tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Hậu Thơ trong chiến trận  [đối thoại]

 

Trong miền Nam, khi người ta ngưỡng mộ một truyện gì lắm thì sẽ soạn ra một cái “Hậu” chẳng hạn như Hậu Tây Du Ký, Hậu Thủy Hử,... thậm chí có cả Hậu Cô Gái Đồ Long. Hài kịch này ra đời chỉ tiếp nối truyền thống “Hậu” ấy để vinh danh một sáng tác phẩm ly kỳ trước đó. Xin lưu ý là những trùng hợp tên tuổi nếu có chỉ là truyện có ... hậu cho vui! Và xin lỗi đã chôm chỉa trích dẫn từ nhiều tác giả dù chưa được phép. Nếu ban biên tập Tiền Vệ trả nhuận bút thì người gửi bài này trân trọng xin hứa sẽ cưa chia sòng phẳng.

 

Nhân vật

 

Nguyễn Trãi (NT): tốt nghiệp Ph.D. đứng hạng thứ tư, khóa năm đầu nhà Hồ nơi trường thi Kẻ Chợ.

Dương Anh Sơn (DAS): thầy đồ xưa dạy học ở miệt Lâm Ấp cũ, phía bắc cái Tháp Bà Thiên Y Thánh Mẫu.

Ba Hát (BH): cái tên có vẻ oai hùng như các hảo hớn Nam Bộ cỡ ông Năm Lửa hay chú Sáu Dân; nhưng không, đó là cách viết gọn cái đại danh của nhà phê bình nhận định Hắc Hoán Hùng 黑 浣 熊. Còn được viết tắt theo tiếng Hồng Mao là BR.

 

Màn kéo lên

 

[Cụ Nguyễn Trãi chống gậy lò dò xuống núi Côn Sơn ghé vào sân banh Tiền Vệ]

NT [ngâm nga]: Xìm... môi... xeo... tạp... poóng... plăng... [1]

BH: Xìm môi xìm lợi cái mốc xì! Có phải ông là quân sư Nguyễn Trãi? Tui đang tìm ông để yêu cầu ông xác nhận là có cái thú hải hồ nên đã “đến Vọng Doanh lúc nhỏ khoảng từ 12-13 tuổi.”

NT [bập bẹ thứ tiếng Việt hiện đại]: Plời ơi! Cái đám sĩ phu ngày nay đã in ra bao cái toàn tập với tổng tập phơi bày đời tư của tôi bấy lâu nay rồi.[2] Ông không đọc họ kể lể về cái tuổi thơ khốn khổ của tôi sao? Từ khi được sinh, tôi phải theo mẹ sống bám với ông ngoại tôi ban đầu ở Kẻ Chợ sau thì trốn tránh lên khu núi Hun đất Chí Linh. Mẹ mất... rồi ông mất... tôi lên 11 tuổi, mới được về sống với cha ở làng Dũi đất Thường Tín. Mà ông cụ chỉ là thầy đồ nghèo kiết, lại đèo bòng thêm bà kế, lấy đâu tiền còm cho tôi đi hưởng thú hải hồ đến tận cái núi có hình con chim trả tắm gội hở ông?[3]

BH: Sức mấy mà tui phí thời giờ tìm đến cái thuở để chỏm của ông. Chỉ cần biết hồi nhỏ tui tha hồ lấy xe đò nhảy xe lam qua phà xuống xuồng tam bản ngồi ghe máy đuôi tôm đi... tắm gội ở con suối nước nóng khoái lắm. Sao ông không thuê một cuốc xế Hông-đa ôm để hải hồ? Tui đi chơi được thì ông cũng phải đi chơi được!

NT: Thú thật cùng với ông là hồi đó chỉ có cuốc bộ. Tôi phải phụ cha lo kiếm đủ cái ăn nuôi bầy em dại cũng ngất ngư rồi. Tôi hồi nhỏ không đủ sức và điều kiện để lết đi chơi xa đâu. Mãi đến khi ông Hồ Quý Ly lên ngôi thì cha con tôi mới được bước vào hoạn lộ.

