tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Đối thoại văn học không phải là nghe lóm, nói liều  [đối thoại]

 

Rất ngạc nhiên khi thấy trang “đối thoại” của Tiền Vệ đăng bài viết “Hậu hiện đại là cái quái gì” của Trịnh Sơn! Rõ ràng bài viết cho thấy kiến thức của tác giả chỉ là những điều cóp nhặt vụn vặt đầy sai sót, gom lại thành một mớ bòng bong và chuyển tải bằng một lối “lập luận” tùy tiện, quàng xiên, vô bổ. Có lẽ Tiền Vệ chủ trương đối thoại dân chủ nên cứ để các tác giả mặc tình nói năng, tranh cãi thế nào cũng được? Thiết nghĩ dù có chủ trương đối thoại dân chủ thế nào đi nữa thì trong môi trường sinh hoạt văn hóa học thuật, quý vị cũng nên chọn đăng những bài đối thoại có kiến thức căn bản đúng đắn tối thiểu, kẻo không thì cuộc “đối thoại” dễ biến thành chỗ để người ta thi nhau nói văng mạng, mất thì giờ mà chẳng ích lợi gì, thậm chí có hại, nếu không có ai chịu khó đứng ra góp ý.

Riêng tôi vừa đọc qua bài viết của Trịnh Sơn thì nhận thấy ngay cái kiểu nói liều ở bàn nhậu. Rõ ràng là từ đầu đến cuối bài viết của Trịnh Sơn có chi chít những loại “lập luận” nhảm nhí, nghe thì ồn ào như một bầy voi nhưng ý nghĩa thì không được một bát nước xáo, và lại đầy rẫy những sai lệch về kiến thức. Lời thật thì mất lòng. Kê ra hết những chỗ sai thì không xuể, vậy nên tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ để Trịnh Sơn xem lại.

Rõ ràng không có vốn kiến thức tối thiểu về các khái niệm modernity, modernism, postmoderniy, postmodernism, Trịnh Sơn đã bàn về “hiện đại” theo lối suy nghĩ bình dân phổ thông ở Việt Nam hiện nay, kiểu như người ta thường nói: chiếc xe này rất “hiện đại”, cô ca sĩ nọ ăn mặc rất “hiện đại”, v.v. Từ lối hiểu “hiện đại” như vậy, Trịnh Sơn suy diễn khái niệm “hậu hiện đại” một cách tùy tiện, đầy sai lệch, hoàn toàn thiếu kiến thức căn bản. Đem lối suy nghĩ bình dân phổ thông này ra mà áp dụng vào việc bình luận văn học thì thật là một tai họa.

Thử nghe Trịnh Sơn... phán: “Vậy, Hiện Đại rỗng, kể cả Cấu trúc lẫn Ý nghĩa, nếu nó có. Biện chứng kiểu Marx – Engels không tìm ra một khái niệm Hiện Đại hoàn chỉnh. Còn theo Jung hoặc Freud, Hiện Đại đồng nghĩa với sự biến đổi của Lạc Hậu.”

Phán như vậy thì rõ ràng là điếc không sợ súng. Rõ ràng là sự hiểu biết của Trịnh Sơn về Marx, Engels, Freud và Jung vô cùng lơ mơ, chỉ nghe lóng, nói bừa lấy được.

Trịnh Sơn đặt ra câu hỏi “Nguyễn Du và Kiều, ai thông minh hơn”. Đây là một câu hỏi nhảm nhí, nó cũng nhảm nhí như nếu có ai đó đặt câu hỏi “Shakespeare và Hamlet, ai thông minh hơn?”, “Pastenak và bác sĩ Zhivago, ai thông minh hơn?”, “Nam Cao và Chí Phèo, ai thông minh hơn?”, v.v. Đem một tác giả ra so với một nhân vật hư cấu xem ai thông minh hơn thì không còn gì nhảm nhí bằng.

Trịnh Sơn: “Lớn lên, tôi thích vào các tòa nhà kính để tự vặn vẹo mình theo kiểu của Michelangelo.” Đố ai biết “vặn vẹo mình theo kiểu của Michelangelo” là kiểu gì? Có phải Michelangelo là một vũ nữ hay một người làm xiếc?

Trịnh Sơn: “Con người rất giỏi tưởng tượng. Trước khi Galile mục xương, trái đất vẫn quay quanh mặt trời đó thôi.” Câu này có nghĩa là gì? Galile là ai? Có phải là nhà thiên văn Galileo Galilei? Có phải Galileo Galilei chỉ “giỏi tưởng tượng”?

Trịnh Sơn: “Tưởng Tượng không có Ý nghĩa nhiều với Tôn giáo. Các sản phẩm của Tưởng Tượng hầu hết đều giản đơn, như Cây thập giá của Giêsu chỉ là hai đoạn cây nối lại. Địa ngục chỉ là vạc dầu, chảo lửa đơn điệu. Tôi khẳng định với bạn, Tôn giáo là sản phẩm của sự Thỏa hiệp trong mỗi con người. Hiện tại thỏa hiệp với Quá khứ và ngược lại, hai quá trình song song này không bao giờ gặp nhau theo Euclide.”

Có phải cây thập giá trong Thánh Kinh chỉ là sự tưởng tượng? Có phải hình ảnh địa ngục trong các tôn giáo đơn giản như Trịnh Sơn nghĩ? Trịnh Sơn có bao giờ đọc các kinh sách của Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo... để thấy hình ảnh về địa ngục phong phú và phức tạp như thế nào không? Euclide nào mà lại nói “Hiện tại thỏa hiệp với Quá khứ và ngược lại”?

