tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Phản biện về bài viết của Lý Liên  [đối thoại]

 

(Phản biện về bài viết “Những so sánh của Ngô Hương Giang” của Lý Liên)

 

Thưa chị Lý Liên, tôi rất cám ơn chị đã bỏ thời gian đọc bài tôi viết. Tôi xin trả lời chị về một số điểm sau:

 

Thứ nhất, chị nói:

“Hữu thể” (Dasein, Being) của Heidegger thì có gì liên quan với “nước ta” của Phạm Quỳnh hay “dân tộc” của Hương Giang nhỉ?

Xin thưa, nếu tách riêng từ ngữ như chị, thì đúng là nó chẳng liên quan gì đến “đất nước” hay “dân tộc” cả. Nhưng, mong chị hãy đọc cả câu do tôi viết thì nó sẽ khác. Tôi nói, “đầu thế kỷ, ông là người đã dám mạnh dạn phát ngôn cho một chân lý giản đơn nhưng mang tầm triết học, “tiếng Việt còn thì dân tộc còn”, sau này chúng ta bắt gặp luận điểm quan trọng đó trong triết thuyết của Heidegger. Heidegger đã nói: “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”, và tôi đi lý giải cho sự gặp nhau đó:

“Hãy đặt hai mệnh đề trên từ phía hai nhà tư tưởng, ở hai bán cầu, chúng ta sẽ thấy, về mặt tư tưởng, nhận thức của hai ông có chung nhau đáng kể. Cả hai mệnh đề đều toát lên điểm chung, ngôn ngữ là thứ không thể hòa tan, nhưng có khả năng diễn tả hữu thể thông qua quá trình giao thoa, nó khẳng định cái bất khả phân rã giữa các nền văn hóa.” (“Mấy suy ngẫm về học thuật Việt Nam”).

Thưa chị, điều đó là so-sánh hay là luận-giải? Tôi nghĩ sự gặp nhau trong tư tưởng chưa-hẳn-là một-sự-so-sánh. Mặt khác, ở đoạn trên của bài viết, tôi đã khẳng định về điều đó rằng:

“Tôi lại nói, Phạm Quỳnh là nhà tư tưởng lớn ở Việt Nam, điều đó có nghĩa, ông nghiễm nhiên được xếp ngang hàng với Nietzsche, Heidegger, Sartre…Ở đây không tồn tại sự so sánh hơn - kém về tư tưởng, nó chỉ tồn tại sự hợp lý cho những kiến giải” (“Mấy suy ngẫm về học thuật Việt Nam”)[1]

Chắc chị chưa đọc hết bài viết của tôi? Từ đó, tôi nghĩ, nghi vấn của chị mang tính thiên tư nhiều hơn là sự khách quan.

 

Thứ hai, chị nói:

“Hồ Chí Minh thì có gì liên quan tới Thích Ca, Jesus cơ chứ? Hay cứ là “danh nhân” thì có thể thoải mái ghép họ vào một chỗ được?”

Xin thưa với chị hai điều.

Một là, tôi nói:

“Hồ Chí Minh là nhà văn hóa, điều ấy có nghĩa, ông nghiễm nhiên được xếp cạnh những nhân vật lỗi lạc trên thế giới như Đức Phật, Jesu cho đến Gandhi - những cá nhân kiệt xuất trong lĩnh vực văn hóa, mà không phải là một nhà chính trị, một nhà tôn giáo học hay một triết nhân” (“Mấy suy ngẫm về học thuật Việt Nam”)

Vậy thì, có gì sai trong lập luận này? Hoặc chị quan niệm Đức Phật, Jesu, Gandhi là những nhà chính trị hay là nhà nọ, nhà kia, bất cần xem tính khu biệt của tôi là “lĩnh vực văn hóa”?

Hai là, nếu chúng ta cứ xem giữa tồn tại và tồn tại không-liên-quan (nhất là về tư tưởng) với nhau, thì chắc hẳn đã không xảy ra chiến tranh, không xảy ra phê phán, nhân loại dậm chân tại chỗ, trái đất đứng im và vân vân? Nếu “không có gì liên quan”, chắc chị đã không trao đổi với tôi, đường ai nấy đi???

 

Thứ ba, chị nói:

“Hương Giang ‘hàng ngày cầm trên tay’ bộ Thiền Luận của Suzuki mà hình như chưa hiểu chút gì về khái niệm ‘giác ngộ’ (luận điểm chính và xuyên suốt trong bộ sách).”