BH: Ba đía! Nhứt định là ông đã viết bài “Vọng Doanh” sau khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ năm 1418, đúng hông?

NT: Năm 1418? Lạ nhỉ? Tôi đọc thấy người ta tranh luận khá nhiều về khoảng thời gian tôi đi gặp đức pua Thái Tổ. Nhưng chưa thấy vị sử gia nào khẳng định là năm 1418 khi đức pua xưng là Bình Định Vương cả.[4]

BH: Trong tay tui hiện có quyển Ức Trai Thi Tập, tác giả Dương Anh Sơn. Nếu ông muốn biết tường tận về ông già Ức Trai, phải nghiền ngẫm cuốn sử này. Ông Dương Anh Sơn đâu?

DAS [chạy ra, vái NT]: Kính lạy cụ, con không có chuyên về sử siếc gì cả. Con chỉ có tấm lòng quý mến cụ nên xin phép dịch lại các bài thơ chữ nho của cụ mà các người trước đã làm nhiều lần. Con đọc thấy cuốn Nguyễn Trãi Toàn Tập viết là cụ đi gặp vua Lê Lợi “Vào khoảng năm 1416 hoặc khoảng năm 1420” nên làm toán... trung bình cộng để cho đám nửa người nửa ngợm nửa đười ươi đỡ mệt óc khi học sách của con...

NT [lật xem cuốn sách của DAS]: À, thì ra thế. Hèn chi vì không chuyên nên ông viết nhiều điều không đúng với sử liệu nước ta khi giới thiệu về tôi. Này nhé, ông phạm thượng khi viết “Khi Lê [tự ý kiểm duyệt vì kỵ húy] lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tổ”. Ông chắc không rõ là các tên Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông ... là các miếu hiệu của đời sau dâng đặt sau khi các đấng hoàng đế đã qua đời. Rồi ông phong tôi chức Tể tướng. Ông lại còn...[5]

BH: Bỏ đi tám; tui không cần biết mấy điều nhảm nhí đó. Tui chỉ cần ông thầy đồ triết học tái xác định là bài “Vọng Doanh” “Được xếp vào thời kỳ kháng Minh 1418-1429. Thời kỳ này, Nguyễn Trãi có 35 bài, từ bài 15 đến bài 49.” Xác nhận ngay đi!

DAS: Ô hay, làm gì có chuyện đó! Bao người dịch Ức Trai Thi Tập thì cứ theo thứ tự trong các bản chữ nho cũ mà dịch. Tôi thì thấy cụ Đào Duy Anh phân loại thơ chữ nho của cụ Nguyễn Trãi đây khá hay hay, đi từ giai đoạn “thơ làm trong khi chưa thành công” kế tiếp là “thơ làm sau khi thành công và làm quan ở Triều đình” nên bắt chước và sửa tên cái giai đoạn thứ hai thành “Thời kỳ ra giúp Lê Lợi bình định xong giặc Minh xâm lược và làm quan nhà hậu Lê (khoảng 1418-1429) gồm 35 bài” cho nó liên tục thời gian.

BH: Rõ ràng là ông công nhận đã viết “Thời kỳ ra giúp Lê Lợi bình định xong giặc Minh xâm lược” rồi ông công nhận đã viết “khoảng 1418-1429” thì chứng tỏ điều tui đã khẳng định “thời kỳ kháng Minh 1418-1429” trúng phóc. Đủ rồi, cảm ơn ông.

DAS [tá hỏa, bật giọng Ninh Hòa]: Bà mé tui quơi! Tời quơi! (dịu giọng xuống) Thiệt ông nỡ nhẫn tâm lôi mã tấu ra chém phăng đi cái thời “làm quan nhà hậu Lê” là lúc chính yếu cụ đây làm thơ trong giai đoạn này. Xin được tô đậm và mời ông đeo kính đọc lại câu tôi viết trong sách: “thời kỳ ông [NT] ra giúp Lê Lợi như là một mưu thần cũng không thấy có bài thơ chữ Hán nào.