Trịnh Sơn: “T.S.Eliot có trường ca NHỮNG KẺ RỖNG TUẾCH. Thi sĩ có biết chính thi sĩ cũng xếp hàng như một con số trong hàng hàng lớp lớp những kẻ tung hô “ Vì Vương quốc là Ngài” không?”

Ai bảo thi phẩm The Hollow Men của T.S. Eliot là “trường ca”? Vì lý do gì Trịnh Sơn lại ghép T.S. Eliot vào hàng hàng lớp lớp những kẻ tung hô “Vì Vương quốc là Ngài”?

Trịnh Sơn: “Tôi nghĩ, chúng ta cũng không thể biết. Cái giá phải trả cho Tưởng Tượng không nhỏ. Đamsan và Đankô. Donkihote và Ba chàng ngự lâm pháo thủ. Thị Mầu và Chí Phèo. Hiện Đại mang màu sắc đặc thù cho từng lớp người qua từng lớp đời sống, nếu có. Như giá cả của một cái computer, năm 90 là một tài sản kếch xù, năm 2000 là một tài sản vừa đủ, và năm 2010 chỉ bằng một cái túi xách. Cái máy tính đem lại gì cho anh, đem lại gì cho tôi? Giá trị thật của nó lại không được quan tâm đúng mực. Lúc này, Tưởng Tượng phát huy hết sức khả năng bành trướng của nó. Bạn sẽ nói: Không có máy tính, tôi không viết được. Tôi thì nói: Không lướt web, tôi lạc hậu với thế giới!”

Đoạn này cho thấy Trịnh Sơn hoàn toàn không hiểu các khái niệm và các thuật ngữ “modernity” và “modernism” trong văn học là gì cả, nên mới đem ra so sánh với cái “hiện đại” của những đồ vật gia dụng. Còn Donkihote là ai? Có phải Trịnh Sơn chỉ nghe lóm cái tên nhân vật Don Quijote (còn gọi là Don Quixote, Don Quichote... trong những ngôn ngữ khác) trong cuốn tiểu thuyết của Cervantes? Nên nhớ chữ Don (đứng trườc tên người) là một danh hiệu để gọi những người quí tộc. Chữ Don không bao giờ dính chùm với tên người theo kiểu “Donkihote”. Điều này chứng tỏ Trịnh Sơn chỉ nghe lóm chứ chưa bao giờ đọc cuốn tiểu thuyết của Cervantes. Vậy mà cũng dám nói bạt mạng!

Trịnh Sơn: “Hậu là gì? Theo ý nghĩa thông thường, Hậu là SAU, là KẾ TIẾP, là DƯỚI. Gom mấy ý niệm này lại, chúng ta có thể cho Hậu một kết quả trung bình: HẬU = KẾ BÊN.”

Tại sao SAU + KẾ TIẾP + DƯỚI lại thành KẾ BÊN? Lý luận kiểu gì vậy?

Trịnh Sơn: “Và, một câu bất hủ của Heraclitus ‘Một dòng sông không ai tắm hai lần’ ...” Rõ ràng là Trịnh Sơn lại nghe lóm, nói liều, vì Heraclitus không hề nói hay viết ra một câu như vậy. Trịnh Sơn nên tra cứu đàng hoàng trước khi viết.

Nhưng nói liều như sau đây thì tột bậc. Trịnh Sơn nói: “Từ các nhà lập pháp (Khổng, Mạnh, Lão, Trang, Phật, Bụt, Quỷ sứ,...) hay tại các nhà cầm quyền hiện tại?”

Lão Tử, Trang Tử và đức Phật là “các nhà lập pháp” ư? Phật và Bụt là hai người khác nhau ư? Quỷ sứ cũng là một “nhà lập pháp” ư? Quỷ sứ là một hình tượng giả tưởng, sao lại đem xếp cùng phạm trù với các danh nhân có thật?

Vân vân và vân vân... Phải nói trình độ liều mạng ở mức này là... hết thuốc.

Tóm lại, đề nghị Trịnh Sơn chịu khó bỏ ra nhiều năm đọc những cuốn sách giáo khoa căn bản về kiến thức và các khái niệm và thuật ngữ văn học, tôn giáo, triết học, lô-gích học... trước khi tham gia bàn luận. Chứ cứ tiếp tục nghe lóm, nói liều, thì các bài bình luận văn học của Trịnh Sơn chỉ có thể mua vui quanh bàn nhậu cho những kẻ say mèm nghe chơi chứ không có một chút giá trị học thuật nào cả. Không lẽ khi một ông Chủ tịch nước dám nói văng mạng “Thánh Gióng về trời vui thú điền viên”, thì các nhà thơ trẻ cũng noi theo gương đó mà nói văng mạng, bất chấp mọi hiểu biết?

 

 

------------------

Bài liên quan:

24.10.2010
[VĂN HOÁ HÔM NAY] ... Triệu chứng thiếu lòng tự trọng, xem thường công chúng, sẵn sàng loè bịp công chúng bất cứ giá nào, đang có nguy cơ lan rộng trong đời sống văn hóa của người Việt nam hôm nay. Từ bản thân một ông Chủ tịch nước cho đến một cô ca sĩ nghiệp dư, từ một ông MC văn nghệ cho tới giới “học giả”, triệu chứng này đang liên tục biểu hiện ra đến mức thậm lố bịch... (...)
 
22.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Thế hệ trẻ Việt Nam đang lớn lên ở đầu thế kỷ 21, hầu hết bị vong thân trong đời sống xô bồ thảm hại của một thứ “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, chỉ còn một số ít là chuộng học thuật, thích tìm hiểu triết lý. Nhưng, than ôi, họ lại chỉ có thể học hỏi bằng cách lượm nhặt những mảnh vụn đây đó và ghép lại thành những hình thù không ra đầu, chẳng ra đuôi, nhập nhằng, lộn xộn... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021