tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vài lời thưa lại với hai “thày” Trịnh Cung và Nguyễn Tôn Hiệt  [đối thoại]

 

Trước hết xin trân trọng cảm ơn lời cảm ơn (rất nhanh chóng) của họa sĩ Trịnh Cung vì phản hồi của tôi (Trường Thụ) đối với loạt bài của ông đăng trên Tiền Vệ. Cảm ơn ông là điều dĩ nhiên nhưng cũng kèm theo sự chờ đợi sự trả lời cho những câu hỏi tôi có nêu ra với ông. Do chờ mãi (hơn một tuần lễ) không được hồi âm nên tôi xin được thưa lại vài lời để tiếp tục câu chuyện với họa sĩ Trịnh Cung và ông Nguyễn Tôn Hiệt.

 

1

Họa sĩ Trịnh Cung viết: “... Riêng tại Sài Gòn, mỹ thuật đã từng có một thời trước 1975 là điểm xuất phát của chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam, và yếu tố này đã là nguồn xúc tác cho sự đổi mới mỹ thuật trong giới hoạ sĩ trẻ Việt Nam kể từ sau ngày 30.04.1975,...” Vậy xin hỏi họa sĩ Trịnh Cung “ điểm xuất phát” có phải là “điểm khởi đầu” không? Nếu vậy thì họa sĩ nghĩ thế nào về thông tin trường hợp các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Tạ Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Vũ Dương Cư, Phạm Hầu,Trần Văn Luân (ở Pháp về) vào những năm 40 ở Hà Nội đã vẽ Siêu thực, Lập Thể... Năm 1951, họa sĩ Tạ Tỵ đã triển lãm cá nhân tại Hà Nội với tên gọi Hội họa hiện đại. Năm 1956, họa sĩ Tạ Tỵ bày triển lãm cá nhân tại Sài Gòn và được dư luận cho là triển lãm tranh Lập thể đầu tiên ở Miền Nam? (xem bài viết về họa sĩ Tạ Tỵ đã đăng trên Tiền Vệ.) Vào những năm 1950, ở Miền Bắc họa sĩ Nguyễn Tiến Chung cũng vẽ nhiều tranh siêu thực... Những năm 1960 - 70 ở Hà Nội vẫn có những họa sĩ sáng tác thử nghiệm mỹ thuật chủ nghĩa hiện đại như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân... Chỉ có điều một số họa sĩ này không được trưng bày công khai các sáng tác dạng này ở trong các triển lãm công cộng, khác với các họa sĩ Miền Nam cùng thời kỳ, được tự do trưng bày các sáng tác theo trường phái hiện đại và do đó, số lượng đông hơn.

Việc mỹ thuật đương đại ngoài Hà Nội “luôn giữ vị trí hàng đầu - theo TC” không phải vì ở miền Bắc cởi mở hơn miền Nam (sống trong lòng xã hội toàn trị thì còn chỗ nào chẳng được Bề trên”quan tâm” chu đáo, ơn mưa móc đều khắp, [trừ tiền bạc và bổng lộc]), cũng không phải vì “có các cơ quan văn hoá của các Đại Sứ Quán như Viện Goethe của Đức, L’Espace của Pháp, British Council của Anh,... thường xuyên bảo trợ các nghệ sĩ đương đại thực hiện các dự án nghệ thuật...” Những cơ quan văn hóa nước ngoài, họ căn cứ trên tính hiệu quả của thuyết minh dự án mỹ thuật mà họa sĩ đăng ký xin tài trợ, bất kể người trong Nam hay ngoài Bắc, (nhưng số tiền và sự kiện được tài trợ rất ít so với các hoạt động triển lãm diễn ra hàng tuần của các nghệ sĩ). Nhiều nghệ sĩ Miền Nam cũng đã làm việc và nhận được tài trợ phần nào. Cũng như nhiều nghệ sĩ miền Nam, không phải tất cả các nghệ sĩ đương đại Miền Bắc đều xin/cần được sự bảo trợ của các cơ quan văn hóa nước ngoài. Việc có được nhiều tác phẩm hay, trước hết phụ thuộc vào chất lượng nghệ thuật của bản thân cá nhân ông/bà nghệ sĩ, vào cộng đồng nghệ sĩ, môi trường xã hội của nơi họ đang sống... chứ không thể vì vài hành động “từ thiện” nào đó. Đặt vấn đề như họa sĩ Trịnh Cung dễ dẫn đến suy luận rằng: Nếu không có được các tổ chức văn hóa nước ngoài tài trợ thì mỹ thuật đương đại Việt Nam sẽ hết đất sống? Tôi không tin là như vậy! Và chắc chắn cộng đồng nghệ thuật Việt Nam cũng không nghĩ như vậy.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, chợt nhớ đến “một điểm chung” của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là, sự giáo dục thụ động, “đọc - ghi”, cho gì học trò biết nấy. Học trò đố đứa nào dám có ý kiến gì trái ngược với bài giảng, mà nếu có đứa nào hấp tấp/tò mò hỏi ngược lại thì cũng chưa chắc đã được nghe câu trả lời.

