tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
dẫn nhập | nhận định | tác phẩm | thảo luận |
danh mục chuyên đề
Trần Dần – «Cái nòi bao giờ và ở đâu cũng hiếm»  [chuyên đề  TRẦN DẦN]

Tôi viết về Trần Dần nhân ngày giỗ đầu của ông (17/1/1998), trùng vào dịp đón xuân Mậu Dần. Tôi viết về Trần Dần bởi lẽ ông là một trong số những người sinh năm Dần rất có ấn tượng đối với tôi. Qua ông, tôi vừa nghiệm sinh được nhiều điều, lại vừa được hiểu thêm không ít những chuyện đời ở quanh mình.

Tôi không được biết và quen Trần Dần, nhưng được nghe tên ông và đọc ông khá sớm, ngay không lâu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, qua cái truyện quả xứng với truyện dài vào thời điểm nó ra đời : Người người lớp lớp gồm ba tập. Người người lớp lớp không hiểu sao sớm đến tay tôi ngay khi sách vừa in xong cùng với Vượt Côn đảo của Phùng Quán đang rất sôi nổi dư luận, trước khi biết đến Truyện Tây BắcĐất nước đứng lên - hai giải nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam - mãi về sau tôi mới được đọc. Vậy là trong kí ức tuổi học trò của tôi, Trần Dần đã sớm hiện diện cùng với một gia tài khá bộn gồm nhiều loại sách, nhưng trong đó Người người lớp lớp vẫn có một vị trí không nhòa lẫn. Ấn tượng đọc Người người lớp lớp trong tôi trở nên rất rõ vì quả có một cái gì mới, khác trong đó. Cái mới đến từ bối cảnh một thời kháng chiến gian khổ, rồi chiến thắng Điện Biên «bộ đội ta tiến quân trở về»… Người người lớp lớp quả đã đón được cái khí thế hồ hởi ấy, và làm kết đọng được ít nhiều một cảm hứng lãng mạn, hào hùng gắn với hình ảnh người lính Việt Nam, trong đó thấy trở đi trở lại hình ảnh một chính ủy Trần ưa chọc gậy vào ánh trăng, cùng với rất nhiều ánh trăng đi theo người lính hành quân lên ngược, kéo pháo, đào hào, nổ súng ào ạt xông lên, với phía sau một ít quá khứ ôn nghèo kể khổ…

Như vậy là Trần Dần đối với tôi, sau Người người lớp lớp bỗng trở thành một cái tên quen, gắn với bối cảnh kháng chiến, sớm có thành tựu đáng nhớ. Tiếp đó, tác phẩm thứ hai càng gây ấn tượng mạnh đối với tôi là bài thơ Nhất định thắng gồm 509 dòng thơ dài - ngắn lắp ghép kiểu leo thang - dòng chứ không phải đơn vị câu[1] - nhìn bằng mắt rất lô nhô, nhưng đọc lên có nhiều đoạn lại rất êm, rất thấm như hình ảnh một người vợ trẻ mới 19 tuổi, không có việc làm, lủi thủi trong mưa, đi tìm việc :

                                                Em đi
                                                         trong mưa
                                                                    cúi đầu
                                                                            nghiêng vai…

Bài thơ kéo rất dài, với rất nhiều điệp khúc, cho đến cái kết thúc xem ra cũng có hậu, có nhiều ánh sáng và niềm tin:

                                                    Hôm nay
                                                               Trời đã thôi mưa
                                                                                      thôi gió
                                                    Nắng lên
                                                              đỏ phố
                                                                      đỏ nhà
                                                    Đỏ mọi buồng tim lá phổi
                                                    Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa?
                                                     (…)
                                                    Hôm nay
                                                    trời xanh
                                                                    xanh đúc
                                                    Nắng lên
                                                              đỏ phố
                                                                      đỏ cờ…

Thế nhưng tai họa đã đổ lên đầu Trần Dần từ bài thơ đó. Tất nhiên ở phía bên trong, và trước đó, còn nhiều truyện khác đã đưa Trần Dần tới một cái kỉ luật trong quân đội. Nhưng đối với một lớp bạn đọc bình thường của lứa tuổi trẻ chúng tôi, qua theo dõi báo chí, thì chỉ có thể thông qua đấy mà hiểu là có một chuyện gì bất thường đã xảy ra.

