tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam  [đối thoại]

 

Ngày hôm nay, khi chúng ta đang đứng đây, theo dõi và suy tư về cuộc sống, suy tư về những hiện tượng có hướng đe dọa tới sự tồn vong của chúng ta, với những tụt hậu mà gần một thế kỷ qua, người Việt Nam vẫn sống trong ảo tưởng của chính mình. Tôi muốn nói đến những giới hạn của lịch sử nhận thức, điều chúng ta vẫn xem là hiện thực, là sự đi lên của tri thức. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm khắc nhìn lại “ảo ảnh” đó của tư duy.

Nhiều học giả đã trăn trở và nghiệm xét, để rồi đi vào bế tắc của chính mình với nghi vấn đeo đuổi từ thế hệ này đến thế hệ khác: bao giờ Việt Nam có giải Nobel? Bao giờ Việt Nam có những tên tuổi ghi dấu ấn trong lịch sử nhận thức nhân loại? Nói đến điều này, không có nghĩa, chúng ta xem nhẹ dân tộc, lại càng không có nghĩa, chúng ta tự ti về học thuật của mình, cũng chẳng phải là đảo ngược lại quan điểm bảo thủ vốn được biện minh cho tình trạng xuất phát điểm của chúng ta. Tôi muốn nói đến điểm yếu, mà vì nó, chúng ta đã để tuột những ý tưởng độc đáo. Điểm yếu ấy nằm ở tinh thần thiếu phê phán và nhuốm sắc thái chính trị hơn là sự cởi mở của học thuật. Điều đó không phải là chúng ta chưa nghĩ đến, có điều nghĩ đến rồi lại hồn nhiên để nó trôi tuột theo thái độ “an phận thủ thường”.

Phải nói, người Việt Nam có phẩm tính khoa học không thua kém dân tộc nào trên thế giới, duy chỉ có điều, chúng ta chưa thực sự khơi dậy tiềm năng đó, có nghĩa, bốn ngàn năm nay, người Việt vẫn trăn trở trong việc kiếm tìm mảnh đất neo đậu tư duy của mình. Đầu thế kỷ, Phạm Quỳnh là người dám mạnh dạn phát ngôn cho chân lý giản đơn, “tiếng việt còn thì dân tộc còn”, sau này chúng ta bắt gặp luận điểm quan trọng đó trong triết thuyết của Heidegger. Heidegger đã nói, “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”. Hãy đặt hai mệnh đề trên từ phía hai nhà tư tưởng, ở hai bán cầu, chúng ta sẽ thấy, về mặt tư tưởng, nhận thức của hai ông có chung nhau đáng kể. Cả hai mệnh đề đều toát lên điểm chung, ngôn ngữ là thứ không thể hòa tan, nhưng có khả năng diễn tả hữu thể thông qua quá trình giao thoa, nó khẳng định cái bất khả phân rã giữa các nền văn hóa. Đó là điều đáng tự hào của chúng ta. Phạm Quỳnh chưa thể trở thành triết gia, theo tôi có nhiều nguyên nhân, song xuyên suốt nhất vẫn là cái bản tính “nệ cổ”, vẫn là thiếu đi cái tinh thần hoài nghi triệt để, vẫn là tinh thần phê phán mang thái chủ quan dân tộc hơn là sự bình đẳng học thuật. Nói điều đó, không phải tôi phê phán Phạm Quỳnh, càng không phải là tôi chê cái “tập quán” học thuật người Việt ta. Vượt lên hẳn điều đó, là thái độ muốn nhìn thẳng vào những “điểm yếu” của chúng ta, với mong muốn “vớt lại” chút ít những gì còn có thể tiếp tục phát huy, làm chậm bớt bước tiến về phía cuối chân trời “hư ảo” của lối tư duy cổ hủ, mong sao còn cứu chuộc lại xu thế cáo lui của học thuật Việt. Tôi xin đi vào ba ý chính: nguyên nhân tại sao học thuật chúng ta chưa có sức bứt phá? Thứ hai, chúng ta dự báo gì cho viễn cảnh học thuật nước nhà? Cuối cùng, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn xu hướng cáo chung ấy của nhận thức học thuật Việt Nam?

 

Tại sao học thuật chúng ta chưa có sức bứt phá?