Trường hợp này cũng giống việc hỏi họa sĩ Trịnh Cung quá ta! Có lẽ nên đề nghị ông Bộ Trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân “người mỗi ngày một sáng kiến” đặc cách cho họa sĩ Trịnh Cung đứng vào đội ngũ người “giáo viên nhân dân”, nhưng không nên cho dạy môn mỹ thuật. Bởi vì học trò mỹ thuật, họ cứng đầu lắm, luôn nghi ngờ, khám phá, tìm hiểu, nếu hỏi mà thày lại im lặng nở nụ cười mím chi, kiểu “La Joconde mona lisa” thì... Dạy làm thơ lại càng không được vì người Việt Nam ta yêu thơ nhất trên đời, ai ai cũng làm thơ, ngành ngành làm thơ, bất cần lý luận, nên không cần thầy làm gì kiểu: '' Vợ tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ, hôm qua nó bảo dí Thơ...” Thế mới kẹt.

Thôi thì đề cử họa sĩ Trịnh Cung làm giảng viên môn Triết Học Mác Lê Nin là hợp nhất. Vì nếu có bất cứ câu hỏi nào của học trò thì thày lại chỉ cần mỉm cười, không nói và trỏ vào sách mà rằng: Sách nói thế. Thày có thể sai, trò càng có thể sai, nhưng các lãnh tụ vô sản thì tuyệt không bao giờ sai. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng tiền phong của giai cấp công nhân, cho dù 10 năm, 100 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta vẫn phải đấu tranh với tinh thần cách mạng tiến công,... để chiến thắng tất yếu của chế độ XHCN sẽ thành... YẾU TẤT. Các thế hệ học trò chỉ còn biết ngáp hoặc trở thành lũ người=chim Vẹt. Kẹt.

Còn việc không mô tả, thể hiện trực tiếp sự đau khổ, mất mát, bi kịch của chiến tranh, thân phận con người trong sáng tác ở đại đa số các nghệ sĩ mỹ thuật cũng như trong các lĩnh vực văn chương nghệ thuật khác thì có lẽ phải tìm hiểu trong việc công chúng và giới cầm quyền đánh giá nghệ thuật đối với xã hội Việt Nam đóng vai trò gì, rằng đặc điểm tâm lý sáng tạo, tâm lý thụ cảm và truyền thống văn hóa coi nghệ thuật chỉ là thứ “trang trí, mua vui, xả Xì trét...” đã ăn sâu thành “bản sắc” của nghệ thuật Việt Nam chăng? Vả lại dân Việt khổ quá nhiều rồi.

 

2

Ông Nguyễn Tôn Hiệt tự nhận là “ chưa có cơ hội xem nhiều tranh của những họa sĩ được Trịnh Cung và Trường Thụ nêu tên...” hoàn toàn có thể thông cảm với ông về điều này vì hoàn cảnh của ông khác với những người trong cuộc/nội địa như họa sĩ Trịnh Cung và Trường Thụ - tôi. Vì thế e rằng cuộc trao đổi đối thoại về hội họa của các họa sĩ miền Bắc Việt Nam với ông sẽ trở thành cuộc đối thoại của “hai người nghễnh ngãng”. Và khi đang bàn về hội họa, ông vốn tự nhận “khiêm tốn” biết ít về tranh của họa sĩ Miền Bắc nên lại viện dẫn ra những nhận định của những “yếu nhân, cột cái” văn học quan trọng ra như để “trưng hàng”. Vậy thì “... Phản biện như vậy thì hỏng về lô-gích” lắm ru?