DAS [lấy hơi tiếp tục]: À, xí quên, trong giai đoạn này tui lỡ bỏ vào khá nhiều bài mà giờ xem lại không ổn, chẳng hạn như bài “Hạ Tiệp” (kỳ 1) 賀 捷 (一) với nguyên chú là “Tân Hợi Thái Tổ chinh Phục Lễ châu” mà tôi chú thêm là năm 1432.[6] Mấy bài này ông có chắc nịch chăm phần chăm là cụ Ức Trai đây viết ra trong “thời kỳ kháng Minh 1418-1429” của ông không?

NT: Lạ chưa, nghe nói là con nít lâu nay được dạy dỗ kỹ càng về công cuộc kháng Minh. Thế mà tôi lại được Hắc ông đây dạy là phe ta đánh nhau với bọn tàu phù mãi đến năm 1429 chứ không phải ta đã đánh tan địch từ hồi năm Đinh mùi 1427. Khổ cho tôi, bây giờ già nua mắt kém tay run rồi mà phải cặm cụi viết lại bản Bình Ngô Đại Cáo cho đúng ý Hắc ông đây. Biết ăn nói sao đây với hoàng thượng vì ngài lỡ đem ra bố cáo cùng chúng dân bản Bình Ngô này vào cuối năm Đinh Mùi rồi! Phen này chắc lại bị mất đầu và bị tru di tam tộc thêm lần nữa vì khi triều đình ra lệnh cho tôi soạn bài ký khắc lên bia mộ Vĩnh Lăng của hoàng thượng, tôi cũng ghi sai là ta oánh thắng quân tàu năm Đinh mùi![7]

BH: Mấy người là những kẻ vô ơn. Nè ông Dương Anh Sơn, tui chưa thấy ông đem lễ vật ra hậu tạ công lao tui quảng cáo sách cho ông. Còn ông Nguyễn Trãi, ông nên biết rằng tui viết như vậy thì người ta càng cảm phục công ơn ông hơn. Quê tui gọi một chục là 12. Chục năm kháng chiến nghĩa là hết 12 năm kháng Minh, hiểu chưa? Vậy thì ngoài bài “Vọng Doanh”, ông cũng phải xác nhận thêm ông đã làm thơ trong chiến trận với các bài “Quan Duyệt Thủy Trận” và “Bạch Đằng Hải Khẩu” nữa cà.

NT [gãi đầu lẩm bẩm]: Từ Quân Trung Từ Mệnh cho đến Bình Ngô Đại Cáo sang Lam Sơn Thục Lục rồi bia ký Vĩnh Lăng cho hoàng thượng, ta có liệt kê đủ các trận chiến cả mà. Toàn là bộ chiến cả; Ta có đề cập bến Ninh Kiều và suối Lãnh Câu vì ở đó bộ quân ta chém giết giặc nhiều máu loang đẫm dòng nước chứ nào phải đem cả ngàn chiến thuyền ra đối giặc ở đấy. À mà ta có bao giờ rảnh rỗi với thú hải hồ để mò ra tận cửa sông Bạch Đằng ngắm biển trong khi lo toan chiến trận nơi nội địa lúc đó đâu nhỉ. Ta còn nhớ hai ông bạn già Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên khi viết Đại Việt Sử Ký ghi rõ hoàng thượng duyệt thủy binh sau khi đánh đuổi quân Minh khi đất nước an bình cơ mà...

DAS [nói nhỏ với NT]: Bẩm cụ, Hắc ông đây quen dùng mã tấu đâm chém hung hãn lắm trên cái sân banh này. Ổng ta chặt phăng đi một nửa bài “Quan Duyệt Thủy Trận” của cụ rồi ... thét lên “không cần bàn”; Con đã chép rất kỹ hai câu thơ đầu bài này:

Bắc hải đương niên dĩ lục kình,       北 海 當 年 已 戮 鯨
Yến an do lự cật nhung binh.          燕 安 猶 慮 詰 戎 兵

Và con giải thích cặn kẽ cho đám học trò: “Năm xưa trước nơi biển bắc đã giết con cá voi to lớn - Dẫu đã yên ổn còn phải lo nghĩ đến chuyện luyện rèn binh lính.” Nghề gõ đầu trẻ cụ biết mà, khó lắm... dù con cố công giảng đó là lúc đất nước đã qua cơn binh biến và hưởng an bình cụ ạ.

