tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Khi đã mất tính nhân văn...  [đối thoại]

 

Tôi thuộc thế hệ trẻ vừa biết uống cà phê thì tháng Tư đen ập tới. Trước 30/4/75 tôi chỉ ngồi quán Givral đúng hai lần với mấy người bạn sinh viên năm thứ nhất. Là sinh viên nghèo từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn đi học, đám chúng tôi tới Givral chỉ đủ tiền gọi cho mỗi đứa một tách cà phê đen. Nhưng cái cảm giác lúc ngồi ở đó rất khác với cảm giác lúc ngồi ở những quán cà phê quanh trường đại học. Khác vì đó là chỗ lui tới của những khuôn mặt và tên tuổi văn nghệ Sài Gòn. Đám chúng tôi tới đó để hưởng ké cái không khí văn nghệ.

Lần thứ nhì và cũng là lần cuối ngồi trong Givral, đám chúng tôi nhìn thấy những khuôn mặt đăm đăm nghiêm trọng của các nhà văn, nhà báo ở các bàn chung quanh. Đám chúng tôi im lặng uống cà phê và lắng nghe trộm những lời họ trao đổi với nhau về tình hình chiến sự và dự đoán những biến động chính trị. Lúc đó vào khoảng đầu tháng Tư-75...

Một người bạn của tôi thường nói: “Uống cà phê thì ngon dở không quan trọng bằng cái quán.” Đúng lắm, vì nhiều khi gọi một tách cà phê, chỉ uống một hai hớp đầu tiên là thấy ngon, rồi cứ ngồi la cà tán gẫu cho tới khi tách cà phê nguội ngắt nhưng vẫn thấy sướng. Khung cảnh đường phố nhà cửa trước quán, lối kiến trúc của quán, màu gỗ của bàn ghế, những hình ảnh trưng bày trong quán, dáng điệu cử chỉ của khách, nhạc nền, những mẩu chuyện văn nghệ... làm thành một không khí riêng cho mỗi quán cà phê. Ký ức về cái không khí đó là một thứ hoài niệm đẹp. Sau mấy mươi năm, nhắc lại tên một quán cà phê nào đó, lập tức tôi cảm nhận được ngay cái không khí của nó trong ký ức.

Quán cà phê nhiều hoài niệm nhất của tôi là một quán cà phê rất đơn sơ. Mỗi lần về tỉnh lẻ thăm nhà, tôi vẫn tới ngồi la cà hàng ngày tại quán cà phê này vì nó nằm cách nhà tôi chừng trăm bước chân. Quán không có bảng hiệu, nhưng người ta gọi là “quán cô Phụng” vì cô chủ tên là Phụng. Cô hơn tôi chừng vài ba tuổi, rất duyên dáng, đã tốt nghiệp sư phạm nhưng bỏ dạy, về bán cà phê. Quán nhộn nhịp vào buổi sáng vì cô Phụng có bán thêm xôi và bánh mì. Buổi tối thì quán lặng lẽ hơn, tuy đôi khi cũng nhộn nhịp vì có mấy đám thanh niên tới đó uống rượu nếp than. Những đêm quán vắng khách, cô Phụng thường đem cây đàn guitar ra ngồi hát chơi với mấy người bạn. Cô thích hát những bài tình ca của Lê Uyên Phương. Tiếng đàn bập bùng, giọng hát buồn, ngọt ngào và tha thiết của cô Phụng, và mùi hoa ngọc anh nhè nhẹ trong đêm, những mái đầu xanh trầm tư bên ánh nến lung linh, những tiếng chó sủa vu vơ xa xa... Đó là những gì còn đọng lại mãi trong ký ức tôi.

Cuối năm 79 tôi từ Sài Gòn về nhà để ăn tết. Đi bộ từ bến xe về nhà lúc sáng sớm, tôi định ghé vào quán cô Phụng uống một tách cà phê. Nhưng khi dừng chân trước quán, tôi thấy cửa đóng im lìm như đã bỏ hoang. Tôi bước về đến nhà, hỏi ba tôi, thì mới biết cô Phụng đã cùng cha mẹ và các anh đi vượt biên...

