tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Lại chuyện đạo văn?  [đối thoại]

 

Một người bạn vừa cho tôi biết rằng truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Thời hậu chiến” của nhà văn Nguyễn Hương. Theo những links do người bạn cung cấp, tôi vào trang Cuồng Từ Blog thì thấy truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng ngày 31 tháng 3 năm 2013 trên Cuồng Từ Blog) có đa số câu và đoạn văn giống y như trong truyện ngắn “Thời hậu chiến” của nhà văn Nguyễn Hương (đăng ngày 22 tháng 10 năm 2006 trên trang Tiền Vệ).

Là người chịu trách nhiệm nội dung của trang Tiền Vệ, tôi cần phải nêu việc này một cách minh bạch ra trước dư luận để bảo vệ cho uy tín của nhà văn Nguyễn Hương.

Trước hết, xin mời quý văn hữu và độc giả thử so sánh hai văn bản:

- Truyện ngắn “Thời hậu chiến” của nhà văn Nguyễn Hương (đăng ngày 22 tháng 10 năm 2006 trên trang Tiền Vệ) gồm có hơn 6 ngàn chữ.

- truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng ngày 31 tháng 3 năm 2013 trên Cuồng Từ Blog) gồm có hơn 5 trăm chữ.

Dưới đây là những chi tiết giống nhau:

“Thời hậu chiến” của Nguyễn Hương:

Điền cười khúc khích: “Tối như mực mà anh sáng mắt như thể người mắt sáng.” Tôi vuốt dài theo sống lưng Điền. Áo Điền vải thô, nham nhám, cứng khựng dưới tay tôi. Nhưng dưới là da thịt Điền chỗ mềm chỗ chắc. Tôi lần tay vào áo. Bắp tay bắp chân Điền từ hồi còn ở Bình Vi đã chắc vì Điền phải gánh nước, giặc giũ, trồng rau, con bảy đứa tay bồng tay ẵm. Núm vú Điền tròn to, bình thường hơi trễ xuống theo con đứa ngậm đứa nhai đứa mút, đứa nào cũng ra năm mới dứt. Nhưng lúc này thì núm vú Điền săn lên đụng vào đầu ngón tay tôi di di nhè nhẹ vòng từ sau lưng ra trước ngực. Khoảng bụng Điền mềm, lớp da tràn trễ khi tôi ấn nhẹ; hơi ấm Điền lan tỏa vào lòng tay tôi. Điền không còn trẻ. Thân thể Điền tôi thấy rõ như thể ban ngày, như thể tôi là người sáng mắt. Điền nói đúng. Như thể.
 
Điền thở dài. Hơi thở Điền nóng.
 

“Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ:

Nguyệt Nga cười khúc khích:
- Ối anh Vân Tiên ơi! Tối như mực mà anh sáng mắt còn hơn người mắt sáng!
- Yên nào!
Vân Tiên vuốt dài theo sống lưng Nuyệt Nga. Áo vải thô nham nhám, nhưng bên dưới da thịt thơm tho có chỗ mềm chỗ cứng.
Vân Tiên lần tay vào áo. Núm vú Nguyệt Nga to và tròn đang săn lên dưới ngòn tay của Vân Tiên. Khoảng bụng của Nguyệt Nga buồn mênh mang 
Buồn như cánh đồng chiều lan tỏa.
- Nàng ơi! Chỗ này là chỗ nào đây?
Nguyệt Nga cười rung rúc:
- Đồ ma! Biết rồi mà còn hỏi... Thân thể em chàng biết rõ như ban ngày, như thể... trẻ con thấy vúí.
- Vậy thì ta bú nghen Nguyệt Nga?
- Không! Chỗ này không phải để bú, đồ ma ạ!
Nguyệt Nga thở dài: Ôi chàng ngang ngược quá. Chẳng chịu nghe ai...
Nàng lại thở gấp gáp, hơi thở nàng nóng rực.
 