Tôi không làm văn học sử nên không đi sâu bàn kĩ việc này, chỉ nêu cái hiện tượng Trần Dần với bài thơ Nhất định thắng khá ồn ào và ấn tượng mà chúng tôi được trực tiếp nghe - hiểu, đọc - hiểu, để thành sau đó thành một sự im lặng của Trần Dần, kéo dài trên ba mươi năm, từ 1956 đến cuối những năm 80.

Trong im lặng là những bản dịch không đề tên, sau này tôi mới biết là của Trần Dần. Chẳng hạn bản dịch một tiểu thuyết hiện đại Ru-ma-ni Những người chân đất của Xtăng-cu dầy như nửa cái gối mà không đề tên người dịch.

Cùng với Trần Dần, tôi cũng được biết đến sự im lặng trên dưới ba mươi năm của một số người khác, trong đó có những bậc thầy tôi từng được học như lưỡng khoa tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, vì được biết ông từng dạy tiếng Pháp trong nhiều năm cho đứa con thứ của Trần Dần tên là Trần Trọng Vũ; dạy mà không lấy tiền, dẫu chắc là ông cũng túng; vì vào lúc ấy nhà Trần Dần làm gì có tiền cho con đi học tư - nhất là lại học tư nơi một người vào loại giỏi nhất tiếng Pháp và văn chương Pháp ở Hà Nội như Nguyễn Mạnh Tường. Chính nhờ vào vốn tiếng Pháp rất bất ngờ với các tổ chức học đường và ngoại giao, cùng với kết quả thủ khoa ở Trường Họa mà Vũ được sang Pháp tu nghiệp, rồi thành điểm tựa cho cả gia đình và ông bố những năm cuối đời, lúc ở tuổi 60 và 70.

Rồi thì cái tên Trần Dần dần dần xuất hiện lại, và hoạt động nghề nghiệp của ông xem ra vẫn cứ là trong dạng không bằng lòng với hiện cảnh, như được ghi nhận với rất nhiều yêu mến và vui hóm qua một bài tường thuật nơi một tạp chí văn nghệ của Miền Trung. Bây giờ là hình ảnh một Trần Dần bước đi khập khiễng, càu nhàu vì mất ngủ, sau một ngày chuyện trò, đối thoại với anh em bạn văn nơi Cố đô. Và hình như ở cuộc gặp gỡ đó, Trần Dần đã phát biểu cái ý kiến rất quyết liệt phải chôn thơ văn Tiền chiến – chôn Thơ mới và Tự lực văn đoàn. Như vậy là sau hơn ba mươi năm im lặng, ngoài việc dịch để kiếm sống, Trần Dần vẫn nung nấu rất nhiều ý nguyện đổi mới văn chương; và do vậy, lẽ tự nhiên, công cuộc đổi mới đất nước đã có thể giúp cho ông một sự hồi sinh. Trần Dần lại viết - tôi được nghe thế, nhưng việc in ra được còn rất ít so với tổng lượng những gì dưựoc ông viết ra. Tác phẩm Cổng tỉnh [2], Thơ tiểu thuyết, Dạ khúc trường thiên như được ghi ở bìa, dày 175 trang, được tặng giải thưởng hàng năm – năm 1995 của Hội Nhà văn là một tập hợp các tác phẩm gồm 2 phần - 38 chương; thấy đề ở cuối sách: 1959. Vậy là phải hơn 35 năm mới được trình làng. Chỉ đáng tiếc là không thấy tác giả hoặc người biên tập đưa vào đây bài Nhất định thắng - rất có tư cách một chương; thiếu nó, khó có một hình dung thích hợp và đầy đủ về thơ Trần Dần.

Cho đến lúc này, Trần Dần vẫn cứ là một ẩn số đối với lớp người đọc như tôi, muốn biết nhiều hơn về sức sáng tạo của ông; nói đúng hơn về một khát vọng sáng tạo không ngớt hành hạ ông, đến là quyết liệt và dai dẳng. Dai dẳng cho đến ngày ông ra đi ở nhà riêng phố Vũ Hữu Lợi như được thể hiện trong chính đôi câu đối của ông được viết bằng phấn (hoặc mực màu) ngay trước tường nhà, đập ngay vào măt bạn bè thân hữu, vừa như để đưa tiễn người đi, vừa như để nhắn gửi với người ở lại: “Tôi khóc những chân trời không có người bay. Lại khóc những người bay không có chân trời”.