BH [gân cổ]: Có lạ không, một ông quân sư trong thời điểm xung yếu của thế trận đao kiếm, vẫn ung dung neo chiếc thuyền văn ngắm nhìn trời chiều mênh mông mây nước?

NT: Tôi cũng chỉ là người thôi ông ạ. Cũng ăn, cũng ị, cũng cảm hứng soạn thơ, cũng lấy vợ sinh con khi tham gia cuộc chiến dai dẵng cũng như khi đi ẩn dật. Nếu tôi không làm mấy cái thứ đó thì mới lạ. Nói xa làm chi, gần gũi thời đại của ông, tôi thấy có những ông như Quang Dũng “[Đêm] mơ Hà Nội dáng kiều thơm” hay Nguyễn Đức Sơn “Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc/ Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh” trong chiến trận. Ông thấy có lạ không?

BH: Mấy chuyện rượu gái đồi trụy đó chỉ có hạng sĩ quan tép riu hay binh nhì cùi bắp mới bận tâm. Ông là quân sư, chức vụ cao cả, phải luôn luôn nghĩ lo đại sự trong thời điểm xung yếu của thế trận đao kiếm. Ung dung neo chiếc thuyền văn thì có lạ không?

NT: Chết thật. Tôi tra đọc sách xưa thấy đức hoàng đế Trần Nhân Tông lỡ xỉn xỉn khi đi hành quân rồi viết ra những lời sau trong bài Tây Chinh Đạo Trung:

Thê lương hành sắc thiêm cung mộng           凄 凉 行 色 添 宮 夢
Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi                     僚 亂 閑 愁 到 酒 杯
[Cảnh đi đường lạnh lẽo, lại thêm giấc mộng cung đình vấn vương
Mối sầu vơ vẩn đến với chén rượu][8]

Van xin ông đừng lôi đức hoàng đế ra tòa án quân sự vì tội hủ hóa và than vãn làm mất tinh thần chiến đấu của chiến sĩ nhé.

BH: Chỉ có bọn hủ nho ngu ngốc mới phí thời giờ tra cứu tài liệu. Sức mấy tui đi làm chiện Hậu Vệ cà rề đó. Muốn chơi vai Tiền Vệ giỏi như tui thì phải biết suy đoán như sấm sét, cứ đá đại phèo một phát, bóng sẽ phải lọt gôn. Tui thích ông làm thơ trong chiến trận. Nếu lỡ chưa làm thì bi giờ ông phải cầm bút mà làm ngay ... hậu thơ trong chiến trận!

[DAS vội cõng NT chạy ra ngoài gấp]

[Từ sân banh lời đanh thét nổ vang mỗi lúc mỗi lớn] Tui sẽ tranh biện tới cùng... Tui sẽ tranh biện tới cùng... Tui sẽ tranh biện tới cùng...

 

Màn hạ lẹ

 

_________________________

Ghi Chú

[1]Câu thơ Đường nôm 6 chữ này của Nguyễn Trãi được viết theo quốc ngữ hiện đại là: Tìm mai theo đạp bóng trăng [Quốc Âm Thi Tập]

Âm Việt thời Nguyễn Trãi mới hơn thời Trần Cang Trung, sứ nhà Nguyên, đến nước ta và cổ hơn cuốn tự điển của De Rhodes. Theo cố giáo sư hán nôm Nguyễn Tài Cẩn (“Một Vài Suy Nghĩ Xung Quanh Vấn Đề Đọc Nôm, Phiên Nôm”, Nghiên Cứu Hán Nôm, 1985), thì đây là cách phục nguyên âm Việt cổ của Nguyễn Bạt Tụy. Nguyễn Bạt Tụy là một nhà học ngữ (theo cách viết ngữ Việt của ông) rất độc đáo được các học giả văn sĩ trong nam (Nguyễn Hiến Lê) hay ngoài bắc (Nguyễn Tài Cẩn), hữu phái (Doãn Quốc Sỹ) hay tả phái (Hoàng Phủ Ngọc Tường) kính trọng. Tác phẩm ông chịu cho xuất bản rất ít, nhưng giá trị cực kỳ đặc biệt.