“Thời hậu chiến” của Nguyễn Hương:

Ngày xưa, Điền thở hắt, hơi thở Điền nóng.
[...]
Nhưng đây không phải Bình Vi, Gia Định. Đây là tị địa. Thành giếng trơn rong, sần sùi. Tôi bỏ gàu xuống giếng. Tiếng đáy gàu đập vào mặt nước nghe như cái tát. Ngày xưa, Điền thở hắt, hơi thở Điền nóng. Tôi xối nước xuống đầu. Nước chảy thành sợi xuống mặt, xuống ngực, xuống chân. Nước không mát, tanh tanh mùi bùn Ba tri.
Cá rô nhảy dưới mương nghe lách tách. Đêm lan rộng vào ngày.
Điền nói đúng. Tôi viết như thể tôi là người sáng mắt: Đồng-nai tranh ngói nhuốm màu mây. Tôi nằng nặc rằng tôi thấy mây bằng chữ. Như thể.
Tôi nghe súng nổ. Tôi ngửi mùi khét hỏa mai nghĩa quân đánh bằng rơm đốt nhà xóm đạo. Lửa tôi thấy là lửa nghĩa nhân. Như thể.
[...]
Tôi đứng lại đây, cạnh giếng nước tị địa, trăm tuổi cho tròn phận tóc da.
Ngày chảy vào đêm. Nước nhỏ giọt.
[...]
Thời tôi đã là lịch sử, thì tôi sống bằng sờ, bằng nghe, bằng ngửi. Tôi sống cho tròn phận tóc da.
[...]
Điền trở mình, kêu:
“Anh Chiểu.”
 

“Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ:

Ngày xưa Nguyệt Nga thở hắt, hơi thở dịu mát, không như bây giờ.
Ái ân cũng trở thành lịch sử?
Vân Tiên lần theo hơi thở của Nguyệt Nga, miên man vào sử lịch khôn cùng, rồi lập tức mất phương hướng. Nơi này không phải Bình Vi-Gia Định mà đây là tị địa.
Chàng mơ hồ nơi thành giếng trơn rong, nghe có tiếng ai bỏ gầu xuống giếng. Và nước nào chảy thành sợi xuống mắt xuống môi?
Nước không mát nhưng ngọt và tanh mùi bùn sóng nước Ba Tri. Có tiếng cá rô nhảy dưới mương đêm kêu lách chách. Như thể đêm lan rộng vào ngày...
Nguyệt Nga nức nở: Vân Tiên! Chàng viết như thể người sáng mắt...: “ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây...
- Ồ không! Nguyệt Nga em ơi! Ta thấy khói mây bằng chữ, đó em.
Và như thể chàng vừa nghe súng nổ, nghe bằng mùi nghĩa quân, mùi khét súng hỏa mai, chàng kêu thảng thốt:
-- Nguyệt Nga ơi! Lửa tôi cháy là lửa nghĩa nhân.! Cứ như thể... nàng ơi...
Vân Tiên khóc.
Chàng khóc trên giếng sầu tị địa. 
Khóc trăm năm cho tròn phận tóc tơ.
Như thể... Ngày chảy vào đêm từng giọt một...
[...]
Vậy sao lòng buồn lạ... Như thể....
Ôi trong cõi vô cùng, thời của ta đã là lịch sử. 
Ta không còn mắt sáng
Thì ta sống bằng sờ! 
Thì ta sống bằng lưỡi!
Thì ta sống bằng ngửi!...
Thì sống cho tròn phận tóc da!
Nguyệt Nga trân mình kêu:
- Anh Chiểu!
 

*

Dưới đây là bản chụp nguyên văn truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ:

 

 

Thay mặt cho nhóm chủ trương Tiền Vệ và nhà văn Nguyễn Hương, tôi yêu cầu ông Lư Sơn-Cuồng Từ công khai giải thích về sự giống nhau quá hiển nhiên giữa truyện ngắn “Thời hậu chiến” của Nguyễn Hương và truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của ông.

 

------------------

Tái bút:

Ở phần “nhận xét” dưới bài, khi trao đổi với nhà văn Nguyễn Thanh Hiện, ông Lư Sơn-Cuồng Từ đã xưng là bạn của “Hoàng NgọcTuấn tienve.org”.
 
 
Tôi xin đính chính minh bạch rằng tôi chưa từng gặp và chưa từng biết Lư Sơn-Cuồng Từ là ai, và do đó tôi chưa bao giờ là bạn của Lư Sơn-Cuồng Từ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021