Tôi tự hỏi nếu năm nay, Nobel văn chương không trao cho Herta Muller mà lại trao cho J. K. Rowling, hoặc giả Doris Lessing không được nhận giải cách đây vài năm mà năm nay mới được, thì ông Nguyễn Tôn Hiệt lấy đâu ra “cột” để mà dựa? Và cũng nhớ rằng cách đây ít lâu, trên Tiền Vệ có bài viết ngắn khá thú vị về dạng phê bình “Vái Cây Đa và vẽ bùa”. Những người ưa thích dạng phê bình này cứ thích tra, trích các “cây đa” để thờ và vái lia lịa. Tôi nghĩ chắc căn số và hành tung của túyp người này thuộc về lớp “thày” đồng cốt, bốc phệ.

Bởi ông Hiệt không có điều kiện để tìm hiểu, do đó không biết nhiều về hội họa Miền Bắc Việt Nam cho nên tôi xin khẳng định với ông rằng:không có “một điểm chung là: hình ảnh các nhân vật mang bản sắc nhân chủng rất “Bắc kỳ khắc khổ” với đôi mắt trắng dã mở to như muốn nói với chúng ta về sự phi lí và thảm hoạ từ chiến tranh...” như họa sĩ Trịnh Cung viết. Chắc chắn là như vậy. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với họa sĩ Trịnh Cung rằng, các họa sĩ Việt Nam ở trong nước có “một điểm chung” duy nhất là:

“...Chính sự bất ngờ tách ra khỏi đường lối mỹ thuật giáo điều hiện thực xã hội chủ nghĩa của họ đã tạo ra một không khí triển lãm hội hoạ sôi động ở cả Hà Nội và Sài Gòn.”

Khi trao đổi với họa sĩ Trịnh Cung thì chúng tôi đề cập đến chiến tranh “trong quá khứ”, cái chiến tranh mà gây ra cảnh huynh đệ, cốt nhục tương tàn, nồi da nấu thịt con Dân Việt mà cả hai bên người Việt: Kẻ thắng - người thua đều là con tốt thí cho những chủ thuyết của những tay chơi cờ xảo quyệt bên ngoài. Người Việt được gì? (chỉ có nhân dân là đại bại - ý của nhà thơ Nguyễn Duy) ngoài vết thương hơn 30 năm chưa lành, chưa kín miệng vì thỉnh thoảng lại có người nhắc nhớ, cào xé ra cho hố sâu ngăn cách cứ còn mãi, cứ nghi ngờ nhau, cứ nhất định một bên người Việt này phải chính nghĩa, phải thắng bên người Việt kia. Bên nào cũng muốn “Độc quyền yêu nước”. Và sẵn sàng lên lớp, dạy cho người khác thế nào là lòng yêu nước, dường như chỉ có những người lên lớp đấy mới có đủ tư cách “yêu nước'' hơn bất cứ thảo dân Việt nào khác. Hiện tượng này là “một điểm chung” có ở một số người Việt cả hai phe, không chừa phe nào. Và ông Hiệt là một điển hình chăng?

Người Việt hay cười, thích làm thơ, làm nghệ thuật thuật thì né tránh đề cập đến chiến tranh, sự đau khổ, tàn khốc, trầm luân của cuộc sống. Những hận thù, chiến tranh với người ngoài như Mỹ, Pháp, Tàu thì quên rất nhanh, cười toe toét ôm hôn thắm thiết... (như dịp kỷ niệm 30 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, không một tin bài nào của báo chí, Tivi trong nước đưa tin về vấn đề này. Dường như chưa từng xảy ra?), trong khi đó người Việt với nhau thì hầm hè, được thua chắc đòi tính sổ nhau thì mới an lòng. Thế thì còn đâu dân Việt?

