tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vài lời với Thảo Vi  [đối thoại]

 

Đọc xong bài của Thảo Vi, tôi ngao ngán không biết có nên trả lời hay không nữa. Vì đó là một bài viết xuyên tạc, bóp méo sự thật và thiếu căn cứ. Hơn nữa, tôi nghi ngờ tác giả thực của bài viết đó (căn cứ vào giọng điệu có thể thấy đây là Thảo Vi thứ hai chứ chưa hẳn là Thảo Vi mà tôi đã từng đọc bài của anh). Thôi đã viết thì cũng phải viết dăm ba lời dù là gượng ép, để khỏi bị độc giả xem là “im hơi”, “lặng tiếng”.

Thứ nhất, Thảo Vi đã xuyên tạc những vấn đề chung từ “Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam” , và áp đặt cái chung đó cho vấn đề riêng cá nhân tôi trong Lời xin lỗi muộn màng. Đó là sự áp đặt thứ nhất. Nói như Thảo Vi có khác nào bắt một con voi nhốt vào cái lồng chim sẻ? Không hiểu đó là cái loại lý luận gì nữa.

Thứ hai, tôi nói đến việc hạ bệ tượng đài người thầy trong “Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam”, kẻ kém hiểu nhất người ta cũng hiểu tôi đang nói về việc từ bỏ lối giảng dạy một chiều thiên về kinh văn trên giảng đường, cần thiết phải có sự đối thoại giữa người học và người dạy để đi đến cái đích vấn đề. Ấy vậy, Thảo Vi đã gán ghép cái điều tưởng như rất cần ấy, xuyên tạc và buộc tội tôi, cho hành động của tôi là muốn hạ bệ người thầy được nhắc đến trong “Lời xin lỗi muộn màng”. Đó là việc làm thiếu tính hợp lý, thể hiện sự chủ quan hẹp hòi của “Thảo Vi”. Không biết Thảo Vi có ý đồ gì khi viết bài này. Phải chăng, anh cũng muốn nuôi ý định nịnh thầy như chính anh đã nói.

Thứ ba, sự việc về cô bạn sinh viên của tôi. Tôi dám khẳng định 100% là chính xác, tôi còn lưu giữ những tài liệu: băng ghi âm cuộc nói chuyện với thầy phản biện, tin nhắn, và cả một bản phô tô khóa luận đạo văn lần thứ nhất khi cô ta nộp lên khoa. Nhân đây cũng nói rõ là, bản khóa luận chỉnh sửa mới chỉ nộp lên phòng tư liệu khoa ngày 20 tháng 7 năm 2010 (có chữ ký xác nhận của cô ta) gần kề ngày nhận bằng tốt nghiệp 21/7/2010, nghĩa là sau ngày bảo vệ 2 tháng (xét riêng về điều này, cô bạn tôi đã nhận được sự nhân ái hơn hẳn những bạn cùng lớp từ phía thầy giáo hướng dẫn tôi và tập thể cô thầy trong khoa). Thảo Vi muốn đánh lừa độc giả bằng một câu hỏi thách thức, nhưng tôi xin thưa bất kể ai muốn xác nhận và muốn đi đến tận gốc vấn đề, tôi cũng đều chứng minh được một cách thuyết phục. Tôi nghĩ, tôi nhắc sơ qua câu chuyện đạo văn của cô bạn trong “Lời xin lỗi muộn màng”, nhằm mục đích, chỉ ra một phần thực tế trong giáo dục giảng đường của chúng ta mà thôi. Tôi là người luôn tôn sư, một phút làm thầy thì cả đời làm thầy. Nhưng tôi nghĩ, một người học trò tốt không chỉ là một người yêu quý, tôn thờ, và tiếp nhận những điều hay lẽ phải ở thầy, một người học trò tốt cần thiết phải đặt ra những giới hạn của thầy (vì thầy cũng là một con người) để thầy đã đẹp còn đẹp hơn trong mắt học trò. Và đó mới là một người học trò đích thực. Tôi xin thưa, thực trạng hống hách trong các bệnh viện, công sở cũng một phần là vì cách quan niệm về người học trò sai như Thảo Vi.