Điều này, chị đúng, bởi chỉ có Đức phật mới hiểu thực sự thế nào là “giác ngộ”. Ông nói “ta là Phật đã thành (tức, đã “giác ngộ”), các ngươi là Phật sẽ thành”. Tôi không phải là Phật, đương nhiên đâu dám nhận là mình đã “giác ngộ”, hẳn chị là người đã “hiểu” hết được “khái niệm “giác ngộ”??? Vậy thì, xin chị chỉ bảo thêm, để tôi học hỏi?

 

Thứ tư, chị nói:

“Hương Giang cũng không phân biệt được sự khác nhau giữa hai thể loại “ngữ lục” và “luận” nên mới đem so sánh hai cuốn sách của vua Trần và của Suzuki. Khoá Hư Ngữ Lục chỉ có thể được “đặt cạnh” những cuốn ngữ lục của các thiền sư khác như Lục Tổ Huệ Năng (Kinh Pháp Bảo Đàn), Mã Tổ, Bách Trượng, Hoàng Bá, Lâm Tế, v.v...”

Sau đó chị tuôn ra một loạt những dẫn chứng. Tôi xin thưa, chị đã đi xa vấn đề tôi khuôn phạm trong bài viết, dẫn đến suy ý vượt quá phạm vi của bài. Trong bài viết, tôi nói:

“Chúng ta hàng ngày cầm trên tay bộ Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki nhưng đã bao giờ chúng ta đặt nó bên cạnh Khóa hư ngữ lục của Trần Thái Tông chưa? Trong khi đó, nếu đem đối sánh giữa hai tư tưởng ở hai thế hệ và ở hai đất nước, chúng ta thấy, ý tưởng trong hai cuốn sách này đâu khác xa nhau là mấy, thậm chí, có những luận điểm của Trần Thái Tông còn đi trước và uyên thâm hơn Suzuki. Tại sao chúng ta không tự hào về điều đó???” (“Phản biện về bài viết của TT Đông Ba” )

Vậy thì, cái “tư tưởng” hay cái “ý tưởng” mà tôi đề cập có liên quan gì đến cái “thể loại” trong quan điểm của chị? Rõ ràng, hai khái niệm “tư tưởng” và “thể loại” khác xa nhau hoàn toàn, vậy thì, có gì để mà nói về lối “gán ghép” này của chị. Hơn nữa, tôi xin nhấn mạnh, quyển Khóa hư ngữ lục được một số nhà nghiên cứu (và cả tôi) đánh giá là tác phẩm ngoài giá trị về “văn hóa Phật giáo”, thì nó còn có “giá trị về triết học”, nghĩa là chủ yếu về tư tưởng, còn thể loại là hình thức chuyển tải mà thôi.[2] Ở đây, tôi không đánh giá về mối quan hệ giữa nội dung/ hình thức, tư tưởng/ thể loại (mong độc giả tránh hiểu nhầm). Chị khuyên tôi “Hương Giang nên đọc Tuyển tập tưởng niệm D.T.Suzuki để hiểu những đánh giá của phương Tây về ông hơn”, cám ơn chị, nhờ yêu thích ông này, tôi đã đọc không ít tác phẩm của ông cũng như những đánh giá về ông.[3]

 

Thứ năm, chị nói:

“Những bài viết của Hương Giang khiến tôi thật ngán ngẩm và không thể không liên tưởng tới trường hợp Hoàng Lan trước đây.”

Chị “ngán ngẩm” khi đọc bài tôi mà vẫn cứ đọc và viết, phải nói, chị rất có tinh thần trách nhiệm với học thuật?

Từ những vấn đề trên, tôi xin kết luận mấy điều về bài viết của tác giả Lý Liên:

Thứ nhất, tôi nghĩ, chị Lý Liên chưa đọc hết mọi bài viết có cùng chủ đề của tôi đăng trên Văn thơ trẻTiền Vệ, cho nên, chị mới quy chụp theo chủ quan.

Thứ hai, chị phê bình tôi, nhưng chưa thực sự “sòng phẳng” về học thuật. Ở chị, tôi nghĩ thuần chủ quan hơn là mong muốn đi đến phía cuối của vấn đề đã bàn luận.

Thứ ba, tôi chưa từng nghĩ viết bài để “phô danh” cho mình, cho nên, những bài viết gần đây chỉ đơn giản là “yêu nghiệp viết”, vậy thôi. Vì, chị có đơn cử trường hợp của Hoàng Lan, nên, tôi mới bảo vệ cho ý này.