[2]Một số tác phẩm quốc ngữ sau đây thuộc loại “tổng tập” về Nguyễn Trãi, trong đó có Ức Trai Thi Tập:

- Nguyễn Trãi Toàn Tập, in lần thứ 1 (1969), in lần thứ hai có sửa chữa bổ sung (1976), NXB KHXH, Hà Nội. Phần thơ chữ nho Ức Trai Thi Tập do Đào Duy Anh dịch thuật, hiệu đính, sắp xếp lại 99 bài và chia làm năm phần. Bây giờ đã thấy Nhà Sách Sông Hương chụp và để trên mạng.
 
- Ức Trai Tập, 2 tập, Hoàng Khôi, UBDT PQVK ĐTVH, Sài Gòn (1972). Phần Ức Trai Thi Tập chỉ dịch thơ, không dịch nghĩa.
 
- Ức Trai Di Tập - Bổ Sung Phần Văn Chương, Bùi Văn Nguyên, NXB KHXH & NXB Mũi Cà Mau (1994). Trong phần thơ chữ hán, BVN có đưa thêm hai bài mới sưu tập: “Phúc Đáp Đại Đô Đốc Đinh Công” và “Ngự Chế Tao Ngộ Thi, Phụng Họa”. Rất tiếc sách không có in phần Hán Nôm.
 
- Nguyễn Trãi Toàn Tập Tân Biên, 3 tập, TT Nghiên Cứu Quốc Học & NXB Văn Học, Hà Nội (2001). Xin chân thành tri ân cụ Nguyễn Quảng Tuân, hội viên Hội Đồng Biên Soạn, đã tặng bộ này nhân lần về Sài Gòn đến viếng tư gia của cụ nơi phố Đa Kao xưa.

[3]Một số tên nôm cũ:

- Kẻ Chợ: Thăng Long
- Hun: Côn Sơn thuộc Chí Linh. Chí Linh này ở Hải Dương, không phải là khu núi Chí Linh nơi Lê Lợi đóng quân ở Thanh Hóa mà theo Đào Duy Anh thì dân địa phương gọi là núi Pù Rinh.
- Dũi: làng Nhị Khê.
- Non Nước: Trương Hán Siêu đổi là Dục Thúy (con chim trả tắm gội.)

[4]Tranh luận khá nhiều về thời điểm Nguyễn Trãi đầu quân với Lê Lợi.

Lời tựa của Trần Khắc Kiệm trong Ức Trai Di Tập (1480), chú thích của Lê Thánh Tông trong Quỳnh Uyển Cửu Ca, hay sắc phong của Lê Tương Dực (1512) đều nói Nguyễn Trãi đến gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang - nhưng đều không ghi năm gặp. Một số ý kiến (Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn) cho là Nguyễn Trãi tham gia hoạt động trước khi Lê Lợi chính thức xưng là Bình Định Vương năm 1418. Chứng cớ: Một số sách truyền lại cùng với các gia phả ghi là Nguyễn Trãi có tên trong số 18 người đã cùng Lê Lợi dự lễ thề Lũng Nhai năm 1416. Trần Trọng Kim ghi Nguyễn Trãi tìm gặp Lê Lợi năm 1420. Các nhà nghiên cứu khác (Trần Huy Liệu, Bùi Văn Nguyên) cho là danh sách 19 người trong hội thề Lũng Nhai đã bị sửa chữa, và kết luận Nguyễn Trãi chỉ tham gia khoảng năm 1421-3 và khởi đầu Quân Trung Từ Mệnh với việc soạn bức thư xin hàng của Lê Lợi gửi quân Minh năm 1423.