Trên thị trường sách của chúng ta đã cho ấn hành hàng loạt những ấn phẩm mang dòng chữ “Triết học giáo dục” hoặc những loại sách tương tự như thế. Song cái chính, những sách đó chưa thực sự nằm trong ý thức thường trực đối với đổi thay về phương pháp giáo dục trong nhà trường, đặc biệt là trường đại học. Chúng có thể dễ dàng bắt gặp thái độ “độc tôn” học thuật một chiều trong nhà trường. Không phải ở ta không có tinh thần cầu thị triệt để trong học thuật, cái chính là, lối giảng dạy của chúng ta thiên về “đạo đức” hơn là về “phát kiến”. Đạo đức giảng đường không nằm trong hiện thực phản ánh của nó, bao năm, nó vẫn ứ đọng trong lối quan niệm riêng, đậm chất bảo thủ của người dạy. Cái thái độ “mình là tất cả” của người đứng trên giảng đường không cho phép những diễn giả hậu bối ngồi dưới có khoảng “mở” cho sự nghi vấn. Sinh viên cứ chép bài và học những gì đã ghi chép, mà dường như thể, những điều ngoài lề với lối ghi chép ấy không trở thành vấn đề bận tâm của họ. Ở ta, ít thấy xuất hiện thường xuyên sự tranh cãi đến đỏ mặt giữa giáo viên và học sinh, chưa thấy, tinh thần “chân lý” cao hơn hiện thực đạo đức. Chúng ta vẫn nghiễm nhiên cho rằng “tranh luận” của người học trò về nghi vấn với thầy là thể hiện thái độ thiếu đạo đức, là bị quy là “trò cãi thầy”, đó là nguyên nhân làm tan biến nhiều kiến giải giá trị. Chúng ta nên nhớ rằng, thiên tài không nằm trong tính tự thân của cá thể, nó nằm trong sự tương liên giữa môi trường giáo dục với cái phẩm tính “trời cho”. Vì vậy, thiên tài san đều cho mọi nơi trên trái đất. Vậy, chẳng có cớ gì, chúng ta không tự hào về sự hiện diện của mình ngày hôm nay. Đã đến lúc, “hoài nghi và hoài nghi tất cả” cần phải được trân trọng và hiện hữu trong tinh thần người học. Đã đến lúc, họ cần được xem như là trung tâm của mọi kiến giải trong học đường. Đó là lối mở duy nhất cho sự bung phá chống lại những quan niệm lạc hậu – lối quan niệm thể hiện thái độ chuyên quyền trong giáo dục, vốn đã thành rãnh bao năm nay. Cần phải có tinh thần giải thiêng nghiêm túc cho nhận thức.

 

Chúng ta dự báo gì cho viễn cảnh học thuật nước nhà?

Cần phải có cuộc đổi thay khẩn thiết. Viễn cảnh học thuật nước nhà sẽ là gì đây, nếu như nó không khơi được tinh thần phá cách triệt để như tiền bối chúng ta đã từng làm đầu thế kỷ. Nghiệm xét, chúng ta thấy, gần một thế kỷ nay, học thuật của chúng ta đã đi ngược lại xu hướng phát triển, xu hướng lẽ ra tất yếu sẽ trở thành chân lý của tồn tại. Không có gì để biện minh cho sự xuống dốc về học thuật gần đây. Chúng ta vô tình đã tự loại mình ra khỏi quy luật phát triển của nó. Chúng ta đã có cái nền khá vững đầu thế kỷ, vậy thì sự phát triển giai đoạn sau của nó, phải là tất yếu. Vậy mà, cái quy luật ấy dường như đã “chối từ” chúng ta một cách “phi lý do”. Học thuật ở ta giờ đây “chỉ là đốm sáng nơi cuối trời” so với đầu thế kỷ. Chúng ta hờ hững với nó, hoặc thảng chỉ xem nó như là công cụ để kiếm sống. Đó là thái độ “phủi tay” trước học thuật, một sự xem nhẹ với “tinh thần cầu tiến” và theo tôi, nếu có một xét đoán đạo đức ở đây, thì thái độ đó nên được xem là sự phi đạo đức. Đạo đức trong trường hợp này không nằm trong sự áp đặt truyền thống, với những “tập quán” có hướng làm nghèo trí tuệ. Đạo đức cần phải đi từ hiện thực và cần được điều chỉnh từ hiện thực ấy. Học thuật Việt Nam sẽ còn xuống dốc và trượt dài một cách đáng sợ hơn, nếu chúng ta vẫn còn giữ cái thái độ không phù hợp đó.

