptive của cánh đàn ông nhằm bảo vệ cái độc quyền làm kẻ bề trên, chẳng hạn cái độc quyền ra ân của kẻ anh hào cứu khổn phò nguy. Bôi bẩn, nhơ nhuốc hoá cái gì đó rồi gán ghép cho một đối tượng riêng hàm ý một toan tính ngăn chặn từ đầu, không cho giành giật, không cho chen lấn; và như thế, khi gọi người phụ nữ là “đồ đĩ ngựa”, bảo họ lăng loàn “đi ngựa” thì người đàn ông, dường như, cũng lăm le phòng xa cái ngày nữ giới vùng lên giành lấy cái quyền làm đấng anh hào mã thượng y như là mình!

Như thế, xét cho cùng, khi những Trịnh, Vũ, Phạm, Duyên v.v... có phả chút hơi thở lãng mạn theo kiểu Tây phương vào hình ảnh phong lưu mã thượng vay mượn từ Tàu thời xưa, họ cũng chẳng khác gì: con... đĩ ngựa thì hoặc mượn màu son phấn, hoặc lang chạ lung tung, có khi kiêm cả hai đường; còn người nghệ sĩ thì -- từ văn, thơ, đến nhạc, hoạ – cũng cái trò ấy, cũng lang chạ từ Tàu tới Tây và mượn màu son phấn tứ tung, từ những điển cố cổ kim cho đến những thể cách, những ism...

Và, nếu thân con ngựa trớ trêu thế nào thì cái sự mượn màu hay lang chạ ở đây cũng trớ trêu như vậy. Mượn màu và lang chạ để thoát thai và duyên hơn, mặn mà hơn hay chỉ để trây trớt như một thứ đĩ thõa loè loẹt và kệch cỡm; nghĩa là ngựa như một con đĩ ngựa và ngựa như một con ngựa hồng tự vẽ ra, trước một thảo nguyên xanh ngắt...

Bởi, nghệ thuật mà chính chuyên mãi thì, trước khi chết cũng ra ma, trông cứ quê kệch, cù lần thế nào. Quê như cái cảnh Vân Tiên lúc giáp mặt nhi nữ thuyền quyên: đã hùng hục bẻ cây lại còn hùng hục nhắm làng xông vô, đến khi gặp mặt thì khuôn phép cứ là gỗ đá; hết:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai..

thì lại “nghe nói liền cười”, lại “ngơ mặt chẳng nhìn”, thậm chí, còn quê kệch đến độ:

Vân Tiên ngó lại rằng:Ừ!
Làm thơ cho kịp bấy chừ chẳng lâu...

Giá mà lúc đó có thêm con ngựa để dập dồn tung vó hay đủng đỉnh “lỏng tay buông khấu”, biết đâu Lục ta đã biết quý chút thời gian ngắn ngủi bên nhau? Có lẽ lúc đó khung cảnh cũng không đến nỗi nào, ít ra cũng phải Mau với chứ vội vàng lên với chứ chứ đâu thể Làm thơ cho kịp bấy chừ...

Thì cũng phải sáu bảy chục năm sau mới có người lang chạ cùng thi ca lãng mạn Pháp để phả ra những lời thơ như thế; tuy nhiên, nếu giữa cái thời mà người ta hãy còn mực thước “khoan khoan ngồi đó chớ ra” mà đã táo bạo như vậy, đã dám ăn nói hiên ngang như thể nhà thơ tiên phong của trào lưu lãng mạn, của thơ mới Việt Nam, có ai dám cười, dám bảo rằng Lục ta chỉ là một tráng sĩ cù lần?

 

_________________________

[1]Dẫn theo Đào Duy Anh (1994), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nhà xuất bản Thuận Hoá, trang 17.
 
Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ) do Trần Thế Pháp biên soạn vào thế kỷ 13, Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu đính vào thế kỷ 15. Trong Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn phê bình rằng LNCQ “có nhiều chỗ vay mược rồi tô vẽ vào không kể xiết.”

[2]Sách đầu tiên ghi chữ Lạc Vương là Giao Châu Ngoại Vực Ký (GCNVK) viết vào thế kỷ thứ 4. Sách đầu tiên ghi nhầm các chữ “Lạc” ở GCNVK thành “Hùng” là Nam Việt Chí, viết vào thế kỷ thứ 5. Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15) ghi nhận trong Đại Việt Sử Ký ngoại kỷ toàn thư (I): “Lạc tướng hậu ngoa vi hùng tướng” (Lạc tướng sau lầm làm Hùng tướng) nhưng không đề cập đến Hùng Vương hay Lạc Vương; có lẽ là do ý niệm tôn quân trong thời đại phong kiến.
 
Nhà nhân chủng học Pháp Henri Maspéro là người đầu tiên đặt vấn đề về sự nhầm lẫn giữa “Lạc Vương” và “Hùng Vương” vào năm 1918.
 
Phạm Huy Thông thì cho rằng “Hùng” có gốc gác từ thói “Xưng Hùng xưng Bá” của vua Sở (!!!).
 
Trần Quốc Vượng (TQV) lại bênh vực “Hùng Vương”: “Hùng” là cách phiên âm Hán Việt của “Khun”, danh hiệu thủ lĩnh của dân Bách Việt; vua Hùng có âm cổ là “pò khun”, tức bố các thủ lĩnh; hiện nay người Thái gọi thủ lĩnh là “pò khun”, người Mường gọi là “lang kun”, những vị vua cổ của Thái Lan cũng xưng là “pò khun”; [Trần Ngọc Thêm,(1997), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nhà xuất bản TPHCM, trang 90]. Theo TQV thì các phụ âm đầu như k, kh và h rất dễ chuyển đổi cho nhau.
 
Huệ Thiên phê bình lập luận của Trần Quốc Vượng không được nhất quán về logic và đầy tính gượng ép, trong đó thiếu sót lớn nhất là phục nguyên cho từ Hùng phụ âm đầu kh của thế kỷ 5 thì để nguyên phụ âm đầu của khun hay kun trong trạng thái hiện đại. [Huệ Thiên,“Hùng Vương hay Lạc Vương”, Kiến Thức Ngày Nay số 81, 1.4.1992, trang 3-9.

[3]Huỳnh Sanh Thông, “Live by water, die for water - Metaphors of Vietnamese culture and history”, The Vietnam Review Vol.1 Autumn- Winter, 1996.

[4]Theo một giả thuyết của Đào Duy Anh thì vật tổ của người Việt cổ là chim Lạc (trang trí hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ). Theo giả thuyết này thì người Việt cổ, sống ở phía Nam sông Dương Tử, thường dong buồm theo gió mùa để đi về hướng Nam, đến tận Nam Dương. Những chuyến hải hành như thế thường trùng hợp với hiện tượng di cư của một loài chim, và họ -- theo tín ngưỡng totem -- tôn sùng loài chim này làm vật tổ.

[5]Dẫn theo Phạm Văn Sơn, (1960), Việt Sử Toàn Thư, Lâm Thư Ấn Quán xuất bản lần đầu tiên năm 1960 tại Sài Gòn [Nhà xuất bản Đại Nam, California, tái bản nhưng không ghi rõ năm], trang 24.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021