Ngày xưa, hồi kháng Tây, có người đã cải biên (bây giờ gọi là “chế lại”) ca dao thành “ca dao kháng chiến” có đoạn:

                            Bao giờ rau Diếp làm Đình,

                       Gỗ Lim làm ghém thì.. .mày được tao?

Dứt khoát sống mái, một mất một còn như thế là cùng. Hay người Việt hai phe cũng phải thế?

Chế độ Cộng sản ở Rumani và Đông Âu đã thành “quá khứ”, mà nếu nó chưa thành quá khứ thì từ khi Herta Muller ra nước ngoài thì nó cũng là “quá khứ” đối với riêng bà. Ông Hiệt cũng vậy ở vị trí như vậy nên có quyền nói theo, chứ chúng tôi, Trường Thụ và Trịnh Cung thì chưa có diễm phúc được “tọa sơn” ngắm nhìn “quá khứ”. Chúng tôi đang sống trong lòng nó, đang hô hấp cùng mùi vị chợ cá, đang được coi sóc vây bủa bởi Nó. Nó đang hiện tồn quanh quẩn, mặc dù với mọi người dân đấy là điều không ai muốn nữa, một thứ “tình yêu thời thổ tả”. Và để tồn tại, phát triển và không vô cảm thờ ơ trước số phận đồng loại, dân tộc, những người dân, những nghệ sĩ sống trong vòng tay của “tình yêu”, chỉ hô hào suông, lớn giọng thôi chưa đủ mà còn cần sự kiên định, và hơn hết là cái đầu óc tỉnh táo cho một cuộc dấn thân đúng lúc. Và rõ ràng như những người có suy nghĩ, chúng tôi không cần ai nhắc nhớ lòng yêu nước và phải sống thế nào.

Nếu xóa bỏ hận thù, nhìn về đại cục giữa những người Việt từng ở hai bên chiến tuyến thì mới có đủ sức mạnh làm thay đổi bộ mặt đất nước, để giữ được sự tự cường và toàn vẹn lãnh thổ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm ba cuộc Đại lễ Cầu siêu chung cho những nạn nhân các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, thế nhưng hố sâu ngăn cách giữa những người sống còn nặng nề lắm, bởi quốc gia-dân tộc là thứ bình phong để làm hàng, còn thực chất nguyên nhân sâu xa vẫn là phe phái địch-ta và lợi nhuận của các nhóm lợi ích muốn đục nước béo cò. Chừng nào xã hội còn u mê, còn cố ý khoét sâu mâu thuẫn của quá khứ thì họ càng có cớ và càng có điều kiện để tô vẽ thổi phồng “những căng thẳng giả tạo, những nguy cơ gây mất ổn định” để họ thẳng tay đàn áp, siết chặt quyền tự do, dân chủ của công dân. Chẳng nhẽ để đến khi thế lực bên ngoài tham tàn ôm hết cả đất và biển đảo Việt Nam, thì lúc đó người Việt hai phe mới ngồi lại được với nhau, không tìm cách triệt hạ nhau, vì lúc đó “cùng có kẻ thù chung”. Nhưng sợ rằng lúc đó đã muộn.

 

3

Trở lại việc hy vọng anh Ưu Đàm “hợp nhất” hai bao cao su thành một (2 in 1), xin được nhớ tiếp một câu khác trong “ca dao kháng chiến” đã nói ở trên:

Thằng Tây chớ cậy sức dài,

Chúng tao tuy nhỏ nhưng “Dzai” hơn mày

Nay vì tiếp thu truyền thống quật cường của dân tộc, lại cộng thêm tính hiện đại nhờ những tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới, xin được “chế lại” câu trên:

Thằng Tây chớ cậy sức dài

Chúng tao dai sức giờ còn Dài (do nối) thêm.

 

T.T.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

14.11.2009
[MỸ THUẬT] ... Tôi rất vui nhận được phản hồi về một số điểm trong bài trả lời phỏng vấn về “17 câu hỏi...” vừa được Tiền Vệ phổ biến. Rất cám ơn bạn đã đọc kỹ bài và đóng góp ý kiến rất thẳng thắn... (...)
 