[5]Dương Anh Sơn làm công việc đáng quý là dịch thuật lại thơ Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi. Điều đáng tiếc là khi viết “Vài Nét Về Nguyễn Trãi”, Dương Anh Sơn đã không tra cứu tài liệu lịch sử và văn học kỹ lưỡng. Xin ghi lại một số điểm:

Dương Anh Sơn: “Khi Lê Lợi lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tổ (1428), nhờ công lớn, ông được đổi theo họ nhà vua là Lê Trãi, được phong tước Quan Phục Hầu và làm quan Nhập nội hành khiển (Tể tướng)”.
 
- Thái Tổ là miếu hiệu sau khi Lê Lợi mất (niên hiệu Thuận Thiên thứ 6.) Nguyễn Trãi thực ra chỉ được giữ các chức tước và phẩm hàm khá nhỏ trong triều Lê. Thời kháng Minh, ông chỉ làm Thừa chỉ, sau lên Nhập nội hành khiển (hành khiển trong cung cấm.) Qua mấy lần phong chức cho công thần, mãi đến năm Thuận Thiên thứ 2, Trãi cùng 25 người khác được phong tưóc Á hầu đứng sau 35 người được phong tước cao hơn. Ông được kiêm chức Thượng thư bộ Lại, nhưng đời Lê, chức này thuộc hàm tam phẩm. Rồi ông bị hạ ngục, được tha nhưng mất quốc tính, mất tước hầu. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi khi vua mất, “Nguyễn Trãi vâng lệnh soạn văn bia.” Trong bài bi ký đó, ông không ghi tước hầu và trở lại họ Nguyễn: “Vĩnh lộc đại phu nhập nội hành khiển tri tam quán sự thần Nguyễn Trãi phụng sắc soạn.”
 
Dương Anh Sơn viết là Lê Thánh Tông truy tặng Nguyễn Trãi tước Tế Văn Hầu.
 
- Không đúng, Thánh Tông chỉ cho ông tước Tán Trù Bá. Người ban sắc phong tặng ông tước Tế Văn Hầu là vua Tương Dực.
 
Dương Anh Sơn: “Mãi đến những năm thời Minh Mạng, Tự Đức triều Nguyễn (tức gần 400 năm sau khi ông mất), các ông Dương Bá Cung, Nguyễn Định và Ngô Thế Vinh mới sưu tập và khảo chính được các văn thơ còn lại của Nguyễn Trãi tập họp thành bộ ỨC TRAI DI TẬP cho khắc in vào năm 1868.”
 
- Thật ra Lê Thánh Tông đã ra lệnh sưu tập thơ văn ông. Trần Khắc Kiệm đã viết lời tựa cho Ức Trai Thi Tập (3 quyển) từ năm 1480. Sách của Trần Khắc Kiệm giờ đã mất nhưng được ghi lại bởi Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú. Lê Quý Đôn chép 105 bài thơ chữ hán của Nguyễn Trãi trong Toàn Việt Thi Lục mà Dương Bá Cung đã sử dụng cùng với Tinh Tuyển Chư Gia Thi Tập (Dương Đức Nhan đời Lê Thánh Tông soạn) và Việt Âm Thi Tập (bạn Nguyễn Trãi là Phan Phu Tiên soạn.) Các phân chia thời kỳ thơ chữ hán của Nguyễn của Dương Anh Sơn rõ ràng dựa theo Đào Duy Anh, nhưng đề thêm năm và thiếu chính xác. Cũng như Đào Duy Anh, Dương Anh Sơn hoàn toàn bỏ qua giai đoạn Nguyễn Trãi còn là học trò và làm quan với nhà Hồ trong 7 năm.
 
Dương Anh Sơn còn hàm ý Gia Huấn Ca là tác phẩm nôm của Nguyễn Trãi. Xin lưu ý: lời thơ và chữ nôm trong Gia Huấn Ca rất mới. Và thể thơ lục bát chưa xuất hiện trong thời Hậu Lê sơ.
 
Dương Anh Sơn: “Quốc Âm Thi Tập được xem là tập thơ chữ Nôm phong phú nhất sau các bài thơ rải rác của các tiền bối như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Hồ Quý Ly, Chu Văn An... đời nhà Trần.”
 