Và cuối cùng, tôi xin nhắc lại lời kết luận trong bài viết “Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam” là, “tôi nghĩ, hẳn những điều trên là cảnh tỉnh cần thiết đối với học thuật Việt Nam hiện nay. Chúng ta không nên làm ‘to tát’ vấn đề, để nó đi vào những biến thái cực đoan tư tưởng. Cần phải đổi thay và đổi thay khẩn thiết”

Một lần nữa, cám ơn thiện-tình trong bài viết của chị!

 

_________________________

[1]Không biết chị đã đọc bài nào của tôi: “Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam” hay là “Mấy suy ngẫm về học thuật Việt Nam”?

[2]“Xét về nội dung, Khóa hư lục (hiện nay thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ được một bản Khóa hư lục mang tên Thiền tông khóa hư ngữ lục mang ký hiệu AB.268) vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học, bởi Trần Thái Tông đã biểu đạt tư tưởng, cảm xúc của mình qua một số hình thức văn thể như: văn, luận, biền ngẫu và kệ, thơ thất ngôn, thơ ngũ ngôn…” [Xem Trần Thái Tông (2009), Khóa hư ngữ lục, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 17].

[3]Ngoài bộ Thiền Luận của Suzuki in lần thứ nhất năm 1973, NXB An Tiêm do Trúc Thiên và Tuệ Sĩ dịch, in lần thứ hai năm 1999 (khổ lớn, có nhan đề: Daisetz Teitaro Suzuki, Đại cương triết học Trung Quốc - Thiền luận (Trúc Thiên dịch), in lần thứ ba năm 2005 (khổ nhỏ có nhan đề: Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, do Trúc Thiên dịch), có thể kể thêm một số tiểu luận, công trình của tác giả (hoặc đánh giá về tác giả) như: Daisetz Teitaro Suzuki (1961), Những tiểu luận về Phật giáo Thiền tông, NXB Rider and Company; “Nghĩ về ý nghĩa của Phật giáo Thiền tông qua vài suy luận triết học Heidegger” thuộc phần thứ nhất, chương 3 trong: Phạm Công Thiện (1964), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Lá Bối xuất bản; Lê Anh Minh với “Lối đi dưới chân mình:Cuộc đời Daisetzu Teitarō Suzuki”; “Daisetzu Teitarō Suzuki (1870-1966)” – “Suzuki và ngộ” do Nguyễn Ước biên soạn in trong Đại cương triết học Đông phương, NXB Tri thức, Hà Nội, 2009... và, tất nhiên là cả cuốn Tưởng niệm Daisetz Teitaro Suzuki, xuất bản lần đầu năm 2000 bởi NXB TPHCM, tái bản năm 2008 bởi NXB Văn Hóa Sài Gòn. Nhờ trời, tôi may mắn sở hữu và được đọc những tác phẩm trên.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

04.08.2010
[GIÁO DỤC] ... “Hữu thể” (Dasein, Being) của Heidegger thì có gì liên quan với “nước ta” của Phạm Quỳnh hay “dân tộc” của Hương Giang nhỉ? Tôi không thể hiểu nổi. Hồ Chí Minh thì có gì liên quan tới Thích Ca, Jesus cơ chứ? Hay cứ là “danh nhân” thì có thể thoải mái ghép họ vào một chỗ được?... (...)
 
03.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Xin thưa, có cái tượng đài đó hay không? Nên hạ hay tiếp tục giữ vững? Tôi xin gửi nơi bạn đọc tự phán xét. Về phần tôi, tôi im lặng (ít nhất là giây phút này). Còn quá nhiều những hiểu lầm nữa, tôi không những không có thời giờ, mà còn không muốn bàn tiếp về những điều bắt bẻ phi lý như trên của TT Đông Ba... (...)
 
02.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Cái loại “học thuật” của Ngô Hương Giang như thế mà đòi hạ “cái tượng đài về người thầy” ư? Nhưng làm gì có “cái tượng đài về người thầy” trên đất nước này để mà hạ xuống? Trên đất nước này, các tượng đài chỉ dành cho những kẻ giết thầy, chôn sống thầy mà thôi... (...)
 
31.07.2010
[GIÁO DỤC] ... Chúng ta mở ra liên tiếp các cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục. Thế nhưng, cái điều bình dị và giản đơn là “học trò”, chúng ta lại không để ý tới. Đó là sự né tránh đối với hạn chế của chúng ta, hay đó là hành vi xem nhẹ những cá thể học diễn giải. Học thuật Việt Nam cần phải xem “học trò” như là trung tâm của mọi nhận thức. Đã đến lúc “cái tượng đài về người thầy” vốn từng được xem là trung tâm của mọi sự vững bền, cần phải được hạ xuống... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021