Thứ tư, Thảo Vi nói:

Tôi không phủ nhận việc học sinh, sinh viên có quyền nói lên tiếng nói của mình, được quyền phản bác lại ý kiến của người thầy. Nhưng lại thiết nghĩ, nó cần phải xuất phát từ cái tâm và cái tầm của học trò, chứ không phải lên một diễn đàn A, một trang xã hội B nào đó để công kích, khích bác và có phần dè bỉu người thầy như cái cách anh đang làm. Có lẽ anh đang mở ra một xu hướng mới cho giáo dục Việt Nam chăng?

Xin thưa, chính anh đã mâu thuẫn với anh. Một, anh nói “Tôi không phủ nhận việc học sinh, sinh viên có quyền nói lên tiếng nói của mình, được quyền phản bác lại ý kiến của người thầy”, vậy thì chẳng lẽ bắt buộc phải phải có “cái tầm của học trò”??? Nghĩa là, học trò phải học ngang thầy, phải đạt chính tông như thầy thì mới được đối thoại với thầy?? Chính lối nghĩ này của anh, mà giáo dục của ta đã trở nên “nghèo nàn” như ngày nay. Anh có nhắc đến cái tâm. Tôi nghĩ, cái tâm nằm ở tình cảm của mình với thầy, yêu thầy, quý thầy chứ không phải cái tâm nằm ở sự “im lặng chết chóc”, thầy nói gì là phải nghe răm rắp, đó chỉ là cách che dấu những giới hạn của một người thầy mà thôi. Tôi nghĩ, các vị phương Tây dám phê phán thầy của mình như cụ Aristotle đối với cụ Plato[1] thì cũng bị coi là “phi-tâm”, “phi-tầm”, là “phi-đạo đức”, là “dè bỉu”, là “trò phản thầy”, là “bị lên án”, là “vô học” ư? Vậy, hẳn cụ Aristotle “vô học” từ lâu rồi???

Thứ năm, Thảo Vi nói:

Anh chỉ vừa kịp đặt dấu chân đầu tiên lên mặt đất sau khi lên khỏi cầu, vậy mà anh lại làm cái việc mà xã hội sẽ lên án: ngang nhiên quay lại rút cầu.

Tôi không rõ, tôi đã “rút cầu”ở chỗ nào trong “Lời xin lỗi muộn màng”. Tôi cũng không biết để cải tạo một cái đầu bảo thủ thì các nhà khoa học phải mất bao nhiêu thời gian nữa. Đặt ra những vấn đề để giáo dục ở ta cần thiết phải thay đổi mà bị quy vào là “rút ván”, “rút cầu” thì quả thực, giáo dục Việt Nam mà còn có những người như Thảo Vi thì không biết đến bao giờ mới tiến bộ, mới sánh cùng các nước anh em, bạn bè khác. Tôi xin thưa, giáo dục Việt Nam thậm tệ như ngày nay là bởi có quá nửa là những người bảo thủ và chậm tiến như Thảo Vi.

Thứ sáu, Thảo Vi nói:

Sự việc anh phản ánh có đúng như anh nói hay không? Cô bạn kia có đúng là đã vi phạm? Vậy đây chính là cái lỗi của những người học trò “biếng học mà vẫn thích điểm cao”. Khi người thầy phát hiện họ sẽ làm gì? Tìm mọi cách triệt hạ học trò à? Vậy nhân cách của người thầy đặt ở đâu? Tôi nghi ngờ chính bản thân anh chứ không phải cô bạn kia là người được hưởng lòng khoan dung của thầy? Bởi tất cả những gì anh đã, đang và sẽ làm là sự xúc xiểm nhân cách nhà giáo. Anh hiểu không?