- So sánh như vậy e không chính xác lắm: Các tác giả được nêu ra có những thi văn tập viết với chữ nôm, nhưng tất cả đều thất lạc hoặc bị quân Minh tiêu hủy tất cả nên không thể biết được để nói là rải rác. Chỉ có bài thơ nôm “Văn Tế Cá Sấu” của Nguyễn Thuyên được nhắc tới; nhưng đó là việc mạo tác của phó bảng Nguyễn Can Mộng hồi đầu thế kỷ 20.

[6]Về cái nguyên chú “Tân Hợi Thái Tổ chinh Phục Lễ châu”, Dương Anh Sơn ghi lại: “Bài thơ này Nguyễn Trãi làm sau trận đánh dẹp Đèo Cát Hãn năm 1432 do đích thân Lê Thái Tổ cầm quân.”

- Năm Tân Hợi thực ra là năm 1431. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tháng 2 năm Tân Hợi, Lê Thái Tổ chỉ có thân chinh đi đánh Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái (ở Thái Nguyên). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ghi là đầu năm Nhâm Tí (1432) vua cho con là Tư Tề đi đánh Đèo Cát Hãn, đến tháng 11 thì tự mình thân chinh, sang tháng giêng năm Quý Sửu lại đi đánh châu Phục Lễ. Còn theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tháng 12 năm Tân Hợi, vua sai Tư Tề đi đánh Đèo Cát Hãn, sang tháng giêng Nhâm Tí thì tự mình cầm quân đến tháng 3 thì trở về, và Đèo Cát Hãn xin hàng phục vào tháng 11. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có lẽ viết theo Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn; ông này sưu tập và đăng trọn bài chiếu thắng trận của Lê Thái Tổ. Và theo Đại Nam Nhất Thống Chí lúc soạn sách vẫn còn 2 bia cổ ở Hưng Hóa ghi bài tựa và bài thơ của Lê Lợi khi thân chinh đánh Phục Lễ. Bia Hoài Lai ghi năm Thuận Thiên thứ 4 (1431) và bia Hào Tráng ghi tháng 3 năm Thuận Thiên thứ 5 (1432).

[7]Trong Bình Ngô Đại Cáo (BNĐC), Nguyễn Trãi ghi rõ năm tháng trận chiến quyết định: “Tháng 9 năm Đinh mùi (1427), Liễu Thăng từ Khâu Ôn liền đem quân tiến sang; Tháng 10 năm đó, Mộc Thạch ở Vân Nam cũng chia đường kéo tới...” BNĐC cũng ghi rõ ngày các tướng Minh bị giết hay đầu hàng. Còn bài ký khắc ở bia Vĩnh Lăng, mộ của Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi ghi: “Năm Đinh mùi, giặc gửi viện binh, An viễn hầu Liễu Thăng đem mười vạn quân do Quảng Tây tiến, Kiềm quốc công Mộc Thạch đem năm vạn quân do Vân Nam tiến.” Được tin viện quân thua trận, Vương Thông phải xin giảng hòa. Theo Lam Sơn Thục Lục thì “Ngày 16 tháng chạp, tướng giặc là Vương Thông, Mã Anh, Lý An, Trần Trí; nội quan là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Dặc Khiêm; cùng các quan giữ thành Tây Đô là Chỉ huy Hà Trung, giữ thành Chí Linh là Cao Tường lần lượt đem bọn ngụy quan lớn nhỏ cùng số dân nước ta bị ép vào thành giao trả hết cho ta, mong được kéo quân về Bắc.” Các giao tranh coi như chấm dứt từ cuối năm 1427 sau khi Mộc Thạch thua to tháo chạy về tàu.

[8]Xem bài “Tây Chinh Đạo Trung”, trang 476-7 trong Thơ Văn Lý Trần, Tập II, quyển thượng, NXB KHXH, Hà Nội (1989).

 

 

-----------------

Bài liên quan:

31.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Giang sơn gấm hoa nay đã/đang đỏ lòm, đen thối. Hãy lên chốn cao nguyên ngó máu bô xít trào lên đất mà đọc thơ Ức Trai. Hãy ra đứng trước biển nhìn xác ngư phủ trôi mà làm thơ Ực Gái... (...)
 