Nghe anh Dương Tường nói: Trần Dần còn để lại hơn ba chục bản thảo thơ, vài ba tập tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận. Vậy là cả một kho chữ còn trong di cảo. Hiện tượng người viết viết không kịp in, mãi lâu sau khi mất mới được in là hiện tượng cũng thường xảy ra nhiều nơi trong giới nghề nghiệp chúng ta. Lại nghe anh Dương Tường nói là anh chưa viết nổi về Trần Dần, dẫu đã tự hứa với mình nhiều lần, vì “bất lực, không có cách chi nói được đầy đủ” về Trần Dần, là người, theo anh “thuộc nòi khổng lồ, cái nòi bao giờ và ở đâu cũng hiếm” [3]. Nghe như vậy mà ngại, nhưng càng ngại càng giàu sức kích thích. Tôi hy vọng với di cảo này, sẽ trả lời được câu hỏi về những tìm kiếm về các giá trị mới ở Trần Dần, một người luôn luôn đau đáu cái nguyện vọng đổi mới văn chương - nghệ thuật.

Bài cảm nghĩ về Trần Dần nhân giỗ đầu của ông và nhân dịp vào xuân Mậu Dần phải dừng lại ở đây khi trước mặt tôi còn ngổn ngang mọi nhe nhắm. Đành phải chờ và đành cứ phải loanh quanh phía bên ngoài để bù lấp những khoảng trống mà mình chưa biết. Thế nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn có được đôi dịp may mắn. Chẳng hạn như khi được đọc với rất nhiều hứng thú và cảm động bài Người vợ [4] của anh Nguyễn Khải viết về bà vợ Trần Dần, đã in báo khá lâu, nay được in lại trong sách Hà Nội trong mắt tôi, (cứ đọc riêng bài này cũng đủ thấy Nguyễn Khải còn biết nhiều, và còn có thể viết nhiều về Trần Dần trong nhiều dạng). Qua kỉ niệm của Nguyễn Khải về gia đình Trần Dần mà anh có lịch sử quen biết khá lâu, về những vất vả cam go mà chị Khuê (vợ Trần Dần) cùng đàn con đã phải chịu đựng suốt bằng ấy năm, cả về chính mấy đứa con - một gái, hai trai, tôi bỗng được ngẫm nghĩ rất nhiều điều. Người phụ nữ ngót ba mươi năm trước đây đi trong mưa kiếm việc, rồi chị cũng có các loại việc mà làm, để gánh cả một gánh gia đình quá nặng trên vai; thế nhưng cuối cùng chị đã có thể vượt qua tất cả để nuôi đến cùng ông chồng văn sĩ lận đận và khó tính, nuôi và dạy nên người cả đàn con, trong đó có đứa con rất có trí, có tài và do có tài, do có nghiệp nghệ sĩ nên biết trân trọng và hiểu được những nông nỗi của sáng tạo và sự khốn khó của người cha.

Trần Dần, con người cầm tinh con hổ ấy có lúc mắng mỏ rất phũ người vợ - như được kể trong bài của Nguyễn Khải, nhưng bà vợ mỗi lúc kể lại cho khách nghe chuyện đó, hoặc trả lời khách về câu hỏi sao bà không giúp cho ông chồng kiên trì tập luyện để chống lại bệnh tật và lấy lại được sức khỏe, thì chỉ cười hồn nhiên: “Ông ấy là cường hào, ác bá, Đảng và Chính phủ còn chả bắt buộc được huống là tôi” [5].

Sự thật thì bà đã chăm sóc ông rất mực chu đáo, rất mực tận tụy cho đến lúc ông ra đi - như tất cả những người phụ nữ Việt Nam, càng như tất cả những người vợ Việt Nam khi chồng bị hoạn nạn.

(Hà Nội, 22-10-97)

(đăng ở Tạp chí Sông Hương, số 112, tháng 6/1998)

_________________________

[1]in trên Giai phẩm 1956, bản in lần thứ hai, Hà Nội, 10-1956

[2]NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1994

[3]"Một nén nhang cho Trần Dần", Tuổi trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật, số 689, tháng 4-1997

[4]NXB Hà Nội, 1995

[5]Sách trên, trang 58


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021