 

Cần phải làm gì để ngăn chặn xu hướng cáo chung ấy của nhận thức học thuật Việt Nam?

Giải thiêng và giải thiêng tất cả. Hoài nghi và hoài nghi tất cả. Đó là những yêu cầu khẩn thiết phải được tồn tại trong mỗi cá nhân diễn giải. Ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến một Trụng Quốc hùng mạnh, không phải là cái nhìn về Trung Hoa cũ. Ngay cả người Trung Hoa, họ cũng sẵn sàng vứt bỏ cái quá khứ hùng mạnh không còn hợp thời với một Trung Quốc hiện đại. Giáo dục của họ là thứ giáo dục hàn lâm, nơi mà những “kiến giải” được tôn trọng, nơi mà “những cá tính” được phát huy. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự đổi thay. Điều ấy không phải là sự so sánh khập khiễng, đó là sự thực tất yếu của quy luật nhận thức. Phương Tây phát triển như ngày hôm nay là bởi, họ cho phép người học trò có quyền “làm thầy” của những giáo sư. Điều này không phải là sự cách mạng hóa về nhận thức, mà là nhân loại đã biết đi đúng đường của các cố nhân xưa đã từng vạch ra. Trí thức phương tây là những người biết dụng điển tư tưởng trước chúng ta một chặng đường dài. Điều đáng buồn là, phương Đông đã “đi sớm” nhưng lại “về muộn” hơn phương Tây. Chỉ nói riêng về điều trên, chúng ta cũng có đủ cơ sở để biện minh cho lý lẽ ấy. Khổng Tử từng nói, trong ba người đi với ta, ắt sẽ có một người làm thầy. Chúng ta giảng lý lẽ ấy thao thao bất tuyệt như một thứ kinh điển sống, song cái giá trị của nó lại “vô tình” bị chúng ta đẩy vào quên lãng. Đó là thái độ giả dối của lịch sử giáo dục. Khổng Tử nói về việc cầu thị tri thức như sự dàn trải bình đẳng về tư tưởng. Trong số ba người ông nói, ai cũng đều có thể làm thầy và ai cũng đều nhận mình là trò. Đó là sự “sòng phẳng” học thuật. Vậy mà, cái chân lý tưởng như hằng thường trên giảng đường ấy lại trở thành “mặt nạ” dùng để che đậy những giới hạn của nhận thức và cũng là dùng để che đậy cái bản tính “chuyên quyền” trong nhận thức người thầy ở ta hiện nay. Đã đến lúc cần trả về lịch sử cái giá trị nguyên thủy của nó.

Chúng ta mở ra liên tiếp các cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục. Thế nhưng, cái điều bình dị và giản đơn là “học trò”, chúng ta lại không để ý tới. Đó là sự né tránh đối với hạn chế của chúng ta, hay đó là hành vi xem nhẹ những cá thể học diễn giải. Học thuật Việt Nam cần phải xem “học trò” như là trung tâm của mọi nhận thức. Đã đến lúc “cái tượng đài về người thầy” vốn từng được xem là trung tâm của mọi vững bền, cần phải được hạ xuống. Điều đó không phải và cũng không nên xem là hành vi thiếu đạo đức, hơn cả, cần xem đó như là giá trị cần phát huy đến đỉnh cao. Người thầy sẽ trở nên cao quý, khi họ tự xem họ là “học trò” của học trò và theo tôi, đó mới là đạo đức, đó mới thể hiện tinh thần học thuật đích thực. Làm được điều ấy, vô hình tự những người thầy đã kêu gọi ở học trò thái độ “đạo đức” lành mạnh, đích thực mà họ trân trọng dành tặng trong “một sự trở về”.

Tôi nghĩ, hẳn những điều trên là cảnh tỉnh cần thiết đối với học thuật Việt Nam hiện nay. Chúng ta không nên làm “to tát” vấn đề, để nó đi vào những biến thái cực đoan tư tưởng. Cần phải đổi thay và đổi thay khẩn thiết.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021