31.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tay tui hiện có quyển Ức Trai Thi Tập, tác giả Dương Anh Sơn cựu giáo sư triết, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, năm 2009. Bài “Vọng Doanh” của Nguyễn Trãi là bài số 28, trang 81. Được xếp vào thời kỳ kháng Minh 1418-1429. Thời kỳ này, Nguyễn Trãi có 35 bài, từ bài 15 đến bài 49... (...)
 
30.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Không rõ ông Black Racoon đã dựa theo sự kiện hay tài liệu văn học nào để kết luận bài thơ “Vọng Doanh” được Nguyễn Trãi “làm trong thời kỳ chiến trận kháng Minh 1418-1429”? Và không rõ hơn 30 bài thơ viết trong thời kỳ đó là những bài nào? Chúng ta được biết là sau khi Nguyễn Trãi bị giết, các tác phẩm của ông bị thất lạc mãi đến khi... (...)
 
28.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nhà thơ vừa được giải Nobel vừa rồi Tomas Transtromer đã từng phát biểu dứt khoát: “Ngôn ngữ đi chung nhịp bước với đao phủ thủ. Do đó chúng ta phải có một ngữ ngôn tinh mới.” Tui nghĩ rằng đó là tuyên ngôn cô đọng về thái độ văn học và chính trị của ông. Ông không chấp nhận nói chung tiếng nói với ác... (...)
 
26.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nam Cao, vì “sống mòn” với “tư cách nhà văn” của mình, nên đã để lại cho đời “những tư cách công dân” bất diệt là “Chí Phèo & Thị Nở”!... (...)
 
25.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Bài viết của Phan Quỳnh Trâm đặt sai câu hỏi, sai vấn đề, dựa trên quan niệm cũ ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Tác giả dị ứng chính trị trong văn chương ta nói riêng và truyện có nội dung chính trị nói chung vì sự liên kết với văn chương hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Tác giả đã hiểu từ “chính trị” theo nghĩa xấu, nghĩa hẹp nhứt. Loại văn chương này (VCXHCN) dở, không phải vì nó chính trị, mà vì nó là văn chương tuyên truyền, không đến từ đời sống thật, tình huống bịa đặt, nhân vật là những con rối để chứng minh nọ kia kia nọ... (...)
 
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nếu đọc kỹ bài của tôi, NĐT sẽ thấy là tôi không hề phủ nhận là trong chính trị thì người ta cần sự đóng góp của tất cả mọi người, kể cả một anh công nhân, một chị lao công hay một người không hề có nghề nghiệp gì. Hơn nữa, tôi còn cho có một số thành phần khác trong xã hội có thể đóng góp được cho chính trị nhiều hơn giới nhà văn... Tuy nhiên, tôi vẫn cho những sự tham gia ấy khác nhau về bản chất... (...)
 
23.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tiểu luận “Văn học và chính trị” tác giả Phan Quỳnh Trâm tự đặt ra một câu hỏi rồi tự trả lời. Nhưng câu trả lời đã cho thấy ngay lập luận lỏng lẻo, mâu thuẫn... (...)
 
22.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tư cách người đọc, tui nhận thấy, một chữ HAY được yêu cầu trong sáng tác phẩm, khả dĩ tóm lược và giải quyết được khá nhiều chuyện dài dòng... Vấn đề còn lại là làm sao biết được hay hay không. Cá nhân tui, tui biết được. Rất dễ. Và tui tin là mỗi một người đọc, cũng tự có thể đánh giá được tác phẩm nào đó. Tự mình thôi. Không ai có thể thay mình được... (...)
 
21.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Lâu nay, tôi thích Neruda, nhưng khi đọc bài của PQT, thấy nhận xét của Borges, tôi thất vọng về Neruda. Tôi không ngờ một nhà thơ lớn như ông mà để chính trị làm cho tha hoá đến không còn tư cách của một nhà trí thức như vậy... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021