Xin thưa hai điều: một, Thảo Vi là kẻ từ trên trời rơi xuống đất nên không biết đầu đuôi câu chuyện, cả hội đồng phản biện lý luận của khoa, 1/3 số giảng viên trong khoa, và 70% sinh viên trong lớp biết chuyện đó (không tin, xin hỏi xem), duy chỉ có mỗi Thảo Vi không biết. Thảo Vi không biết chính xác mà lại cứ nhăm nhăm bàn về sự không-hiểu-biết đó, chẳng phải là tệ hại và mù quáng sao? Hai, Thảo Vi là kẻ ngoài cuộc (khác ngành học, nghỉ 1 kỳ sv trong khoa không gặp nhau, hơn nữa chuyện nội bộ người trong cuộc chưa hẳn đã tỏ rõ) mà lại cứ tưởng mình là anh hùng trong cuộc, đi giải phóng sự kiện thì có khác nào cụ Xuân tóc đỏ nhà ta đầu thế kỷ sao? Tôi nghĩ, nếu những tài liệu của tôi được tung ra về chuyện của tôi, lớp tôi thì hẳn lúc đó, con người thật khó gặp mặt được nhau.

Thứ bảy, Thảo Vi nói:

Tôi mong mỏi ở anh hai chữ “dừng lại” cái việc trái với lương tâm này. Việc làm của anh sẽ chẳng được ai ủng hộ. Nếu có, tôi dám cam kết đó chỉ là những “bậc-vĩ-cuồng” như anh đấy thôi.

Xin thưa, anh đã đi quá xa vấn đề và áp đặt cho tôi một thứ chủ nghĩa phát xít vô cùng tệ hại. Anh moi ở đâu cái sự kiện là tôi đang tìm cách ngấm ngầm thực hiện ý đồ “hạ bệ tượng đài người thầy” “ từng giảng dạy, từng hướng dẫn mình của tác giả Ngô Hương Giang” mà bắt tôi phải “dừng lại việc trái với lương tâm này”. Tôi xin thưa, đó là một cách nói xằng, một lời bịa đặt, vô căn cứ. Anh phải chỉ ra, nếu anh muốn chứng minh cho nhận định của mình là hợp lý. Trong “Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam”, tôi có nói rất rõ, “Chúng ta mở ra liên tiếp các cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục. Thế nhưng, cái điều bình dị và giản đơn là “học trò”, chúng ta lại không để ý tới. Đó là sự né tránh đối với hạn chế của chúng ta, hay đó là hành vi xem nhẹ những cá thể học- diễn giải. Học thuật Việt Nam cần phải xem “học trò” như là trung tâm của mọi nhận thức. Đã đến lúc “cái tượng đài về người thầy” vốn từng được xem là trung tâm của mọi vững bền, cần phải được hạ xuống . Điều đó không phải và cũng không nên xem là hành vi thiếu đạo đức, hơn cả, cần xem đó như một giá trị cần phát huy đến đỉnh cao. Người thầy sẽ trở nên cao quý, khi họ tự xem họ là “học trò” của học trò và theo tôi, đó mới là đạo đức, đó mới thể hiện tinh thần học thuật đích thực. Làm được điều ấy, vô hình tự những người thầy đã kêu gọi ở học trò thái độ “đạo đức” lành mạnh, đích thực mà họ trân trọng giành tặng trong “một sự trở về””, vậy thì, việc tôi nêu ra cần thiết được xem như là hướng đi cần thiết để có sự đổi thay (dù là vô cùng nhỏ bé).

Cuối cùng, anh có nhắc đến chuyện một “nhà sáng tạo” đã dày công viết nên ký hiệu N H Gian(g). Tôi nghĩ, chuyện đó chẳng có gì phải bận tâm. Trên 80 triệu dân Việt Nam đâu có thiếu người bị quy thành kí hiệu như vây, ví dụ như Nguyễn (T) Hương Gian(g) [N H Gian(g)], Nguyễn Hoàng Gian(g)… và tên của tôi được người ta dày công, tốn sức viết như vậy cũng là chuyện thường, vì, “cả làng Vũ Đại chứ riêng mình ta đâu”.

Từ những ý trên, tôi nghĩ Thảo Vi nên đọc cả đoạn hoặc cả bài của tôi thì sẽ hợp lý hơn. Chứ, cái cách chia nhỏ rồi dán ghép bừa bãi như anh đang làm, vừa thể hiện anh là con người nhỏ bé, vừa chứng minh anh là một kẻ trục lợi cho một mục đích riêng tư.