Hơn ba mươi năm rồi, thỉnh thoảng ngồi uống cà phê ở một nơi nào đó, tôi lại nhớ đến quán cô Phụng và nghe trong lòng một chút ngậm ngùi. Bây giờ quán Givral cũng không còn nữa, có lẽ các nhà thơ ở Sài Gòn thời trước cũng ít nhiều mang trong lòng một nỗi ngậm ngùi. Hoài niệm là một phần không thể tách rời, không thể xoá bỏ trong tâm hồn con người. Cái quán đơn sơ của cô Phụng ở xóm nghèo tỉnh lẻ là một hoài niệm đẹp đẽ trong ký ức của tôi, cũng như cái quán sang trọng Givral ở góc phố Catinat ngày nào là hoài niệm đẹp đẽ trong ký ức của các nhà thơ Sài Gòn.

Hoài niệm làm dâng lên cảm xúc trong tâm hồn ta một cách tự nhiên, không hề mang tính giai cấp. Hoài niệm không phải là một trò chơi trưởng giả. Khi tính nhân văn của cuộc sống không còn nữa thì mới có những kẻ mang chiêu bài giai cấp ra để xúc phạm đến những hoài niệm thanh tao và đẹp đẽ của các nhà thơ.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

21.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... Bài “Givral” của Đào Đào / thiệt là man mác một màu... đấu tranh! Đấu tranh giai cấp! Chỉ tiếc là Đào Đào đấu tranh giai cấp trật lất. Ai mà lại đi đấu tranh giai cấp với một quán cà phê và mấy ông nhà thơ tay không tấc sắt! Nếu muốn đấu tranh giai cấp vì “Lúc ông Tây ngồi nhâm nhi ly cà phê trong Givral / Người nông dân xứ tôi bì bõm bì bõm tìm cái sống”, thì sao lại không đấu tranh vì những lý do lớn lao hơn?... (...)
 
20.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... Cái Givral của các anh / Chán quá!!! / Lúc ông Tây ngồi nhâm nhi ly cà phê trong Givral / Người nông dân xứ tôi bì bõm bì bõm tìm cái sống / Còn anh / Áo đầm xanh áo đầm vàng / Chờ đợi những con ruồi bay qua không gian / Thưởng thức một thời tuổi vàng... (...)
 
19.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... kỷ niệm [chưa chửa] hoang [tưởng] / lịch sử [cha chả] cà tàng // givral… givral... / nhà [hàng] tan nước [sông] cạn // nay [tao mày] không khóc / khi [chúng nó] hành quyết givral / mai [ai còn] khóc sài gòn??? / mốt [đứa nào] khóc việt nam???... (...)
 
16.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... nhắn nhủ với những ai yêu thích văn nghệ văn hoá thực sự và thực tình rằng từ nay hãy nhớ hãy nhớ hãy nhớ hãy nhớ mãi nhớ mãi nhớ mãi và truyền tụng đời đời kiếp kiếp ba cái tên givral portail pagode nhưng đừng khóc cho chúng ta nhé sài gòn ơi... (...)
 
13.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... Xin gửi đến anh Đỗ Trung Quân và những ai đã từng ngồi ở Givral những năm trước 75 vài kỷ vật nho nhỏ, như “một chút gì để nhớ”... (...)
 
12.04.2010
Quán cà phê Trieste ở San Francisco cứ ám ảnh tôi mãi... Về Sài Gòn, tôi bỗng nhớ khôn nguôi những quán cà phê của mình, những nơi lẽ ra cũng phải trở thành địa chỉ văn hoá, phải được gìn giữ và bảo tồn cho một thành phố thu hút du khách mọi nơi không chỉ vì cái danh xưng cố tình bị thu nhỏ – thành phố “kinh tế” – mà còn ẩn hiện, nhưng là ẩn hiện tràn lan, đầy ấn tượng trong cuộc sống tinh thấn của nhiều thế hệ thanh niên, những cánh cửa văn hoá tưởng như không toan tính nào có đủ sức niêm phong, hay xoá mờ... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021