|
Lời bạt Mùa Sạch
[chuyên đề
TRẦN DẦN]
|
|
Trong di cảo của Trần Dần được sơ bộ soạn thành 186 hồ sơ xếp trong 24 cặp lớn, Mùa Sạch được đánh số 21. Di cảo này ở vào chặng nào trong hành trình văn học đầy biến thiên của Trần Dần? Nó có vai trò như thế nào trong triển diễn của nhân cách văn học Trần Dần? Nhiều chục năm gần gũi Trần Dần cho phép tôi dễ dàng định vị Mùa sạch vào giai đoạn anh dứt khoát rũ bỏ ảnh hưởng của thơ bậc thang và khẩu khí Maiakovski mà ngay cả trong Bài thơ Việt Bắc và phần nào trong Cổng Tỉnh, ta vẫn còn gặp ở nhiều chỗ. Có thể nói đây là một bước ngoặt đánh dấu một độ chín mới trong phong cách đa bội Trần Dần. Động thái thơ này có gì tương đồng và tương ứng với tìm tòi của Nguyễn Tư Nghiêm trong mỹ thuật, cũng vào thời kì ấy: trong khi Nghiêm quay về vục cảm xúc từ điêu khắc và kiến trúc đình chùa để đi đến một ngôn ngữ tạo hình hiện đại thì Trần Dần trầm mình vào suối nguồn ca dao - đồng dao để tạo nên một hôn phối kỳ thú giữa truyền thống và hiện đại. Trường ca Mùa sạch là kết quả của những cố gắng cách tân đó. Với tinh chất ca dao - đồng dao như là vật liệu, tác phẩm được tạo dựng theo cấu trúc của nhạc giao hưởng. Một tổ khúc giao hưởng lấy bốn từ trong - sạch - sáng - mùa làm chủ đề chính (leitmotiv) được phát triển thành nhiều biến tấu, tạo một nền âm - chữ siêu ngữ nghĩa, thường trực và da diết hay, để dùng một thuật ngữ âm nhạc, một basso ostinato (bè trầm trì tục). Phải, hồi đó tôi thường hay bàn với Dần về basso ostinato. “Ừ, tao sẽ cho chạy một basso ostinato suốt tập thơ mới”, anh ngỏ với tôi. Trần Dần là người đã đi là đi tới cùng. Anh thậm ghét những “demi-mesures” - anh quen dùng từ Pháp này để chỉ thói nửa vời. Anh yêu thích cách điệp từ điệp âm trong ca dao tục ngữ Việt Nam và khai thác vận dụng triệt để thủ pháp đó trong Mùa sạch. Cách nào đó, basso ostinato là một ngón điệp từ đẩy lên cực độ, lên lũy thừa n, anh định nghĩa. Riêng tôi chưa thấy trong thơ Việt Nam cũng như thơ thế giới trường hợp nào một độc vận duy nhất chạy suốt hàng chục trang thơ như trong các chương đoạn Mùa sạch. Cách nào đó, có thể nói, Mùa sạch là một trường ca bốn từ như Boléro của M. Ravel là một kiệt tác một câu vậy. Cái bè trầm trì tục ấy khơi dậy biết bao nỗi niềm, biết bao xao xuyến, biết bao khao khát. ... Tôi nhất thích công tác ở quả đất mùa
Khi nốt chân mùa dày dạy gió mùa
Giọt điện mùa lảy bảy đèn mùa
...
Khi nụ cười mùa mát rượi phố mùa
Ngày nghỉ mùa chi chít gái trai mùa
Hoa viên mùa ve vẩy đùi mùa
Tắcxi mùa ngoe nguẩy chiều mùa
...
Khi điếu thuốc mùa châm cửa sổ mùa
Que diêm mùa xòe ngọn lửa mùa
...
Tôi nhất thích công tác ở Việt Nam mùa
Mùa cau ỏn ẻn trầu mùa
Mùa duyên hò hẹn trăng mùa
Mùa na rụn rịn vườn mùa
Mùa Việt Nam trên quả đất mùa
Danh từ mùa ở đây lúc giữ nguyên từ loại, lúc biến hóa thành từ định tính cho mọi khái niệm, cho vạn vật! Trần Dần khát khao sạch, khát khao trong ở cả cấp vi mô lẫn vĩ mô, ở cả cái cụ thể lẫn cái trừu tượng: quê sạch, diệc mạ sạch, cây tre sạch, duyên sạch, tư duy sạch, bút sạch, đàn sạch, ... phố trong, giờ trong, hành tinh trong, sao trong, địa cầu trong, (cả) tối (cũng) trong, (cả) bùn (cũng) trong... Tôn vinh đất mẹ Việt Nam, Trần Dần lên lịch cho mọi phạm trù: lịch xuân, lịch hè, lịch thu, lịch đông, lịch họ hàng, lịch con cái, lịch tươi, lịch sáng, lịch sao, lịch đất, lịch lúa, lịch hạt... Những trang lịch lúp búp của phồn thực chữ sinh sôi - phôi chữ, hạt chữ, mầm chữ nở lúa túa trong dạt dào hơi thở của ca dao - đồng dao. Với lương tâm một người làm vườn quốc ngữ, Trần Dần tận tụy ươm chữ cho một mùa chữ Việt sáng - sạch - trong. Dòng cuối bản thảo Mùa sạch ghi niên đại sáng tác là năm 1964-1965. Nhưng thực ra, anh đã hoài thai nó từ mùa thu Quý Mão, nghĩa là gần như cùng thời kì chị Khuê có mang đứa bé mà nay là họa sĩ Trần Trọng Vũ tài danh. Tôi nhớ hồi giáp Tết năm ấy, khi chị Khuê trở dạ, vét cả nhà còn chưa đầy chục bạc, bạn bè góp lại được 30 đồng đưa chị vào nhà hộ sinh. Trong những điều kiện như vậy - nhà cửa vợ con nheo nhếch, sự nghiệp dang dở, hàng chồng bản thảo vẫn “nằm” không biết bao giờ mới được ra đời - Trần Dần vẫn: ... nhìn trong vắt ở cả những phía thất bát mùa Người viết lời bạt này muốn mượn ý của P.Valéry về S. Mallarmé mà rằng: Cái nhìn trong vắt ấy của Trần Dần đã “nâng trang thơ lên bậc lũy thừa của một trời sao”. Trước ngày giỗ đầu Trần Dần
Tháng Chạp
|