Tôi có nghe loáng thoáng về cái tên của anh nhưng chưa gặp anh. Dù sao cũng cám ơn thiện-tình của anh trong bài viết.

 

_________________________

[1]Aristotle từng nói về Plato (đại ý), tôi rất yêu quý thầy tôi, nhưng chân lý còn cao hơn cả. Và sau này nhà nghiên cứu Will Durant đã bình luận về điều đó như sau: “Aristotle có vẻ chống lại tư tưởng của thầy Plato và nhiều khi không đồng ý với Plato. Thái độ này làm Plato rất bất bình coi Aristotle như một đứa con vô ơn” (Câu chuyện triết học, NXB Văn hóa thông tin, 2008, tr. 53). Hẳn rằng, những cá nhân bảo vệ chân lý như Aristotle cũng đều bị coi là những cái “sẽ chẳng được ai ủng hộ. Nếu có …chỉ là những “bậc-vĩ-cuồng” như Thảo Vi đã phát ngôn. Tôi thật thương cho cụ, cụ Aristotle ạ! Vì, việc cụ làm sẽ chẳng ai hiểu đâu, thậm chí, ngài còn bị người ta gọi là “kẻ vĩ cuồng” nữa đó???

 

 

--------------

Bài liên hệ:

12.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Ngô Hương Giang cứ nghe loáng thoáng “ngôn ngữ”, “tiếng nói” là hấp tấp ráp chúng với kiến thức lỗ mỗ của mình, rồi phát ngôn bừa. Không nhìn ra cái hố to đùng ngăn cách hai phạm trù kia thì càng “phản biện” càng chứng tỏ sự... lẩm cẩm “phi vật thể” của mình... (...)
 
11.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Có thể tôi thiển cận, có thể tôi nông cạn nhưng cái cách tri ân với người thầy từng giảng dạy, từng hướng dẫn mình của tác giả Ngô Hương Giang làm tôi thấy khó hiểu. Phải chăng, anh ta đang ngấm ngầm thực hiện ý đồ “hạ bệ tượng đài người thầy” mà anh ta đã nêu lên trong “Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam”... (...)
 
06.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Thưa chị Lý Liên, tôi rất cám ơn chị đã bỏ thời gian đọc bài tôi viết. Tôi xin trả lời chị về một số điểm sau... (...)
 
04.08.2010
[GIÁO DỤC] ... “Hữu thể” (Dasein, Being) của Heidegger thì có gì liên quan với “nước ta” của Phạm Quỳnh hay “dân tộc” của Hương Giang nhỉ? Tôi không thể hiểu nổi. Hồ Chí Minh thì có gì liên quan tới Thích Ca, Jesus cơ chứ? Hay cứ là “danh nhân” thì có thể thoải mái ghép họ vào một chỗ được?... (...)
 
03.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Xin thưa, có cái tượng đài đó hay không? Nên hạ hay tiếp tục giữ vững? Tôi xin gửi nơi bạn đọc tự phán xét. Về phần tôi, tôi im lặng (ít nhất là giây phút này). Còn quá nhiều những hiểu lầm nữa, tôi không những không có thời giờ, mà còn không muốn bàn tiếp về những điều bắt bẻ phi lý như trên của TT Đông Ba... (...)
 
02.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Cái loại “học thuật” của Ngô Hương Giang như thế mà đòi hạ “cái tượng đài về người thầy” ư? Nhưng làm gì có “cái tượng đài về người thầy” trên đất nước này để mà hạ xuống? Trên đất nước này, các tượng đài chỉ dành cho những kẻ giết thầy, chôn sống thầy mà thôi... (...)
 
31.07.2010
[GIÁO DỤC] ... Chúng ta mở ra liên tiếp các cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục. Thế nhưng, cái điều bình dị và giản đơn là “học trò”, chúng ta lại không để ý tới. Đó là sự né tránh đối với hạn chế của chúng ta, hay đó là hành vi xem nhẹ những cá thể học diễn giải. Học thuật Việt Nam cần phải xem “học trò” như là trung tâm của mọi nhận thức. Đã đến lúc “cái tượng đài về người thầy” vốn từng được xem là trung tâm của mọi sự vững bền, cần phải được hạ xuống... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021