[MỸ THUẬT]... Để “xây dựng một xã hội Việt Nam giàu mạnh, trân trọng các giá trị tự do, dân chủ, văn minh của loài người”, chúng ta không thể “gạt bỏ quá khứ”, vì cái thảm trạng của chúng ta trong hiện tại chính là hậu quả của một “quá khứ” ghê tởm. Chúng ta phải nhớ rõ cái “quá khứ” ấy và, hơn nữa, phải thấy rằng cái “quá khứ” ấy vẫn đang ngự trị trong hiện tại, vẫn đang đè lên cuộc sống của chúng ta bằng sức nặng cụ thể của quyền lực của nó, và có thể sẽ còn kéo dài cho đến tương lai. Ngày nào chúng ta không nhớ đến nó, không cảnh giác để chống lại nó, ngày đó nó vẫn còn ngự trị, vẫn còn nắm giữ quyền lực, vẫn còn đè lên chính cuộc sống của chúng ta... (...)
 
13.11.2009
[MỸ THUẬT]... Họa sĩ Trịnh Cung có lẽ cũng có những tâm sự riêng về chiến tranh quá khứ. Tôi hoàn toàn có thể chia sẻ và thông cảm những nỗi niềm của các bậc tiền bối. Nhưng mặc cảm “Quốc Cộng”, “Thắng-Thua” là mặc cảm của những “người già”, và nghệ sĩ cũng như nghệ thuật dù ở trong nước cũng như nước ngoài có lẽ ít người có tâm trạng này bởi nghệ thuật là để hàn gắn, liên kết mọi người (“Cái đẹp cứu chuộc thế giới” - Dostoievski) chứ không phải để chia rẽ... (...)
 
08.11.2009
... Trong một lúc nào đó xuất hiện một khe hở quản lý văn hoá ở Hà Nội hay Sài Gòn, thì cũng đã có những triển lãm sắp đặt, trình diễn của Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành,... và tranh sơn dầu của Lê Quảng Hà (“Người Máy”), Nguyễn Thái Tuấn (“Black Painting”), qua đó các nghệ sĩ đã rất mạnh mẽ lên tiếng phản biện bóng tối toàn trị của nhà cầm quyền, phản biện sự tiêu diệt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận, quyền chọn lựa chính kiến, kể cả quyền chống ngoại xâm của người dân ở đây... (...)
 
09.11.2009
... Dù muốn hay không thì tiến trình toàn cầu hoá vẫn cứ xảy ra và đã xảy ra qua vô số ngõ ngách, nhất là khi nhà cầm quyền Việt Nam giảm bớt chủ trương “ngăn sông cấm chợ”. Sự va chạm với văn hoá bản địa trên đường xâm nhập vào Việt Nam tất nhiên không thể nhỏ, vì bản sắc chính trị của một quốc gia cộng sản và bản sắc văn hoá truyền thống của người Việt nặng chất đình làng, hoặc cũng do mặc cảm lâu đời bị xâm lăng, thế nên nhà cầm quyền luôn có cảm giác đầy e sợ rằng những gì thuộc về tự do dân chủ sẽ tràn vào Việt Nam theo con đường toàn cầu hoá và sẽ lật mặt trái của chủ nghĩa toàn trị của Việt Nam xã hội chủ nghĩa... (...)
 
10.11.2009
... Nếu chúng ta đặt chính trị-dân tộc đứng ngoài phạm trù sáng tác nghệ thuật thì liệu có hạ thấp vai trò người hoạ sĩ Việt Nam? Chẳng lẽ chỉ có nghệ sĩ Phương Tây như Goya, Rembrandt, Delacroix, Picasso, Dalí, Marc Chagall,... mới có quyền vẽ về những bi thảm mà chính trị đã gây ra cho dân tộc của mình? Chẳng lẽ vì thế mà phần đông các hoạ sĩ bạn tôi nên xa lánh các vấn đề chính trị tồi tệ đang xảy ra cho đồng bào của họ? Theo tôi, nếu anh hay chị là nghệ sĩ đích thực thì không bao giờ dửng dưng với nỗi đau thương lớn của dân tộc mình, trừ phi sự dửng dưng ấy xác định chỗ đứng của anh hay chị ở về một phía khác của lịch sử... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021